Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, điều này làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động kinh tế, đặc biệt gây thiệt hại đáng kể cho triển vọng phát triển dài hạn. Trong số các nền kinh tế đang phát triển, khu vực Đông Nam Á có quỹ đạo tăng trưởng tương đối mạnh khi điều kiện nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới trong đó có Việt Nam đang phải chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp), làm cho tình hình tăng trưởng kinh tế đang ở mức đáng chú ý:
Tăng trưởng các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 1/2020 đạt mức 3,82% (yoy – thay đổi so với cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân tăng trưởng thấp do dịch viêm đường hô hấp cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ và nông, lâm, ngư nghiệp.
Trong Quý 1/2020 khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27% (yoy), thấp hơn rất nhiều so với cùng kì năm trước (6,5%). Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%(yoy), hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%(yoy), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,97 (%). Khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đại dịch đã gây hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ:
Thứ nhất là hai ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11%).
Thứ hai, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08% (yoy). Dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu khiến sản lượng ngành nông nghiệp giảm sút. Hoạt động xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch COVID-19.
Thứ ba, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (yoy).
Dịch COVID-19 bao trùm toàn cầu, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn.Chính phủ ra quyết định thay đổi mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông đối với rượu bia gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất đồ uống. Vì vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12%(yoy) trong Quý 1.
Tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,18%, do sản lượng khai thác giảm.
Trong Quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 5,28%(yoy), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,6% (yoy). Chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 24,9%(yoy). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục giảm.
Sản xuất gặp khó khăn
Dịch bệnh do virus corona 2019 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3. Nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng như nguồn xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng Ba. Trong khi đó mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm. Những nguyên nhân trên khiến chỉ số PMI suy giảm mạnh xuống dưới 50 điểm, chỉ đạt 41,9 điểm trong tháng 3.
Tình hình dịch bệnh phức tạp có thể khiến nền sản xuất Việt Nam có thể tiếp tục bị thu hẹp trong tháng tới. Kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của TCTK cho thấy chỉ có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong Quý 2; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Đây là mức độ lạc quan trong kinh doanh thấp nhất kể từ tháng 4/2012 đến nay.
Trong Quý 1, cả nước có 29.711doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng mạnh lên mức 30.902 doanh nghiệp. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc ngành lưu trú, ăn uống và ngành bán luôn bán lẻ.
Về quy mô lao động, số lượng việc làm mới trong Quý 1/2020 tăng1,2% (yoy). Lao động tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi khu vực nhà nước.Cụ thể, trong Quý 1, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước không đổi và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,8%. Đặc biệt số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.
Hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng do COVID-19, tăng trưởng 4,7%.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới có tác động tiêu cực lên tâm lý người tiêu dùng, cộng với lệnh hạn chế đi lại đã làm ảnh hưởng đến hành vi mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và sử dụng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình.
Tính chung Quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (1,6% nếu loại trừ yếu tố giá).
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa Quý I vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống Quý I/2020 đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành Quý I đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, cùng với việc khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan.
Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020
Do dịch COVID-19, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Đại dịch gần như làm tê liệt hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước Mỹ trong tháng Ba và nền sản suất có thể tiếp tục bị thu hẹp trong tháng Tư. Dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước châu Âu. Khu vực EU28 và EA18 tăng trưởng lần lượt tại mức 1,22% (yoy) và 1,03% (yoy) trong Quý 4/2019.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh cũng khiến toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản Quý 1/2020 suy giảm. Trên thị trường lao động, tỷ lệ tổng số việc làm cần tuyển trên số ứng viên xin việc giảm xuống còn 1,45%. Kinh tế Trung Quốc trong Quý 4/2019 suy giảm tăng trưởng, ở mức 6,0%. Theo dự báo mới nhất từ World Bank, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này có thể suy giảm xuống còn 2,3% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Trong Quý 4/2019 tăng trưởng của nhóm nước ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam) tiếp tục suy giảm. Trong Quý 4/2019, kinh tế Phillipines tăng trưởng tốt, đạt 6,5% (yoy). Tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm mạnh trong Quý 4, xuống mức 1,6% (yoy) do sụt giảm của ngành du lịch và suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Malaysia tăng trưởng thấp trong Quý 4/2019, 3,6%. Malaysia cùng là một trong những quốc gia có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới.
Tuy Việt Nam có khả năng vượt qua đại dịch sớm hơn các quốc gia khác, do các biện pháp quyết liệt đã được thực hiện từ khi dịch mới bắt đầu xuất hiện, nhưng chúng ta vẫn sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục lại hoạt động của cả nền kinh tế. Do hội nhập sâu với quốc tế và khu vực, xu thế phát triển của Việt Nam không thể tách khỏi thực trạng của nền kinh tế thế giới.
Những con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thực sự của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ về khu vực kinh tế phi chính thức, vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những lần suy thoái trước đây. Trong bất kỳ kịch bản nào, ở thời kỳ hậu – COVID tại Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của các ngành như hàng không, du lịch và may mặc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vaccine cùng thuốc đặc trị COVID-19 trên thế giới.
Trên đây là những tổng hợp mà chúng tôi muốn mang đến cho Quý khách hàng doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam Quý I. Từ đó, các doanh nghiệp có căn cứ dữ liệu để đưa ra những hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách – ĐHQGHN