Trong nền kinh tế thị trường ngày càng tư nhân hóa như Việt Nam hiện nay, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực là một điều tất yếu. Nhưng về thời gian tồn tại của các doanh nghiệp ấy trên thị trường thì lại không giống nhau. Khi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt thì việc đứng vững, vượt qua các khó khăn của mỗi công ty là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của cả một tập thể. Để có được thành quả tốt, quan trọng nhất chính là dựa vào một tập thể tốt vì đã là công ty, doanh nghiệp thì không thể chỉ có một cá nhân.
Do đó, môi trường làm việc có văn hóa hợp tác, kết nối mọi thành viên là một không gian mà mọi nhà lãnh đạo hướng đến. Đó là môi trường liên quan đến mọi nhân viên của công ty, bất kể là ở cấp độ nào, bộ phận nào. Ở đó, tất cả mọi người tăng cường hợp tác, cùng chia sẻ thông tin và tìm cách kết hợp hiểu biết của từng cá nhân theo nhiều cách. Tính liên kết nội bộ này dần kết tinh thành văn hóa riêng của doanh nghiệp và được phản ánh trong các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp đó. Văn hóa hợp tác có thể hỗ trợ tuyển dụng, giữ chân nhân viên và khuyến khích họ tăng năng suất, nhanh chóng đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng sự hài lòng của khách hàng, từ đó cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp. Mọi thành viên trong doanh nghiệp kết nối với nhau, cùng hợp tác làm việc sẽ giúp làm giảm căng thẳng, khiến môi trường làm việc trở nên thoải mái hơn, thân thiện hơn.
Hiểu được lợi ích của việc xây dựng nền văn hóa hợp tác, nhiều công ty, doanh nghiệp hàng năm sẵn sàng tốn một số tiền không nhỏ để thực hiện các chương trình vui chơi, du lịch, team building cho nhân viên, mục đích lớn nhất là để gắn kết các thành viên công ty lại với nhau cũng như thể hiện sự quan tâm đến phúc lợi, đời sống tinh thần cho nhân viên ở người đứng đầu tổ chức ấy. Tinh thần tốt thì khi đó khả năng mới có thể phát huy hết sức, thoải mái bộc lộ những ưu điểm cũng như chia sẻ nhược điểm để có sự giúp đỡ kịp thời từ những người đồng nghiệp.
Không sợ đối thủ mạnh, chỉ sợ đồng đội kém – một câu nói ta thường xuyên nghe được, có thể coi như một câu châm ngôn cho một tập thể khi làm việc cùng nhau. Việc đồng đội kém ở đây có thể hiểu là kém ở tri thức, cũng như ở sự thể hiện khả năng kết hợp với đồng nghiệp. Dù rằng bản thân mỗi nhân viên có được kỹ năng làm việc cá nhân tốt nhưng bộ máy vận hành của công ty luôn luôn phải là cả một tập thể, cùng nhau làm việc và đạt thành công. Giả dụ chỉ cần trong công ty có một vài thành viên không hợp nhau rồi không muốn làm việc cùng hoặc làm việc mà không đạt được hiệu quả tốt do một số hiềm khích cá nhân, thậm chí có cả sự không bằng lòng giữa nhân viên và lãnh đạo thì công ty đó sẽ đi được bao xa?
Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao – Yếu tố liên kết con người trong mỗi công ty là điều phải đặt lên trên hàng đầu để có thể cùng nhau tạo dựng nên thành quả. Vậy làm thế nào để hoàn thành được mục tiêu ấy, câu trả lời lại nằm ở trong nội bộ thực tiễn của mỗi công ty, nhưng nhìn chung cũng đều dựa trên một số quan điểm sau:
PHÁT HUY NĂNG LỰC CÁ NHÂN
Trên tất cả, yếu tố con người chính là quan trọng nhất ở mỗi công ty, doanh nghiệp. Con người tạo ra các giá trị vật chất bằng cách làm việc và từ các giá trị vật chất đó phục vụ lại cho đời sống cá nhân. Qua quá trình chọn lọc, tuyển dụng và đào tạo, doanh nghiệp cần hướng đến đề cao các yếu tố, phẩm chất tốt cần có ở mỗi cá nhân, hướng đến cho họ một mục tiêu là hoàn thiện bản thân cả về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cũng như sự liên kết, tương tác cùng đồng nghiệp. Tự ý thức được những điều nên làm và cần làm của mỗi một thành viên trong tập thể chính là khởi nguồn cơ bản cho mọi bước tiến sau này.
