Deloitte và thành tích qua gần hai thế kỷ

Với hơn 170 năm hình thành và phát triển, Deloitte (Tên đầy đủ là Tập đoàn Deloitte Touche Tohmatsu Limited) đã xây dựng một đế chế hùng mạnh và trở thành một trong bốn mảnh ghép quan trọng của khối “BIG4” trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán trên toàn cầu. Song hành với 3 công ty còn lại là PricewaterhouseCoopers (PwC), Ernst & Young(EY), và KPMG, Deloitte cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn hàng đầu trên thế giới, và đang ngày càng khẳng định vị thế và danh tiếng của mình. Bằng chứng là Deloitte vẫn luôn “giữ ghế” trong bảng xếp hạng top các công ty Tư vấn uy tín nhất thế giới và là công ty tư nhân lớn thứ 4 tại Hoa Kỳ (vào năm 2017). Năm 2016, tạp chí Fortune đã đưa Deloitte Global vào bảng xếp hạng 100 công ty đáng làm việc nhất. Ngoài ra, theo Inside Public Accounting, công ty này liên tục giữ vững danh hiệu doanh nghiệp về kế toán kiểm toán số 1 trong 9 năm liên tục cho đến năm 2017.

Tại Việt Nam, Deloitte Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu sau 25 năm hoạt động. Đáng chú ý, tại “Liên hoan các Doanh nghiệp Rồng vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Deloitte đã vinh dự nhận giải giải Rồng Vàng trong vòng 5 năm liên tiếp.

Vậy nguyên nhân nào giúp Deloitte vượt qua vô vàn biến động trong hơn 170 năm qua và xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường như hiện nay? Các nhà lãnh đạo có thể học hỏi gì từ Deloitte để phát triển doanh nghiệp của mình? Hãy cùng OD CLICK nghiên cứu và tìm hiểu thông qua những thông tin dưới đây:

Trải nghiệm nhân sự tại Deloitte

Bên cạnh việc nhân viên Deloitte luôn tự hào với lịch sử lâu đời và đội ngũ nhân sự tài năng của họ, còn có yếu tố khác mà nhân viên Deloitte vẫn luôn nhắc tới với niềm hạnh phúc và hãnh diện, đó là những trải nghiệm khi họ làm việc tại công ty.

Để có được sự thành công trong xây dựng mô hình trải nghiệm nhân viên của mình, trước tiên, Tập đoàn Deloitte đã phải đặt ra các nguyên tắc áp dụng trọng các mô hình trải nghiệm nhân viên, bao gồm: Cảm thông (Empathize), Hình dung (Envision), và Trải nghiệm (Experiment). Đây cũng là nền tảng nổi bật giúp doanh nghiệp này thu hút và giữ chân nhân sự một cách hiệu quả, nội dung cụ thể của các nguyên tắc có thể được khái quát như sau:

  1. Cảm thông: Những trải nghiệm nhân viên thực tiễn và mang lại hiệu quả là cả một quá trình lâu dài của các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần thấu hiểu được nhân sự của mình và những vấn đề nhân sự gặp phải, tìm ra những “nút thắt” để gỡ bỏ trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Tinh thần cảm thông giúp mọi người cởi mở hơn khi chia sẻ những cảm xúc và kinh nghiệm trong công việc. Sự cảm thông giữa lãnh đạo-nhân sự, giữa nhân sự-nhân sự tạo ra cơ hội tương tác giữa mọi người trong doanh nghiệp, đồng thời giúp nhà lãnh đạo xác định và tiến đến giải quyết những vấn đề còn tồn đọng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

  2. Hình dung: Để đưa ra được những trải nghiệm bám sát với nhu cầu thực tế của nhân viên, nhà lãnh đạo cần hình dung trước nhiều phương án khác sau, sau đó định hình chúng thành những giải pháp tiềm năng để áp dụng trong doanh nghiệp. Nguyên tắc này giúp nhà lãnh đạo mở rộng phạm vi nghiên cứu trải nghiệm nhân viên, thay vì chỉ tập trung vào một vài ý tưởng. 

