Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (trừ Ấn Độ – đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này) đã chính thức ký kết RCEP. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.

RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới. Hiệp định có những tác động trực tiếp đến Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh mở và công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt lại chưa dành nhiều sự quan tâm đối với Hiệp định này. Do vậy, bài viết này sẽ chia sẻ những thông tin cụ thể về Hiệp định RCEP và đưa ra nhận định về cơ hội cho doanh nghiệp Việt cũng như những thách thức sẽ phải đối mặt trong tương lai khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Đồng thời sẽ gợi ý những giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất cơ hội từ RCEP, tránh đi vào “vết xe đổ” như nhiều FTA đã có là bài toán không hề “dễ xơi” trong thời gian tới.

ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN KHU VỰC (RCEP)

Hiệp định RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.

RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giảm bớt thuế quan cho các các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Liên minh châu Âu(EU). RCEP cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Sự ra đời của RCEP

Ý tưởng về RCEP lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 11 năm 2011 tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo ASEAN ở Bali, các quan chức đã cố gắng để hài hòa hai kiến ​​trúc thương mại khu vực hiện có. Trung Quốc ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Đông Á, trong đó hạn chế chỉ gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật Bản lại ủng hộ Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện ở Đông Á, với thêm ba nước: Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Các lãnh đạo ASEAN đưa lại một sự cân bằng với RCEP, áp dụng một nguyên tắc gia nhập mở, cho phép các thành viên khác tham gia miễn là họ đồng ý tuân thủ các quy định và hướng dẫn của nhóm. Hiện tại, chỉ có các nước ASEAN và các đối tác FTA sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán. Mặc dù Mỹ không được tham gia nhưng tư cách thành viên được mở đối với các nước khác.

Vào 30/8/2012, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN diễn ra ở Campuchia, các quan chức đã thông qua các nguyên tắc hướng dẫn của RCEP. RCEP sẽ củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực đang nổi lên. Hiệp định sẽ tìm cách thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn, dần dần loại bỏ thuế quan và các rào cản phi thuế quan, và đảm bảo tính nhất quán với các quy tắc của WTO.

Các quan chức thương mại ASEAN tuyên bố RCEP dự kiến ​​sẽ giải quyết thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và giải quyết tranh chấp.

Khác biệt lớn về trình độ phát triển trong khu vực ASEAN ngăn RCEP theo đuổi các chính sách tự do hóa thương mại tích cực. Các Nguyên tắc Định hướng của RCEP thừa nhận thực tiễn khác nhau ở các nước đang phát triển như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, và đưa ra linh hoạt đối xử đặc biệt và khác biệt. RCEP cũng mang nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác kinh tế và công nghệ để rút ngắn khoảng cách phát triển.

Điểm khác biệt giữa RCEP và TPP

TPP tìm cách liên kết các nước châu Mỹ với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Các thành viên ban đầu của hiệp định gồm có Brunei, Chile, Singapore, New Zealand, sau đó đã mở rộng số lượng thành viên gồm Mỹ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico và Canada. Giới quan sát thường đặt TPP và RCEP vào hai phía cạnh tranh, một bên do Mỹ và bên kia do Trung Quốc đứng sau.

Hiệp định TPP đòi hỏi tự do hóa kinh tế sâu hơn đối với các thành viên. Không như RCEP, TPP bao gồm cả các quy định về bảo vệ quyền của người lao động và các tiêu chuẩn môi trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ và xóa bỏ thuế quan mạnh mẽ. Bên cạnh đó, người ta cũng không kỳ vọng TPP cho phép các nước thành viên đặt riêng ra ngoài những ngành nhạy cảm.

Các quan điểm phê phán TPP cho rằng những tiêu chuẩn quá cao của hiệp định sẽ không khuyến khích sự tham gia của các nước đang phát triển, do đó RCEP trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn, khi được cho là ít đòi hỏi các thay đổi kinh tế. Thêm vào đó, vai trò trung tâm của ASEAN trong RCEP cũng khác hẳn so với TPP, trong đó tất cả các đối tác đều bình đẳng (về mặt kỹ thuật), mặc dù nhiều quốc gia vẫn đang theo dõi những chính sách mà Mỹ theo đuổi.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM 

Trước những tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, Hiệp định RCEP được ký kết đã mang lại bước đà thúc đẩy phục hồi kinh tế giữa các nước tham gia. Việt Nam đã hưởng lợi khi được mở rộng thị trường đến những nơi có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng mạnh về nông sản, thủy sản. Các mặt hàng trong vùng thương mại tự do được hưởng ưu đãi về mặt thuế quan cũng như chuỗi cung ứng được mở rộng mang đến cho doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức mà họ phải đổi mặt.

