KẾT QUẢ NGÀNH DỆT MAY 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2019
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ngành Dệt may là một trong 3 ngành có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất 6 tháng đầu năm 2019 với tổng giá trị xuất khẩu là 15,09 tỷ USD. Đứng đầu là mặt hàng Điện thoại các loại và linh kiện với tổng giá trị xuất khẩu là 23,49 tỷ USD; Thứ hai là Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với tổng giá trị xuất khẩu là 15,52 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may vẫn là một ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.
Biểu đồ 1: 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng lớn nhất về trị giá trong 6 tháng/2019
Nguồn: Tổng cục Hải quan
1. Kết quả đạt được so với mục tiêu đầu năm đặt ra
Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2019, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Xuất khẩu hàng Dệt may trong tháng 6 đạt 2,88 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2019 lên 15,09 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với con số này mới đạt được gần 38% so với mục tiêu đầu năm đặt ra.
Biểu đồ 2: Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may đạt được 6 tháng/ 2019 so với mục tiêu
OD CLICK tổng hợp
Sau ½ chặng đường của năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 7,03 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm gần 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,77 tỷ USD, tăng 4,4%; thị trường EU (28 nước) tiêu thụ 1,98 tỷ USD, tăng 5,1%…
Biểu đồ 3: Thị trường xuất khẩu ngành Dệt may 6 tháng đầu năm 2019
OD CLICK tổng hợp
2. Những cơ hội và thách thức ngành Dệt may đang gặp phải
Hai quý đầu năm 2019, Ngành Dệt may đã đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2018. Ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn do sự biến động của môi trường tạo ra.
Cơ hội ngành Dệt may
Thứ nhất, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam được ký kết: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa EU và Việt Nam đã được ký kết ngày 30/6/2019, đánh dấu một bước phát triển về thương mại của Việt Nam. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường xuất khẩu Việt Nam nói chung và ngành Dệt may nói riêng. Việc ký kết EVFTA ngay lập tức sẽ gỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU, đây sẽ là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường quan trọng này.
BSC đánh giá EVFTA sẽ có tác động tích cực đến Dệt may Việt Nam trong dài hạn bởi 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3- 7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia, hiện đang được hưởng thuế GSP 0%.
Thứ hai, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc làm cho các doanh nghiệp Dệt may nước ngoài đang đầu tư tại Trung Quốc có xu hướng chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn đầu tư; Nguồn khách hàng, cũng như gia tăng cơ hội làm việc cho người lao động.
Thứ ba, sự tiến bộ của khoa học công nghệ: Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ trên thế giới đã có sự tác động tích cực đến ngành Dệt may Việt Nam. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ, dây chuyền hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng và các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước EU.
Thách thức cho ngành Dệt may
Bên cạnh những cơ hội rất lớn thì các doanh nghiệp ngành Dệt may cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức.
Thứ nhất, thuế suất tăng lên trong giai đoạn đầu EVFTA được ký kết: Về xuất khẩu Nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam hiện ít gia công (sản phẩm may mặc) hoặc xuất khẩu vào EU (ví dụ nguyên liệu dệt may). Do đó Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này. Cơ hội trong ngắn hạn sẽ đến với các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu xơ sợi, nếu tìm kiếm được khách hàng EU sẽ được hưởng lợi từ các cam kết này (bởi mức thuế MFN mà EU đang áp dụng là khoảng 6-8%).
Thứ hai, quy định và quy tắc chặt chẽ khi EVFTA được ký kết: Các sản phẩm dệt may của Việt Nam mặc dù được đánh giá là một trong những ngành nghề hưởng lợi nhất từ việc EVFTA có hiệu lực. Tuy vậy, để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ.
Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn 2 điều kiện sau: thứ nhất, đó là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; Thứ hai, việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Đây có thể coi là thách thức đối với các doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam khi đa phần nguồn nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan, là những nước chưa có hiệp định FTA với EU.
Thứ ba, yêu cầu về chứng chỉ và chất lượng sản phẩm ngày càng cao: Các doanh nghiệp từ Hoa Kỳ và Châu Âu có xu hướng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, các yêu cầu về các chứng chỉ của nhà máy và chất lượng sản phẩm rất cao khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Yêu cầu về tiến độ giao hàng cũng là một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Dệt may của Việt Nam phải từ bỏ đơn hàng khi năng lực hạn chế.
Ngành Dệt may Việt Nam vẫn là một ngành mũi nhọn bởi những lợi thế vốn có. Đây cũng được coi là ngành nghề khá phù hợp với người Việt Nam: Khéo léo, chăm chỉ và lực lượng lao động đông đảo. Tuy nhiên, để phát huy hết thế mạnh của ngành, các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam cần nâng cao năng lực của tổ chức, nắm bắt những cơ hội của thị trường. Chỉ có sự đầu tư bài bản vào hệ thống, đội ngũ nhân sự, cùng chiến lược đúng đắn mới có khả năng vượt qua những thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nguồn tham khảo:
- Cổ phiếu dệt may, thủy sản sẽ hưởng lợi ra sao khi EVFTA được ký kết? – http://cafef.vn/co-phieu-det-may-thuy-san-se-huong-loi-ra-sao-khi-evfta-duoc-ky-ket-20190628123300296.chn
- BVSC: “Thuế suất sẽ tăng lên với phần lớn sản phẩm dệt may Việt Nam trong giai đoạn đầu EVFTA được ký kết” – http://cafef.vn/bvsc-thue-suat-se-tang-len-voi-phan-lon-san-pham-det-may-viet-nam-trong-giai-doan-dau-evfta-duoc-ky-ket-20190627103239218.chn
- Dệt may năm 2019 hướng tới kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD – http://hict.edu.vn/det-may-nam-2019-huong-toi-kim-ngach-xuat-khau-dat-40-ty-usd.htm
- Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 6 và 6 tháng/2019 – https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?ID=28777&Category=Th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20H%E1%BA%A3i%20quan
OD CLICK