  3. Thử nghiệm: Sau khi có được những giải pháp tiềm năng phù hợp nhất với doanh nghiệp, nhà quản trị có thể tiến hành đưa mô hình trải nghiệm đó vào cho nhân viên của mình. Trong quá trình thử nghiệm này, mô hình cần được quan sát và tinh chỉnh sát sao để nhắm tới đúng mục tiêu mong muốn, đồng thời quản trị những yếu tố phát sinh có thể xảy ra.

Khung trải nghiệm nhân viên của Deloitte


Tình hình thực tế về trải nghiệm nhân viên tại Việt Nam:

Trải nghiệm nhân viên cũng là một trong những nghệ thuật chiến lược cho các nhà quản trị nhân sự, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đi tới kế hoạch chuẩn xác nhất. Thành công trong trải nghiệm nhân viên kéo theo sự tác động tích cực lên chiến lược kinh doanh và làm nên sự khác biệt khi so sánh với môi trường làm việc của các doanh nghiệp khác.

Tại DeLoitte Việt Nam, trải nghiệm nhân viên cũng là “bí quyết” giúp công ty phát triển với tốc độ cao trong nhiều năm qua. Công ty thường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân viên như những chuyến du lịch, hay giải bóng đá Deloitte Football Cup, hoặc giải Big4 football cup hàng năm nhằm giúp nhân viên giải tỏa áp lực. Đặc biệt, vào mỗi mùa cao điểm, Deloitte có chương trình D-hour, dành cho nhân viên của mình một giờ nghỉ ngơi sau giờ làm việc buổi chiều để tiếp tục công việc vào buổi tối.

Phương pháp áp dụng trải nghiệm nhân viên:

Sử dụng tư duy thiết kế (design thinking): Tư duy thiết kế là thuật ngữ được thường được thấy trong các trao đổi về phương thức làm việc ở nhiều ngành nghề. Tư duy thiết kế “lấy con người làm trung tâm và sử dụng các công cụ của nhà thiết kế để gắn kết nhu cầu của con người, tính khả thi của công nghệ và tính bền vững của kinh doanh”. Như nguyên tắc “đồng cảm” mà Deloitte đã đề ra, tư duy thiết kế với trọng tâm là con người;  nghiên cứu, lắng nghe và thấu hiểu những gì nhân viên đang làm mỗi ngày và khám phá những cách thức để tối giản công việc nhưng vẫn đảm bảo năng suất, hiệu suất.

Học hỏi từ yếu tố bên ngoài: Ngày nay có rất nhiều công cụ giúp các doanh nghiệp tìm hiểu và học hỏi như mạng xã hội, sách báo hay thậm chí là từ các công ty đối thủ. Từ những kiến thức học hỏi đó, nhà quản trị có thể tinh chỉnh những kiến thức, nội dung phù hợp để phát triển cho mạng lưới nhân sự của mình. Không ngừng học hỏi và tham khảo là cách thức tốt nhất để nâng cao chất lượng trải nghiệm nhân viên trong doanh nghiệp.

Hỗ trợ từ các lãnh đạo cấp cao (C-suite): Tư tưởng và hành động của lãnh đạo cấp cao đóng vai trò rất quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn tới sự thành công của trải nghiệm nhân viên. Các nhà lãnh đạo có thể hỗ trợ nhân viên của mình thông qua việc đặt ra những mục tiêu, phần thưởng hay đầu tư phát triển những chương trình trải nghiệm hấp dẫn khác để nhân viên cảm nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo và hưởng ứng tích cực hơn vào trong các hoạt động trải nghiệm, từ đó mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho tổ chức.

Thời đại chuyển đổi số là thời đại của những trải nghiệm, không chỉ là trải nghiệm khách hàng (CX) mà còn là Trải nghiệm nhân viên (EX). Để tổ chức phát triển thành công và lâu bền thì không thể thiếu đi CX hay EX, điều này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn bộ tổ chức. Khi cảm nhận được rõ ràng bản thân là một phần của tổ chức và đóng góp vào sự phát triển của tổ chức, thay vì than vãn về “phải làm việc”, nhân sự sẽ hướng đến tinh thần “muốn làm việc”!

Nguồn tham khảo: 

https://sapp.edu.vn/gioi-thieu-tong-quan-ve-deloitte-global-va-deloite-viet-nam/

https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/global/Documents/HumanCapital/gx-cons-reimagine-and-craft-the-employee-experience.pdf

error: Nội dung đã khóa !!