RCEP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Hiệp định thương mại lớn RCEP cùng với những chính sách ưu đãi mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt để khai thác, thúc đẩy tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường quốc tế với những sản phẩm thế mạnh. 

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt tiếp cận vào những thị trường lớn trên thế giới. Quy mô thị trường RCEP rộng lớn chiếm 50% dân số thế giới (với Trung Quốc), 30% GDP toàn cầu (đặc biệt Trung Quốc, Nhật Bản và chiếm 28% thương mại thế giới. Do vậy, Hiệp định giúp doanh nghiệp Việt có thể thâm nhập sâu hơn vào những thị trường “màu mỡ” này để mở rộng phạm vi kinh doanh. Việc xuất khẩu hàng hóa sang những quốc gia này là cơ hội mới giúp doanh nghiệp có thể bứt phá sau khi tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Bởi, nhu cầu của các nước trong Hiệp định với mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là lớn với nông sản thủy sản, may mặc

Đồng thời, hàng hóa của Việt Nam (có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc) nên khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, quy định của các FTA ASEAN +1 phải có ít nhất 40% tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng RCEP lại cho phép cộng gộp giá trị nguyên liệu nhập khẩu từ các nước tham gia đàm phán, bao gồm cả Trung Quốc, hàng hóa của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc sẽ vẫn được ưu đãi thuế khi vào các nước kể trên. Đây là lợi thế lớn, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu cần tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt hưởng lợi về chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 nguồn cung đang gặp vấn đề gián đoạn, đứt gãy gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp Việt thường sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai nước lớn này đều nằm trong RCEP vì vậy vấn đề về hải quan cũng như thuế quan đều có những ưu đãi lớn giúp việc nhập nguồn nguyên vật liệu trở nên dễ dàng hơn trong thời điểm hiện tại. Điều này sẽ giải quyết bài toán lớn của tập đoàn Việt Nam về chi phí khi nhập nguồn nguyên liệu ở nước ngoài. Với việc chi phí nhập đầu vào được giảm hơn đi kèm với sức cạnh tranh của hàng hóa Việt với thị trường quốc tế sẽ nâng cao hơn. 

Thứ ba, doanh nghiệp Việt có lợi từ cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thuận lợi. RCEP là thị trường có mức độ phát triển kinh tế mạnh nên nhu cầu rất lớn. Đặc điểm của người tiêu dùng trong RCEP (16 nước) không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm. Thị trường RCEP có nhu cầu lớn với sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt – may, giày – dép… nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN, ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. RCEP có đàm phán mở cửa tốt hơn cho ngành dịch vụ hậu cần logistics, viễn thông…; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn.

Thứ tư, Hiệp định RCEP mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mở cửa dịch vụ logistic, thương mại điện tử khiến hàng hóa đến tay người dùng các nước dễ dàng hơn. Trước đây, việc vận chuyển hàng hóa sang những nước có tiêu chuẩn nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc là khó khăn. Các sản phẩm của Việt Nam khó thâm nhập những thị trường khó tính này nhưng với RCEP những rào cản như quy trình hải quan sẽ nới lỏng hơn. Điều này mang đến tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp Việt trong việc sản xuất sản phẩm và cung cấp sang các nước trong Hiệp định. Theo đó, những chi phí vận chuyển, lưu kho cũng sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Doanh nghiệp Việt nên tận dụng RCEP này để phát triển và mở rộng cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh những cơ hội mới mở ra là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp Việt cần phải giải quyết để có thể tồn tại và phát triển trước sự cạnh tranh ngày càng lớn. Bởi, kinh doanh là cuộc chơi của thức lực và Hiệp định mở ra sẽ tạo cơ hội công bằng cho tất cả doanh nghiệp.

