Ngành dệt may Việt Nam hiện nay sử dụng gần 3 triệu lao động, nếu tính cả lao động liên quan như logistic, hoạt động phụ trợ cho dệt may thì số lượng lao động lên tới 5 triệu người. Theo công bố của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2016, dự kiến trong những thập niên tới, 85% lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng, mất việc làm. Như vậy, sẽ có khoảng 3 – 3,5 triệu lao động của Việt Nam, chiếm 15% tổng lao động của cả nước sẽ thiếu việc làm, mất việc làm và không còn phù hợp với thị trường lao động. Đó là áp lực không nhỏ mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đem đến cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp dệt may nói riêng.

Nguồn nhân lực ngành dệt may hiện nay

Trong bối cảnh cạnh tranh và chuyển đổi về khoa học công nghệ nhanh như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may nước ta đều có nhận thức về lợi ích của CMCN 4.0 mang lại. Tuy nhiên, trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp, với 84,4% lao động có trình độ phổ thông, 4,9% có trình độ Đại học; Trên đại học là 0,1% và cao đẳng/ trung cấp là 10,6%. Như vậy, với trình độ hiện tại để đáp ứng hệ thống quản lý tại doanh nghiệp còn khá thấp. Đặc biệt, trong giai đoạn cạnh tranh và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

OD CLICK tổng hợp

Nếu tính theo thang điểm 5 thì mức độ đáp ứng CMCN 4.0 của hệ thống quản lý trong ngành sợi đạt 2,61 điểm; dệt là 2,46; nhuộm 2,83; may 3,11. Đáng lo ngại, mức độ sẵn sàng để hội nhập với 4.0 của ngành sợi là cao nhất đạt mức 3,02; ngành dệt 2,4; ngành nhuộm 2,3 và ngành may 2,85.

Sự cạnh tranh khốc liệt

Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là chi phí sản xuất ngày càng tăng lên, trong khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nhiều đơn hàng có giá trị thấp có xu hướng dịch chuyển về các nước như Banglades, Campuchia vì ở đó tiền lương cho lao động thấp.

Mặt khác, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì thách thức các doanh nghiệp không thể bỏ qua đó là xu hướng fast fashion (thời trang ăn liền hay thời trang nhanh) sản xuất trong thời gian cực ngắn. Nếu như trước đây các doanh nghiệp một mùa mới đưa ra mẫu mới thì bây giờ là hàng tuần, đặc biệt gần đây các hãng thời trang ngoại như Zara, H&M, Topshop đã đổ bộ vào Việt Nam với giá rất bình dân, không những gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước về tiến độ sản xuất mà còn giá cả.

Chuyển đổi số với doanh nghiệp dệt may

Trước sự chuyển đổi của công nghệ số và cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng, thay đổi mục tiêu sản xuất kinh doanh và thay đổi công nghệ nếu không muốn doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị loại khỏi thị trường.

Hơn lúc nào hết, muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì các doanh  nghiệp cần chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Ngành may mặc trong nước cần đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhạy bén với thị trường.

Trước hết, muốn thay đổi tổ chức thì doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy hệ thống, phát triển nguồn lực con người trước khi đầu tư công nghệ. Đó là giải pháp bền vững, mang lại hiệu quả cho tổ chức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kết luận

Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu. Nó có tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam. Làm thể nào để tận dụng được những cơ hội, hạn chế những khó khăn mà sự chuyển đổi tạo ra. Trước tiên, doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm lý cho sự thay đổi không ngừng, lãnh đạo tiên phong trong sự sáng tạo đổi mới. Kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho đội ngũ nhân sự. Tiếp đến là tối ưu hóa các quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và đầu tư máy móc hiện đại. Có như vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới chuyển đổi thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững.

OD CLICK tổng hợp, phân tích

Nguồn tham khảo:

  1. Ngành dệt may thay đổi để bắt kịp xu hướng – https://bnews.vn/nganh-det-may-thay-doi-de-bat-kip-xu-huong-bai-2-giai-phap-song-con/72238.html
  2. Phát triển ngành dệt may trong CMCN 4.0: “Không tự động hóa bằng mọi giá” – http://congnghiepcongnghecao.com.vn/tin-tuc/tin-tuc–su-kien/t22053/phat-trien-nganh-det-may-trong-cmcn-4-0–khong-tu-dong-hoa-bang-moi-gia-.html
  3. Ngành dệt may Việt đứng trước yêu cầu chuyển đổi số – https://enternews.vn/nganh-det-may-viet-dung-truoc-yeu-cau-chuyen-doi-so-157479.html
error: Nội dung đã khóa !!