Một nhà lãnh đạo giỏi là một nhà lãnh đạo thấu hiểu những nhu cầu và điểm mạnh của từng cá nhân, đồng thời huy động được nguồn lực trong “quần chúng” nhân sự để cùng đạt được mục tiêu chung của tổ chức. Một thực tế rằng, các nhân viên giờ đây không cần những người lãnh đạo chỉ suy nghĩ đến mục tiêu ngắn hạn mà họ cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, sự quyết đoán, chủ động và tư duy tổng thể. Vậy lãnh đạo cần chọn hướng phát triển năng lực lãnh đạo như thế nào để có thể thích nghi với thời đại kỹ thuật số nhiều khó khăn như hiện nay? Đây là một trong những băn khoăn thách thức lớn đối với các lãnh đạo, nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãnh đạo là những người truyền cảm hứng, tạo động lực và định hướng cho nhân viên trong công việc. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ việc truyền đạt, dẫn dắt sao cho đạt hiệu quả công việc cũng như duy trì tốt mối quan hệ giữa nhân viên và lãnh đạo là một trong những hoạt động diễn ra mỗi ngày và rất sát sao. Mặt bằng chung của các nhóm doanh nghiệp, chúng ta thấy có một thực tế đang tồn tại hai xu hướng lãnh đạo chính: Một mặt tập trung vào kết quả trực quan trước mắt, mặt khác đi sâu vào đầu tư phát triển đội ngũ. Chúng ta cùng xem xét hai dẫn chứng dưới đây để khách quan lựa chọn hướng phát triển năng lực lãnh đạo cho mình.
Gần đây, Trường doanh nhân Harvard Business Review (HBR) đã thực hiện một loạt 10 nghiên cứu, trên 3056 nhân viên bằng những câu hỏi đánh giá chất lượng mối quan hệ lãnh đạo – nhân viên. Các câu hỏi khảo sát nhằm dự đoán các kết quả về sự hài lòng của cấp dưới, sự cam đảm giám dấn thân, đương đầu với khó khăn trong công việc và hiệu suất làm việc của nhân viên. Nó có ý nghĩa rằng khi nhân viên hài lòng với người lãnh đạo đối xử với họ một cách chân thực, không lạm quyền, cho họ cảm giác an toàn, không có sự biến đổi thì họ sẽ làm việc tốt hơn.
Khi một lãnh đạo nhận được sự yêu thích của nhân viên cấp dưới, yêu thích thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp của họ và nhân viên. Các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm chắc chắn sẽ nhận ra lợi ích khi làm bạn với cấp dưới. Họ cần tập trung vào kết quả bằng cách phát triển mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm đối với nhân viên của họ. Lãnh đạo không nhận được sự yêu thích của nhân viên sẽ phải trả giá bởi những phản ứng tiêu cực của nhân viên và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc.
Ở một khía cạnh khác về phong cách lãnh đạo, có luận điểm cho rằng “Hiền không cầm được binh; Nghĩa không giữ được tài, lãnh đạo không “gấu” nhân viên sẽ không mạnh, vậy nên trong việc dùng người cũng cần đến một chút khắc nghiệt…”. Chúng ta có thể ở nhận định này có phần đi ngược lại với luận điểm ở trên, khi nhà lãnh đạo quá hiền, không nghiêm khắc thì sẽ không quản lý tốt được nhân viên cấp dưới. Những công ty mà tạo ra cho cấp dưới 100% cảm giác an toàn thì chắc chắn sẽ hủy hoại nhân viên. Bởi vì một người tài giỏi đến đâu, nếu sống trong môi trường thoải mái sẽ mất đi tính cầu tiến. Quan điểm này cho rằng công ty tạo cảm giác bất an cho nhân viên nhất mới là giúp nhân viên an toàn thực sự, bởi vì lúc không an toàn đó sẽ dồn ép họ phải mạnh mẽ, ép họ phải trưởng thành, cũng vì thế mà tiền đồ của họ sẽ tốt hơn. Đó chính là nghệ thuật dùng người trong lãnh đạo. Việc lãnh đạo đặt ra những mục tiêu thấp, yêu cầu thấp trong giới hạn cho phép nhân viên có thể hoàn thành công việc đồng nghĩa với việc làm cho nhân viên yếu dần ý chí và khó có thể tồn tại lâu dài trong tổ chức. Đây chính là lãnh đạo không có trách nhiệm khiến nhân viên đố kị, buông thả và lười biếng. Xu thế lãnh đạo kiểu chiến binh, mạnh mẽ, áp lực để đạt được kết quả. Chạy theo kết quả trước mắt chỉ là một biểu hiện của kiểu lãnh đạo này. Phong cách này dễ thu hút được những người ưa hành động, mang lại kết quả vượt bậc nhưng khó duy trì lâu do sự biến động của thị trường và sự hữu hạn của động lực.
Nếu lãnh đạo áp dụng sự “hiền minh” trong quản lý quá nhiều đôi khi lại làm cho nhân viên không nhận ra được những thiếu sót và ngày càng tự thấy thỏa mãn với những gì mình làm, dẫn đến năng suất, hiệu quả làm việc không được nâng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức. Nhưng nếu lãnh đạo quá thúc ép, khắt khe với nhân viên thì cũng sẽ nhận lại được sự chống đối, đối phó của nhân viên. Từ hai luận điểm trên, ngỡ xung khắc nhưng thực chất là bổ sung, tương hỗ nhau. Lãnh đạo cần đáp ứng cả hai xu hướng trong từng giai đoạn từng trường hợp cụ thể, sử dụng linh hoạt các xu thế lãnh đạo, mang đến sự phát triển và trường tồn của tổ chức.
OD biên tập!