THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ NGÀNH CƠ KHÍ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây). Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 10 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 3,5 lần, từ 0,34 lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31-32%, trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí năm 2015 chiếm 16,36% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Thời gian qua, cơ khí nội địa Việt Nam thuộc các thành phần sở hữu đã khởi sắc. Việt Nam đã hình thành được một số sản phẩm cơ khí, gồm có: Phân ngành sản xuất kết cấu thép và lắp máy đủ sức tham gia xây dựng tốt các công trình công, nông nghiệp; phân ngành đóng tàu thủy có khả năng đóng được tàu viễn dương đạt tiêu chuẩn quốc tế; phân ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, xe đạp đã đáp ứng một phần nhu cầu nội địa; phân ngành chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp đã chế tạo được một số loại động cơ đốt trong công suất nhỏ để làm máy canh tác nông nghiệp…

Những khó khăn ngành cơ khí

Trong thời gian qua, ngành cơ khí đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, hiện ngành cơ khí đang gặp phải những khó khăn chung như sau: 

Thứ nhất, thiếu định hướng chiến lược: Theo ông Dương Văn Hồng – Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng COMA, khó khăn chính của việc phát triển lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành công nghiệp Việt Nam là do chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành.

Thứ hai, thiếu sự chuyên môn hóa: Hiện nay ngành cơ khí của Việt Nam đang có điểm yếu là làm “trọn gói” tất cả các công đoạn sản phẩm, nên việc đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp, các sản phẩm khó có khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, trình độ kỹ thuật còn thấp: Việt Nam xuất phát điểm từ nước nông nghiệp, trình độ khoa học, kỹ thuật nói chung còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, trình độ kỹ thuật của ngành cơ khí được đánh giá ở mức trung bình; lĩnh vực chế tạo phôi và công nghệ phụ trợ vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Thứ tư, thiếu tính đổi mới: Ngành cơ khí cần sự đầu tư rất lớn nhưng đòi hỏi sự đổi mới liên tục nhằm phát triển ngành công nghiệp nói chung. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp cơ khí nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, thiếu vốn nên ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí. Việc đầu tư trong ngành cơ khí còn ít và mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ngành Cơ khí Việt Nam

Với mục tiêu thực hiện Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành cơ khí đóng một vai trò quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát, đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành cơ khí thực hiện các nhiệm vụ sau:

(Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam)

  • Xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ô tô; đóng tàu; cơ khí giao thông vận tải; máy động lực; máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; xử lý và tráng phủ kim loại sử dụng công nghệ hiện đại; gia công, chế tạo các chi tiết cơ khí có độ chính xác cao; các sản phẩm có tính trao đổi cao, sản lượng lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia.
  • Xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta theo hướng lựa chọn các sản phẩm cơ khí trọng điểm cụ thể trong giai đoạn 2014 – 2020, tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trang thiết bị y tế, thiết bị điện và thiết bị đồng bộ, đảm bảo mục tiêu phát triển ngành cơ khí Việt Nam nhanh, ổn định và bền vững, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
  • Hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách kích cầu đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm được quy định tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm của nước ta theo hướng lựa chọn các sản phẩm cơ khí trọng điểm.
  • Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 theo hướng điều chỉnh thời gian áp dụng các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm đến hết năm 2020.
  • Rà soát, đề xuất chính sách thuế nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm cần ưu tiên phát triển sản xuất phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế; các chính sách về đất đai đối với các Dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.
  • Tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính thuế, hải quan để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thiết bị, vật tư sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
  • Ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học và công nghệ để hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.
  • Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất trong nước thiết bị sản xuất vật liệu không nung, thiết bị xử lý chất thải rắn đô thị, thiết bị xử lý, sử dụng cho xi măng, thạch cao từ sản xuất công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất sạch và bền vững, giảm tỷ lệ nhập khẩu đối với các dây chuyền sản xuất lớn về xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, khai thác sản xuất đá xây dựng, đá ốp lát; chế tạo các thiết bị đồng bộ cho dây chuyền xi măng lò quay công suất trên 2.500 tấn clinker/ngày.
  • Xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để bổ sung cho ngành cơ khí, đặc biệt là lực lượng nghiên cứu, thiết kế và đội ngũ công nhân có tay nghề cao.
  • Xem xét cho các doanh nghiệp cơ khí vay vốn theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 – 2025 và quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù riêng phù hợp với địa phương để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cơ khí và đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí trên địa bàn.
  • Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Tổng hội Cơ khí Việt Nam hướng dẫn và điều phối các doanh nghiệp thành viên tăng cường sự hợp tác, liên kết, tạo sự chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Các doanh nghiệp cơ khí:

  1. Tập trung hoàn thành đầu tư các dự án sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành cơ khí; tăng cường cải tiến công tác quản lý chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
  2. Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác đầu tư, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
  3. Hợp tác, liên kết các đơn vị xây lắp, chế tạo thiết bị, tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức thành các liên danh nhà thầu mạnh, tham gia tổng thầu EPC các dự án quy mô lớn (nhà máy điện, xi măng v.v).

Để phát triển ngành cơ khí, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước với những chính sách cụ thể thì mỗi doanh nghiệp tham gia vào ngành cũng cần sự chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức thông qua phát triển đội ngũ nhân sự; Nâng cao trình độ kỹ thuật; Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Đồng thời, không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường và sự cạnh tranh khốc liệt trong thời kỳ hội nhập.

Tài liệu tham khảo:

  1. Công nghiệp cơ khí Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 của La Duy – Anh Việt.
  2. Chiến lược phát triển ngành cơ khí tầm nhìn đến năm 2035 của Minh Hiển.
  3. Ngành cơ khí Việt Nam còn chưa “nhất nghệ tinh” của Đức Dũng.
  4. Tháo gỡ khó khăn ngành cơ khí của Quang Vinh.

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!