QUẢN LÝ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG CÁC DOANH NGHIỆP

Đứng trước những xu thế phát triển từ cuộc cách mạng 4.0 của nhân loại và những cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp đến từ những nước có nền công nghệ phát triển hơn đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự đổi mới sáng tạo trong chính doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo cũng cần được quản lý để tạo hiệu quả cao, đồng thời không gây ra ảnh hưởng xấu tới hoạt động của công ty. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan nhất về quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management) từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt cho bản thân cũng như doanh nghiệp.

Quản lý đổi mới sáng tạo là gì?

Quản lý đổi mới sáng tạo được định nghĩa là sự kết hợp giữa quản lý những quá trình đổi mới và quản lý những thay đổi. Hiểu một cách đơn giản thì đây là việc quản lý, giảm sát quá trình biến đổi ý tưởng hay quá trình sáng chế ra một sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm tạo ra giá trị mà khách hàng sẵn sàng trả tiền cho nó (theo Business Dictionary). Thông thường, khi nhắc đến đổi mới sáng tạo, chúng ta thường nghĩ đến đổi mới khoa học công nghệ, nhưng trong phạm vi doanh nghiệp thì đổi mới sáng tạo bao gồm: các đổi mới sáng tạo về tổ chức, về quy trình, về sản phẩm và về marketing. Chính vì vậy đổi mới sáng tạo là một vấn đề có phạm vi rộng lớn không chỉ bởi các hoạt động sáng tạo đa dạng mà còn bởi quy trình làm việc của nó cũng phức tạp. Quản lý đối mới bao gồm nhiều hoạt động có liên kết chặt chẽ với nhau như lên kết hoạch, thực hiện, tiến hành và duy trì.

Lý do tại sao Quản lý đổi mới sáng tạo lại cần thiết với các doanh nghiệp?

Bất kỳ một sự đổi mới sáng tạo nào trong công ty hay doanh nghiệp cũng cần phải quản lý một cách chặt chẽ nhằm:

  • Đảm bảo sự liên kết các hoạt động đổi mới với các mục tiêu, chiến lược tổng thể của tổ chức, bao gồm phân bổ nguồn lực, người chỉ thị và theo dõi;
  • Quản lý sự cân bằng giữa việc tối ưu hóa hiệu suất và thăm dò các cơ hội mới trong tổ chức;
  • Phát triển văn hoá hỗ trợ các hoạt động đổi mới, tạo điều kiện cần thiết, bao gồm cả các nguồn lực, để đổi mới hiệu quả;
  • Tháo gỡ rào cản đối với sáng kiến ​​đổi mới và sự đổi mới như quy trình và cấu trúc cũ, để cho phép hoạt động đổi mới tạo ra tác động tích cực trong tổ chức;
  • Đảm bảo rằng các hoạt động đổi mới dựa trên sự thấu hiểu về nhu cầu của khách hàng.
  • Hạn chế tối thiểu những sai sót trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
  • Giám sát quá trình thực hiện để việc đánh giá sau khi đổi mới sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Xây dựng quy trình quản lý đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp

Để việc đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tại doanh nghiệp không bị chệch hướng so với mục tiêu chung của doanh nghiệp và phát huy tối đa hiệu quả của một chiến lược đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần xây dựng một quy trình quản lý cụ thể theo các bước sau:

Bước 1: Xác định những động cơ, động lực thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn khi doanh nghiệp phát hiện đối thủ của mình đang dần dần chiếm lĩnh thị trường hay khi tổng kết sau một thời gian hoạt động, lãnh đạo nhận thấy công ty chưa phát triển tương xứng với nguồn lực bỏ ra… Từ những lý do trên, công ty có động lực để đổi mới sáng tạo. Những đổi mới sáng tạo có thể tiến hành với sản phẩm dịch vụ của công ty hay trong cách thức quản trị công ty… Dù đổi mới trong lĩnh vực nào cũng cần phù hợp với tình hình thực tế của công ty và phải thống nhất với các định hướng chiến lược của công ty.

Bước 2: Sau khi đã xác định được việc đổi mới sáng tạo là cần thiết, công ty cần lên kế hoạch về một mô hình đổi mới sáng tạo phù hợp với công ty dựa trên:

  • Tình trạng năng lực đổi mới sáng tạo hiện tại bằng cách phân tích những điểm mạnh điểm, điểm yếu trong hoạt động của công ty, các tiềm lực về nhân lực và tài chính của công ty.
  • Chiến lược đổi mới: Dựa trên tầm nhìn sứ mệnh, mục tiêu hiện tại của doanh nghiệp để đưa ra mục tiêu hợp lý.
  • Kế hoạch hành động: kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược.

Căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp mình, lãnh đạo có thể chọn giữa đổi mới tuần tự hoặc đổi mới đột phá:

Đổi mới tuần tự

Đổi mới đột phá

Tri thức làm nền tảng để tạo ra sản phẩm mới là dựa trên tri thức hiện tại.

Tri thức công nghệ cần có để thực hiện đổi mới đó hoàn toàn khác với tri thức hiện tại, khiến cho tri thức hiện tại trở nên lỗi thời.

Bước 3: Xây dựng các mẫu thử và kiểm tra

Xác lập các giá trị thể hiện tất cả các sáng kiến ​​đổi mới: Đưa ra tất cả những ưu và nhược điểm của chiến lược, điểm nổi bật của các sáng kiến đổi mới. Xây dựng bộ chỉ tiêu thể hiện tính sáng tạo đổi mới so với các chiến lược kinh doanh cũ. Đây cũng là bước thể hiện vai trò của chiến lược mà công ty cần thực hiện.

Xác định cách mà đổi mới được đo lường và đánh giá: Xây dựng những chỉ tiêu cụ thể về định lượng và định tính để có thể đánh giá được hiệu quả dự kiến của sự đổi mới sáng tạo của công ty. Đây là một bước để xác định xem có nên tiếp tục dự án hay không và nếu tiếp tục thì sẽ là tiền đề để cân nhắc chi phí.

Quyết định ngân sách đổi mới: Để có thể hiện thực hóa chiến lược đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thì cần có chi phí vận hành chiến lược đó. Việc xây dựng ngân sách đổi mới phù hợp sẽ giúp tiết kiệm chi phí và giúp kiểm soát chi phí trong quá trình thực hiện cũng như phục vụ quá trình tổng kết đánh giá lại chiến lược sau khi kết thúc. Ở bước này những người đề xuất sự đổi mới cần xây dựng một bản chi tiết về dự trù các khoản chi phí phát sinh trong quá trình tiến hành đổi mới sáng tạo doanh nghiệp với nguyên tắc đầy đủ và tiết kiệm nhất. Từ đó đề xuất lên ban lãnh đạo cung cấp ngân sách cho chiến lược.

Bước 4: Thực hiện hoàn chỉnh chiến lược đổi mới sáng tạo và áp dụng rộng rãi

Từ những thử nghiệm ở bước 3, doanh nghiệp sẽ điểu chỉnh lại những sai sót và tiến hành thực hiện rộng rãi chiến lược đổi mới sáng tạo.

Vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình quản lý đổi mới sáng tạo

Trong quá trình đổi mới sáng tạo và quản lý những đổi mới, lãnh đạo đóng vai trò chủ chốt quyết định sự thành công của những đổi mới đó. Lãnh đạo sẽ là người quyết định về việc có đổi mới hay không dựa trên những nhận định của bản thân mình về tình hình của doanh nghiệp và những góp ý của nhân viên. Sau khi chiến lược đã được quyết định, lãnh đạo là người tạo động lực cho quá trình đổi mới diễn ra nhanh chóng, đồng thời là người giám sát chính quá trình này. Chính bởi tầm quan trọng của lãnh đạo trong sự đổi mới sáng tạo đòi hỏi lãnh đạo phải là người biết lắng nghe ý kiến của nhân viên, là người nhạy cảm với tình thế của công ty cũng như là người có trách nhiệm để có thể sát sao trong quá trình quản lý các đổi mới của doanh nghiệp mình.

Xu thế phát triển và áp dụng quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Như đã trình bày ở trên, hiện nay thế giới đang trong giai đoạn chuyển mình sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên công nghệ số và sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để có thể thích nghi. Hơn nữa, tư duy chiến lược trong hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và doanh nghiệp nước ta còn có đặc trưng là thụ động trong việc thay đổi để bắt kịp xu thế cũng như thay đổi để tạo giá trị khác biệt. Sự gắn kết trong nội bộ doanh nghiệp giữa cá nhân với doanh nghiệp, giữa các phòng ban còn lỏng lẻo. Chính vì hai lý do trên nên sự thay đổi theo hướng sáng tạo là vấn đề bức thiết trong bối cảnh hiện hại. Thêm vào đó hiểu được sự cần thiết của đổi mới sáng tạo trong doanh nghệp, Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan có nhiều chính sách và hoạt động hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng có những đổi mới sáng tạo để đưa doanh nghiệp đi lên. Từ những điều kiện thuận lợi cũng như bất lợi kể trên, các doanh nghiệp nên nghiêm túc nhìn nhận và nắm bắt các cơ hội trong việc đổi mới sáng tạo cũng như quản trị chúng để phát triển bền vững.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!