RCEP đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt

Không thể phủ nhận, RCEP dự kiến sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho chúng ta. Song, nó cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Điều quan trọng là chính phủ nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng cần tận dụng tốt cơ hội mà RCEP mang lại, đồng thời có những giải pháp để đối mặt với những thách thức đó. Khi Hiệp định được ký kết, sân chơi kinh doanh công bằng sẽ mở ra với những quy tắc và luật lệ kéo không ít thách thức.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sức ép cạnh tranh đến từ doanh nghiệp các nước trong khuôn khổ Hiệp định, đặc biệt là Trung Quốc. Với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ, nền kinh tế tỷ dân này có thể gây ra những tổn thương đến sinh kế của người dân tại các nước khác. Sự cạnh tranh diễn ra từ hai phía, từ thị trường các doanh nghiệp Việt nhắm đến để xuất khẩu hàng hóa và từ thị trường trong nước khi các nước xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

Với sự cạnh tranh tại những thị trường xuất khẩu trọng tâm, việc ưu đãi thuế cũng mang lại lợi ích ngang bằng giữa các nước trong Hiệp định, do vậy các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng sẽ hưởng lợi từ thuế, họ cũng có thế mạnh trong nhóm ngành hàng tương tự  khiến doanh nghiệp Việt vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt về cả chất lượng sản phẩm và giá cả. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần cải thiện rất nhiều về quy trình, và tìm ra được lợi thế cạnh tranh khác biệt của mình.

Tại thị trường trong nước, Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho các nước xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ với thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng từ đó cũng có nhiều sự lựa chọn hơn trong hàng hóa cùng với tâm lý chuộng sản phẩm ngoại sẽ gây ra khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt. Có thể kể đến như ngành sản xuất ôtô tại Việt Nam sẽ chịu tác động lớn khi các sản phẩm xe ngoại nhập được ưu đãi về thuế từ Hiệp định sẽ chiếm đáng kể thị phần. Lý giải điều này, theo Toyota Việt Nam, quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư phụ trợ là chưa rõ ràng khiến cho việc sản xuất ở Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp. Điều đó khiến giá thành xe Việt Nam cao hơn 10-20% so với Thái Lan và Indonesia. Hơn nữa, các doanh nghiệp Trung Quốc với dây chuyền sản xuất lớn, chi phí lao động rẻ nên những sản phẩm ô tô của họ có nhiều tính năng hiện đại cùng với giá thành thấp đang cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Việt. Sự cạnh tranh tập trung ở các ngành hàng điện tử, điện lạnh, người tiêu dùng Việt vẫn dành sự ưu tiên lớn hơn cho các sản phẩm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

Thứ hai, Hiệp định mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt đồng thời kéo theo yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn để tăng sức cạnh tranh. Mặc dù RCEP có sự nới lỏng trong các quy trình hải quan hay yêu cầu về sản phẩm nhưng để có lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực thì chất lượng hàng hóa, sản phẩm phải tối ưu và giá cả cũng giữ mức vừa phải. Đây là bài toán thách thức năng lực của các doanh nghiệp Việt muốn mở rộng và tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Chất lượng sản phẩm tốt hơn cùng tối ưu chi phí liên quan đến cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm và sự giám sát chặt chẽ trong quá trình hoàn thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải nhận ra điểm khác biệt trong sản phẩm của mình so với đối thủ trong khu vực. Ví dụ những sản phẩm hoa quả, có những giống chỉ Việt Nam mới có như thanh long ruột trắng, nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn cùi nên tập trung thúc đẩy xuất khẩu. Với những sản phẩm cùng loại, các nước trong khu vực đều có thì doanh nghiệp Việt Nam cho thấy sự bảo quản tốt và tươi ngon khi vận chuyển đến thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chủ động, chiến lược kinh doanh hợp lý để tận dụng cơ hội từ Hiệp định. Đến nay, chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc Việt Nam đang tham gia đàm phán RCEP, trong khi đây là một hiệp định toàn diện nhằm tối đa hóa lợi nhuận kinh tế, tích hợp các hiệp định thương mại tự do khác nhau mà 10 nước ASEAN đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc. Theo một khảo sát được tiến hành bởi The Economist của Anh, tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thấp, chưa đến 50%. Việc ký kết các FTA này mở ra thị trường thương mại tự do cho Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới và quan trọng nhất là các FTA mang lại cơ hội cắt giảm 90% các dòng thuế xuống 0%. Doanh nghiệp cho rằng các điều khoản FTA phức tạp, nhưng trên thực tế, lý do chủ yếu là chưa quan tâm đúng mức. RCEP đang được đàm phán hứa hẹn sẽ mở ra một vùng trời kinh doanh rộng mở nhưng cũng hứa hẹn nhiều thách thức nếu không biết tận dụng.

