1. TIN VẮN TỪ CÁC CÔNG TY TƯ VẤN THẾ GIỚI

  1. Khảo sát Deloitte: Tỷ lệ nhân viên cam kết gắn bó trên 5 năm với doanh nghiệp chỉ chiếm 12-28%, còn tỷ lệ nhân viên xác định chỉ gắn bó khoảng 2 năm chiếm tỉ lệ 43-46%.
  2. Nghiên cứu Kearney: Xây dựng tổ chức học tập nên được coi một phần của việc phát triển văn hóa. Trong đó, lãnh đạo nhìn thấy giá trị của việc học hỏi, chứ không chỉ là chi phí bỏ ra cho đơn vị hỗ trợ đào tạo hay nền tảng học tập. Sự thay đổi này cũng kêu gọi sự đầu tư về thời gian thông qua sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo cấp cao và sự tham gia chủ động của nhân sự trong toàn tổ chức.
  3. Báo cáo Arthur D. Little: Gần 71% các công ty thừa nhận rằng họ không có chiến lược phát triển bền vững hoặc chiến lược đó không được nhân viên của họ hiểu đầy đủ. Chỉ một nửa đã thay đổi cách quản lý doanh nghiệp và chỉ 8% đã thay đổi mô hình kinh doanh của mình. 
  4. Nghiên cứu Josh Bersin: EX không liên quan tới công cụ, quy trình hay tính hiệu quả mà chính là văn hóa và sứ mệnh của công ty, cũng như cách thức hành động của ban lãnh đạo. 
  5. Nghiên cứu EY: Cảm xúc tiêu cực của người lao động tăng 25% khi việc chuyển đổi diễn ra thành công, nhưng lại tăng hơn 130% khi chuyển đổi kém hiệu quả.

2. XU THẾ PHÁT TRIỂN QUẢN TRỊ 

Quản trị nhân lực

Áp dụng lý thuyết Tự quyết định (Self Determination Theory – SDT) của Deci và Ryan (1985) trong môi trường làm việc, có ba nhu cầu tâm lý cơ bản nhân viên cần thỏa mãn để cảm thấy có động lực ở mức độ tối ưu. Khi đó, tổ chức sẽ trở thành “nơi mà nhân viên muốn đến” hoặc tạo ra cảm giác “công việc đáng làm”.

  1. Quyền tự chủ: là khả năng nhân viên có quyền tự do quyết định cách thức thực hiện công việc, thể hiện ý tưởng và sự sáng tạo khi làm việc. Trọng tâm chính là để mọi người tự khởi xướng thay vì bị chỉ đạo hay kiểm soát. Đây là sự kêu gọi ý chí của một cá nhân.
  2. Năng lực (Competence): là nhu cầu cảm thấy sự hiệu quả và thành tựu trong công việc. Nhân viên cần cảm thấy rằng họ có các kỹ năng phù hợp, được đặt vào đúng vai trò, và trực tiếp đóng góp vào thành công chung của doanh nghiệp.
  3. Sự liên hệ (Relatedness): là nhu cầu cảm giác thuộc về nơi nào đó, trở thành một phần của nhóm và được quan tâm.

Tái tạo tổ chức

Richard Normann và Rafael Ramírez lập luận rằng các công ty ngày càng thành công không chỉ gia tăng giá trị mà họ còn tái tạo giá trị. Nhiệm vụ chiến lược quan trọng là định hình lại vai trò và mối quan hệ giữa nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, khách hàng để huy động việc tạo ra giá trị dưới các hình thức mới.

Phát triển nguồn lực nhân sự

Theo CIF, trong vài năm qua, đào tạo và phát triển đã nổi lên như một yếu tố quan trọng của chiến lược. Nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận ra rằng đầu tư vào đào tạo phát triển nhân viên không chỉ đóng vai trò là động lực mà còn cho phép tổ chức tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng cao, có khả năng thích ứng và đổi mới.

Lãnh đạo chuyển đổi

5 lý do khiến nhân viên phản kháng lại sự thay đổi trong tổ chức bao gồm: 1. Thiếu nhận thức về lý do phải thay đổi; 2. Thiếu sự hỗ trợ và cam kết rõ ràng từ phía người quản lý; 3. Lo sợ về sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các vai trò công việc như thế nào; 4. Sợ mất việc; 5. Những nỗ lực thay đổi bị thất bại trong quá khứ. Trên thực tế, điều mà nhân viên phản kháng thường không phải là sự thay đổi về mặt kỹ thuật, mà là thay đổi về mặt xã hội – sự thay đổi trong mối quan hệ giữa người với người thường đi kèm với bất cứ sự thay đổi về mặt kỹ thuật nào. 

