VÒNG LẶP OODA – BÍ QUYẾT RA QUYẾT ĐỊNH CỦA LÃNH ĐẠO
Vòng lặp OODA là mô hình ra quyết định được Đại tá Không quân Hoa Kỳ John Boyd phát triển trong chiến tranh Triều Tiên và các chiến lược quân sự. Ngày nay, vòng lặp OODA được áp dụng trong cả lãnh đạo và kinh doanh.
Mô hình bao gồm bốn hành động sau đây:
- Quan sát (Observe)
- Định hướng (Orient)
- Quyết định (Decide)
- Hành động (Act)
Bất kì đối tượng nào (cho dù là một cá nhân hay tổ chức) nếu có khả năng xử lý chu trình này nhanh hơn so với đối thủ thì có thể nắm bắt chu kỳ ra quyết định của đối phương và giành được lợi thế. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, tốc độ của chu trình nhanh giúp công ty trở thành người dẫn đầu, thích ứng linh hoạt với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường.
QUAN SÁT
Bước đầu tiên trong ra quyết định là thu thập đầy đủ và chính xác thông tin về các yếu tố liên quan. Thông tin càng chi tiết, đa chiều, khách quan càng có lợi cho quá trình ra quyết định, đảm bảo việc lãnh đạo tìm ra phương hướng sáng suốt nhất.
ĐỊNH HƯỚNG
Hình dung lại tình hình thực tế. Để làm được điều này, thông tin thu thập được cần chứa số liệu hoặc dữ liệu quan trọng. Mặc dù mỗi người lại đòi hỏi mức độ chi tiết của thông tin khác nhau, nghĩa là có người cần rất nhiều thông tin mới có thể hình dung ra vấn đề, có người thì không, nhưng các thông tin này cần được đảm bảo về độ xác thực và khách quan. Nguyên nhân thực sự của việc “Ra quyết định sai lầm” là do chúng ta thường không biết cách tận dụng những thông tin có được để xử lý tình huống chứ không phải không biết cách ra quyết định. Khi đó, Định hướng là bước rất quan trọng giúp chúng ta tập trung vào bối cảnh mà vấn đề diễn ra để có quyết định và hành động phù hợp. Nói cách khác, định hướng giúp chuyển thông tin thành kiến thức. Và nếu muốn đưa ra quyết định đúng đắn thì bạn cần có kiến thức chứ không phải thông tin.
QUYẾT ĐỊNH
Khi đã có được kiến thức về vấn đề, nhà lãnh đạo có rất nhiều phương án để giải quyết nó. Công việc lúc này là cân nhắc giữa các lựa chọn để quyết định phương án tối ưu nhất cho tổ chức.
HÀNH ĐỘNG
Thực hiện theo quyết định mà bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng. Sau khi thu được kết quả từ những hành động đã thực hiện, bạn hãy quay lại bước đầu tiên – quan sát để có những quyết định tiếp theo. Nên nhớ rằng trong cuộc chiến, bạn cần phải trải qua cả bốn bước nhanh và hiệu quả hơn đối thủ. Các bước này cần được thực hiện liên tục, phản hồi và lặp lại. Đó là lý do cho tên gọi “Vòng lặp” của mô hình này.
MA TRẬN TƯƠNG TÁC
Theo John Boyd
Mô hình vòng lặp này không đòi hỏi mọi cá nhân hay tổ chức đều phải quan sát, định hướng, quyết định và hành động theo thứ tự được trình bày trong sơ đồ trên. Thay vào đó, hãy hình dung vòng lặp ấy như một ma trận tương tác, với yếu tố “định hướng” ở vị trí trung tâm. Định hướng là cách chúng ta hiểu một tình huống dựa trên không chỉ văn hóa, kinh nghiệm, thông tin mới mà còn phân tích, tổng hợp và kế thừa những giá trị cũ, từ đó tạo ra kiến thức về vấn đề. Trong suốt quá trình thực hiện các bước của mô hình vòng lặp OODA, phản hồi là yếu tố cần thiết để đạt được kết quả tối ưu.
Vòng lặp OODA thực sự là một tập hợp các vòng lặp tương tác lẫn nhau và được thực hiện một cách liên tục. Khi sử dụng hiệu quả công cụ này, lãnh đạo có thể cải thiện tốc độ và chất lượng ra quyết định cho công ty, tạo ra lợi thế so với các đối thủ.