Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ.

Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thực trạng ngành logistics Việt Nam

Thông tin chung về ngành logistics Việt Nam

Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 DN trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Hiện nay, 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14-16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU, do vậy, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là rất lớn. Trong tương lai không xa, dịch vụ cung cấp logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước.

Hình 1: Kim ngạch, tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại  trong 9 tháng đầu năm, giai đoạn 2011-2019

Về quy mô nhân lực tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động có 41,4% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ với số lao động dưới 5 người; 53,74% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 50 lao động; 4,12% số doanh nghiệp có quy mô vừa, dưới 300 lao động. Số doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 0,7%.

Hình 2: Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics theo quy mô lao động

Theo số liệu thống kê cho thấy, lao động làm việc tại các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống chiếm tỷ trọng cao nhất với 60,1% tổng số lao động đang làm việc trong ngành logistics. Tiếp đó là lao động trong lĩnh vực kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (32,51%); vận tải đường thủy (5,06%); bưu chính và chuyển phát (2,31%). Lao động trong lĩnh vực vận tải hàng không chiếm tỷ trọng thấp nhất là 0,02%.

Hình 3: Tỷ trọng lao động làm việc theo các loại hình dịch vụ logistics

Về hoạt động đào tạo tại các doanh nghiệp logistics

Tự đào tạo vẫn là hình thức phổ biến trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay. Do khó tìm được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có. Các hình thức tự đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay bao gồm: Huấn luyện nhân viên tại chỗ, đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới (74,6%), các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng (62,7%) và mời chuyên gia về đào tạo tại doanh nghiệp (44,1%). Cử nhân lực logistics tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn bên ngoài doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng lên (với tương ứng 35,6% và 47,5% số doanh nghiệp lựa chọn) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động logistics tại doanh nghiệp.

Hình 4:  Các loại hình đào tạo nhân lực logistics phổ biến tại doanh nghiệp Việt Nam

Những thách thức trong chuyển đổi số ngành logistics

Ngành logistics Việt Nam có cơ hội phát triển rất lớn. Đồng thời, chuyển đổi số cũng là yêu cầu khách quan và cấp thiết đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics. Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường XNK, logistics trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang gặp phải những rào cản nhất định như sau:

Thứ nhất, chưa có chiến lược phát triển nhân lực dài hạn: Các doanh nghiệp logistics đa phần chưa xây dựng cho mình chiến lược phát triển nhân lực dài hạn, thiếu tính chủ động trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực logistics. Điều này biểu hiện ở việc các doanh nghiệp chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài mà thường chỉ tuyển dụng khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhân lực trước mắt; Quy trình đào tạo và phát triển nhân lực chưa bài bản, chuyên nghiệp. Do vậy, nhân lực ngành logistics thiếu động lực và cam kết với tổ chức khi gặp khủng hoảng, ảnh hướng đến chiến lược phát triển dài hạn của tổ chức.

Thứ hai, nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng:  Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về chất lượng nhân lực logistics cho thấy, 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam cho biết, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics, hiện hàng ngàn doanh nghiệp đang rất lúng túng khi tìm kiếm lao động làm trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy nguồn nhân lực logistics có chất lượng quá thấp.

Thứ ba, tâm lý chưa sẵn sàng và thói quen ngại thay đổi: Ở Việt Nam hiện mới có 17 loại hình dịch vụ logistics đang được các doanh nghiệp trong ngành cung cấp ở mức độ khác nhau. Các phần mềm quốc tế chưa được ứng dụng nhiều nên có ứng dụng cũng không phù hợp. Đông thời, tâm lý chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số (tính bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán) và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Thứ tư, thiếu sự chủ động và đồng bộ trong chuyển đổi số: Việt Nam mới đang ở quá trình ban đầu xây dựng nền móng cho chuyển đổi số, bởi nó là quá trình chuẩn bị toàn diện. Trong khi đó, doanh nghiệp hiện mới chỉ đang ở bước đưa công nghệ vào một cách thụ động, thay vì chủ động. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi mua công nghệ về áp dụng làm cho hệ thống trì trệ, ách tắc do đội ngũ nhân sự chưa sẵn sàng hoặc không theo kịp sự thay đổi của công nghệ.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp

Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là nền tảng. Các doanh nghiệp logistics cần có chính sách đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự, phát huy được sức mạnh của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp một cách tối ưu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên trên các lĩnh vực như: Trình độ, giới tính, trình độ đào tạo; xây dựng trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho người lao động. Đồng thời, bố trí sử dụng nguồn nhân lực vào các phòng chuyên môn theo đúng ngành nghề đào tạo và phù hợp với năng lực của người lao động;

Hai là, phát triển trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động logistics: Nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tạo điều kiện cho người lao động học tập, làm việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan; xác định rõ mục tiêu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo…

Ba là, nâng cao nhận thức người lao động: Xuất phát từ nhu cầu phải nâng cao nhận thức của người lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển của DN, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức được thể hiện qua thái độ tích cực, hành vi đúng đắn với công việc và các quan hệ xã hội khác.

Bốn là, tạo động lực thúc đẩy người lao động: Tạo động lực thúc đẩy để đạt được sự hoạt động tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong công việc. Đồng thời, người lao động sẽ cam kết với công việc, gắn bó lâu dài với tổ chức.

Chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi đồng bộ từ hệ thống, văn hóa doanh nghiệp, nguồn nhân lực đến công nghệ. Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố phải được thay đổi và nâng cấp đầu tiên, trước khi có sự đổi mới về công nghệ. Ngành logistics là ngành dịch vụ đòi hỏi sự đồng bộ và yêu cầu cao về chất lượng. Chính vì vậy, năng lực và kỹ năng của đội ngũ nhân sự cần được đào tạo và trang bị đầy đủ mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần phải nhìn nhận đúng đắn, coi đó chính là cuộc tái cơ cấu tổ chức, thay đổi tư duy, thói quen làm việc cho đến văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển đội ngũ nhân lực và quản trị hiệu quả nguồn nhân lực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất lao động và phát triển bền vững.

OD CLICK tổng hợp

 Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo logistics Việt Nam năm 2019
  2. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-logistics-viet-nam-310729.html
  3. https://www.vla.com.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-dich-vu-logistics-viet-nam.html
  4. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-nganh-dich-vu-logistics-tai-viet-nam-306129.html
  5. https://cuocsongantoan.vn/thieu-hut-nghiem-trong-nguon-nhan-luc-nganh-dich-vu-logistics-52840.html
  6. http://www.atmglobaltrans.com.vn/tin-tuc/news-event/co-hoi-thach-thuc-cho-nganh-logistics-viet-nam-truoc-nguong-cua-hoi-nhap-sau-759.html
error: Nội dung đã khóa !!