NHỮNG BIẾN ĐỘNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH NGÂN HÀNG NĂM 2019
Trong môi trường kinh doanh biến động như hiện nay thì bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Ngành Ngân hàng cũng không phải ngoại lệ. Nhìn vào bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng năm 2019, chúng ta có thể thấy được điều này. Bởi trong cùng một điều kiện, cơ hội cũng như năng lực bứt phá của mỗi ngân hàng rất khác nhau.
1. Hiệu quả hoạt động mỗi ngân hàng khác nhau
Theo thống kê, Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu ngành tài chính, 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 11.280 tỷ, tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện khoảng 55% kế hoạch năm 2019.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MBBank) vừa công bố, nửa đầu năm 2019 duy trì đà tăng trưởng tốt, hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra. Lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng đạt 4.306 tỷ, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong 2 quý đầu năm đạt 2.917 tỷ đồng, tăng 29%.
SeaBank lãi trước thuế 439 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Mức lãi này có được, ngoài việc nhờ các mảng kinh doanh tăng trưởng tốt còn do chi phí dự phòng rủi ro giảm. Thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đạt 1.419 tỷ đồng, tăng 16%. Đáng chú ý nhất là hoạt động dịch vụ tăng hơn 3 lần đạt 143 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh chứng khoán tăng 53% đạt 48 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, LienVietPostBank đạt lợi nhuận tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt thì còn nhiều ngân hàng không đạt được mục tiêu kinh doanh, có mức lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Trong đó, Vietcapitalbank lợi nhuận giảm mất gần 20%. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt – Vietcapitalbank cho biết, thu nhập lãi thuần trong kỳ của ngân hàng đạt 230,2 tỷ đồng, tăng thêm 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư đều sụt giảm, lần lượt giảm 37% và 27%. Chi phí hoạt động kỳ này lại tăng hơn 19% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 74,8 tỷ đồng, giảm 16%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này giảm mạnh so với cùng kỳ, ở mức 48,6 tỷ (cùng kỳ là 117,9 tỷ). Do đó, ngân hàng không còn lỗ như cùng kỳ năm trước (-28,3 tỷ). Ngân hàng Bản Việt ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế đạt 26,2 tỷ đồng trong quý 2/2019. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 47,8 tỷ đồng, giảm 18%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank), mặc dù quý II ghi nhận lợi nhuận tốt, tuy nhiên vẫn chưa đủ để bù đắp cho những sụt giảm lớn trong quý 1. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của VietABank đạt 451,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 89,4 tỷ, lần lượt giảm 15% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương – Saigonbank (SGB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với nhiều chỉ tiêu sụt giảm. Trong quý II, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 156,9 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
2. Thừa cung – thiếu cầu nguồn nhân lực
Theo Vietnamworks, nguồn cung lao động ngành ngân hàng tăng tới 65% trong giai đoạn nửa đầu năm 2019, cao nhất trong các ngành. Trong khi ngân hàng là ngành có tỷ lệ người tìm việc cao nhất thì lại không lọt top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Theo dự báo nhu cầu tìm việc nửa sau năm 2019, ngân hàng là ngành có tỷ lệ người tìm việc cao nhất với hơn 81% nhân lực trong ngành này có mong muốn nhảy việc. Như vậy, Ngân hàng là một trong những ngành khó tìm việc và chuyển việc vào nửa cuối năm 2019.
3. Biến động nhân lực ngân hàng trước sự thay đổi của công nghệ
Thống kê của Thời báo Kinh Doanh tại 10 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, OCB, ACB, TPBank, MB, VIB, Techcombank có sự xáo trộn nhân sự trong nửa đầu năm 2019. Đáng lưu ý, nhiều ngân hàng nằm trong top quy mô nhân sự lớn đang có xu hướng giảm. Đứng đầu trong nhóm này phải kể đến VPBank. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II, tại ngày 30/6, ngân hàng chỉ còn 9.480 người, so với mức 11.466 người cuối năm 2018. BIDV – ngân hàng có quy mô nhân sự đứng đầu cũng giảm 1% nhân sự so với cuối năm trước, còn 23.244 người; VietinBank còn 22.164 người; ACB còn 10.471 người, giảm 168 người trong 6 tháng đầu năm nay.
Có rất nhiều lý do khiến các ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân lực, trong đó có việc tái cơ cấu lại các mảng kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển trong từng giai đoạn. Trong đó, nhiều ngân hàng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về công nghệ số. Các ngân hàng đi trước trong công nghệ sẽ quan tâm hơn đến vấn đề hiệu quả và năng suất.
Chẳng hạn ACB đang hướng đến việc chuyển mình thành một “ngân hàng số” sáng tạo nhất Việt Nam. Để có thể làm chủ sự thay đổi, ACB đã triển khai chương trình “Đối tác sự nghiệp” trên toàn quốc. Trong đó, 15% số lượng nhân sự cần tuyển liên quan đến công nghệ thông tin như phát triển ứng dụng DevOPs, lập trình, phân tích dữ liệu, công nghệ đám mây UX/UI…
4. Thừa nhân lực – Thiếu kinh nghiệm
Ngành ngân hàng đang phải đối mặt với một thực trạng là nguồn cung từ các trường Đại học khối tài chính – ngân hàng là rất lớn, tuy nhiên trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu công việc tại các ngân hàng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cho biết đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung). Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.
Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức. Bằng sự chuyển đổi tích cực, thông qua những hành động cụ thể sẽ giúp các ngân hàng tìm ra hướng đi cho mình. Trong đó, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực có năng lực và trình độ chuyên môn là một giải pháp biền vững, mang tính chiến lược. Chỉ có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp mới mang lại chất lượng dịch vụ cao cho các ngân hàng. Bởi ngân hàng là một ngành dịch vụ đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chuẩn mực cao trong các ngành dịch vụ.
Nguồn tham khảo:
1. Lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm: Vì đâu “người vui, kẻ buồn”? – http://reatimes.vn/loi-nhuan-nganh-ngan-hang-6-thang-dau-nam-vi-dau-nguoi-vui-ke-buon-37978.html
2. Biến động nhân sự ngân hàng trước làn sóng công nghệ số – http://www.bvsc.com.vn/News/2019826/705481/bien-dong-nhan-su-ngan-hang-truoc-lan-song-cong-nghe-so.aspx
3. Thừa nhân lực, lao động ngành ngân hàng đối mặt với khả năng khó tìm việc nhất trong các lĩnh vực – http://cafef.vn/thua-nhan-luc-lao-dong-nganh-ngan-hang-doi-mat-voi-kha-nang-kho-tim-viec-nhat-trong-cac-linh-vuc-20190912145818984.chn
4. Hàng nghìn nhân viên ngân hàng nghỉ việc từ đầu năm – https://news.zing.vn/hang-nghin-nhan-vien-ngan-hang-nghi-viec-tu-dau-nam-post974538.html
5. Nhiều ngân hàng đang “đại phẫu” nhân lực? – https://enternews.vn/nhieu-ngan-hang-dang-dai-phau-nhan-luc-156255.html
6. Nhân lực ngành tài chính – ngân hàng: Thừa nhân sự, thiếu kinh nghiệm – https://nhipcaudautu.vn/song/nhan-luc-nganh-tai-chinh-ngan-hang-thua-nhan-su-thieu-kinh-nghiem-3330007/