TẠO ĐỘNG LỰC VÀ GẮN KẾT NHÂN VIÊN HIỆU QUẢ
Một số nghiên cứu đã chỉ ra trong sự thành công của một cá nhân, kiến thức chỉ đóng góp khoảng 10%, 20% là do kỹ năng và 70% còn lại là từ thái độ. Một nhân viên có kiến thức nhưng không có kỹ năng vận dụng thì cũng không mang lại hiệu quả. Một nhân viên có kiến thức và biết cách vận dụng nhưng không muốn làm hoặc làm một cách miễn cưỡng thì cũng không thành công. Thái độ của một người đối với một vấn đề, một sự việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu quả thực thi công việc hay giải quyết vấn đề. Làm thế nào để tạo động lực cho nhân viên là một bài toán khó đối với nhà lãnh đạo hay người quản lý nhân sự.
Động lực là gì?
Động lực có thể hiểu là sự khát khao và tự nguyện của con người nhằm tăng cường sự nỗ lực để đạt được mục đích hay một kết quả cụ thể (Nói cách khác động lực bao gồm tất cả những lý do khiến con người hành động). Động lực cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, các nhân tố này luôn thay đổi và khó nắm bắt. Chúng được chia thành ba loại yếu tố cơ bản là:
Thứ nhất, những yếu tố thuộc về con người: đây là những yếu tố xuất hiện trong chính bản thân con người thúc đẩy con người làm việc, bao gồm: Lợi ích của con người, mục tiêu cá nhân, thái độ của cá nhân, khả năng – năng lực của con người và thâm niên, kinh nghiệm công tác.
Thứ hai, các nhân tố thuộc về môi trường: Đó là những nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng đến người lao động như: Văn hóa doanh nghiệp, các chính sách về nhân sự hoặc các yếu tố về phong cách lãnh đạo, cấu trúc tổ chức doanh nghiệp và các yếu tố về xã hội.
Thứ ba, các yếu tố thuộc về nội dung bản chất công việc: Công việc là yếu tố chính quyết định ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Đồng thời, bản chất công việc cũng tác động không nhỏ đến động lực làm việc của nhân viên. Các yếu tố bao gồm: Tính ổn định và mức độ tự chủ của công việc, mức độ khác nhau về nhiệm vụ và trách nhiệm, sự phức tạp của công việc, sự hấp dẫn và thích thú.
Tạo động lực làm việc cho nhân viên là việc quan trọng và cần thiết đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Tạo động lực cho nhân viên là tác động đến cá nhân từng thành viện trong tổ chức để phát huy tài năng của họ đạt được mục tiêu. Nhưng quan trọng hơn và cần phải thực hiện song hành là tạo sự gắn kết nhân viên. Có như vậy mới tạo ra sức mạnh tập thể, cùng nhau đạt được mục tiêu chung của tổ chức thông qua việc phát huy tài năng của mỗi cá nhân.
Gắn kết nhân viên là gì?
Đó là sự tận tâm và cố gắng cống hiến hết mình của nhân viên vào sự thành công của doanh nghiệp. Những nhân viên gắn kết sẽ cảm thấy hài lòng và hứng thú với công việc về cả mặt thể chất, cảm xúc và cả nhận thức. Mức độ gắn kết càng cao thì nỗ lực đóng góp cho tổ chức càng nhiều. Trong mỗi doanh nghiệp thường thấy 3 mức độ gắn kết là: những người có sự gắn kết cao, những người thiếu gắn kết và những người chủ động không gắn kết. Một doanh nghiệp có đội ngũ nhân sự gắn kết sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội và tạo nền móng cho sự phát triển bền vững.
Lợi ích mang lại khi tạo động lực và gắn kết nhân viên
Nhân viên là những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động của doanh nghiệp, họ thực thi các mục tiêu chiến lược của nhà lãnh đạo. Đồng thời, họ đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công lâu dài của tổ chức và truyền tải các giá trị của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện tốt việc tạo động lực và gắn kết nhân viên sẽ tác động lên năng suất, lợi nhuận, mức độ hài lòng của khách hàng và doanh thu. Sau đây là một số lợi ích của việc tạo động lực và gắn kết nhân viên:
Một là, nhân viên vắng mặt và nghỉ việc thấp hơn: Khi nhân viên có động lực làm việc và gắn kết với tổ chức thì tỷ lệ vắng mặt và nghỉ việc sẽ thấp hơn. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp triển khai công việc thuận lợi, thực hiện kế hoạch suôn sẻ, hạn chế việc chậm tiến độ và nâng cao hình ảnh trong mắt khách hàng. Nhân viên có động lực và gắn kết sẽ tự có động lực để hoàn thành công việc và mong muốn trở thành một cá nhân xuất sắc trong nhóm, do vậy, tỷ lệ vắng mặt hoặc nghỉ việc của họ sẽ thấp hơn.
Các nhân viên có động lực, gắn kết và hài lòng với công việc sẽ ít có xu hướng chuyển việc hơn. Điều đó giúp doanh nghiệp ổn định về nhân sự, tạo tiền đề xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và phát triển văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Hai là, nâng cao năng suất làm việc: Một nghiên cứu trên hơn 23.000 doanh nghiệp nhận thấy rằng những công ty có số nhân viên gắn kết cao sẽ làm việc hiệu quả hơn 18% so với những công ty có tính gắn kết thấp. Như vậy, một doanh nghiệp thành công trong việc tạo động lực và gắn kết nhân viên sẽ tăng năng suất lao động, khách hàng hài lòng hơn và thu được lợi nhuận cao hơn.
Ba là, nhân viên có sự kết nối hơn: Tạo động lực và gắn kết nhân viên là các nhân viên của doanh nghiệp cảm thấy gắn bó với nơi làm việc, kết nối với đồng nghiệp của họ. Một môi trường văn hóa làm việc có sự kết nối sẽ khuyến khích giao tiếp và dẫn đến tăng năng suất cho cả nhóm, cả doanh nghiệp. Sự kết nối thông tin thường xuyên giữa các cá nhân trong nhóm hoặc giữa các bộ phận phòng ban sẽ thúc đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề phát sinh, tạo hiệu quả trong công việc, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và đạt mục tiêu nhanh hơn của tổ chức.
Tạo động lực và gắn kết nhân viên là việc làm quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Chỉ khi nào doanh nghiệp làm được việc đó mới phát triển được đội ngũ nhân sự chất lượng, đồng hành cùng lãnh đạo thực hiện các mục tiêu chiến lược của tổ chức, xây dựng và phát triển một doanh nghiệp bền vững.
Tài liệu tham khảo:
- Các khái niệm cơ bản về tạo động lực lao động – http://voer.edu.vn/m/cac-khai-niem-co-ban-ve-tao-dong-luc-lao-dong/9f71502b
- Tạo động lực làm việc – https://www.thesaigontimes.vn/155425/Tao-dong-luc-lam-viec.html
- Gắn kết nhân viên là gì và tầm quan trọng của nó với doanh nghiệp – https://blog.trginternational.com/vi/vi-sao-gan-ket-nhan-vien-lai-quan-trong-doi-voi-doanh-nghiep
- Tạo Động Lực Cho Nhân Viên Trong Giai Đoạn Khó Khăn – http://engagement.vn/tao-dong-luc-cho-nhan-vien-trong-giai-doan-kho-khan/