Giai đoạn 2010 – 2020, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa rất cao. Theo Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Tổng thư ký VUF, bà Trần Thị Lan Anh cho biết: Cả nước hiện có khoảng 833 đô thị, trong đó bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam năm 2019 là 38,4% và dự kiến vượt mốc 40% vào năm 2020.
Trước sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tốc độ đô thị hóa cao, các tòa cao ốc, các khu dân cư và trung tâm thương mại mọc lên ngày một nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và khắp cả nước. Chính vì vậy, nhu cầu về dịch vụ quản lý tòa nhà cũng tăng theo.
Cách đây khoảng 10 năm, nhiều người chưa biết đến ngành quản lý tòa nhà, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Những năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp tăng nhanh tạo cơ hội cho các tổ chức hoạt động về lĩnh vực quản lý tòa nhà phát triển.
1. Tổng quan ngành quản lý tòa nhà
Tính đến năm 2019, cả nước có hơn 1.000 dự án bất động sản chung cư với khoảng nửa triệu căn hộ. Theo thống kê của Savill Việt Nam, tại TP.HCM có 550 dự án chung cư đã đưa vào sử dụng, con số này ở Hà Nội là 480 dự án. Gần nửa triệu căn hộ tại hai thành phố trọng tâm này tạo ra một thị trường lớn và đặt ra bài toán về quản lý và vận hành. Cho đến nay, cả nước có khoảng 211 đơn vị đủ điều kiện về chức năng, năng lực quản lý vận hành tòa nhà, trong đó Hà Nội có 141 công ty và TP.HCM có 57 công ty. Các đơn vị còn lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định và Quảng Nam. Trong đó, một số đơn vị lớn về quản lý tòa nhà có thể kể như Savills, CBRE, JLL, Savista, PMC (VNPT), Venus.
Thị trường bất động sản căn hộ quý II.2019
Nguồn: Savills Việt Nam
Định nghĩa về quản lý tòa nhà
Công tác quản lý tòa nhà được hiểu là quản lý, vận hành những mô hình từ nhỏ đến quy mô lớn như nhà trọ, phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ cho các đến chung cư cao tầng, khu trung tâm thương mại hay đặc thù như các tòa nhà hành chính.
Quản lý tòa nhà là một ngành kinh doanh dịch vụ tuân theo quy trình khoa học nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của một tòa nhà từ phần cứng như kết cấu, kiến trúc, hệ thống PCCC, thang máy, điện, nước cho đến các tiện ích như vệ sinh, cây xanh và các dịch vụ giá trị gia tăng khác: cho thuê, quản lý nhân công, giải quyết những tranh chấp giữa các khách hàng”.
Phân loại quản lý tòa nhà
Hiện nay, quản lý tòa nhà được chia ra làm 2 loại như sau:
- Quản lý tòa nhà văn phòng: Được hiểu là một hay toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý tòa nhà, nhằm vận hành mọi hoạt động trong tòa nhà văn phòng diễn ra một cách thuận lợi và an toàn nhất. Giúp khách hàng đang làm việc và sử dụng dịch vụ tại tòa nhà cảm thấy thoải mái, dễ dàng khai thác hiệu quả nhất.
- Quản lý tòa nhà chung cư: Là công việc bao gồm một hoặc toàn bộ hoạt đọng liên quan đến tòa nhà nhằm đảm bảo cho mọi dân cư sinh sống tại chung cứ có một môi trường sống lành mạnh, an ninh nhất.
Những bất cập trong quản lý tòa nhà hiện nay
Số lượng tòa nhà tại các thành phố lớn mọc lên ngày càng nhiều, loại hình cũng đa dạng nhưng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà vẫn còn nhiều bất cập.
- Năng lực quản lý và chuyên môn còn yếu kém: Do chưa được đào tạo bài bản nên năng lực chuyên môn của nhiều đơn vị quản lý vận hành tòa nhà hiện nay còn tương đối yếu kém. Sự thiếu chuyên nghiệp của đơn vị quản lý, vận hành thể hiện rõ trong vấn đề quản lý thu chi, bất đồng trong vấn đề liên quan đến phí bảo trì, thất thoát tài sản, quản lý rủi ro tòa nhà chưa tốt dẫn đến xử lý các sự cố khẩn cấp trong tòa nhà kém hiệu quả.
- Chất lượng dịch vụ chưa cao: Hiện nay các tòa nhà liên tục được xây dựng và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, chưa có nhiều đơn vị quản lý và vận hành chuyên nghiệp dẫn đến chất lượng dịch vụ chư cao, không đáp ứng được như mong đợi của người dân và tổ chức sử dụng dịch vụ tại tòa nhà.
- Các hệ thống quy định, pháp luật chưa đầy đủ và chi tiết: Sự tham gia của các cơ quan, chính quyền địa phương và nhà nước đối với công tác quản lý vận hành tòa nhà không mấy hiệu quả, đặc biệt trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.
2. Một số hạn chế trong tổ chức quản lý tòa nhà
Trong những năm gần đây, dù số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà tăng mạnh, nhưng chất lượng trong tổ chức quản lý tòa nhà lại không phát triển tương ứng.
Một là, nguồn nhân lực có năng lực và trình độ hạn chế: Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này không đủ cung cấp cho một nguồn cầu rất lớn, đặc biệt nhân sự có trình độ và chuyên môn. Ở Singapore, mỗi chung cư chỉ cần 4 người, còn ở Nhật Bản, một giám đốc quản lý 11 tòa nhà, trong khi ở Việt Nam cần hàng chục người để đảm bảo các hoạt động của tòa nhà trơn tru. Tình trạng đầu tư xây dựng không chuẩn dẫn đến cần nhiều nhân viên kỹ thuật, tình trạng mất an ninh xã hội, khiến cần nhiều chốt an ninh, tình trạng mất vệ sinh từ ngoài đường, và môi trường chung khiến phải tăng cường nhân viên vệ sinh.
