NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NGÀNH DỆT MAY
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may trong quý I/2018 đạt gần 8 tỷ USD, tăng 13,58% so với cùng kỳ 2017, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây. Dự kiến kế hoạch quý II/2018, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD, qua đó đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14% trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2017 là năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại cùng với tình hình xuất nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành dệt may phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu để đạt được những kết quả khả quan trong năm. Mục tiêu năm 2018, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ USD.
Các chuyên gia ngành dệt may dự báo, năm 2018, ngành dệt may sẽ khởi sắc hơn năm 2017. Tuy vậy, toàn ngành vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong quá trình hoạt động.
Thách thức trong ngành dệt may
Thứ nhất, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Lượng lao động trong ngành dệt may hiện nay có khoảng trên 2,5 triệu người, trong đó có 80% là nữ. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp trong ngành Dệt may luôn phải đối mặt với thực trạng là sự dịch chuyển nhân lực, khó tuyển được nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, để có được nguồn nhân lực ổn định và có tay nghề, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản, đảm bảo công việc ổn định, thu nhập tương đối tốt và luôn phải đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề cho đội ngũ Cán bộ, công nhân viên.
Thứ hai, sự thiếu đồng bộ trong ngành Dệt may: Mặc dù ngành Dệt may Việt Nam phát triển sớm, là ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển đó còn thiếu đồng bộ, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc (nội địa hóa mới chỉ đạt 46%).
Thứ ba, cạnh tranh khốc liệt: Trong quá trình hội nhập, ngoài áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ tăng lên, thì rào cản thuế quan được dỡ bỏ sẽ đi kèm với sự gia tăng của các rào cản mới, như để hưởng được các ưu đãi mà các hiệp định mang lại, các doanh nghiệp dệt may phải đầu tư lớn về mọi mặt, chủ động nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường lao động…
Thứ tư, chính sách nhà nước: Thách thức và lực cản là do chính nội lực doanh nghiệp, cộng thêm một số thách thức hiện nay như chính sách tăng lương tối thiểu, các chính sách về thuế, BHXH, BHYT, BHTN, … cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và mở rộng quy mô của doanh nghiệp trong ngành Dệt may.
Thứ năm, cách mạng công nghệ 4.0: Ngành Dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là trong các lĩnh vực: công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách và hạ tầng. Cụ thể, về công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều nên sẽ tiếp cận rất khó khăn với công nghiệp 4.0. Về nguồn nhân lực, trình độ nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa cao và sẽ rất khó khăn khi phải tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ. Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần có những đòi hỏi nhất định để kết nối với công nghiệp 4.0.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dệt may
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có thể duy trì sự phát triển cũng như tham gia vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, thì ngành Dệt may Việt Nam cần đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dệt May như sau:
Thứ nhất, người quản lý phải được đào tạo kiến thức quản lý và trải qua kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý. Phải xây dựng được nội quy, quy chế và nguyên tắc quản lý từ cấp tổ trở lên. Xây dựng được chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp quản lý.
Thứ hai, phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ quản lý. Xây dựng quy chế khen thưởng và hình thức kỷ luật đối với cán bộ quản lý không hoàn thành công việc được giao.
Thứ ba, xây dựng chế độ phân phối thu nhập hàng tháng gắn liền với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Ví dụ: lương hàng tháng của nhà quản lý nhiều hay ít phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng định mức cấp bậc công việc cho từng cấp quản lý.
Thứ tư, xây dựng môi trường làm việc cho người lao động và người quản lý theo quy định của pháp luật. Chăm lo đến đời sống, công tác đào tạo, thăng tiến đối với người lao động tạo ra động lực phấn đấu cho cá nhân và tổ chức. Xây dựng hệ thống tin trong công việc quản lý hiện đại, phù hợp với điều kiện làm việc cụ thể.
Thứ năm, đối với người quản lý khi xử lý một vi phạm phải thưởng phạt nghiêm minh, khách quan vô tư, không định kiến, mọi việc làm của nhà quản lý đều vì mục tiêu chung của tổ chức. Thu thập và xử lý thông tin trong quản lý để phục vụ có hiệu quả trong quá trình quản lý và điều hành sản xuất. (Theo Tạp Chí Tài Chính)
Trong quá trình hoạt động và phát triển, các doanh nghiệp luôn gặp phải những thách thức và khó khăn, điều quan trọng là phải biết được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp là gì? Đồng thời, có những giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ và năng lực chuyên môn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Có như vậy doanh nghiệp ngành Dệt may mới hội nhập được với ngành Dệt may khu vực và thế giới trong tương lai.