THÁCH THỨC NHÂN SỰ TRONG NGÀNH BẢO HIỂM

Theo thời báo tài chính, năm 2018 thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng  gần 33%, một con số rất ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Bảo hiểm là một trong những  lĩnh vực kinh doanh tài chính đã phát triển từ lâu đời trên thế giới. Thực tế hoạt động kinh doanh của ngành này trong thời gian qua đã cho thấy sự lớn mạnh không ngừng và tiềm năng phát triển trong tương lai. Nhóm phân tích của RongViet securities  cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang được đánh giá là rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn cầu do tỷ lệ xâm nhập thấp, tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây và tiềm năng tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo tăng 6-6,2%/năm trong ít nhất 5 năm tới (theo OECD – Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).

Thách thức nhân sự và cạnh tranh nguồn nhân lực

Sự phát triển đi kèm theo đó là yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhân lực đang là một điểm yếu của ngành bảo hiểm Việt Nam.  Nhân sự trong các công ty bảo hiểm Việt Nam có thể nói là thay đổi từng ngày, kể cả các “đại gia” lớn như Bảo hiểm Bảo Việt hay AIA Việt Nam. Theo thống kê của hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, có đến 80% các đại lý bảo hiểm bỏ việc từ năm đầu tiên.

Nguyên nhân đến từ việc không có lương cố định, mức lương khởi điểm không cao như các ngành tài chính-ngân hàng, chứng khoán, không được hưởng các phúc lợi xã hội từ công ty ngoài tiền hoa hồng bán bảo hiểm. Vì không có cơ chế chính sách ổn định nên sự ra đi hay “nhảy việc” là điều dễ hiểu bởi không có bất cứ sự ràng buộc nào từ 2 bên.

Theo một khảo sát của Vietnam Report, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm (78,6% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều”), bởi theo phản hồi của nhiều khách hàng đang tham gia bảo hiểm, việc tư vấn để khách hàng hiểu đúng và đủ về hợp đồng bảo hiểm còn nhiều hạn chế.

Nguồn: Vietnam Report

Dự báo ngành bảo hiểm trong tương lai sẽ tiếp tục có những bước tiến đáng kể. Nhận định về thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019, ông Trần Vĩnh Đức – quyền chủ tịch hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phát biểu: “Năm 2019 nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao, dự kiến GDP tăng 6,8%-7%. Nhu cầu về bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng, người dân và các tổ chức kinh tế ngày càng quan tâm hơn đến bảo hiểm. Chúng ta tin tưởng rằng thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó lĩnh vực BHNT sẽ tăng trưởng trên 25%”. Và với những tín hiệu phát triển mạnh mẽ của ngành này thì đây là một con số khá khả quan.

Do đó trong thời gian tới, để thu hút nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nhân sự, các công ty bảo hiểm cũng cần lưu ý một số điểm sau: 

Thứ nhất, Xây dựng sự cam kết với công việc và mục tiêu bằng niềm tin và sự thấu hiểu ý nghĩa công việc với nhân viên. 

Phần lớn đội ngũ đại lý bảo hiểm chưa coi đại lý bảo hiểm là nghề nghiệp chính, chỉ hoạt động bán thời gian, bởi vậy việc dành xây dựng cam kết và mục tiêu, đặc biệt là ý nghĩa công việc với nhân viên là điều vô cùng cần thiết để từ đó tạo cho nhân viên niềm hứng thú đối với nghề nghiệp và gắn bó với tổ chức. 

Thứ hai, Truyền thông xây dựng thương hiệu tuyển dụng.

Thương hiệu tuyển dụng tốt sẽ thu hút được nhân sự tài năng và truyền cảm hứng, niềm tự hào cho từng cá nhân trong tổ chức. Hãy tưởng tượng những thương hiệu tuyển dụng nổi tiếng thế giới như Microsoft; Apple… bất kỳ ai cũng ao ước được trở thành nhân viên của những tập đoàn đó. Vậy họ đã làm gì? Họ đã xây dựng và truyền thông rộng rãi những chính sách, lợi ích và cam kết với những điều mình đã đưa ra với người lao động. 

Thứ ba, Nâng cao chất lượng làm việc với con người của các Team leader thông qua công tác đào tạo định kỳ. 

Ngành Bảo hiểm cũng là một ngành rất đặc thù và đòi hỏi kỹ năng vượt trội khi làm việc với con người của mỗi nhân viên Bảo hiểm, đặc biệt là Team Leader của từng nhóm. Họ sẽ là người chịu trách nhiệm và thường xuyên đứng ra xử lý những tình huống “hóc búa” hỗ trợ cho nhân sự cấp dưới của mình, khách hàng đa dạng nên đòi hỏi mỗi trưởng nhóm cần trau dồi kiến thức và kỹ năng tương tác với con người. Đào tạo định kỳ về nghiệp vụ, kỹ năng trong việc dẫn dắt nhân sự của mỗi Team Leader. 

Thứ tư, Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp mang tính cộng đồng nghề nghiệp, tạo dựng niềm tin và gắn kết lâu dài.

Một câu nói nổi tiếng của Simon Sinek, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nhân sự “Khách hàng sẽ không bao giờ yêu quý một công ty cho tới khi chính nhân viên làm việc tại đó yêu quý công ty của mình”.

Nhiều người tìm việc giờ đây không chỉ quan tâm đến lương thưởng trước khi quyết định bước chân vào một tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp đã trở thành một tiêu chí đánh giá sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân sự. Một văn hóa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, chất lượng chính là chất keo kết nối giúp đoàn kết toàn bộ nhân viên trong một tổ chức, vốn đến từ các nền tảng khác nhau với thói quen và quan điểm văn hóa riêng của họ. Đồng thời mang lại sự cam kết lâu dài cho nhân viên.

 

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. http://enternews.vn
  2. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/
  3. https://thanhnien.vn/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!