BIẾN ĐỘNG NHÂN SỰ: THÁCH THỨC CỦA DOANH NGHIỆP

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin dẫn đến sự gia tăng biến động nhân sự trong các doanh nghiệp hiện nay. Sự biến động nhân sự ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành trong mỗi doanh nghiệp. Thậm trí, những doanh nghiệp có sự biến động nhân sự lớn sẽ tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động nhảy việc như: trào lưu khởi nghiệp, ứng viên so sánh thương hiệu tuyển dụng giữa các công ty, ứng viên mong đợi sự linh hoạt, được trao quyền quyết định, sự phát triển năng lực bản thân. Ngoài ra, người lao động nhảy việc còn do các yếu tố mà họ cảm thấy chưa thỏa mãn liên quan đến phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp hay kế hoạch phát triển sự nghiệp.

 

Biến động nhân sự là gì?

Theo các chuyên gia nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc tại một DN ổn định ở mức 4-6% là phù hợp. Tuy nhiên theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, ở nhiều công ty trong các ngành như tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản hiện tượng biến động nhân sự xảy ra liên tục, tỷ lệ thôi việc ở nhiều công ty lên đến trên 10%, có khi vài chục phần trăm.

Tỷ lệ biến động nhân sự là tỷ lệ số lao động nghỉ việc trên số lao động bình quân trong một năm, quý hoặc tháng. Chỉ số này còn có thể được chia nhỏ hơn thành nghỉ việc tự nguyện (do các nguyên nhân chủ quan như bất mãn, không hài lòng, bất hòa với công việc và người quản lý) và không tự nguyện (do các nguyên nhân khách quan như về hưu, bệnh tật, chuyển nơi ở, v.v.).

Tỷ lệ biến động nhân sự  là một chỉ số quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí – lợi nhuận và phản ánh sự ổn định và lòng trung thành của nguồn nhân lực với tổ chức. Nếu chỉ số này cao hơn so với tiêu chuẩn của ngành, kế hoạch nhân lực của tổ chức cần được đánh giá, xem xét và có biện pháp điều chỉnh tức thời và thích hợp.

Công thức xác định chỉ số biến động nhân sự như sau:

Tỷ lệ biến động nhân sự = Số lao động nghỉ việc / Số lao động bình quân trong kỳ (năm, quý, tháng)

Ví dụ: Số lao động nghỉ việc trong năm (12 tháng) là 18 người và số lao động trung bình mỗi tháng trong năm (có thể cộng trên bảng lương hàng tháng và chia đều cho 12 tháng) là 100 người. Vậy tỷ lệ biến động nhân sự trong năm là (18/100)*100 = 18%

Các nguyên nhân của biến động nhân sự

Theo khảo sát của LinkedIn trên 10.000 người mới nghỉ việc thì lý do hàng đầu khiến họ nghỉ việc là thiếu cơ hội thăng tiến, chiếm 45%. Những lý do khác bao gồm việc không hài lòng với cấp trên (41%), môi trường làm việc không tốt (36%) và mong muốn có nhiều thử thách hơn trong công việc là 36%.

Sự biến động nhân sự trong doanh nghiệp không chỉ là lao động nghỉ việc gây ra sự biến động lực lượng lao động. Thực chất, biến động về mặt nhân sự bao gồm cả các công tác thuyên chuyển nhân sư trong nội bộ, thăng tiến, giáng chức ở một vị trí nào đó, việc sa thải nhân viên, lao động tự nghỉ việc hay tuyển mới lao động vào công ty cũng là những vấn đề gây ra sự biến động trong doanh nghiệp. Có 10 nguyên nhân khiến cho người lao động nghỉ việc, làm biến động nhân sự trong doanh nghiệp là:

  1. Về hưu
  2. Bênh tật
  3. Di chuyển nơi ở
  4. Không hài lòng với công việc
  5. Không hài lòng với đãi ngộ
  6. Không thấy được khả năng phát triển theo kỳ vọng
  7. Mâu thuẫn với cấp trên, đồng nghiệp
  8. Lệ thuộc vào chỉ dẫn của gia đình
  9. Thích nhảy việc – mục đích công việc không rõ ràng
  10. Mong muốn tự lập làm chủ.

