Nokia không còn là thương hiệu xa lạ với người dùng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới trong những thập kỷ trước. Gã khổng lồ công nghệ Phần Lan ra đời vào năm 1871, cùng với những mẫu điện thoại làm nên tên tuổi của mình như là Nokia 3210, Nokia 1110, Nokia 1200 cho đến bản cao cấp hơn như Nokia 7650 hay seri N như N90, N92, N93i và N95. Vào thời gian hoàng kim, công ty đóng góp lớn vào GDP của Phần Lan tính đến 2011 và nắm giữ tới 41% thị trường toàn cầu.

Vậy điều gì khiến Nokia đánh mất thị trường vào tay các hãng điện thoại khác như Samsung, Apple? Bài viết này sẽ tiếp cận vấn đề theo hướng nghiên cứu để lý giải nguyên nhân cho sự ‘’sụp đổ’’ này. Bài viết được phân tích dựa theo bài nghiên cứu nhóm tác giả bao gồm chuyên gia và sinh viên đến từ Phần Lan được đăng trong tạp chí lịch sử kinh doanh ”Business History” năm 2018. Trước khi chỉ ra nguyên nhân chính cho sự đánh mất vị thế của Nokia, chúng ta cần hiểu về nội dung và phương pháp của bài viết.

Nội dung tổng quan

Trong lịch sử kinh doanh, chúng ta thấy ít trường hợp các đối thủ cạnh tranh mới nổi có thể truất phế một ông lớn đang chiếm lĩnh thị trường. Nokia không phải là người bị động trong cuộc chiến cạnh tranh này. Vậy do đâu mà họ lại đánh mất vị thế của mình? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này.

Bài viết đề cập 2 vấn đề tác động đến sự suy thoái của Nokia là: lựa chọn công nghệ, những quyết định liên quan và lựa chọn thiết kế tổ chức. 

Về vấn đề công nghệ, câu hỏi lớn đặt ra: Tại sao Nokia đầu tư rất nhiều vào nền tảng phần mềm Symbian ít nhiều bị lỗi thời ngay cả khi nền tảng điện thoại thông minh cạnh tranh IOS và Android xuất hiện? Về lựa chọn thiết kế tổ chức, bài viết khai thác vào triết lý quản lý của Nokia. Các nhà lãnh đạo đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho các đối thủ cạnh tranh mới. Tuy nhiên, những quyết định chậm chạp trong nội bộ và các nền tảng công nghệ mới thay thế đã khiến công ty bị tụt lùi. Nokia là một ví dụ điển hình về gặp khó khăn trong tìm kiếm một hình thức tổ chức quản lý hiệu quả. Vì vậy, đứng trước sự đổi mới, một số quy trình cốt lõi của công ty như quản lý công nghệ (bao gồm cả hoạt động nghiên cứu và phát triển) chưa được vận hành hiệu quả.

Sau khi xác định được nội dung chính của bài viết, hãy cùng tìm hiểu phương pháp để thu thập dữ liệu và thông tin. Những thông tin và dữ liệu này mang lại độ tin cậy và tính thuyết phục cho bài viết.

Phương pháp

Bài viết thu thập thông tin từ nhiều nguồn dữ liệu bao gồm cả sơ cấp và thứ cấp. Về sơ cấp, thu thập dữ liệu vào năm 2010 bằng cách sắp xếp các cuộc phỏng vấn với người quản lý làm việc tại tập đoàn Nokia. Cụ thể, đó là 28 cựu giám đốc điều hành và các chuyên gia từ ngành viễn thông. Các buổi phỏng vấn kéo dài từ hai đến ba giờ và được ghi âm lại. Đây là một phương pháp nghiên cứu hiệu quả nhất vì đối thoại trực tiếp với những lãnh đạo của tập đoàn sẽ mang lại thông tin chính xác và thực tế. Ngoài ra, chúng ta có thể khai thác thêm những vấn đề trong nội bộ tập đoàn mà trên các nguồn tin khác chưa được tiết lộ.

Về dữ liệu thứ cấp, bài viết sử dụng dữ liệu về tài liệu của công ty bao gồm các báo cáo thường niên, thư CEO và những phân tích các tài khoản trên phương tiện truyền thông xã hội, nơi các cựu thành viên Nokia chia sẻ thông tin và kỷ niệm của họ. Phương pháp này giúp xem tình hình hoạt động của công ty và vấn đề mà nhân viên gặp phải. Thông qua đó để có góc nhìn tổng quan về tình hình Nokia qua các năm.

