Tổ chức học tập là định hướng giải pháp phát triển trong kỷ nguyên VUCA. Năng lực tri thức và khả năng học hỏi là nền tảng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trước sự biến động của thị trường, sự trau dồi và chia sẻ kiến thức giúp hoàn thiện năng lực các cá nhân từ đó nâng cao sức mạnh nội lực và khả năng thích nghi của tổ chức.

Tổ chức học tập đã hình thành và phát triển trong các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Toyota, Adobe. Doanh nghiệp Việt hiện nay cũng đã ý thức được tầm quan trọng trong nâng cao tri thức, thúc đẩy sự học tập trong tổ chức. Song, để hình thành tổ chức học tập tạo ra giá trị bền vững thì cần có sự thấu hiểu đầy đủ và nắm được cách thức xây dựng phù hợp.

Vậy, nội hàm của tổ chức học tập là gì, cách thức nào để xây dựng tổ chức học tập. Cũng như các phương pháp học tập nào hiệu quả được các doanh nghiệp đang áp dụng? Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi thách thức trên.

TỔ CHỨC HỌC TẬP THÚC ĐẨY SỰ HỌC HỎI TRONG DOANH NGHIỆP

Tổ chức học tập

Thực tế cho thấy, tổ chức học tập không phải là một từ khóa mới mẻ và cũng chưa có một định nghĩa chung nhất nào cho khái niệm này. Theo Peter Senge thì “tổ chức học tập đặc trưng cho các cá nhân liên tục trau dồi nâng cao năng lực đạt được kết quả vượt trội. Các thành viên hình thành tư duy mới và cùng nhau chia sẻ, học hỏi hướng đến sự hoàn thiện để tạo ra giá trị”.

Navran Associates Newsletter 1993 đưa ra định nghĩa:Một tổ chức học tập có khả năng liên tục hoàn thiện với một tiến trình sáng tạo đang diễn ra liên tục từ những thành viên. Tổ chức có thể thích nghi, thay đổi trước biến động cả bên trong và bên ngoài tổ chức”.

Tựu chung lại, tổ chức học tập có khả năng tạo ra, thu nhận và chuyển giao kiến thức, đồng thời sửa đổi hành vi của mình để phản ánh kiến thức và hiểu biết mới. Thông qua các hoạt động đào tạo và phát triển nhân viên từ các cá nhân ở mọi cấp độ trong tổ chức đồng thời các thành viên trong tổ chức chủ động tìm kiếm và làm chủ thay đổi; tạo ra, tiếp thu và chuyển giao kiến thức, từ đó mở rộng khả năng của bản thân và mở rộng khả năng của tổ chức để đạt được mục tiêu mong muốn.

Xây dựng tổ chức học tập – Yêu cầu mang tính cấp thiết của doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt và sự bùng nổ của cuộc cách mạng chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp. Khi tri thức của ngày hôm nay rất có thể sẽ trở nên lỗi thời vào ngày mai, thì việc chủ động trang bị tri thức một cách chất lượng và tốc độ để sẵn sàng đáp ứng với yêu cầu và xu hướng mới trở thành lợi thế cạnh tranh tối ưu của doanh nghiệp nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. 

Thứ nhất, một trong những lợi ích lớn nhất mà tổ chức học tập mang lại là lợi thế cạnh tranh. Trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động như hiện nay thì kinh nghiệm cũng như những kiến thức mới được cập nhật liên tục sẽ là yếu tố then chốt để tạo ra lợi thế so với các đối thủ cũng như thu hút và giữ chân nhân tài. Có thể nói, xây dựng tổ chức học tập giờ đây đã trở thành chiến lược phát triển quan trọng của các doanh nghiệp.

Thứ hai, tổ chức học tập giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy tính đổi mới, sự sáng tạo, từ đó tiếp thu thêm nhiều kiến thức để liên kết tốt hơn các nguồn lực với nhu cầu của khách hàng. Khi được trang bị kiến thức và kỹ năng sẽ nâng cao hiệu suất làm việc và tạo ra lợi nhuận cho công ty. 

Thứ ba, việc xây dựng tổ chức học tập trong các doanh nghiệp không chỉ là xu hướng quản trị nhân lực mà còn mang lại mội trường làm việc cởi mở với những tư tưởng sáng tạo, chia sẻ; sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mang tính giải pháp để giải quyết những thách thức thông qua việc khuyến khích sự chủ động nâng cao năng lực làm việc và phẩm chất cá nhân. Tăng tính đoàn kết nội bộ và sự linh hoạt cũng như khả năng thích ứng của công ty trước sự thay đổi của xu thế, thị trường và các tác động khác.

CÁCH THỨC ĐỂ XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỌC TẬP 

Trong phần này, bài viết sẽ đưa ra một số cách thức giúp lãnh đạo doanh nghiệp phát triển tổ chức học tập hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng làm việc cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những thay đổi của thị trường.

