3 BƯỚC KHẢO SÁT NỘI BỘ HIỆU QUẢ
Khảo sát nhân sự có tác động lớn tới gia tăng động lực làm việc cho nhân viên và nâng cao năng suất lao động. Bởi vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới việc khảo sát nhân sự, đánh giá mức độ hài lòng với công việc và tập hợp các ý kiến nhân viên. Đây là công tác giúp lãnh đạo nắm bắt được suy nghĩ của nhân viên, động cơ làm việc, mức độ gắn bó và chủ động có các kế hoạch nhân sự kịp thời.
Tuy nhiên, việc lấy ý kiến người lao động không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu có quá ít người tham gia, tính chính xác của khảo sát không cao. Đồng thời, không phải nhân sự nào cũng sẵn sàng chia sẻ do tâm lý sợ sếp, sợ trách nhiệm, chỉ trả lời qua loa đại khái. Vì vậy, bài viết cung cấp một số gợi ý để khảo sát và phân tích kết quả khảo sát đạt được mục tiêu nhà lãnh đạo.
- Lập kế hoạch khảo sát nhân viên rõ ràng
Lập kế hoạch khảo sát bao gồm xác định mục tiêu, tên gọi, nội dung, thời gian, nguồn lực, cách thức thực hiện, kết quả đầu ra. Để lập kế hoạch, các bạn có thể sử dụng mô hình 5W 1H 2C 5M.
Các câu hỏi cần trả lời lúc này là:
- Mục tiêu của khảo sát là gì? Tại sao cần khảo sát? (Why)
- Xác định tên gọi, nội dung khảo sát? (What)
- Khảo sát thực hiện ở phạm vi nào? (Where)
- Ai là người tham gia khảo sát? (Who)
- Khi nào tiến hành? Tiến hành trong bao lâu? (When)
- Tiến hành như thế nào? (How)
- Bạn sẽ kiểm soát bằng phương pháp nào? (Control)
- Hoạt động kiểm tra ra sao? (Check)
- Các nguồn lực cần thiết? (Man, Money, Material, Machine, Method)
Mục tiêu của khảo sát cần rõ ràng, dựa trên ý kiến của lãnh đạo và được thông báo tới từng nhân viên để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khảo sát. Mục tiêu này nếu tập trung vào lợi ích của nhân viên sẽ đem lại kết quả tốt hơn thay vì chỉ nói rằng theo yêu cầu của Ban lãnh đạo.
Các câu hỏi phải thể hiện được văn hóa của doanh nghiệp, những câu hỏi sát với thực tại của công ty vì mục đích là để đánh giá những vấn đề mà ban lãnh đạo và nhân viên đang quan tâm.
Mỗi nhóm nhân viên có đặc điểm và tính cách khác nhau, vì vậy nên sủ dụng linh hoạt nhiều phương án khảo sát để thu được nhiều thông tin nhất.
Bạn cũng cần dự tính đầy đủ các nguồn lực cần thiết cho cuộc khảo sát, các kế hoạch dự trù với những tình huống phát sinh.
Thời gian khảo sát nên sắp xếp vào những ngày cuối tuần trước nghỉ tuần, hay nghĩ lễ, việc khảo sát cũng không nên thực hiện khi mà nhân viên đang có nhiều mâu thuẫn với ban giám đốc.
- Hành động dứt khoát sau khảo sát
Sau khi thu được số liệu, hoạt động phân tích cần khách quan, không chỉ nhìn vào con số mà cần lý giải được kết quả của khảo sát. Những vấn đề còn tồn tại là gì? Nguyên nhân đến từ đâu? Cách giải quyết của chúng ta ra sao?
Để xây dựng niềm tin của nhân viên vào ban lãnh đạo thì sau khi khảo sát doanh nghiệp phải đưa ra được những chuyển biến rõ ràng, cần cho nhân viên nhìn thấy sự tiến bộ trong bộ máy lãnh đạo, cải tiến kỹ thuật cũng như lợi ích của nhân viên được nâng cao.
Việc xây dựng kế hoạch hành động tích cực sau khảo sát cho thấy ý nghĩa và sự tôn trọng đối với phản hồi của nhân viên, cũng chính là cách gia tăng cam kết, động lực trong tổ chức.
- Xem xét và kiểm tra lại quy trình khảo sát
Doanh nghiệp cần có kế hoạch theo dõi hiệu quả những hoạt động sau khảo sát để tìm ra những tiến bộ đã đạt được và tiếp tục đặt ra mục tiêu trong tương lai. Các cuộc họp đánh giá được thông báo tới nhân viên là một cách tốt để đánh giá khách quan và nâng cao hiệu quả khảo sát cùng các hoạt động sau đó.
Nguồn tham khảo:
Mel Silbernman, The Consultant’s Tool Kit