Sau khi có phương pháp nghiên cứu tin cậy, bài viết tiếp tục đi sâu để chỉ ra những nguyên nhân gây ra sự ‘’sụp đổ’’ của gã khổng lồ ngành sản xuất điện thoại di động. 

Nguyên nhân dẫn đến sự đánh mất sự thống trị của Nokia

Trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, đặc biệt là sự xuất hiện của hai đối thủ mới là Samsung và Apple. Hai hãng đều tập trung sản xuất điện thoại thông minh trên nền tảng của nhiều ứng dụng. Nokia mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng vẫn gặp phải thất bại bởi hai yếu tố. Đó là lựa chọn công nghệ và vấn đề trong thiết kế tổ chức.

Lựa chọn công nghệ

Thứ nhất, sai lầm của Nokia là kiên trì phát triển hệ điều hành Symbian. Trước năm 2007, Symbian là hệ điều hành hàng đầu với ba nhà sản xuất điện thoại di động lớn sử dụng là Nokia, Ericsson và Motorola. Ba chiến lược khác nhau dẫn đến ba phiên bản hệ điều hành Symbian khác nhau. Điều này tạo ra hai vấn đề lớn với Nokia và hai hãng còn lại. Đầu tiên, việc phân mảnh ra nhiều phiên bản sẽ tạo ra sự khó khăn trong phát triển phần mềm. Ngoài ra, điều này tạo ra trải nghiệm không tốt cho khách hàng của Nokia. Vì chia sẻ với hai công ty điện thoại khác, các nhà phát triển của Nokia sẽ không thể tối ưu nền tảng này theo ý muốn của công ty.

Khi Nokia giành quyền mua lại được Symbian, công ty mất nhiều thời gian để xây dựng lại hệ sinh thái đồng nhất cho hệ điều hành này. Song, việc tối ưu và phát triển ứng dụng trên nền tảng này là khó khăn. Theo lời của một nhân viên phát triển ‘’Do có quá nhiều bản phát hành dành riêng cho sản phẩm khác nhau, nên không chắc chắn rằng khi bạn phát triển một ứng dụng, nó đã hoạt động trên toàn bộ danh mục sản phẩm của Symbian’’. Trong khi công ty đang tìm cách tối ưu nền tảng thì các hệ điều hành của điện thoại thông minh như Android và IOS đã được sử dụng rộng rãi với kho ứng dụng đa dạng. 

Công ty đang gặp trở ngại trong việc tạo ra nhiều ứng dụng hơn cho người dùng. Đó không phải là hệ điều hành có nguồn mở hay không mà là vấn đề về nhiều thủ tục pháp lý khiến việc đưa ứng dụng ra thị trường mất nhiều thời gian. Đó là lý do vì sao ngay cả sau khi Nokia tạo ra hệ điều hành Symbian với nguồn mở, nền tảng này vẫn không hấp dẫn cộng đồng nhà phát triển. Vào 2012, khi cửa hàng Nokia cung cấp hơn 100 000 ứng dụng và thu hút 13 triệu lượt tải mỗi ngày thì cửa hàng ứng dụng IOS và cửa hàng Google play đã cung cấp hàng triệu ứng dụng, hàng tỷ lượt tải.

Nokia bảo thủ trong việc kiên trì phát triển hệ điều hành Symbian đã lỗi thời và phức tạp vì bị phân mảnh bởi hai công ty Ericsson và Motorola. Do đó, khi mua lại Symbian, các nhà phát triển gặp vấn đề trong việc tối ưu và đồng nhất hệ điều hành này. Từ đó có thể thấy việc tập trung vào phát triển Symbian là một quyết định tạo ra sự thất bại của Nokia. Ngoài ra, công ty xây dựng hệ sinh thái gắn với nhà mạng còn Apple hay google dựa trên nền tảng internet. Trước tốc độ phát triển nhanh của internet, người dùng có thể dễ dàng tải nhiều ứng dụng trên nền tảng android và IOS trong khi nền tảng Symbian lại không được hỗ trợ. Vì vậy, công ty đã đi sau trong cuộc đua phát triển ứng dụng. 

