ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO DỰA TRÊN VỐN ĐẦU TƯ
Mục đích cuối cùng của đào tạo là phát triển năng lực nhân sự và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đầu tư cho đào tạo chính là đầu tư lâu dài cho đội ngũ, vậy nên cần được theo dõi và đánh giá sát sao. Các chương trình đào tạo không những cần được xây dựng một cách chi tiết, triển khai tích cực mà còn cần đánh giá, phản hồi thường xuyên để nâng cao hiệu quả. Đánh giá đào tạo giúp chủ doanh nghiệp xác định tính hiệu quả của mỗi nội dung, thái độ của nhân viên và tác động tới chất lượng kinh doanh. Qua đó, lãnh đạo sẽ thay đổi những nội dung không phù hợp, xây dựng chương trình đào tạo tiếp theo sát với thực tiễn.
Trên thế giới có nhiều mô hình đánh giá kết quả đào tạo khác nhau, nhưng nổi bật có 2 mô hình: Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips, Mô hình đánh giá kết quả đào tạo theo 4 cấp độ của Kirkpatrick.
Trong bài viết trước, OD CLICK đã giới thiệu Mô hình đánh giá kết quả đào tạo của Kirkpatrick.
Xem lại bài viết tại link: http://odclick.com/tai-nguyen/cong-cu/phat-trien-nhan-su-qua-mo-hinh-danh-gia-dao-tao-cua-kirkpatrick/
Ở bài viết này, chúng tôi giới thiệu một mô hình phát triển cao hơn, đó là mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips. Mô hình đánh giá hiệu quả đào tạo dựa trên vốn đầu tư được Phillips công bố năm 2003, coi đào tạo là một khoản đầu tư hơn là chi phí. Do vậy, đánh giá hiệu quả đào tạo là đánh giá hiệu quả đầu tư. So với mô hình đánh giá 4 cấp độ của Kirkpatrick, Phillips phát triển yếu tố thứ 5 là lợi tức của khoản đầu tư cho đào tạo (ROI).
Mô hình của Phillips tập trung vào:
- Thu thập dữ liệu đánh giá,
- Tách biệt tác động của đào tạo và tác động của các yếu tố khác
- Tính toán tới các lợi ích vô hình
Mô hình của Phillips chỉ ra rằng sau khi xác định tác động tới kinh doanh của chương trình đào tạo tại Cấp 4 của Kirkpatrick, bạn có thể chuyển các tác động đó về thước đo tiền tệ và so sánh với tổng chi phí của chương trình để tính ROI. Các chi phí này bao gồm chi phí xây dựng và triển khai chương trình, cộng với cả chi phí thời gian để thực hiện khóa đào tạo.
Bạn cũng có thể sử dụng mô hình để đánh giá khi điều chỉnh chương trình đào tạo. ROI khi đó sẽ được tính theo công thức:
ROI thường được sử dụng để đánh giá sau đào tạo, nhưng dường như biện pháp này không phát huy hết tính hữu dụng của mô hình. Khi đó, bạn không thể thay đổi kết quả đào tạo nữa. Thay vào đó, sử dụng mô hình đánh giá dựa trên vốn đầu tư khi lập kế hoạch đào tạo sẽ mang lại hiệu quả tốt cho việc lập kế hoạch: cân đối giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu về.
Điều kiện để ứng dụng mô hình Phillips vào đánh giá hiệu quả đào tạo
Không có một mô hình mẫu cho tất cả các doanh nghiệp, vì thế, nhà quản lý cần xác định mô hình đánh giá nào là phù hợp tùy theo bối cảnh và mục tiêu đánh giá của doanh nghiệp mình. Việc đo lường và dự báo được chính xác các tác động về tài chính của hoạt động đào tạo là một thách thức. Để đánh giá kết quả đào tạo được hiệu quả, cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, trước khi đánh giá cần xác định rõ những chỉ tiêu đánh giá và cấp độ đánh giá chỉ tiêu đó.
Thứ hai, chi phí đào tạo không vượt quá lợi ích mà hoạt động đào tạo đem lại.
Thứ ba, đánh giá khách quan, rõ ràng.
Thứ tư, áp dụng đánh giá đào tạo kịp thời, sát thực chứ không thực hiện đánh giá chỉ trên hình thức.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, với tư cách là chủ doanh nghiệp thì việc quan tâm đến tính sinh lời của hoạt động đầu tư vào đào tạo và hiệu quả của các nguồn lực đầu tư là quan trọng nhất. Rõ ràng, đánh giá kết quả đào tạo dựa trên vốn đầu tư là một hoạt động rất cần thiết đối với doanh nghiệp.
Nguồn tham khảo:
Phillips, J.J. (2003), Return on Investment in training and performance improvement programs, Burlington, Butterworth-Heinemann.
https://www.watershedlrs.com/blog/phillips-model-for-learning-evaluation