QUẢN LÝ ĐÃ HẾT THỜI?

 

Tốc độ phát triển chóng mặt của vòng quay cải tiến và đổi mới, internet kết nối vạn vật và dữ liệu lớn với những cập nhật được tính bằng giây mang đến bộ mặt mới cho nền kinh tế và xóa nhòa những tư duy cố hữu.

Xoay quanh vấn đề “Quản lý”, các trường kinh tế hàng đầu Việt Nam vẫn đang đào tạo theo hướng tạo nên “những nhà quản lý tương lai”, các công ty vẫn luôn muốn tuyển những “nhà quản lý giàu kinh nghiệm”, các khóa học cải thiện năng lực quản lý được mở ra thu hút không ít nhân lực và cả những trung tâm đào tạo quản lý ngoài đại học ra đời. Sinh viên muốn trở thành quản lý, và các công ty cũng đãi ngộ quản lý. Chức danh quản lý trở thành một “địa vị” có sức hút và vai trò quản lý góp phần quyết định họat động doanh nghiệp. Quản lý cần thiết không? Vâng, rất cần thiết, từ bao lâu nay, chẳng ai có thể phủ nhận.

Tư duy mới về quản lý

Trong khi đó, thế giới nói gì? Trong một số phát sóng năm 2017 của chương trình TED Talk, Ricardo Semler, một CEO – diễn giả, đã thể hiện tư duy mới về quản lý: “Chìa khóa để quản lý là loại bỏ các nhà quản lý”. Đúng là quan điểm của ông không thể đại diện cho tư duy của số đông về cơ cấu tổ chức. Nhưng, 2019, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại vai trò người quản lý trong thời đại mới?

Phần lớn mọi người chưa từng nghĩ rằng lực lượng lao động hiện nay sẽ làm việc trong một cơ cấu thiếu vắng sự quản lý trong ngắn hay trung hạn. Cấu trúc tổ chức truyền thống với sự tồn tại của người quản lý vẫn đang hoạt động tốt và tạo sự hiệu quả trong thành tựu tổ chức; và rõ ràng kinh tế vẫn tăng trưởng.

Hai thay đổi cơ bản của thế giới mới

Thế giới ngày nay là thế giới của biến động – không chắc chắn – phức tạp và mơ hồ. Bối cảnh cạnh tranh được mô tả bằng sự gián đoạn – khoảng trống tồn tại trong nhu cầu thay đổi và thay đổi. Các ý tưởng về tiến bộ gia tăng, cải tiến liên tục và tối ưu hóa quy trình là chưa đủ để xây dựng một thành công bền vững, các thách thức thời đại đang đòi hỏi những ý tưởng mới từ bên trong tổ chức, đòi hỏi một “nội bộ ưu việt”.

Khi kinh doanh mở rộng, các doanh nghiệp lớn lên, sự phức tạp gia tăng trong khi tỷ lệ nhân sự chất lượng lại giảm. Vậy câu hỏi là, sự phức tạp ngày càng tăng trong kinh doanh có đòi hỏi sự tăng lên tương ứng của hoạt động quản lý với các tiêu chuẩn và quy tắc? Giám đốc điều hành của Netflix, Reed Hastings cho rằng “Thay vì các chính sách quản lý thì việc dựa vào logic và ý thức thông thường để yêu cầu các cá nhân sẽ thu được kết quả tốt hơn với chi phí thấp hơn cho tổ chức”.

Kinh tế tri thức

Từ trước đến nay, quản lý được định nghĩa là “quá trình xử lý hoặc kiểm soát mọi thứ”. “Kiểm soát mọi thứ”, điều này nghe có vẻ không còn hợp lý và tệ hơn, kiểm soát con người thì thậm chí còn phản tác dụng. Steve Jobs có lẽ đồng ý với quan điểm này khi phát biểu: “Không có ý nghĩa gì khi thuê những người thông minh và sau đó nói cho họ biết phải làm gì; chúng tôi thuê những người thông minh để họ có thể cho chúng tôi biết phải làm gì”.

Trong xã hội cũ, khi điều kiện học tập còn khó khăn, sự giao việc và giám sát hoạt động của người am hiểu trong từng lĩnh vực sẽ mang đến kết quả kinh tế tốt. Sự phân công lao động xuất hiện và tồn tại lâu dài là đặc trưng của thời đại công nghiệp.

Nhưng chúng ta đang sống trong thời đại của tri thức, thậm chí vượt ra phạm vi tri thức của con người, đó là AI, là robot. Việc phân tích và phân bổ công việc dưới hình thức các nhiệm vụ cụ thể ngày càng trở nên khó khăn hơn. Con người không còn là đối tượng tốt nhất để thực hiện những việc chỉ đâu làm đó nữa. Thuật toán sẽ làm điều đó, tốc độ hơn, đồng bộ hơn, chính xác hơn và tốn ít chi phí hơn.

