1. Sự phát triển của bệnh viện tư, cơ hội và thách thức:

 Đầu tư tư nhân hiện đang được đẩy mạnh trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội, khoa học – kỹ thuật, và một trong những ngành cấp thiết hàng đầu hiện nay cũng đang được các nhà đầu tư tư nhân để ý đến đó là Y tế. Mọi lĩnh vực hoạt động của ngành y tế từ cung ứng thuốc, sản xuất trang thiết bị, dụng cụ đến các dịch vụ như khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe,… đều được khuyến khích đầu tư tư nhân. Sau hơn 9 năm thi hành Luật khám, chữa bệnh, y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô lẫn số lượng. Vào năm 2011, nước ta chỉ có hơn 100 bệnh viện tư nhân và bán công với gần 6.000 giường bệnh thì tới tháng 12/2019, đã có tới hơn 248 bệnh viện tư nhân với hơn 21.000 phòng khám chuyên khoa trên cả nước. 

Những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển hệ thống y tế, cho phép hợp tác công – tư để kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe. Và dự kiến sẽ được nghiên cứu để thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn trong tương lai. Theo đánh giá từ Bộ Y Tế, những năm qua, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch đầu tư mới Bệnh viện có quy mô lớn, tại một số tỉnh thành đã có bệnh viện quốc tế do tư nhân đầu tư. Bệnh viện Quốc tế tư nhân đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các gia đình có điều kiện kinh tế bởi dịch vụ đạt chất lượng cao và có sự chăm sóc tận tâm. Hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh hay nhiều tỉnh thành khác đều có những bệnh viện quốc tế đã tồn tại và phát triển lâu dài, ví dụ như: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Hà Nội), Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội – Hồ Chí Minh), Bệnh viện Hoàn Mỹ (Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa An Sinh (Hồ Chí Minh), Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng),… Nhờ có sự phát triển của hệ thống bệnh viện tư nhân, nhân dân đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời giảm tải được một phần sức nặng của hệ thống bệnh viện công. Song song với đó, việc phát triển hệ thống y tế tư làm phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở công – tư, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, bệnh viện tư nhân đã được nhân dân tin tưởng và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh nhiều hơn. Dự đoán trong tương lai, đây sẽ là hệ thống phát triển ngang tầm với hệ thống bệnh viện công và là một trong những ngành đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước.

Hình ảnh bệnh viện Vinmec Times City (Hà Nội)

Hình ảnh: Một trong những phòng lưu viện đầy đủ tiện nghi của Bệnh viện Việt-Pháp (Hà Nội)

Tuy nhiên, dù đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hệ thống bệnh viện tư vẫn chưa thực sự bứt phá để có quy mô và chất lượng tương xứng với tiềm năng xã hội. Hệ thống vẫn còn tồn tại những bất cập khiến nhiều bệnh viện tư lâm vào cảnh “lao đao”. Một trong những nguyên nhân đầu tiên chủ yếu vì sự đòi hỏi khắt khe về kỹ năng chuyên môn. Người có đủ chuyên môn còn cần có đủ chứng chỉ và giấy phép hoạt động, đặc biệt phải chịu sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ về quy trình chuyên môn của các cơ quan chức năng. Hầu hết, nguồn nhân lực chất lượng trong hệ thống y tế thường lựa chọn làm việc tại cơ sở y tế công hơn là tại các cơ sở tư nhân. Vì vậy, dù được đầu tư nhiều cơ sở vật chất hiện đại tối tân, nhiều bệnh viện tư nhân vẫn chưa tạo được tiếng tăm thương hiệu cho riêng mình.

Thứ hai, chi phí điều trị của bệnh viện tư nhân cũng đang là trở ngại trong việc thu hút người dân chọn lựa khám chữa bệnh tại bệnh viện tư. Theo thống kê từ báo Dân Trí, số bệnh viện tư có công suất sử dụng giường bệnh chỉ chiếm 60-85%; tỷ lệ khám chữa bệnh của bệnh nhân tư nhân còn thấp, chỉ chiếm gần 7% bệnh nhân điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú. Những bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện tư nhân là những người có điều kiện kinh tế. Với tần suất khám bệnh đó, nhiều bệnh viện tư đang trong tình cảnh thu không đủ bù chi. 