Chuyển đổi số doanh nghiệp

Trong khi việc thiếu các kỹ năng cần thiết sẽ ngăn cản doanh nghiệp đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, nghiên cứu của Roland Berger cho thấy rằng chính những thiếu sót về tổ chức và chiến lược đã dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chuyển đổi số. Đó là những thiếu sót trong việc doanh nghiệp quản lý sự thay đổi hay thiết kế các chính sách về con người không phù hợp và triển khai chưa đúng cách, dẫn đến các cơ hội bị lãng phí.

Tổ chức tri thức

Một nhà lãnh đạo cần nhận thức rõ và luôn luôn ở trạng thái “phải học hỏi suốt đời những kỹ năng lãnh đạo”. Họ sẽ xem việc học hỏi không chỉ là kinh nghiệm trong những giai đoạn nhất định của hành trình, mà còn là một cam kết hàng ngày. Họ chủ ý tạo ra các không gian cho việc học hỏi, cởi mở và sẵn sàng học hỏi, phát triển cho mình và toàn thể đội ngũ. Họ liên tục tự hỏi bản thân: “Điều gì mới mà tôi và doanh nghiệp của mình vừa học được hôm nay và điều gì mà tôi và đội ngũ vẫn cần phải học thêm nữa?”

Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa tôn trọng tạo sự kết nối và thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên trong công ty cũng như giữa nhân viên và quản lý. Các cá nhân không ngại nói lên ý kiến và vấn đề của bản thân. Văn hóa làm việc tôn trọng cũng bao hàm các quy tắc cơ bản, đúng giờ, tính chuyên nghiệp và các giá trị khác không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho cả tập thể

Chiến lược kinh doanh

Vào đầu năm 2021, các giám đốc điều hành có xu hướng tập trung bán các sản phẩm có sẵn cho các thị trường có sẵn, điều này mang lại rủi ro chiến lược thấp nhưng lợi nhuận không cao. Bước sang năm 2022, các công ty có thể có cơ hội lớn hơn nếu họ chấp nhận đối diện với rủi ro bằng cách khám phá các thị trường mới hoặc cung cấp các dịch vụ mới cho các thị trường tiềm năng.

Hạnh phúc nhân viên

Một nghiên cứu 1.800 nhân viên của Oxford chỉ ra những nhân viên có chỉ số hạnh phúc cao làm việc nhanh hơn, sử dụng thời gian hiệu quả hơn và thu được doanh số bán hàng cao hơn 13% so với những nhân viên bình thường.

3. CHUYỂN ĐỘNG CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Hợp tác phát triển, đẩy mạnh số hóa 

HDBank và Unilever vừa ký kết hợp tác tiếp nối sau 3 năm đồng hành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, chủ động chi phí tài chính trong kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo đó, HDBank sẽ cung cấp các gói giải pháp tài trợ từ nhà phân phối đến điểm bán lẻ của Unilever, khách hàng có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Phát triển thị trường tài chính bền vững tại Việt Nam

1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh của EVNFinance vừa được phát hành thành công dưới sự tư vấn, hỗ trợ của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Đây là trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên được xác định là trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Tiền thu được từ trái phiếu để cho các dự án góp phần giải quyết ít nhất một trong các mục tiêu môi trường lớn gồm: giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm.

ĐỜI SỐNG TƯ VẤN

Mẩu chuyện vui và cũng là những trường hợp gặp phải trong nghề tư vấn.
– Giám đốc: Tôi vừa nhận được bản báo cáo từ bên công ty tư vấn. Họ đã xác định được vấn đề cốt lõi của công ty hiện nay

– Quản lý 1: Tôi đề nghị công ty nên xây dựng trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu

– Quản lý 2: Chúng ta có thể đưa nó lên mạng lưới thông tin của công ty

– Giám đốc: Các anh không muốn nghe về vấn đề cốt lõi nhất của công ty hiện nay à?

– Quản lý 1: Tôi không thích phải nghe những điều tiêu cực

– Quản lý 2: Tôi thích nền tảng dữ liệu (Database)

 

error: Nội dung đã khóa !!