THỰC TẾ QUẢN LÝ TRONG CÁC TRƯỜNG TƯ TẠI VIỆT NAM

GIÁO DỤC TƯ NHÂN TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

Tại Việt Nam, thị trường giáo dục đào tạo được đánh giá là vô cùng tiềm năng và đầy triển vọng. Theo công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, 42% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 24 – độ tuổi vàng cho gần như tất cả các chương trình giáo dục. Còn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, gần 30% hộ gia đình Việt Nam cho con tham gia các khóa học tư nhân, đặc biệt là các lớp kỹ năng và ngoại ngữ.

Sự ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng là nguyên nhân làm cho đầu tư vào giáo dục tăng cao. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục thống kê công bố, những năm gần đây các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào hoạt động giáo dục đào tạo với 5,1 nghìn cơ sở, tăng 81% so với giai đoạn 2007-2012. Chưa kể khu vực cá thể, tổng số cơ sở giáo dục thuộc khối doanh nghiệp và sự nghiệp là 51,1 nghìn, thu hút 1,86 triệu lao động, tăng tương ứng là 7,6% và 14% so với năm 2012. Về mảng giáo dục cao đẳng, đại học, hiện nay nước ta có gần 90 trường ĐH-CĐ ngoài công lập, với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước. Theo ông Kiều Xuân Hùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF): “Xu hướng đầu tư vào giáo dục đại học sẽ tiếp tục trong những năm tới vì đại học ngoài công lập hiện chỉ đào tạo chưa tới 15% sinh viên, trong khi đó theo mục tiêu của Chính phủ là 30%. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, giáo dục, đào tạo tư lên đến 70%”.

Tổng số cơ sở giáo dục đào tạo đại học và cao đẳng từ 2010 đến sơ bộ năm 2016

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục là các trường dân lập, tư thục đã đăng ký thành lập với Bộ giáo dục và đào tạo. Lĩnh vực kinh doanh chính là tuyển sinh cho các khối từ giáo dục mầm non đến các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới là giảm tải và giảm mạnh các trường công lập, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạng lưới các trường tư thục. Ngoài ra, Việt Nam còn cam kết với WTO về việc mở cửa lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, cả nước mới có 320 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chiếm 1,3% tổng số dự án và chiếm 0,2% tổng số vốn FDI tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài lại chủ yếu tập trung vào mảng đào tạo ngoại ngữ, hoặc ngắn hạn chứ chưa quan tâm nhiều đến hệ thống giáo dục liên cấp, hệ thống đào tạo đại học.

Đầu tư cho giáo dục được xem là đầu tư lâu dài, dù lượng vốn ban đầu bỏ ra nhiều, nhưng tỉ suất lợi nhuận lại ổn định. Một thống kê gần đây trên Forbes Việt Nam cho biết, trong số 43 trường đại học, cao đẳng cung cấp số liệu thu chi tài chính, có 77% trường thu vượt chi. Mảng đào tạo ngoại ngữ mang lại suất sinh lời gần như cao nhất trong đầu tư giáo dục, thấp nhất là 20% và nếu hoạt động tốt có thể đạt 50%.

KHÁC BIỆT TRONG QUẢN LÝ TRƯỜNG

Có thể thấy tinh thần của một doanh nghiệp kinh doanh giáo dục không phải nằm ở lợi nhuận, mà nó nằm ở lợi ích của khách hàng (học sinh, sinh viên), của người lao động (giảng viên, giáo viên, cán bộ ngành giáo dục) và cuối cùng mới đến lợi ích của nhà đầu tư.

Hoạt động quản lý của các trường tư khác biệt so với các trường công ở chỗ trường tư có quyền tự quyết, quyền sáng tạo áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại, tiên tiến.  Không giống như tại các trường công, thường phải đợi sự chỉ đạo từ trên xuống, bất cứ một thay đổi gì trong bộ máy quản trị cũng phải xin chỉ thị và đợi xét duyệt qua nhiều cấp. Có thể lấy ví dụ như tháng 10 năm 2017 vừa qua, trước sự phát triển mạnh mẽ của bitcoin, Trường Đại học FPT đã chia sẻ mong muốn thử nghiệm phương thanh toán học phí mới khi chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng tiền ảo bitcoin. Hay như TH cam kết đổi mới giáo dục bằng việc kết hợp chương trình giảng dạy nguyên bản quốc tế với tinh hoa của chương trình học Việt Nam.

NHỮNG THÁCH THỨC PHẢI ĐỐI MẶT

Được tự chủ trong công tác quản trị trường học cũng đồng nghĩa với việc các trường tư luôn phải tự mình đối mặt và tự đưa ra hướng giải quyết mỗi khi gặp khó khăn, thách thức. Mục tiêu kinh doanh của nhà đầu tư giáo dục chính là thu hút được nhiều học viên đăng kí để tăng nguồn thu, tăng lợi nhuận.