Đầu tư cho công tác đào tạo nội bộ

Doanh nghiệp cần xây dựng những chính sách cụ thể cho việc học hỏi, gắn liền với chiến lược phát triển của tổ chức. Các công cụ bao gồm cả việc đánh giá hiện trạng về việc học tập trong tổ chức và những phương pháp để học tập tốt hơn. Xây dựng nền tảng tổ chức và phát triển các kỹ năng chuyên nghiệp, là hai bộ phận cấu thành không thể tách rời, tạo nên năng lực tổ chức, biến con người thành tài sản, hay chính là tạo nên nguồn vốn nhân lực của doanh nghiệp.

Khuyến khích đổi mới sáng tạo

Bản chất của tổ chức đề cao học tập và phát triển tri thức là luôn học hỏi và đổi mới không ngừng. Với tổ chức học tập, điều quan trọng nhất là tạo môi trường cho nhân sự thể hiện sự sáng tạo và phát huy hết năng lực bản thân. Các nhà lãnh đạo nên khuyến khích nhân sự đưa ra những ý tưởng đổi mới trong quy trình để việc thực hiện công việc được hiệu quả hơn. 

Xây dựng các chỉ tiêu đo lường hiệu suất

Mục tiêu nào trong tổ chức cũng cần có công cụ để đo lường hiệu quả so với mục đích đã đề ra. Việc học tập và phát triển cũng tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo nên đặt ra các tiêu chí để đánh giá mức độ thực hiện của tổ chức.Thông qua các KPI đã đặt ra, các nhà lãnh đạo có thể nắm được quá trình học tập trong tổ chức diễn ra như thế nào. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách để tạo dựng thói quen trau dồi, học tập kiến thức của doanh nghiệp.

CÁC PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP MỚI ÁP DỤNG TRONG DOANH NGHIỆP

Kỷ nguyên VUCA cùng với dịch bệnh COVID-19 phức tạp đã phần nào thay đổi cách thức học tập truyền thống. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của chuyển đổi số tác động đến công nghệ giáo dục đã tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người. Trong bối cảnh như vậy, quá trình đào tạo cũng doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi để thích nghi một cách tốc độ và đảm bảo chất lượng. Sự ra đời của những phương pháp học tập mới sau đây đã khẳng định điều đó:  Social and Collaborative Learning, Gamification Learning, Micro-Learning, Blended Learning, Gibson Learning, Mobile Learning,  Internet Learning….

Bài viết này sẽ tập trung lý giải 3 phương pháp học tập phổ biến hiện nay là Gamification-Learning, Micro-Learning, Blended Learning

Gamification Learning

Gamification là một quá trình tích hợp cơ học trò chơi vào quá trình học tập. Thông qua hệ thống trò chơi, chấm điểm, phần thưởng, người học cảm thấy việc học trở nên thú vị hơn và có động lực học tập hơn. 

Nó tạo ra những thay đổi tích cực cho đào tạo nội bộ cho doanh nghiệp như thúc đẩy sự chủ động học tập, nâng cao sự cạnh tranh, tương tác giữa các đồng nghiệp và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đào tạo như chi phí thuê phòng học, thuê giáo viên. Nếu áp dụng một cách hiệu quả thì phí đào tạo nội bộ của doanh nghiệp sẽ giảm bớt đi trong khi chất lượng đào tạo tăng lên. Không những vậy, gamification quá trình học tập sẽ thúc đẩy mong muốn tự nhiên của mọi người giao tiếp, học hỏi, đạt thành tựu, cạnh tranh. Qua đó, tạo không khí học tập thoải mái và nhân viên sẽ không cảm thấy bị ép buộc.

Gamification có thể được sử dụng cho việc đào tạo nhân viên mới, giới thiệu sản phẩm, đào tạo bán hàng, đào tạo hỗ trợ khách hàng, đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo tuân thủ và quản lý.

Phương pháp học tập này sẽ rất phù hợp trong xây dựng tổ chức học tập với các doanh nghiệp có đặc thù về nguồn nhân lực là sự đam mê công việc, công nghệ và luôn yêu thích sự thách thức, mới mẻ như ngành IT, Viễn thông, Logistic….

Micro-Learning

Micro-Learning là mô hình học tập chia khối kiến thức lớn thành các thông tin nhỏ, theo từng đợt ngắn. Người học dễ dàng tiếp nhận, ghi nhớ các thông tin hữu ích. Trong đào tạo doanh nghiệp, hệ thống học tập trực tuyến dựa trên Micro-Learning là chìa khóa giải quyết việc thiếu các khoảng thời gian dài cố định cho việc học của nhân viên. Ví dụ, ở Micro-Learning, một mô-đun thường không kéo dài (dưới 7 phút) và cung cấp một thông tin nhất định. Nhân viên có thể chủ động về thời gian, không gian học tập và thực hiện theo nhiều cách khác nhau như: Email, bài đăng trực tuyến, video đa phương tiện ngắn, v.v.

Phương pháp này giúp việc chuyển đổi học tập hiệu quả hơn và các chuyên gia L&D thích nó hơn so với phương pháp truyền thống. Phương pháp này làm cho việc học trở nên ý nghĩa và hấp dẫn hơn nhờ các bài học ngắn, đơn mục tiêu, tập trung. Không những vậy một trong những lợi ích mà Micro-Learning mang lại cho các doanh nghiệp đó là giảm chi phí cũng như tiết kiệm thời gian. 