Mới gần đây, nhiều nhà kinh tế đưa ra những cảnh báo về những công việc trong tương lai mà con người có thể bị thay thế. Họ nói nhiều về những công việc ở tầm tri thức chưa cao. Còn quản lý thì sao? Thực tế là các công ty phần mềm đang sản xuất ra cả những phần mềm quản lý? Và các thuật toán đã thể hiện được khả năng giám sát tuyệt vời? Cũng phải thừa nhận rằng giải pháp công nghệ cho quản lý có thể hiệu quả hơn nhưng không phải là trên tất cả lĩnh vực. Nhưng, thực tế thì những công việc linh hoạt, sáng tạo cao tự nhiên cũng không phù hợp với việc “bị quản lý”.

Cách thức quản lý cũ không còn phù hợp, tệ hơn, nó kìm hãm sự sáng tạo, ngăn cản đổi mới và gây lãng phí nguồn lực.

Kinh tế tốc độ cao

Đối diện với một thời đại của sự-không-chắc-chắn, đó vừa là thách thức số một và cũng là cơ hội số một. Nền kinh tế ngày nay không còn có đủ thời gian để chăm chút cho những bản kế hoạch dài dòng, nó là thế giới của những quyết định nhanh. Thời cơ có thể xuất hiện, biến đổi và mất đi bất kỳ lúc nào! Lúc bạn còn đang tập trung lập kế hoạch, thời cơ đã bị đối thủ của bạn đã cướp mất rồi. Họ có thể sai, đúng! Nhưng họ cũng có thể thành công rực rỡ. Thực tế là, nếu không có tốc độ, bạn chẳng thể thành công trên thương trường của ngày hôm nay!

Quản lý đã hết thời?

Thế giới thay đổi và mọi trụ cột của một tổ chức truyền thống hiện đang thay đổi. Chế độ quản lý phân cấp không còn phù hợp với những thách thức của nền kinh tế hiện đại. Vâng, quản lý đã hết thời! Chúng ta không đánh giá về những người quản lý hay cũng chẳng yêu cầu các tổ chức loại bỏ vị trí quản lý. Chúng ta nói về cách thức quản lý cũ – chuyên quyền và kiểm soát đã, đang và sẽ bị đào thải!

Cần phải thừa nhận rằng, tốc độ phát triển của Việt Nam, cùng hệ quy chiếu nhưng không cùng pha với tốc độ phát triển của thế giới! Cách mạng 4.0 của thế giới, hơi thở của nó đã hòa quyện trong dòng chảy kinh tế Việt, có điều, mỗi người, bản thân doanh nghiệp Việt, nền kinh tế Việt đang ở đâu, ở “chấm” nào, có lẽ mỗi người đều biết. Nhưng, chúng ta không mong muốn mãi tụt lại đằng sau, càng đi sau, chúng ta càng phải nỗ lực tiến những bước dài hơn để thu hẹp khoảng cách.

Nhận thức bối cảnh, tầm nhìn ngoại vi, tư duy thiết kế và cách tiếp cận đa ngành – đây là tất cả các thuật ngữ đang là xu hướng hiện đại. Một tổ chức trao quyền và thúc đẩy phát triển năng lực các nhân – nơi thành viên nhóm của ngày hôm qua là trưởng nhóm của ngày nay – tạo ra sự linh hoạt và nhanh nhẹn, thỏa mãn mong đợi cao hơn của tổ chức và của thị trường.

Để quản trị một dự án không phải là phân công nhiệm vụ và giám sát hiệu suất, mà là trao quyền, xác định bối cảnh rộng hơn và liên kết công việc của nhóm với phần còn lại của doanh nghiệp. Theo gương của Netflix và phấn đấu để có mật độ tài năng cao hơn chỉ là một nửa thành công. Quản trị trong thời đại mới là cho phép những người có thành tích cao có thể nổi trội – thay vì cố gắng quản lý hay kìm hãm họ. Đó là chìa khóa để phát huy hết tiềm năng của nhân sự, gia tăng sức mạnh của tổ chức!

Đã đến lúc, các lãnh đạo cần nhìn nhận lại vị trí quản lý, và các nhà quản lý cần tự soi lại chính mình! Thay đổi hay là chết?

Nguồn tham khảo:

https://www.weforum.org/agenda/2017/12/is-management-era-over?fbclid=IwAR2tErJdWgUMWAEft8tmgY0OkLhhiKc1xV_EqTmrO_syrh80VAmzoo4SOaQ

https://www.managerial-economics-club.com/management-era.html

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!