TƯ DUY SÁNG TẠO TRONG MỖI NGƯỜI
“Chẳng có biểu hiện của sự điên rồ nào rõ ràng bằng việc làm đi làm lại một việc và mong đợi kết quả sẽ khác đi”
– Albert Einstein –
Sáng tạo gắn liền với lịch sử và văn minh loài người. Nếu không có tư duy sáng tạo thì không có một xã hội phát triển như ngày nay. Các phát minh về máy hơi nước, bóng điện hay xe đạp đều đến từ những ý tưởng sáng tạo. Thế giới vẫn luôn là một guồng quay, không ngừng thay đổi và luôn luôn đòi hỏi những ý tưởng mới. Tư duy sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong kỹ năng giải quyết vấn đề. Trước sự chuyển mình lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tư duy sáng tạo được coi là chìa khóa khiến doanh nghiệp của bạn trở nên khác biệt và bứt phá.
Tư duy sáng tạo là gì?
Tư duy là khả năng suy nghĩ, kết nối các vấn đề, đặt câu hỏi để giải quyết các khúc mắc. Sáng tạo đơn giản là có thể đưa ra một ý tưởng mới.Tư duy sáng tạo là kỹ năng tìm kiếm các phương pháp nhằm kích thích khả năng sáng tạo. Nhiều người thường cho rằng, tư duy sáng tạo chỉ cần thiết trong các lĩnh vực nghệ thuật hoặc marketing. Tuy nhiên, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tư duy sáng tạo.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn và sợ sệt khi phải đối mặt với những thách thức, hoặc khó khăn trên bất cứ phương diện nào chứ không chỉ riêng công việc sáng tạo, thì chính là lúc bạn cần phát triển tư duy sáng tạo để có thể tự mình tìm ra các phương án đó.
1. Xác định vấn đề và phân tích
Ngay cả Albert Einstein cũng không thể tìm ra giải pháp nếu xác định sai vấn đề.
Trước khi suy nghĩ sáng tạo về một vấn đề, trước tiên bạn phải có khả năng hiểu nó. Điều này đòi hỏi sự kiểm tra, xem xét và phân tích cẩn thận để đánh giá chúng. Một công cụ trợ giúp tư duy được phát triển bởi Edward de Bono theo phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” khá hữu ích. Theo đó, vấn đề được đánh giá như sau:
– Mũ trắng (Objective):
Khi đội “Mũ trắng”, bạn sẽ đánh giá vấn đề một cách khách quan, dựa trên những dữ kiện có sẵn. Tập trung vào việc nghiên cứu thông tin bạn có để tìm ra câu trả lời cho những điều bạn còn thắc mắc.
– Mũ đỏ (Intuitive):
Khi đội “Mũ đỏ”, bạn sẽ đánh giá vấn đề dựa trên trực giác và cảm xúc. Hãy cố gắng đoán biết cảm xúc của người khác thông qua những phản ứng của họ và cố gắng hiểu được những phản ứng tự nhiên của những người không hiểu rõ lập luận của bạn.
– Mũ đen (Negative):
Khi đội “Mũ đen”, bạn cần đánh giá vấn đề theo góc nhìn theo hướng “tiêu cực” và cẩn trọng. Bằng việc cố gắng đoán trước những nguyên nhân có thể khiến ý tưởng và cách giải quyết vấn đề không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhìn nhận sự việc theo cách này sẽ giúp bạn loại bỏ những điểm yếu trong một kế hoạch hoặc cách thức tiến hành công việc, điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những vấn đề có thể nảy sinh ngoài dự kiến.
– Mũ vàng (Positive):
Khi đội “Mũ vàng”, bạn sẽ suy nghĩ một cách tích cực. Sự lạc quan sẽ giúp bạn thấy hết được những lợi ích và cơ hội mà quyết định của bạn mang lại. Cách tư duy “Mũ vàng” giúp bạn có thêm nghị lực để tiếp tục công việc khi bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
– Mũ xanh lá cây (Creative):
Mũ xanh lá cây tượng trưng cho sự sáng tạo. Lối tư duy tự do và cởi mở khi đội “Mũ xanh” sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.