Thứ hai, Nokia quyết định từ bỏ Maemo và xây dựng liên minh với intel để phát triển MeeGo. Các giám đốc đã đưa ra nhiều quyết định liên quan đến chiến lược công nghệ của tập đoàn. Ví dụ, ra mắt một số sản phẩm sử dụng hệ điều hành Maemo. Tuy nhiên, sự phát triển của Maemo bị dừng lại và chuyển sang dự án MeeGo. Song, dự án MeeGo tiến hành chậm và đi vào ngõ cụt. Lý giải cho sự thất bại của MeeGo, giám đốc điều hành của Nokia chia sẻ vì không có một hệ sinh thái phù hợp hỗ trợ.

Sự thất bại trong quyết định phát triển nền tảng Meego và Symbian dẫn đến quyết định liên minh với microsoft và tạo ra sản phẩm windows phone vào năm 2011. Song, trước vấn đề về hạn chế về số lượng ứng dụng thì những chiếc điện thoại windows phone đã biến mất khỏi thị trường. Qua đó, độc giả có thể thấy quyết định chậm và bảo thủ dẫn đến những thất bại liên tiếp của tập đoàn Nokia về tìm nền tảng đúng đắn trong khoảng thời gian này.

Nhìn chung sự phát triển công nghệ của Nokia trong giai đoạn 2003-2012 cho thấy sự thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Thực tế cho thấy công ty đã tin tưởng và đầu tư vào Symbian trong một thời gian dài mà không đạt được kết quả. Và ngay cả khi Symbian không thành công thì Nokia cũng không đưa ra giải pháp hệ điều hành thay thế. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nokia lúc đó sử dụng Android thì gã khổng lồ này thậm chí có thể phát triển mạnh hơn nữa. 

Vấn đề về tổ chức

Ở phần trước, bài viết đề cập hai vấn đề trong lựa chọn chiến lược công nghệ dẫn đến sự thất bại trong cạnh tranh với Apple và Google. Tiếp theo, bài viết tiếp tục đi sâu vào cơ cấu tổ chức của tập đoàn với những quyết định sai lầm. Do đó, đứng trước vấn đề từ đối thủ cạnh tranh mới, Nokia đã không nhất quán trong các phản ứng của mình. Tại thời điểm đó, nội bộ tổ chức bộc lộ ra những vấn đề sau.

Thứ nhất, Nokia đã trải qua một tình trạng hỗn loạn nội bộ khi có sự sáp nhập của Siemen vào năm 2006. Điều này dẫn đến sự thay đổi lớn về chiến lược cơ cấu và các thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Bởi, khi có sự sáp nhập với một công ty khác, ban lãnh đạo sẽ có những sự xáo trộn trong đội ngũ. Những lãnh đạo cốt cán có xu hướng thể hiện và bảo vệ quyền lực của mình, vì vậy họ sẽ nảy sinh tâm lý bảo thủ. 

Thứ hai, lãnh đạo Nokia đã có những quyết sách chiến lược sai lầm và bảo thủ. Ông Kallasvuo – lãnh đạo tập đoàn có những quyết định mà thiếu sự hiểu biết về tầm quan trọng của công nghệ. Cụ thể, nhóm công nghệ tương lai bị giải thể và vị trí giám đốc công nghệ (CTO) biến mất vào năm 2007. Và đến 2012, vị trí này mới được bổ nhiệm lại. Điều này mang lại sự ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sản xuất điện thoại của tập đoàn. Bởi, việc phát triển nền tảng công nghệ mới, tối ưu hơn là chìa khóa để đánh bại các đối thủ trong ngành. Trong khoảng từ 2006-2010, Ông Kallasvuo không tập trung vào công nghệ mà thay vào đó là tập trung vào phản ứng của thị trường chứng khoán. 

Chiến lược của ông Kallasvuo và những lãnh đạo trước đây có sự khác nhau. Ông tập trung vào lợi ích cho nhà đầu tư tại các thị trường tài chính khác. Điều này là cần thiết vì doanh thu tập đoàn đã bão hòa tại thị trường điện thoại trong vài năm trở lại đây. Những việc bỏ qua phát triển công nghệ là phần lý do quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của một đế chế về sản xuất điện thoại di động.