Blended Learning

Hình thức học tập này là sự hợp nhất của nền tảng công nghệ số (E-learning), tương tác trực tiếp face-to-face (học tập truyền thống) và học tập cá nhân. Blended Learning tập trung chủ yếu vào vai trò của người học. Nội dung đào tạo trong phương pháp Blended Learning có thể tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau như: nội bộ, các công ty đào tạo. Hình thức đào tạo cũng có sự lựa chọn khác nhau như: khóa học VOD (video on demand – được ghi hình), realtime (học theo thời gian thực), các khóa online và offline xen kẽ kết hợp, v.v. tùy theo nhu cầu doanh nghiệp.

Lấy ví dụ thực tế trong áp dụng Blended Learning của công ty kiểm toán đứng trong top Big 4 thế giới Ernst & Young. Họ đã cắt giảm chi phí cho đào tạo xuống còn 35%, trong đó vẫn tiếp tục củng cố tính nhất quán của các chương trình đào tạo so với trước đây và khả năng mở rộng, nâng cao. Ernst & Young đã thay đổi 2.900 giờ học trực tiếp thành 700 giờ học trên nền tảng web, 200 giờ học từ xa và 500 giờ học trực tiếp tương đương với cắt giảm khoảng 52% chi phí. Cũng tương tự, năm 2009, chuỗi cửa hàng McDonald ở Anh tuyên bố giảm được gần 50% chi phí đào tạo, tương đương 1 triệu USD từ khi chuyển sang hình thức đào tạo này.

Phương pháp học tập tích hợp này cung cấp sự thuận tiện và linh hoạt bằng cách kiểm soát được tốc độ học tập và có thể lựa chọn hình thức học tập từ xa. Mặt khác, bởi vì Blended Learning cho phép người học tương tác với người dạy và người học cùng, nên công tác học tập được hỗ trợ rất nhiều. Không những vậy, phương pháp này còn giúp giảm chi phí đào tạo trực tiếp và các doanh nghiệp có thể sử dụng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như hội thảo trên web , trò chơi điện tử, v.v. dẫn đến sự tham gia của người học tốt hơn. Tùy thuộc vào đặc thù doanh nghiệp mà sẽ có sự lựa chọn mô hình phù hợp với mình, trong số các mô hình như Face-To-Face; Mô hình luân phiên/quay vòng (Rotation); Mô hình Flex; Mô hình Lab School trực tuyến; Mô hình self-blend; Mô hình Online Driver.

Việc hình thành tổ chức học tập là yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp để có thể thích nghi với môi trường đầy sự biến động và cạnh tranh như hiện nay. Trong tổ chức học tập, mọi thành viên có thể tạo ra kết quả mà họ thực sự mong muốn, thông qua việc tăng cường sáng tạo cá nhân, đánh giá cao những cách suy nghĩ mới, nỗ lực hợp tác và tầm nhìn chung. Trong bối cảnh đầy những biến động như hiện nay, việc ứng dụng các phương pháp học tập mới sẽ là lời giải cho việc nâng cao chất lượng đào tạo doanh nghiệp để thích nghi và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, muốn thay đổi tổ chức, trước hết các nhà lãnh đạo phải tự phát triển bản thân để có thể quản lý được mô hình tổ chức mới. Bởi xét cho cùng, người lãnh đạo đề ra đường hướng cho sự thay đổi. Do vậy, OD CLICK xây dựng chương trình phát triển năng lực lãnh đạo nhằm giúp họ phá bỏ những tư duy cũ và có kỹ năng và định hướng xây dựng tổ chức học tập hiệu quả. Đồng thời, song hành cùng phát triển năng lực lãnh đạo là việc chú trọng đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng đến tri thức để tạo dựng nền tảng vững chắc cho học học và phát triển liên tục. Hơn nữa, tư duy, đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và chỉ tư duy này mới giúp thôi thúc mỗi cá nhân trong tổ chức học hỏi và tìm tòi những cách thức mới. 

Tổ chức học tập gắn với xây dựng khung năng lực. Bởi, để hình thành sự chia sẻ, trau dồi, phát triển kiến thức trong tổ chức, doanh nghiệp cần có khung năng lực hiệu quả trong việc đo lường, đánh giá. Từ đó xác định những điểm mạnh, điểm thiếu xót để có định hướng phát triển năng lực các cá nhân thông qua trao chia sẻ, học tập lẫn nhau.

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo

  1. https://www.forbes.com/sites/joshbersin/2012/01/18/5-keys-to-building-a-learning-organization/#21e699d6129c
  2. https://www.ukessays.com/essays/business/importance-of-learning-organization.phphttps://elearningindustry.com/gamification-learning-applications
  3. https://elmlearning.com/blended-learning-everything-need-know/
  4. https://www.elearninglearning.com/micro-learning/




































error: Nội dung đã khóa !!