Hai là, ứng dụng công nghệ còn khá yếu: Các đơn vị làm các phần mềm về quản lý ứng dụng chưa có hiểu biết sâu về quản lý tòa nhà, đơn vị quản lý tòa nhà lại hạn chế hiểu biết về mặt công nghệ khiến cho việc ứng dụng công nghệ vào quản lý tòa nhà còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả.
Ba là, chưa được đào tạo bài bản: Do ngành quản lý và vận hành tòa nhà còn khá mới so với các nước phát triển trên thế giới. Các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà tại Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng nhân sự còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc. Hơn nữa, cũng chưa có những trường lớp chính quy đào tạo về lĩnh vực quản lý vận hành tòa nhà một cách bài bản.
Ngành quản lý tòa nhà là lĩnh vực còn mới mẻ, các doanh nghiệp quản lý, vận hành tòa nhà của Việt Nam dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh và những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng như hiện nay, đòi hỏi sự trưởng thành nhanh hơn nữa của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải tự hoàn thiện mình, xây dựng năng lực tổ chức bền vững và tạo ra những dịch vụ có chất lượng vượt trội.
3. Phát triển tổ chức ngành quản lý tòa nhà.
Để phát triển tổ chức một cách bền vững, các doanh nghiệp ngành quản lý tòa nhà cần phải đầu tư phát triển con người, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Chỉ những nhân sự có năng lực và kỹ năng chuyên nghiệp mới tạo ra được những dịch vụ vượt trội. Yếu tố con người là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Lấy yếu tố con người làm gốc, các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực quản lý vận hành tòa nhà cần có những giải pháp nhằm phát triển tổ chức bền vững.
Thứ nhất, xây dựng mô hình quản lý tòa nhà hiệu quả: Hoạt động quản lý tòa nhà sẽ không hiệu quả nếu tổ chức bộ máy quản lý cồng kềnh, kém linh hoạt. Với mỗi loại tòa nhà có mục đích sử dụng và quy mô khác nhau cần tổ chức bộ máy quản lý có sự riêng biệt. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy quản lý vẫn phải đảm bảo các chức năng, khai thác và sử dụng hiệu quả tòa nhà.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và tăng cường số lượng nguồn nhân lực: Bên cạnh việc mở rộng quy mô đội ngũ nhân sự quản lý thì chất lượng nguồn nhân lực cần phải được quan tâm. Chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào để tìm được những nhân sự phù hợp với tổ chức. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ nhân sự thông qua các chương trình đào tạo, lớp tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn cho nhân viên.
Thứ ba, ứng dụng khoa học công nghệ: Trong điều kiện hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ vào quản lý tòa nhà là rất khả thi, tạo ra hiệu quả quản lý. Hệ thống quản lý tòa nhà bằng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tập trung hóa và đơn giản hóa việc giám sát, vận hành và quản lý tòa nhà, cho phép nâng cao hiệu suất của tòa nhà bằng cách giảm chi phí nhân công, chi phí năng lượng và cung cấp môi trường làm việc thoải mái và an toàn cho khách hàng sử dụng.
Thứ tư, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng: Chủ động, tích cực, thường xuyên lắng nghe những phản hồi từ phía khách hàng thông qua những phiếu điều tra, thông tin trực tiếp của khách hàng… để duy trì, giữ vững mối quan hệ với khách hàng nhằm mục đích có sự hợp tác, phối hợp từ phía khách hàng khi xảy ra các sự cố. Bên cạnh đó, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp các dịch vụ phụ trợ, nhằm gia tăng sự tiện nghi, hài lòng khi sinh hoạt tại tòa nhà.
Phát triển tổ chức theo hướng bền vững là việc làm cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh và biến động hiện nay. Phát triển tổ chức là một giải pháp dựa trên các căn cứ thực tiễn nhằm giúp tổ chức đổi mới, nâng cao năng lực tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Quá trình phát triển tổ chức mang tính hệ thống, xây dựng năng lực đội ngũ con người, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược cơ cấu tổ chức, cũng như các quy trình hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra chất lược dịch vụ vượt trội.
OD CLICK với vai trò là công ty tư vấn uy tín về phát triển tổ chức với đội ngũ chuyên gia với nền tảng kiến thức quản trị hiện đại và sự nhạy bén chuyên sâu về tổ chức & con người, sẽ giúp cho doanh nghiệp thấy được những bằng chứng khoa học, cũng như những vấn đề nhân sự ẩn sâu đằng sau những hiện tượng. Từ đó cho phép thiết kế một cách hệ thống các giải pháp quản trị, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, và phát triển bền vững trên thị trường.
OD CLICK biên tập
Nguồn tham khảo:
- https://forbesvietnam.com.vn/bat-dong-san/cac-cong-ty-van-hanh-toa-nha-dat-cuoc-vao-cong-nghe-de-quan-ly-7409.html
- https://www.acvn.vn/toc-do-do-thi-hoa-o-viet-nam-du-kien-se-vuot-moc-40-vao-nam-2020.
- https://longvan-group.vn/quanlybatdongsan/tin-tuc/272-quan-ly-toa-nha-la-gi
- https://caulacboquanlytoanha.vn/quan-ly-toa-nha-co-phai-la-mot-nghe/
- https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/co-hoi-lon-voi-nganh-dich-vu-quan-ly-toa-nha-181614.html
- https://thangmaymini.com/nganh-thang-may-thieu-hut-nhan-vien-ky-thuat.html
- https://www.doanhchu.com/tin-tuc/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-toa-nha-chung-cu/