XÂY DỰNG VĂN HÓA KHÔNG TRÁCH PHẠT
Một người quản lý giỏi sẽ biết cách động viên nhân viên để họ làm việc một cách tích cực và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để sự động viên phát huy tác dụng, người quản lý trước tiên phải xây dựng một môi trường văn hóa không có sự khiển trách khi thất bại, bởi con người không ai là hoàn hảo, ai rồi cũng có lúc thất bại và phải chấp nhận sự thất bại. Cần phải biết nhận ra sai lầm và kịp thời lấy đó làm kinh nghiệm, là bước đệm cho thành công trong tương lai.
Chấp nhận rủi ro
Việc quản lý bằng cách động viên có hai rủi ro khi dựa vào sự ủy quyền: người được ủy quyền thực hiện công việc thất bại và công việc thất bại. Để tạo nền tảng cho thành công sắp tới, người quản lý cần hiểu được bản chất thật sự của sự rủi ro để tránh hoang mang, dao động. Chấp nhận rủi ro như thế nào cũng cần được tính toán chứ không phải mơ hồ, sai lầm của nhân viên có thể được chấp nhận nhưng sai lầm này không được gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để đảm bảo rủi ro ở mức chấp nhận được, nên yêu cầu người được ủy quyền tóm tắt sự việc đầy đủ trước khi bắt đầu công việc. Hãy đánh giá công việc và chỉ hành động khi đã cân nhắc đến tất cả các phương án có thể xảy ra.
Học hỏi từ sai lầm
Một khi gặp thất bại thì cũng chớ nên nản lòng, bởi đây sẽ là những bài học quý giá không chỉ đối với cá nhân liên quan mà còn với chính doanh nghiệp. Bài học sẽ được rút ra từ việc thảo luận nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm, loại trừ chúng, tạo nền tảng cho thành công sắp tới. Thái độ xây dựng góp ý và cảm thông với sự thất bại ở người quản lý sẽ là sự động viên, khuyến khích có tác động lớn đến nhân viên. Doanh nghiệp nên nhận ra rằng sự dọa nạt, trách phạt mỗi khi thất bại chỉ làm nhân viên cảm thấy áp lực, sợ hãi, sợ sáng tạo, thu mình vào giới hạn vô hình, khiến cho doanh nghiệp không thể phát triển được. Tuy nhiên, như trên đã nhắc đến, sai phạm cũng phải có giới hạn, nếu lại mắc lại sai lầm trước đó thì không thể chấp nhận được vì đồng nghĩa với việc không rút kinh nghiệm trước đó.
Xem xét lại chương trình hành động
Đây là quy trình theo dõi một cách có hệ thống sự thành công hay thất bại cả bất kỳ dự án nào để học hỏi từ những sai sót. Cần chọn ra một số thành viên tham gia vào quá trình xem xét lại để thống nhất những kinh nghiệm được rút ra. Sau đó, các bài học này sẽ được ghi nhận lại và chuyển cho tất cả mọi người liên quan, giúp họ xác định mình đang làm đúng hay làm sai, lý do cụ thể là gì. Việc xem xét lại chương trình hành động cũng nhằm thông báo cho nhân viên các công việc nên thực hiện trong tương lai và kịp thời đưa ra những điểm cần phải cải tổ trong hệ thống tổ chức.
(Theo Cẩm nang quản lý hiệu quả)