Chiến lược là tập hợp các quyết định, các hướng đi của công ty để đạt đến một mục tiêu nhất định. Hiện nay, mọi doanh nghiệp đều hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp.

Thế nhưng, làm sao để xây dựng một chiến lược hiệu quả lại không phải là một điều đơn giản. Đứng trước đòi hỏi phải xây dựng được kế hoạch kinh doanh phù hợp và hiệu quả, doanh nghiệp có thể đi theo 3 cách tiếp cận, cùng OD CLICK tìm hiểu về các cách tiếp cận này nhé.

1. CÁCH TIẾP CẬN NHÌN TỪ THỊ TRƯỜNG (MARKET-BASED VIEW)

Để xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh riêng, doanh nghiệp có thể chọn cách tiếp cận nhìn từ thị trường. Quan điểm dựa trên thị trường (MBV), hay còn gọi là quan điểm định vị thị trường nhấn mạnh vai trò của các điều kiện thị trường trong chiến lược phát triển cho công ty.

Các công cụ thường được sử dụng:
• Phân tích PESTEL (Political – chính trị, Economic – kinh tế, Social – xã hội, Technological – kỹ thuật, Ecological – sinh thái, Legal – luật pháp).
• Phân tích những biến động thị trường.
• Phân tích những đặc điểm kinh tế của ngành công nghiệp.
• Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter

2. CÁCH TIẾP CẬN NHÌN TỪ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN (ORGANIZATION-BASED VIEW)

Một quan điểm xây dựng chiến lược khác là quan điểm nhìn từ các yếu tố liên quan. Đây là quan điểm cho rằng sự thành công của công ty bắt nguồn từ việc đáp ứng những nhu cầu của các bên có liên quan như cổ đông, người làm chính sách…và việc kiểm soát các nhân tố có liên quan (văn hóa, đạo đức, tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu,…)

3. CÁCH TIẾP CẬN NHÌN TỪ NGUỒN LỰC NỘI TẠI

Trong cách tiếp cận nhìn từ nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, có thể kể ra một số cách cụ thể như sau:

CÁCH TIẾP CẬN DỰA TRÊN NĂNG LỰC (COMPETENCE-BASED VIEW)

Những người ủng hộ quan điểm quản trị dựa trên năng lực khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào năng lực để đề ra các chiến lược kinh doanh hợp lý. Năng lực được tạo ra do sự kết hợp của nguồn lực và các khả năng, từ đó, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Thành công của công ty đạt được là do sự kết hợp của các nguồn lực, các khả năng, quá trình quản trị cùng chiến lược phù hợp.

CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHUỖI GIÁ TRỊ (VALUE CHAIN)

Chuỗi giá trị là tập hợp các hoạt động mà một doanh nghiệp thực hiện để tạo ra giá trị cho khách hàng của mình. Michael Porter đã đề xuất chuỗi giá trị chung mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để kiểm tra tất cả các hoạt động của mình cùng với cách thức mà chúng phối hợp với nhau.
Chuỗi giá trị giải thích cách thức công ty tạo ra giá trị. Do đó, để phát triển một chiến lược cạnh tranh, theo quan niệm này, doanh nghiệp phải tìm cách gia tăng giá trị.

CÁCH TIẾP CẬN DỰA TRÊN NGUỒN LỰC (RESOURCE-BASED VIEW)

Cách tiếp cận này này tập trung vào đặc điểm riêng biệt của các nguồn lực doanh nghiệp sở hữu và khả năng có thể xây dựng và củng cố lợi thế cạnh tranh. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng các tổ chức nên nhìn vào bên trong công ty để tìm ra nguồn lợi thế cạnh tranh thay vì nhìn vào môi trường cạnh tranh của nó.

Những điểm chính của cách tiếp cận nhìn từ nguồn lực của doanh nghiệp là:

+ Trong mô hình Resource-based view, các nguồn lực có vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty đạt được hiệu quả tổ chức cao hơn. Có hai loại tài nguyên: hữu hình và vô hình.

– Tài sản hữu hình là những tài sản vật chất như đất đai, tòa nhà, máy móc, thiết bị, vốn,… Những tài sản này chỉ mang lại lợi thế nhỏ cho các công ty vì các đối thủ có thể sớm có được các tài sản như vậy.

– Tài sản vô hình là những thứ khác không có hiện diện vật lý nhưng vẫn có thể được sở hữu bởi công ty như nhãn hiệu, thương hiệu, tài sản trí tuệ,… Tài nguyên vô hình là nguồn lợi thế cạnh tranh bền vững chính của doanh nghiệp.

+ Hai giả định quan trọng của Resource-based view là tài nguyên không đồng nhất và bất động.

– Không đồng nhất tức là các kỹ năng, khả năng và các nguồn lực mà doanh nghiệp sở hữu phải có sự khác biệt với các công ty khác.

– Giả thiết thứ hai là tài nguyên không di động, không chuyển từ công ty này sang công ty khác, ít nhất là trong ngắn hạn. Tài nguyên vô hình, chẳng hạn như thương hiệu, quy trình, kiến thức hoặc sở hữu trí tuệ thường bất động.

+ Mặc dù nguồn tài nguyên không đồng nhất và bất động sản là rất quan trọng trong việc đạt được lợi thế cạnh tranh, nhưng vẫn là không đủ nếu công ty muốn duy trì lợi thế này. Do vậy, phải sử dụng thêm khung mô hình VRIO.

Khung mô hình VRIO là công cụ được sử dụng để phân tích các nguồn lực và khả năng nội bộ của công ty để tìm hiểu xem chúng có thể là một nguồn lợi thế cạnh tranh bền vững hay không.

Có thể thấy rằng, cách tiếp cận nhìn từ nguồn lực nội tại là quan điểm có tính ứng dụng cao, phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, doanh nghiệp phát triển bền vững là doanh nghiệp tập trung vào lợi thế cạnh tranh cùng chính năng lực cốt lõi của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, để tạo ra và phát triển các chiến lược cạnh tranh, các doanh nghiệp thường kết hợp nhiều cách thức tiếp cận. Chiến lược đem đến cho doanh nghiệp năng lực cạnh tranh cao chính là chiến lược mà mọi doanh nghiệp tìm kiếm.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!