Thu hút học viên tại các trường tư

Các trường công phần lớn là dựa vào uy tín, danh tiếng của mình để tuyển sinh. Với tâm lý muốn con em theo học tại các trường công lập của đa số các bậc phụ huynh Việt Nam, việc tuyển sinh tại các trường này có vẻ thuận lợi và dễ dàng hơn.  Tại các trường tư thì khác, doanh thu của nhà trường phụ thuộc vào số lượng học viên, vì thế công tác tuyên truyền tuyển sinh rất được coi trọng.

Trên thực tế, các trường tư thường chi một khoản tiền lớn cho hoạt động marketing hoặc đưa ra những ưu tiên, ưu đãi lớn cho những thí sinh xuất sắc.  Ví dụ như tại kỳ sơ tuyển đại học 2018, thí sinh thi nhóm Công nghệ thông tin của Đại học FPT được miễn sơ tuyển nếu đạt điểm toán trung bình 8.0 trong hai học kỳ cuối THPT. FPT cũng đưa ra cam kết “97,7% có việc” để thu hút thí sinh. Một số trường tư còn đầu tư tuyển dụng các tư vấn viên nhiệt tình, sẵn sàng chủ động tư vấn cho học viên về khóa học, chăm sóc học viên một cách nhiệt tình, cởi mở.

Quản lý chất lượng giảng dạy

Dù là trường công hay trường tư thì đều cần có chiến lược tuyển mộ, chiêu mộ giáo viên giỏi để thu hút được học sinh về số lượng, chất lượng. Công tác tuyển dụng giáo viên, nhân viên của trường tư không bị ràng buộc bởi cơ quan quản lý cấp trên mà chủ yếu do hội đồng quản trị quyết định. Hơn nữa, ban giám hiệu và giáo viên trường tư không chịu nhiều áp lực, căng thẳng do không phải đối phó với các cuộc thanh tra, kiểm tra. Học phí tài trường tư thường cao và được tính đúng, đủ nên trường tư có kinh phí phục vụ chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện đời sống vật chất – tinh thần cho giáo viên. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận việc nhiều trường tư chỉ mời gọi một số giáo viên giỏi làm nòng cốt trong tổ – nhóm chuyên môn và để quảng bá hình ảnh của trường, còn lại họ sử dụng giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp theo hình thức hợp đồng và trả công theo tiết dạy. Theo một số phản ánh, số giáo viên trẻ này làm việc với cường độ cao nhưng việc trả lương thật ra cũng chưa tương xứng.

Bản lĩnh của người quản lý

Khác với các trường công lập, người quản lý của các trường tư thường được tự mình đưa ra mọi quyết định về quản lý. Hơn nữa, họ là những người vừa làm công tác giáo dục, vừa là người kinh doanh nên suy nghĩ thường nhanh nhạy và sáng tạo. Họ biết cách và chịu đầu tư vào các phương án quản trị tiên tiến, hiện đại, sẵn sàng đổi mới và học hỏi để đem lại kết quả kinh doanh cao nhất.

Tuy nhiên, người quản lý trường tư vẫn còn phải để tâm đến những vấn đề chiến lược phát triển lâu dài vì hầu hết là chưa thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín. Một số trường tư còn chưa làm tốt công tác quản lý khi để xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp làm uy tín nhà trường giảm sút.

CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG CHO CÁC NHÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG TƯ

Như trên đã nói, các trường tư hiện đang làm rất tốt công tác thu hút học viên qua các kênh truyền thông marketing. Tuy nhiên, để lượng học viên đăng kí vào được ổn định, bền vững hơn, đội ngũ cán bộ giảng viên cần nâng cao chất lượng giảng dạy hơn nữa để khẳng định uy tín, thương hiệu của mình. Muốn như vậy, ngoài việc trả lương thưởng xứng đáng, các trường tư cũng nên tạo điều kiện tập huấn cho các cán bộ giáo viên, khuyến khích họ trao đổi, nâng cao chuyên môn.

Về phía người lãnh đạo, muốn vận hành tốt một trường học, cần phải tự trang bị cho mình những kỹ năng lãnh đạo, các kỹ năng về quản trị chiến lược, quản trị cơ sở vật chất, quản trị tài chính, minh bạch và quản lý tốt các nguồn thu. Các nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn, hiểu sứ mệnh và nhận thức được giá trị cốt lõi mà nhà trường đang theo đuổi, từ đó có những mục tiêu cụ thể phù hợp với từng giai đoạn và phương pháp khả thi để đạt mục tiêu đó. Nhà lãnh đạo cũng nên có các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả cụ thể để việc kinh doanh được tốt hơn.

(Tham khảo:

http://baodautu.vn/dau-tu-giao-duc-cuoc-dua-ngan-ty-d73458.html

http://m.enternews.vn/khoang-trong-dau-tu-giao-duc-115821.html

http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/dau-tu-truong-dhcd-nang-kinh-doanh-nhe-chat-luong-52725.html

http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/doanh-nghiep-dau-tu-manh-vao-hoat-dong-giao-duc-3912986.html

https://tuoitre.vn/ngoai-luong-truong-tu-hut-giao-vien-gioi-o-diem-nao-1370629.htm)

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!