TẬN DỤNG LỢI ÍCH TỪ HIỆP ĐỊNH, TỐI ĐA HÓA HIỆU QUẢ KINH DOANH

Trong các phần trên, bài viết đề cập đến thông tin tổng quan về Hiệp định RCEP và những tác động tạo ra cơ hội và thách thức cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt. Đứng trước thị trường rộng lớn được mở ra sau khi Hiệp định được ký kết, các doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy tập trung vào tận dụng những lợi ích có được để mở rộng thị trường kinh doanh của mình. Với quy mô thị trường lớn từ các nước thành viên của RCEP, việc xuất khẩu thành công sản phẩm sẽ mang lại doanh thu lớn cùng với khẳng định vị trí của doanh nghiệp trên trường quốc tế tạo đà bứt phá trong thời điểm hậu dịch bệnh. Để tận dụng tốt được Hiệp định này, các doanh nghiệp cần có sự đổi mới trước hết trong tư duy và chiến lược của đội ngũ lãnh đạo để nâng cao sức mạnh tổ chức để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Ngoài ra cần có những kế hoạch hành động cụ thể trong khắc phục khó khăn và sử dụng tốt lợi ích Hiệp định mang lại. 

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định để nắm rõ được những lợi ích về kinh tế mà RCEP mang lại như ưu đãi về thuế và nới lỏng trong quy trình hải quan. Chỉ khi nắm rõ được, các doanh nghiệp mới có kế hoạch và chiến lược để tận dụng hiệu quả. Sau khi tìm hiểu thông tin về RCEP, doanh nghiệp nên xác định sản phẩm thế mạnh có khả năng xuất khẩu của mình cùng với thị trường mục tiêu. Một yếu tố quan trọng tác động đến sự thành công của doanh nghiệp là họ cần phải nhận ra lợi thế cạnh tranh trong sản phẩm của mình so với các nước khác. Bởi cùng một ngành hàng sẽ có nhiều các nước khu vực tham gia vào cùng với việc được hưởng ưu đãi là ngang bằng thì sự khác biệt trong sản phẩm sẽ đóng vai trò quyết định. Điều này đòi hỏi sự thảo luận và phối hợp chặt chẽ trong doanh nghiệp để hoạch định ra chiến lược hợp lý và có kế hoạch để có sự đổi mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Yếu tố tiếp theo là lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp. Việc lựa chọn dựa trên tiêu chí về hành vi của khách hàng, nhu cầu của họ về sản phẩm cũng như những đối thủ cạnh tranh trực tiếp vào thị trường này. Các doanh nghiệp cần xác định rõ những khía cạnh trên và đưa ra những chiến lược để thâm nhập vào thị trường.

Thứ hai, trước việc mở cửa thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay, các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược và tư duy kinh doanh mới lấy sức ép cạnh tranh làm động cơ để phát triển. Hiệp định RCEP tạo ra sức ép cạnh tranh từ hai phía đối với doanh nghiệp Việt Nam, từ thị trường trong nước và thị trường mục tiêu xuất khẩu. 

Với thị trường trong nước, hàng hóa đến từ các nước trong Hiệp định sẽ vào thị trường Việt Nam dễ dàng hơn gây sức ép với doanh nghiệp trong nước. Điều này buộc các lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị đổi mới trong chiến lược cạnh tranh để giữ lại thị phần của mình. Các doanh nghiệp Việt cần giải quyết trên hai phương diện. Thứ nhất, họ tập trung củng cố lợi thế cạnh tranh sẵn có của mình cũng như quy chuẩn lại quá trình tạo ra sản phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm là tối ưu nhất. Thứ hai, doanh nghiệp đặt trọng tâm trong mang lại trải nghiệm tích cực cho người dùng bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi sự cải thiện và phát triển liên tục trong năng lực lãnh đạo để tăng khả năng thích nghi với sự cạnh tranh của thị trường.

Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Thời điểm Hiệp định RCEP có hiệu lực là khoảng đầu năm sau do vậy để cạnh tranh tốt với doanh nghiệp các nước, doanh nghiệp Việt Nam cần cho thấy sự chủ động trong việc tìm hiểu thị trường định hướng xuất khẩu về các vấn đề như thuế quan các loại hàng hóa, đặc tính của thị trường, những đối thủ cạnh tranh để có nước đi đúng đắn. Ngoài ra, các doanh nghiệp tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo khi vận chuyển ra nước ngoài không bị hỏng hoặc bị ảnh hưởng. Bởi nhiều sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước bị hư hỏng và không được chất lượng như ban đầu, đặc biệt là hoa quả, thủy sản.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần có sự cải tiến, áp dụng công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng những chuẩn mực của khu vực và quốc tế. Việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất và vận hành của doanh nghiệp vẫn gây ra những khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc chuyển đổi số bản chất là thay đổi tổ chức, đặc biệt cần phát triển nền tảng kỹ năng và sự thích nghi của đội ngũ nhân sự. Kỹ năng và kiến thức của nhân viên cần nâng cao mới có thể sử dụng tốt được công nghệ. Nhưng trong ngắn hạn, các lãnh đạo có thể cân nhắc áp dụng số công nghệ vào lĩnh vực cần thiết mang lại hiệu quả trực tiếp cho doanh nghiệp để tận dụng tốt cơ hội mở ra từ Hiệp định RCEP. Việc áp dụng sẽ giúp ích trong việc tăng năng suất cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm nhờ tự động hóa và sự phân tích dữ liệu hiện đại. 

Điều quan trọng lúc này đó là phát triển đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc phát triển nhân lực không chỉ nhằm phục vụ cho việc tận dụng lợi ích từ Hiệp định, cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn hướng đến làm giàu sức mạnh nội lực của doanh nghiệp trong dài hạn. Thời kỳ VUCA cùng với sự so kè nhau kinh doanh, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp không chỉ đơn thuần sản phẩm/dịch vụ, những chiến lược mà là con người – nguồn nhân lực. Đội ngũ nhân sự là người thực thi mọi chiến lược đề ra và trực tiếp làm ra sản phẩm cũng như tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Do vậy, đội ngũ này mạnh, vững vàng sẽ là điểm tựa cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế và nội địa. 

Tóm lại, Hiệp định RCEP vừa được ký kết đã tạo đà thúc đẩy kinh tế chung sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ tận dụng các FTA này chỉ khoảng 30%. Với quy mô lớn hơn và cơ hội rộng mở hơn của Hiệp định RCEP, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn để tạo ra kết quả tích cực trong kinh doanh trong thời điểm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn lớn vì dịch bệnh. 

Hiệp định RCEP mang đến những thử thách cũng như cơ hội cho Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng. Trước sự mở cửa thương mại, doanh nghiệp các nước trong khu vực cũng thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn mang lại sức ép cạnh tranh lớn. Nhưng đi kèm với những thách thức, cơ hội luôn mở ra cho doanh nghiệp biết tận dụng lợi ích kinh tế từ Hiệp định. Do vậy, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là giữ vững thị trường nội địa cũng như mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Bài toán này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần có sự đổi mới trong chiến lược kinh doanh cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự đáp ứng sức cạnh tranh của thị trường. Và hơn hết, các lãnh đạo cần ý thức được tầm quan trọng sự phát triển năng lực của bản thân để đưa ra định hướng đúng đắn cho tổ chức.

OD CLICK biên tập


Nguồn tham khảo:

  1. https://www.bbc.com/news/world-asia-54949260
  2. https://www.vietnam-briefing.com/news/how-does-vietnam-benefit-by-joining-rcep.html/#:~:text=The%20RCEP%20further%20builds%20on,market%20access%20for%20its%20goods.
  3. https://en.vcci.com.vn/what-can-vietnam-gain-from-world%E2%80%99s-largest-trade-pact-rcep
  4. https://baomoi.com/doanh-nghiep-viet-can-lam-gi-de-nam-bat-co-hoi-tu-hiep-dinh-rcep/c/37048307.epi
  5. https://trungtamwto.vn/chuyen-de/16565-hiep-dinh-rcep-y-nghia-gi-voi-viet-nam
  6. https://trungtamwto.vn/tin-tuc/16590-rcep-se-dinh-hinh-lai-thuong-mai-chau-a
  7. https://vnexpress.net/rcep-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-lon-nhat-the-gioi-4192070.html
  8. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-RCEP/32481/so-hoa-doanh-nghiep-de-tan-dung-co-hoi-tu-rcep
error: Nội dung đã khóa !!