KẾT NỐI GIỮA LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN
Công ty, doanh nghiệp nào cũng đều có người đứng đầu, cũng là người đưa ra các phê duyệt, phương hướng, quyết định cuối cùng mang tính mấu chốt. Các đãi ngộ với nhân sự cũng do ban lãnh đạo đề ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhân viên trong công ty. Những người nhân viên ấy làm việc như thế nào một phần tùy thuộc vào chính các đãi ngộ ấy. Có thể không chỉ là mặt tiền bạc mà mà có thể là sự quan tâm về mặt tinh thần cũng giúp họ phần nào được khuyến khích, có tinh thần, động lực để làm việc một cách thoải mái, tận tụy, cống hiến hết mình. Cần để cho các nhân viên cảm thấy được họ không phải làm việc một cách thúc ép, gượng gạo, làm cho xong mà trên hết, phải cần đến sự sáng tạo, nhiệt huyết, tận tâm, có ý muốn gắn bó lâu dài, thậm chí coi công ty như một ngôi nhà thứ hai. Về bản chất, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên chính là một cuộc giao dịch, mua bán sức lao động, chất xám và mang tính ngang giá. Trong công ty, dù rằng sản phẩm của việc cho – nhận giữa nhân viên và lãnh đạo là khác nhau nhưng luôn mang tính tương đương giữa hai phía. Lãnh đạo tốt sẽ có những nhân viên tốt và từ đó công ty, doanh nghiệp cũng sẽ tốt.
KẾT NỐI GIỮA NHÂN VIÊN VỚI NHAU
Công tác kết nối các nhân viên lại với nhau cũng không thể thiếu khi là một nhà lãnh đạo giỏi. Việc đầu tư vào nguồn nhân lực trong các công ty luôn gắn liền với việc làm cho nguồn nhân lực ấy hòa hợp, hợp tác cùng nhau làm việc, cùng nhau giải quyết các vấn đề khó khăn, vận hành một bộ máy trơn tru hoạt động hiệu quả. Khuyến khích sự giao tiếp tương tác giữa các nhân viên, tạo môi trường thân thiện cho nhân viên mới làm quen, hòa hợp nhanh, giải quyết các khúc mắc giữa các cá nhân,…là các công việc mà ban lãnh đạo công ty nào cũng cần thực hiện, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Thông qua các cuộc họp hay thậm chí bằng những buổi liên hoan, dã ngoại, du lịch,… việc giao tiếp, tạo mối quan hệ tốt giữa các thành viên công ty sẽ dần đi lên. Việc truyền cảm hứng bằng lời nói, hành động của người lãnh đạo về việc khẳng định giá trị của liên kết con người sẽ phần nào tác động đến nhận thức của nhân viên, để họ hiểu được tầm quan trọng của việc kết nối trong một tập thể to lớn đến nhường nào, luôn được công ty ưu tiên chú trọng.
Bước đầu, các nhà lãnh đạo nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu lĩnh vực mà nhân viên có thể hợp tác và xây dựng mối quan hệ với nhau theo từng nhóm nhỏ và có sự trao đổi nhân sự qua lại. Các phương pháp như tiến hành giao nhiệm vụ chéo, giao nhiệm vụ cho tập thể, tổ chức các cuộc thi phát triển ý tưởng đều khá hiệu quả.
Như vậy, văn hóa hợp tác trong doanh nghiệp cần được xây dựng theo chiều sâu, chứ không chỉ là những hoạt động bề nổi, việc xây dựng là trách nhiệm của một nhóm người, trong đó không thể thiếu sự tham gia của ban lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp, hơn ai hết họ hiểu được rõ nhất cần phải xây dựng như thế nào và có thể truyền cảm hứng về điều đó; chứ không phải chỉ một vài nhân sự chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện và truyền thông nội bộ như nhiều công ty hiện nay đang làm. Làm sao để mỗi nhân sự đều thấm nhuần tư tưởng: mỗi nhân viên của công ty là một thành viên của một đại gia đình, là đại sứ thương hiệu, là một nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng của công ty…
Trong doanh nghiệp nên xây dựng sổ tay văn hóa, giới thiệu về các thành viên, những kỷ niệm với quá trình phát triển của công ty, hoạt động của các phòng ban, những khó khăn thuận lợi, những mong muốn trong việc hợp tác, sáng tạo, định hướng phát triển của ban lãnh đạo,…bởi dù công nghệ có thể phát đến bao nhiêu, thì nếu bạn chỉ duy trì sự kết nối của nhân sự bằng công nghệ thông tin hiện đại sẽ có những lúc không có tác dụng nhiều bằng việc gắn kết con người từ chính những phương thức chân thành và tâm huyết nhất. Tốt hơn nữa là những hỗ trợ phù hợp của doanh nghiệp dành cho nhân sự, có thể là bán cổ phần hay hỗ trợ cho nhân sự vay tiền để mua nhà an cư lập nghiệp, chữa bệnh,…trong khả năng doanh nghiệp có thể làm được. Xây dựng được sự kết nối trong doanh nghiệp thật sự tốt sẽ giúp truyền thông, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cực tốt cho doanh nghiệp.
Các bước tiến vững chắc ở một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào năng lực, kỹ năng của từng cá nhân mà còn phải bao gồm khả năng làm việc nhóm, sự gắn kết tập thể trong toàn bộ tổ chức. Một tập thể có sự kết nối mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ, công ty, tạo nên hiệu quả công việc cao. Việc kết hợp, cùng nhau phát triển giữa các thành viên công ty chính là chìa khóa cho mọi thành công của doanh nghiệp.