Từ quyết sách trên của ông Kallasvuo, có thể thấy vấn đề về ban lãnh đạo đang là nguyên nhân gây ra sự mất vị thế của tập đoàn Nokia trong thị trường điện thoại di động. Bởi, trong lịch sử phát triển, Nokia đã gặp phải sự cạnh tranh dữ dội năm 2000, nhưng nhờ chiến lược đúng đắn của người tiền nhiệm- ông Jorma Ollila trong tái cấu trúc và tối ưu hóa sản xuất, cùng với việc phát triển dòng điện thoại mới đã lấy lại vị thế dẫn đầu cho Nokia.

Thứ ba, vấn đề cạnh tranh nội bộ dẫn đến những quyết định sai lầm của tổ chức. Sự cạnh tranh này đưa tập đoàn theo ba chiến lược phát triển khác nhau. Đó là chiến lược ‘’chi phí thấp’’, chiến lược ‘’điện thoại thông minh’’ và chiến lược ‘’giải pháp doanh nghiệp’’. Theo thời gian ba chiến lược này khiến nokia thành lập các đơn vị riêng biệt có lợi ích xung đột lẫn nhau. Ngoài ra, công ty còn hình thành nên ba phe ủng hộ theo ba nền tảng hệ điều hành khác nhau, đó là phe MeeGo, phe Symbian và phe series40. Tất cả các phe đều cố gắng phá hoại phe MeeGo. Chính những bất ổn trong nội bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những quyết định sai lầm của tập đoàn cũng như những phản ứng chậm trước sức cạnh tranh của đối thủ. 

Thứ tư, vấn đề cơ cấu tổ chức phức tạp thể hiện rõ ở Nokia. Ban lãnh đạo tập đoàn thành lập ra các nhóm làm việc từ xa với các chức năng riêng biệt. Tuy nhiên sự quản lý lại mơ hồ và phân tán đòi hỏi phải có nhiều cuộc họp nội bộ. Điều này ảnh hưởng đến thời gian ra quyết định. Đồng thời, mỗi nhóm tập trung vào các chức năng khác nhau trong hệ điều hành.  Vì vậy, khi một nhóm phát triển ra chương trình cho các sản phẩm, thì những nhóm khác sẽ phải điều chỉnh trong phần mềm. Việc phối hợp không đồng nhất như vậy sẽ ảnh hưởng tiến độ công việc cũng như trải nghiệm người dùng bởi người dùng sẽ phải cập nhật liên tục về phần mềm.

Nhìn chung, lãnh đạo của tập đoàn Nokia chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của công nghệ trong việc phát triển thị trường điện thoại. Cụ thể, họ chỉ tập trung các mảng kinh doanh khác mang lại tăng trưởng doanh thu cao hơn bởi lãnh đạo cho rằng thị trường điện thoại đã bão hòa và khó có được sức bật trong nguồn thu cho tập đoàn. Ngoài ra, sau khi sáp nhập Siemens và mua lại Navteq tạo ra sự phức tạp trong nội bộ tập đoàn. Các quản lý cấp cao nòng cốt sẽ có xu hướng bảo vệ quyền lực của mình và không đặt lợi ích tập đoàn cao nhất.

Kết luận

Qua bài viết, chúng ta có góc nhìn tổng quan về những lý do cốt lõi dẫn đến sụp đổ của một đế chế về sản xuất điện thoại di động trong một thập kỷ qua. Đó là bài học về bài toán quản lý tổ chức, chiến lược và tầm nhìn của lãnh đạo. Qua đó, các lãnh đạo doanh nghiệp rút ra những bài học cho riêng mình, từ đó áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng được chiến lược đúng đắn, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp, giữ vững vị thế trên thị trường. Đồng thời, liên tục đổi mới, nắm bắt cơ hội trong môi trường luôn biến động, tránh những sai lầm gây tổn hại cho doanh nghiệp. Bài viết sắp tới hứa hẹn tiếp tục mang những chủ đề nóng và hữu ích cho các độc giả!

OD CLICK biên tập

 

  Nguồn tham khảo

  1. https://zingnews.vn/nokia-thuong-hieu-150-tuoi-tu-thong-tri-den-sup-do-ra-sao-post819081.html
  2. https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/00076791.2019.1593964?fbclid=IwAR2s-srHecmc4_78tz489U8v0WP32Vy5d2xP3smET3vB5aW6hjp8QICht0M&
  3. https://www.economist.com/finance-and-economics/2012/08/25/the-nokia-effect





error: Nội dung đã khóa !!