Một số bài học của doanh nghiệp ứng phó với biến động nhân sự

Để ứng khó với sự biến động nhân sự, mỗi doanh nghiệp có những giải pháp khác nhau, phù hợp với tình trạng, khả năng tài chính của mình. Sau đây là một số bài học của các doanh nghiệp ứng phó với biến động nhân sự:

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) xây dựng một hệ thống quản trị phụ thuộc vào hệ thống, không phụ thuộc vào con người. Việc điều hành, quản trị của PNJ hiện nay đi theo một chuỗi giá trị, chứ không phụ thuộc vào một cá nhân nào. Đây cũng là cách giúp cho việc biến động nhân sự không quá ảnh hưởng đến hoạt động chung của PNJ.

Trong khi đó, bí quyết của Bosch Việt Nam trong việc quản trị nhân sự là xây dựng đội ngũ nhân tài gắn bó và yêu mến công ty, có chính sách nhân sự phù hợp, chủ động tránh những biến động nhân sự đột ngột.

Tại LinkedIn, sau khi trò chuyện với hàng trăm kỹ sư hàng đầu của mình, doanh nghiệp này nhận thấy rằng chỉ một vài cuộc trao đổi đơn giản có thể có tác dụng lớn trong việc giữ chân nhân sự. Khuyến khích các quản lý có nhiều cuộc thảo luận về cơ hội nghề nghiệp với nhân viên giúp tỷ lệ nghỉ việc giảm xuống 5,5%.

Tương tự như vậy, khi các nhà lãnh đạo của Nielsen phân tích dữ liệu, họ nhận thấy rằng những nhân viên có sự thăng tiến trong công ty có xu hướng ở lại lâu hơn. Trên thực tế, họ thấy rằng điều chuyển nhân sự như một việc khuyến khích hiệu quả.

Thương hiệu Hershey đang xây dựng một mô hình ấn tượng có thể dự đoán được biến động nhân sự chính xác đến 87%. Ví dụ, họ nhận thấy những người lao động từ xa và những người có nhiều quản lý trong một thời gian ngắn thường không ở lại với họ lâu. Những phân tích này giúp họ giữ được những nhân viên đang có ý định nghỉ việc đồng thời tuyển dụng nhân sự mới trước thời hạn để có đủ lực lượng triển khai kế hoạch.

Mỗi doanh nghiệp luôn phải đối mặt với sự biến động nhân sự trong quá trình hoạt động. Doanh nghiệp cần phải phân tích, đánh giá thực trạng, từ đó tìm ra nguyên nhân thực sự của biến động nhân sự để đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất. Những giải pháp đúng đắn sẽ giúp cải thiện tỷ lệ biến động nhân sự, thu hút nhiều nhân tài và nâng cao hiệu quả quản trị nhân sự cho doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sơ lược biến động nhân sự – http://3ps.dnd.vn/chuyende/biendongns/More/temp6_1soluoc.html
  2. Biến động nhân sự và những ảnh hưởng đến doanh nghiệp – http://3ps.dnd.vn/chuyende/biendongns/More/temp6_2biendong.html
  3. Biến động nhân sự sẽ “hủy diệt” doanh nghiệp bạn như thế nào? – https://www.amis.vn/tin-tuc/newsid/1132/bien-dong-nhan-su-se-huy-diet-doanh-nghiep-ban-nhu-the-nao
  4. Ngăn chặn biến động nhân sự: Bài học từ 3 thương hiệu lớn – https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/ngan-chan-bien-dong-nhan-su-bai-hoc-tu-3-thuong-hieu-lon-1085394.html
  5. Chỉ số biến động nhân sự (Turnover Rate) – Các yếu tố ảnh hưởng – https://hrmcloud.vn/blog/post/Chi-so-bien-dong-nhan-su-Turnover-Rate-Cac-yeu-to-anh-huong

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!