– Mũ xanh dương (Process):
Đây là chiếc mũ người chủ tọa đội để kiểm soát tiến trình cuộc họp. Khi gặp khó khăn do bế tắc về ý tưởng, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh cách tư duy của mọi người dự họp sang hướng “Mũ xanh lá cây”. Còn khi cần lập kế hoạch dự phòng, chủ tọa sẽ yêu cầu mọi người tư duy theo cách “Mũ đen”.
2. Thoải mái và cởi mở
Sáng tạo liên quan đến việc suy nghĩ về những điều chưa ai từng xem xét trước đó. Bắt đầu bằng việc bạn xóa bỏ tất cả những giả định và thành kiến trước đó để nhìn nhận mọi thứ theo cách và góc độ hoàn toàn mới. Việc sáng tạo không xa rời thực tế là điều hiển nhiên, nhưng không nên quá căng thẳng. Bằng cách nhìn nhận vấn đề với một tâm trí cởi mở và thoải mái sẽ cho phép bộ não có những ý tưởng đột phá để giải quyết vấn đề. Nếu như doanh nghiệp của bạn đang gặp khúc mắc và dù đã ngồi họp căng thẳng hàng giờ đồng hồ tại phòng họp mà vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Hãy thử đổi địa điểm sang một quán cà phê với không gian thoáng mát và rộng rãi. Những thay đổi nhỏ nhưng có thể sẽ tạo ra những tác động lớn trong tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo.
3. Tư duy như một đứa trẻ
Trẻ em ban đầu là những nhà sáng tạo siêu đẳng. Vì trẻ em chưa bị áp đặt hoặc có bất kì chướng ngại nào ngăn cản tư duy nên trẻ em có rất nhiều những giải pháp xuất sắc. Càng trưởng thành, con người càng được đào tạo để tuân thủ những nguyên tắc, làm theo các quy trình. Sau khi đi làm thì hầu hết mọi người có xu hướng ngả theo số đông và tôn trọng quyền lực. Thậm chí, ngay trong những tổ chức cần sự cách tân, cần sự đổi mới cũng dè dặt và hạn chế những nếp suy nghĩ mới. Chính điều đó làm khả năng sáng tạo và tư duy sáng tạo dần lụi tàn. Học cách tư duy như một đứa trẻ, đặt câu hỏi “vì sao” và không ngại phá bỏ những nguyên tắc sẽ đem lại cho bạn những ý tưởng mới. Ngoài ra, lãnh đạo nên tạo ra môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo, kích thích khả năng để mỗi nhân viên dám đưa ra ý tưởng. Khi đó, nhân viên của bạn thay vì tư duy và làm việc ngày qua ngày như một robot, đem lại những kết quả cũ, thì với sự sáng tạo được khuyến khích, sẽ tạo ra những sự bứt phá trong công việc và kết quả.
4. Tìm kiếm giải pháp và theo đuổi
Chuyên gia về hiệu suất Anders Ericsson nhấn mạnh rằng, để có được sự sáng tạo vĩ đại, yếu tố khả năng sẽ là nền tảng cơ bản. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là sự đam mê và nỗ lực của bản thân mỗi người. Thậm chí, cả thiên tài cũng có lúc sai lầm.
“Thiên tài 1% đến từ bẩm sinh và 99% đến từ rèn luyện”. Vì vậy, nếu bạn muốn đạt được bất kì điều gì có giá trị, hãy cứ thực hiện nó một cách mạnh mẽ dù bạn có phải bỏ ra một khoảng thời gian dài. Bởi thành quả của những sự sáng tạo khác biệt không thể xuất hiện ngay tại hôm nay hoặc ngày mai mà nó sẽ là kết quả của một quá trình dài thử nghiệm và đúc kết.
Trong mỗi chúng ta luôn tiềm ẩn một Albert Einstein. Tư duy sáng tạo không phải là tố chất trời sinh, mỗi người hoàn toàn có thể tự rèn luyện và phát triển khả năng tư duy sáng tạo của bản thân để tạo nên thành công và bứt phá trong công việc.
Nguồn tham khảo:
https://www.thebalancecareers.com
https://www.mindtools.com
Scott Thorpe, 2018, Tư duy như Einstein