THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM NGÀY CÀNG CÓ SỨC HÚT TRONG MẮT CÁC DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Đáng chú ý hơn, hiện Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam, theo sau đó là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan. Cụ thể hơn, Hàn Quốc đã và đang đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trực tiếp đạt 59 tỷ USD chiếm 18,4% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam (số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong lĩnh vực đầu tư gián tiếp, con số 3 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có của các nhà đầu tư Hàn Quốc cùng cơ hội do thị trường chứng khoán Việt Nam mang lại.

Việt Nam cũng được lựa chọn là điểm dừng chân của rất nhiều tập đoàn Hàn Quốc lớn như Samsung, LG, Lotte, Hyosung, Doosan… Hơn nữa, theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra), hiện có khoảng hơn 5.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đều chung nhận định rằng Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để đầu tư và phát triển kinh doanh. Có thể nêu ra một số ưu điểm của thị trường Việt Nam như sau:

• 9 ưu điểm thuận lợi nổi bật nhất của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc là: Nền chính trị ổn định; Dân số trẻ; Nguồn nhân lực dồi dào; Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt; Thực hiện chính sách mở cửa; Tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; Có vị trí chiến lược; Có nét văn hóa tương đồng; Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác chiến lược của nhau.

• Ngoài ra, chi phí đầu tư ở Việt Nam cũng rẻ hơn nhiều quốc gia trong khu vực do giá thuê đất, giá nhân công tương đối thấp.

• Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Với mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế hiệu quả hơn nữa, mở cửa rộng hơn cho vốn ngoại, đồng thời cam kết xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, an toàn để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

NHỮNG NÉT VĂN HÓA KHÁC BIỆT TRONG DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC

Với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn quốc, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp xứ kim chi này là rất rộng mở. Tuy nhiên, để việc hợp tác được nhân rộng và thật sự đạt được hiệu quả, các doanh nghiệp Việt cũng nên chú ý tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp được duy trì trong các doanh nghiệp Hàn Quốc.

VĂN HÓA CHÚ TRỌNG THÁI ĐỘ VÀ LỄ NGHI

Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất để ý đến thái độ của đối tác và yêu cầu mọi việc diễn ra theo đúng nghi thức. Với người Hàn Quốc, ấn tượng đầu tiên là cực kì quan trọng. Do đó, ngay từ việc chào hỏi, người Hàn Quốc sẽ có ấn tượng tốt nếu đối tác để ý và thực hiện động tác gập lưng kèm theo nụ cười khi chào hỏi theo văn hóa Hàn. Dù có sự thâm nhập của văn hóa phương Tây cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, ngày nay người ta có thể thay động tác gập lưng bằng cái cúi đầu nhẹ, nhưng trong những trường hợp đặc biệt trang trọng, cần thể hiện sự tôn trọng với người có chức vụ cao trong xã hội, động tác gập lưng vẫn đặc biệt được coi trọng. Hơn nữa, người Hàn Quốc cũng đánh giá cao những nỗ lực của người nước ngoài khi cố gắng bày tỏ lời chào bằng chính ngôn ngữ Hàn Quốc: “an-nhon-ha-sae-yo” (xin chào).

Cũng cần lưu ý là người Hàn Quốc rất coi trọng thể diện, họ thường cố gắng giữ hòa khí bằng việc kiềm chế cảm xúc của mình. Như vậy, dù xảy ra bất cứ sự bất đồng quan điểm nào, khi đàm phán cũng nên kiềm chế, tránh làm người khác bối rối bởi nếu không rất dễ dẫn đến đàm phán thất bại.

XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TRÊN CƠ SỞ QUEN BIẾT

Người Hàn Quốc luôn muốn cộng tác làm ăn với những người họ quen biết. Vì vậy, nếu thông qua sự giới thiệu của người trung gian có vị trí cao trong xã hội, cơ hội để cộng tác làm ăn với doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ lớn hơn. Để tạo dựng những mối quan hệ với người Hàn Quốc, có thể làm quen thông qua các buổi hội họp, các buổi tiệc có mặt đối tác kinh doanh. Người Hàn Quốc cũng không ngần ngại bàn bạc công việc ngay tại bữa ăn trưa. Trong những buổi hội họp như vậy, cũng cần thể hiện sự kính trọng với những người có địa vị cao bằng việc hỏi thăm về sức khỏe của họ.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Hàn có văn hóa “trung ương tập quyền”, quyền sở hữu và quyền kinh doanh doanh nghiệp thường theo chế độ cha truyền con nối, những người có quan hệ với lãnh đạo cấp cao thường được ưu tiên hơn trong việc điều hành công ty. Do đó, nhiều khi quyết định của công ty chỉ được đưa ra bởi một số ít cá nhân. Nhân viên người Hàn cũng thường chỉ tuân theo mệnh lệnh chứ ít tìm kiếm cái mới, không có quyền tự quyết. Muốn đề nghị hợp tác làm ăn, doanh nghiệp nên tìm gặp trực tiếp người có quyền quyết định, vì việc gặp các cá nhân cấp dưới không có ý nghĩa gì.

Khi đến bước hẹn gặp trao đổi, cũng cần chú ý đến thói quen giờ giấc của người Hàn Quốc. Theo CLB Văn Hóa Ngoại Giao – EACC FTU, giờ làm việc của người Hàn thường từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ thứ 2 đến thứ 6. Thời gian thích hợp nhất để gặp mặt đối tác là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều. Tránh xếp lịch hẹn vào khoảng từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 vì người Hàn thường có 01 tuần đi nghỉ vào thời gian này trong năm.

ĐÀM PHÁN VỚI CÔNG TY HÀN QUỐC

Người Hàn Quốc luôn nổi tiếng về khả năng đàm phán và thương thuyết. Với người Hàn Quốc, trong cuộc đàm phán, hai bên luôn phải quan tâm đến lợi ích của nhau, dựa trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”, nhưng vẫn bị chi phối bởi mối quan hệ cá nhân. Các doanh nghiệp Hàn Quốc chú trọng cả vào lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Do đó, phong cách đàm phán ban đầu thường rất mang tính cạnh tranh nhưng họ vẫn không quên xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Trong quá trình đàm phán, một số người Hàn Quốc sẽ liên tục chuyển chủ đề, lúc này, lãnh đạo doanh nghiệp nên chú ý để nắm bắt các điểm quan trọng và luôn giữ thái độ chú ý lắng nghe. Luôn giữ bình tĩnh, tỏ ra thân thiện, hòa nhã và kiên trì là chìa khóa cần nằm lòng khi đàm phán với doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, cần dùng mối quan hệ cá nhân và các biện pháp khác nhằm lấy lại lòng tin, đôi khi phải hẹn gặp cá nhân với người có quyền lực cao nhất của đối tác để hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ hai bên.

Tốc độ đàm phán cũng thường chậm và kéo dài vì phải trải qua rất nhiều giai đoạn như xây dựng mối quan hệ, thu thập thông tin, thương lượng và ra quyết định. Vì đối tác Hàn Quốc thường sử dụng mọi biện pháp để đàm phán có lợi nhất, do đó thời gian cũng như công sức bỏ ra cho đàm phán có thể tăng thêm. Lúc này, doanh nghiệp Việt Nam cần kiên nhẫn, kìm nén cảm xúc và biết chấp nhận những trì hoãn phát sinh.

Tóm lại, để đạt được sự tin tưởng cũng như tiến tới xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm hiểu và tôn trọng văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc. Cần nắm bắt được những nét văn hóa Hàn Quốc cơ bản để các bước tiến hành hợp tác diễn ra suôn sẻ và ngăn chặn được các hiểu lầm không đáng có.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!