QUẢN LÝ TÀI NĂNG LÀ GÌ?
Quản lý tài năng là việc thu hút, nhận dạng, phát triển, cam kết, giữ lại và phân công công việc cho những cá nhân có giá trị cụ thể với doanh nghiệp, dựa theo tính “tiềm năng cao trong tương lai” hoặc vì họ đóng góp một vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Nói một cách dễ hiểu, quản lý tài năng là một sự thay đổi trong tư duy liên quan đến việc tuyển dụng, đào tạo và duy trì các nhân viên giỏi. Quản lý tài năng thay đổi trọng tâm từ “Người này có phù hợp với vai trò, vị trí này không?” thành “Người này không chỉ phù hợp với vai trò, vị trí này, mà còn cho cả công ty, và có tiềm năng phát triển trong tương lai?”. Như vậy, quản lý tài năng là một chiến lược toàn diện cho cả việc tuyển dụng, đào tạo và giữ lại các nhân viên hàng đầu.
QUẢN LÝ TÀI NĂNG KHÁC VỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC
Các trường hợp thuê, đào tạo và giữ chân người lao động trước đây chỉ tập trung trong bộ phận nhân sự. Tuy nhiên, hiện nay, với quy trình quản lý tài năng, toàn bộ doanh nghiệp sẽ tham gia và chịu trách nhiệm với việc tuyển chọn nhân viên cho doanh nghiệp.
Quản trị nhân lực tập trung vào các công việc hành chính, xử lý lương, tính ngày nghỉ, tính lợi ích và giải quyết khiếu nại của nhân viên. Trong khi đó, quản lý tài năng gần như là tập trung vào việc giúp đỡ và cải thiện các tài năng hàng đầu trong doanh nghiệp.
Quản lý tài năng là một chiến lược, thường biểu hiện như một kế hoạch dài hạn của toàn doanh nghiệp, gắn liền với mục tiêu kinh doanh tổng thể. Còn quản trị nhân sự lại có tính chiến thuật hơn, là việc quản lý con người ngày qua ngày.
TẠI SAO DOANH NGHIỆP CẦN ĐẦU TƯ VÀO QUẢN LÝ TÀI NĂNG?
Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào quản lý tài năng vì một số lý do sau đây:
1. Để tạo động lực cho nhân viên: việc quản lý tài năng tạo thêm nhiều lý do để nhân viên thêm yêu thích, gắn bó với tổ chức, bởi đây là mục tiêu cao hơn và có ý nghĩa hơn khi nhân viên đóng góp cho công việc.
2. Thu hút được những tài năng hàng đầu: quy trình quản lý tài năng có thể giúp doanh nghiệp tuyển dụng những nhân viên tài năng và giỏi nhất hiện có. Khi doanh nghiệp có một chiến lược quản lý tài năng, doanh nghiệp có thể tạo ra một thương hiệu tuyển dụng, từ đó thu hút được các tài năng phù hợp với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên: rõ ràng là có một quy trình bài bản để chọn ra những nhân viên phù hợp bao giờ cũng hiệu quả hơn là tuyển dụng không tuân theo bất kì một chiến lược tổ chức nào. Đặt ra một quy trình thống nhất cũng góp phần làm cho các khiếu nại về quản lý hiệu suất xảy ra ít hơn. Điều đó làm cho các nhân viên tài năng gắn bó với doanh nghiệp lâu hơn.
4. Cải thiện hiệu quả kinh doanh: khi nhân viên cam kết gắn bó, có kỹ năng và năng động, họ sẽ làm việc hướng tới mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, điều này sẽ làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
TỪNG BƯỚC TIẾN HÀNH QUẢN LÝ TÀI NĂNG
Bước 1: Xác định mục tiêu và hiểu được những yêu cầu của doanh nghiệp
Cần phải trả lời được những câu hỏi về mục tiêu ưu tiên của doanh nghiệp, liệt kê các mục tiêu và những thay đổi sắp tới doanh nghiệp cần tiến hành. Từ những mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ xây dựng được mô tả chi tiết cho công việc và những yêu cầu được đặt ra cho nhân sự tài năng. Đây là bước đầu tiên của quá trình quản lý tài năng, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của toàn bộ quá trình.