 Để có thể phát triển bứt phá hơn nữa, các cơ sở y tế tư nhân cần thực sự chú tâm vào đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự, cập nhật kiến thức và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến giữa các cán bộ y tế. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm, hiện ngành y tế đang phải đối mặt với những thách thức trong đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới chất lượng bệnh viện. Nếu lãnh đạo các bệnh viện chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý, bệnh viện sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân và đội ngũ nhân viên có năng lực, đặc biệt khi chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến huyện, bệnh nhân có quyền lựa chọn bệnh viện tốt hơn để khám, chữa bệnh.

2. Quản trị nhân lực bệnh viện tư: nhân lực chuyên môn, nhân lực hỗ trợ:

 Dù hệ thống y tế tư nhân đã và đang cung cấp những dịch vụ tốt và hiện đại cho người dân, nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt được tình trạng người dân lo lắng về chất lượng chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ. Theo BS. Võ Xuân Sơn của Phòng Khám Quốc Tế EXSON, một người đã từng chuyển công tác từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, có nói về thái độ người dân đối với bác sĩ tư nhân: “Nhiều người nói, rằng ra tư nhân hay bị bệnh nhân coi thường. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một số bệnh nhân không tin tưởng chúng tôi do chúng tôi là tư nhân, họ luôn ở thế phòng thủ và sẵn sàng “xù lông nhím” mỗi khi cảm thấy có gì đó không ổn. So với khi còn ở trong bệnh viện công lập, tôi được tôn trọng và yêu quý hơn”. Nguyên nhân bắt nguồn từ vấn đề một số cán bộ y tế có đạo đức nghề nghiệp chưa chuẩn mực làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Trên thực tế, khi nhắc tới hệ thống bệnh viện tư nhân hóa, nhiều nơi vẫn còn thực trạng đội ngũ chuyên môn chưa được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị đẩy tăng chi phí khám chữa bệnh so với thực tế. Không chỉ nhằm mục đích tư lợi cá nhân, việc tăng chi phí khám của bệnh nhân, tăng doanh thu cho bệnh viện sẽ giúp đội ngũ chuyên môn được hưởng “hoa hồng” từ những nhà đầu tư của bệnh viện. Mặt khác, nhiều y bác sĩ chấp nhận cung cấp những dịch vụ khám sức khỏe với giá rẻ để thu hút khách hàng, không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh khiến niềm tin của khách hàng đối với bệnh viện tư bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Qua đây, có thể thấy, để có được lòng tin của người dân, bệnh viện tư cần được quản trị chặt chẽ hơn nữa cả về đội ngũ quản lý, đội ngũ chuyên môn và đội ngũ nhân viên hỗ trợ.

Tuy còn nhiều điểm cần khắc phục trong hệ thống, chất lượng quản trị tại bệnh viện tư nhân cũng đã có nhiều khởi sắc trong những năm qua khi đội ngũ quản trị vẫn luôn nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về cả trí tuệ lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Để thực hiện được điều đó, ngành y tế đang đứng trước thách thức to lớn về vấn đề nhân lực: đào tạo sao cho đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; sử dụng sao cho hợp lý, có sự điều tiết trong ngành để bảo đảm phát triển đồng bộ và toàn diện tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn và quản lý. Hạn chế tối đa thực trạng nguồn nhân lực y tế được đào tạo nhưng không thực hành đúng nghề, dẫn đến mai một và lãng phí như dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp ra trường làm trình dược viên thay vì làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, phòng kiểm nghiệm. Đặc biệt, xu thế chuyển môi trường làm việc từ bệnh viện công sang bệnh viện tư đang trở nên ngày một phổ biến hơn, mở ra cơ hội phát triển cho hệ thống viện tư. Cần phải điều chỉnh cơ chế chính sách để thực sự thu hút và trọng dụng nhân tài, tôn trọng trí thức, phát huy tính năng động sáng tạo, chú trọng đánh giá cán bộ theo hiệu quả công việc và nhiệt tình công tác.

3. Tư duy nguồn vốn nhân lực:

Nguồn nhân lực vẫn luôn là nguồn lực quan trọng và là yếu tố quyết định trong sự thành công của mỗi ngành. Ngành Y tế là ngành mang tính chất đặc thù, và liên quan gần nhất tới tính mạng và sức khỏe con người. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực y tế có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. 

