THÁCH THỨC VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUAN TRỌNG NGÀNH VIỄN THÔNG TRONG GIAI ĐOẠN CÔNG NGHỆ 4.0

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức cuối tháng 12-2017, năm qua toàn ngành đạt tổng doanh thu 2.136.191 tỷ đồng, tăng trưởng 9,34% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 352.198 tỷ đồng, lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 1.723.500 tỷ đồng. Toàn ngành nộp ngân sách nhà nước 94.994 tỷ đồng, riêng hai lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tương ứng với con số 53.368 tỷ đồng và 37.000 tỷ đồng. Từ các số liệu trên có thể thấy, trong tổng doanh thu toàn ngành TT-TT đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, lĩnh vực viễn thông chỉ giữ tỷ lệ bằng 1/7, nhưng lại có đóng góp ngân sách nhà nước cao nhất trong ngành.

Đóng góp quan trọng vào kết quả trên, đầu tiên phải kể đến vai trò của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Năm 2017, Viettel đạt doanh thu 249.300 tỷ đồng; lợi nhuận (trước thuế) là 43.936 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 41.142 tỷ đồng. Tiếp sau là Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt doanh thu 44.234 tỷ đồng, lợi nhuận (trước thuế) là 5.589 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.031 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) với tổng doanh thu 144.747 tỷ đồng, lợi nhuận (trước thuế) 5.010 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.116 tỷ đồng. So với cả hai đơn vị Viettel và MobiFone, VNPT đạt lợi nhuận và nộp ngân sách thấp hơn cả, tuy nhiên kể từ năm 2014 (thời điểm bắt đầu thực hiện tái cấu trúc) đến nay, đây là năm thứ tư liên tiếp VNPT duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%. Điều đó cho thấy, việc thực hiện tái cấu trúc VNPT không chỉ là chủ trương đúng đắn, mà còn giúp VNPT thay đổi khi các chỉ số kinh doanh khởi sắc.

Những thách thức ngành viễn thông trong giai đoạn mới

Bên cạnh kết quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ của ngành viễn thông đạt được năm 2017, trong bối cảnh những năm gần đây, có nhiều đơn vị thuộc khối các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, hay xảy ra các sai phạm về tài chính, thì mới thấy hết được ý nghĩa và giá trị mà ngành viễn thông đạt được. Tuy nhiên, ngành viễn thông cũng gặp nhiều thách thức trong giai đoạn mới, đòi hỏi ngành viễn thông cần liên tục đổi mới, sáng tạo mới có thể bắt kịp được những thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong kỷ nguyên công nghệ 4.0

Thứ nhất, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường viễn thông sẽ tiếp tục trạng thái bão hòa. Việc cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao và tăng thị phần sẽ ngày càng khốc liệt. Ðể giữ chân khách hàng cũ và phát triển được thuê bao mới, nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chủ động đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Thứ hai, thách thức lớn khác chính là việc thực hiện kế hoạch triển khai dịch vụ chuyển mạng nhưng giữ nguyên số thuê bao của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ðây là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang ở mạng này nếu thấy mạng khác có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, hoặc chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang sử dụng thuê bao mạng mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại của mình. Chính sách chuyển mạng giữ số được cho là sẽ tạo ra một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN. Chất lượng dịch vụ sẽ tăng, các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ phong phú và sáng tạo nhằm thu hút người dùng, trong khi đó giá cước dịch vụ sẽ giảm.

Thứ ba, những thách thức đến từ cuộc CMCN 4.0. Thực tế, bản chất của CMCN 4.0 là những đột phá chưa từng có trong nền tảng công nghệ liên quan kết nối in-tơ-nét như điện toán đám mây, in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn,… Do đó, chính những nhà mạng trong nước, vốn là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ in-tơ-nét và công nghệ sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và chắc chắn cũng nhiều nhất khi làn sóng công nghệ mới tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, với sức lan tỏa của CMCN 4.0 như hiện nay, sự phát triển của công nghệ sẽ ngày càng nhanh và mạnh mẽ với những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các DN viễn thông cần phải luôn chủ động, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thì mới có thể bắt kịp và khai thác hiệu quả các cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng này mang lại.

Những định hướng quan trọng về viễn thông, công nghệ thông tin

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, có sáu định hướng quan trọng để tạo đột phá đưa Việt Nam lên tầm cao mới trước cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như sau:

Thứ nhất, sẽ tập trung tăng cường công tác phát triển, đào tạo nhân lực viễn thông, công nghệ thông tin từ nay tới năm 2020.

Để đón bắt được cơ hội đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đơn vị này sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu với mục tiêu không chỉ tập trung vào số lượng mà còn đảm bảo được chất lượng chuyên môn, và đặc biệt, nhân lực phải có các kỹ năng mềm cần thiết và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể hội nhập sâu hơn với thị trường công nghệ toàn cầu. Để làm được điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành của Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. Nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua công tác truyền thông để nâng cao hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Thứ ba, triển khai mạng 4G và phát triển dịch vụ giá trị gia tăng. Việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Trong năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này.

Về vấn đề dịch vụ nội dung chưa có nhiều đột phá, các dịch vụ giá trị gia tăng chưa sáng tạo để đáp ứng các nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Việc hội tụ đa dịch vụ trên một đường truyền dẫn của các nhà mạng cũng được triển khai thực hiện nhưng thị trường vẫn thiếu vắng các loại hình dịch vụ phù hợp với khu vực nông thôn và đại đa số các hộ dân…

Thứ tư là phát triển Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các chính sách để phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Từ năm 2017, cơ quan này quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc…

Thứ năm, việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Tại Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các loại hình giao dịch điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử. Để có thể giải quyết được vấn đề này, công tác chứng thực điện tử đóng một vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động về giao dịch điện tử.

Thứ sáu là việc tăng cường đảm bảo an toàn thông tin. Đây là một trong lĩnh vực luôn được quan tâm bởi tính quyết định của vấn đề đối với sự phát triển bền vững của ngành viễn thông, công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo an toàn thông tin. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng chủ động phản ứng với sự cố, hỗ trợ rà soát các điểm yếu an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin hay đầu tư giải pháp trọng điểm về phát hiện và phòng chống các nguy cơ tấn công sẽ được tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ. (Theo Vietnam+)

Với những định hướng đúng đắn, kết hợp với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp trong ngành, Viễn thông sẽ vượt qua được những thách thức, phát triển bền vững trong tương lai. Ngành viễn thông sẽ là tấm gương cho các doanh nghiệp nhà nước noi theo, vì sự phát triển chung của đất nước.

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!