Bước 2: Tìm kiếm và thu hút tài năng
Điều khiến doanh nghiệp phải trăn trở suy nghĩ là làm thế nào để một nhân viên có tài năng đến làm việc cho mình chứ không phải là cho doanh nghiệp đối thủ. Điểm mấu chốt thu hút được nhân sự lúc này chính là thương hiệu tuyển dụng. Doanh nghiệp nên lưu ý xây dựng thương hiệu tuyển dụng trung thực, gắn với thực tế để nhân viên không cảm thấy bị lừa dối sau một thời gian gắn bó với công việc.
Về công tác tuyên truyền và tìm kiếm nhân sự, ngoài những trang mạng xã hội việc làm toàn cầu như LinkedIn, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy thông tin nhân sự chất lượng cao qua Vietnamworks, CareerBuilder, Mywork,… Ngoài ra, vẫn còn nhiều cách khác để doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự mới, đó là qua sự giới thiệu của các nhân viên nội bộ doanh nghiệp.
Bước 3: Tuyển dụng và lựa chọn tài năng
Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp tiến hành các bài kiểm tra phỏng vấn và tuyển dụng những tài năng hàng đầu. Việc thực hiện các bài test này có liên quan đến việc tìm ra ứng viên tốt nhất và mời họ vào làm việc.
Bước 4: Giữ chân nhân viên
Sau khi doanh nghiệp đã tuyển dụng được nhân viên phù hợp, việc tiếp theo là phải thực hiện các chiến lược để giữ chân những nhân viên đó. Rất nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề với việc giữ chân nhân viên, nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng vì nhân viên xin nghỉ việc sau một thời gian công tác ngắn. Lúc này, việc tăng lương và đưa ra nhiều ưu đãi không phải là điều duy nhất doanh nghiệp có thể làm để giữ lại nhân viên. Doanh nghiệp cũng nên lưu tâm đến phương án cho họ cơ hội để phát triển và khuyến khích họ sáng tạo.
Bước 5: Trao cho nhân viên vai trò mới
Đối với những nhân viên tài năng làm việc đủ lâu với một nhiệm vụ, một vị trí, nên giao cho họ vai trò mới, nhiệm vụ mới. Bởi vì thực tế là, không ai muốn làm mãi một công việc trong một thời gian dài. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ giúp nhân viên phát triển hơn trong sự nghiệp của họ.
Bước 6: Thẩm định hiệu suất
Việc đo lường hiệu suất làm việc của một nhân viên là bắt buộc nếu muốn xác định tiềm năng thực sự của họ. Với quy trình thẩm định hiệu suất, doanh nghiệp có thể kiểm tra xem nhân viên đó có thể hoàn thành vượt trội công việc được giao hay không.
Bước 7: Lập kế hoạch tìm kiếm người kế nhiệm
Việc lập kế hoạch tìm kiếm người kế nhiệm khác với lập kế hoạch thay thế nhân sự. Kế hoạch kế nhiệm là một quyết định có ý thức của doanh nghiệp để nuôi dưỡng và liên tục phát triển nhân viên. Lập kế hoạch kế vị trong một doanh nghiệp là vô cùng quan trọng vì nó quyết định đến vị trí và sự thành công của doanh nghiệp trong tương lai.
Tóm lại, quản lý tài năng là nhiệm vụ của cả doanh nghiệp, nó giúp doanh nghiệp tìm ra, đào tạo và giữ chân được nhân sự cốt lõi đóng góp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với một quy trình quản lý tài năng bài bản như trên, tin rằng doanh nghiệp có thể chọn ra được những nhân sự tài năng nhất đi lên cùng sự phát triển doanh nghiệp.