NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO TẦM CAO

 

Nói về lãnh đạo tổ chức, nhiều người cho rằng đó là việc của chủ doanh nghiệp, của giám đốc, leader chứ không phải của mình. Tuy nhiên, thực tế là vị thế của nhà lãnh đạo không đến từ chức vụ. Trong cuốn sách “The book of Leadership” của Anthony Gell chỉ ra rằng, nhà lãnh đạo xuất chúng không thể thiếu đi ba năng lực chính: lãnh đạo Bản thân, lãnh đạo Đội nhóm và lãnh đạo Tổ chức. Điều này có nghĩa, bạn luôn có thể trở thành một nhà lãnh đạo, bắt đầu từ lãnh đạo chính mình để đạt kết quả tối ưu.

1. Lãnh đạo bản thân

“Bạn chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình” (You can only be a great leader when you can lead yourself well first) – Richard Norris.

Làm chủ bản thân là một việc không đơn giản, nhưng chắc chắn là nó rất quan trọng. Nếu bạn không tự làm chủ được chính mình, thì làm sao bạn có thể kéo những người khác đi cùng? Vì thế, hãy bắt đầu từ chính chúng ta.

Trước tiên, nhà lãnh đạo luôn hiểu rõ về mình: ước mơ, giá trị, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Bạn biết mình đang ở đâu, mình muốn đi tới đâu, và bằng cách nào, với những nguồn lực nào để đạt được điểm đến đó. Tuy nhiên, hiểu mình mới chỉ là bước đầu tiên. Trên con đường tới đích có vô vàn thử thách mà chỉ những người có khả năng tự chủ rất cao mới có thể vượt qua được. Vậy nên, một số yếu tố gợi mở dưới đây sẽ giúp bạn lãnh đạo bản thân tốt hơn:

Thứ nhất, lãnh đạo bắt đầu từ tình yêu công việc. Nếu bạn muốn truyền cảm hứng cho mọi người, bạn cần có cảm hứng trước tiên. Tìm ra việc mình yêu thích đã tạo cảm hứng và động lực cho bạn – làm việc nhưng không nghĩ là mình đang làm việc. Một cách tự nhiên, bạn trở nên chăm chỉ hơn, đạt được kết quả tốt hơn. Đừng lãng phí cuộc đời với những công việc không đem lại niềm vui, đam mê cho bạn. Lãnh đạo ảnh hưởng tới mọi người không chỉ bởi khối óc mà còn là niềm tin và đam mê, mà chỉ tình yêu công việc có thể làm điều này.

Thứ hai, có tính kỷ luật. Tính kỷ luật là yêu cầu không thể thiếu để làm chủ chính mình. Làm chủ bản thân là biết “ép” mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết nhập gia tùy tục, thích ứng mọi sự thay đổi để đạt được mục tiêu của mình. Tính kỷ luật sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh của bản thân, như triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”.

Thứ ba, tập trung vào điểm mạnh thay vì cố gắng khắc phục điểm yếu. Điểm mạnh là vốn liếng quan trọng để thành công nên cần phải phát huy tối đa. Điểm yếu là rào cản ngăn lối đến thành công nên cần phải khắc phục và cải tiến. Làm chủ bản thân là biết rõ mình mạnh cái gì để gia tăng sự tự tin và hiểu mình yếu cái gì để khắc phục. Song, lãnh đạo giỏi không phải là người không có điểm yếu, mà là người có điểm mạnh rõ ràng. Dành quá nhiều thời gian để khắc phục điểm yếu nghĩa là bạn đang tự đánh mất cơ hội phát triển của mình.

2. Lãnh đạo đội nhóm

Khi đã làm tốt với bản thân, hãy nhìn xung quanh bạn. Những người cùng làm việc với bạn sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên. Mấu chốt của lãnh đạo đội nhóm chính là trả lời câu hỏi: “Làm sao để người khác sẵn lòng theo mình?”.

Trước tiên, lãnh đạo chân thực. Nhân tố quan trọng khi tiếp xúc với đội nhóm của bạn là bạn thực sự là chính bạn. Nhiều người có thể sử dụng các phương thức để lôi kéo, cuốn hút mọi người, nhưng sức cuốn hút không chỉ nằm trong các kỹ năng. Cốt cách con người tạo ra sự tin tưởng từ phía đồng đội của bạn.

Thứ hai, lãnh đạo bằng cách làm gương. Người ta nhớ tới bạn vì những gì bạn làm nhiều hơn những gì bạn nói, nên sự tín nhiệm chỉ tới khi lời nói đi đôi với hành động. Nếu bạn muốn đội ngũ tin theo các giá trị bạn đề ra, thì chính bạn phải là hiện thân cho các giá trị đó.

Thứ ba, phát triển đội nhóm tài năng. Bạn không thể một mình làm tất cả mọi việc, nên với quy mô nhỏ, thì mỗi thành viên đều là một ngôi sao. Hãy để mắt tìm kiếm tài năng, kể cả khi bạn không tuyển dụng. Tiếp đó, tạo cơ hội phát triển họ, liên tục công nhận, tuyên dương, đảm bảo rằng những tài năng này trung thành với bạn, hay yêu quý bạn.

3. Lãnh đạo tổ chức

Rõ ràng rằng lãnh đạo một tổ chức rất khác so với lãnh đạo chính mình, hay chỉ một nhóm nhỏ. Đến lúc bạn tìm ra những nhân tố nâng tầm một tổ chức lên mức tuyệt vời và dẫn đầu thị trường.

Khách hàng là trên hết. Sự sống còn của tổ chức phụ thuộc vào trải nghiệm khách hàng. Các CEO xuất sắc luôn ám ảnh về trải nghiệm khách hàng, và dành thời gian tiếp xúc trực tiếp khách hàng. Và, những người đứng đàu doanh nghiệp hiểu rằng nhân viên vui sẽ làm cho khách hàng vui. Hãy chắc chắn rằng tình yêu khách hàng của bạn được truyền tới nhân viên, và bạn cũng yêu nhân viên.

Nhân tố tiếp theo chúng tôi nhắc tới là tính thích ứng của tổ chức. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những kinh nghiệm thành công hôm qua có thể trở thành rào cản cho công ty hôm nay. Tư duy Agile hay tổ chức học tập đang trở thành xu hướng trong thế giới quản trị hiện đại, phù hợp với môi trường nhiều biến động. Hoàn hảo không quan trọng, quan trọng là sẵn sàng thử – sai và tiến bộ nhanh.

Một nhà lãnh đạo tất nhiên khó có thể toàn vẹn được mọi mặt. Song, đam mê, nỗ lực và khao khát thành công sẽ giúp bạn nâng tầm bản thân, đội nhóm và dẫn dắt tổ chức vươn lên tầm cao mới.

 

Tài liệu tham khảo:

The book of Leadership, Anthony Gell

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!