Trong thời kỳ bệnh viện tư đang cạnh tranh cùng bệnh viện công về mặt chất lượng và quy mô, bên cạnh những công nghệ hiện đại, quy trình nghiệp vụ và hệ thống quản trị của bệnh viện tư. Các nhà lãnh đạo còn cần tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực tạo nên sự khác biệt trong trải nghiệm dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân để đẩy mạnh vị thế hệ thống y tế tư nhân trên thị trường.

Theo đó, có thế phân chia nguồn nhân lực trong hệ thống y tế tư nhân theo 03 nhóm để thuận tiện hơn trong định hướng phát triển: Nhóm quản lý, nhóm nhân viên và nhóm chuyên môn, bác sĩ.

 Đối với đội ngũ lãnh đạo trong bệnh viện tư, nếu người quản lý không có đủ năng lực và kiểm soát chặt chẽ tổ chức, thì có thể dẫn tới sự lạm dụng trong dịch vụ và mất uy tín đối với khách hàng. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, nhóm quản lý còn cần kinh nghiệm quản trị chặt chẽ trong hệ thống. Nâng cao thái độ trong công việc, thể hiện sự nhiệt tình và tích cực đối với nhân sự. Để làm được điều này, nhóm quản trị cần được trang bị thêm kỹ năng nhân sự như tạo động lực, giao tiếp chuyên nghiệp, huấn luyện và phản hồi tích cực tới nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để củng cố quản trị chất lượng dịch vụ.

Đối với nhóm chuyên môn và bác sĩ, trong thời gian ngắn hạn, nhà quản trị vẫn cần lưu ý về việc tạo điều kiện và môi trường làm việc sao cho thu hút bác sĩ tại bệnh viện công, chú ý tới cả những bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng dày dạn tri thức và kinh nghiệm. Trong dài hạn, đội ngũ chuyên môn cần được chú trọng phát triển, và nhấn mạnh vào đội ngũ chuyên môn tài năng và trung thành để tạo nên thương hiệu chuyên môn riêng cho tổ chức.

Cuối cùng, nhóm nhân viên – nhóm thường xuyên trực tiếp giao tiếp những vấn đề của khách hàng cần được trang bị những kỹ năng như chăm sóc khách hàng và giao tiếp hiệu quả, từ đó có thể nắm rõ được nhu cầu khách hàng. Đặc biệt cần chú trọng tới kỹ năng giải quyết phàn nàn, phối hợp với đồng đội để có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, hình thành quy trình làm việc trơn tru và hiệu quả.

 Thông qua những chiến lược trên, có thể tạo ra đội ngũ nhân viên đồng đều về cả kỹ năng và nghiệp vụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhân tài về cho tổ chức. Đào tạo đội ngũ chất lượng sẽ là nền tảng cốt lõi để các cơ sở y tế xây dựng uy tín trên thị trường và có khả năng thích ứng với tốc độ thay đổi của xã hội và nhu cầu khách hàng.

 Những yếu tố trên cũng là quan điểm xuyên suốt của OD CLICK về đào tạo nguồn nhân lực. Dựa theo kiến thức của đội ngũ chuyên gia giàu tri thức và kinh nghiệm thực tế, OD CLICK đã xây dựng mô hình tư vấn quản trị nhân lực mang tính khái quát và khoa học nhất cho các doanh nghiệp tham khảo. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn những kiến thức phù hợp để áp dụng cho tổ chức của mình.

Nguồn tham khảo: 

  1. http://special.vietnamplus.vn/benh-vien-tu-nhan
  2. http://exson.com.vn/duoc-va-mat-gi-khi-bo-benh-vien-cong-ra-tu-nhan/
  3. https://bvhungvuong.vn/doan-the/dau-tu-nhan-luc-cho-nganh-y-te
  4. https://dantri.com.vn/suc-khoe/thay-thuoc-lao-thanh-lo-ngai-truoc-thuc-trang-nganh-y-20160224221033615.htm
  5. https://enternews.vn/hiep-hoi-benh-vien-tu-nhan-viet-nam-cau-noi-giua-thuc-te-va-chinh-sach-146636.html
  6. https://123doc.net/document/5216709-phat-trien-nguon-nhan-luc-tai-benh-vien-lao-khoa-trung-uong.htm

 

error: Nội dung đã khóa !!