Tổ chức học tập thông qua các cá nhân học tập và học tập của mỗi cá nhân không đảm bảo học tập của tổ chức. Nhưng nếu không có nó, không có tổ chức học tập nào có thể xuất hiện. Một số ít những nhà lãnh đạo tổ chức nhận ra cần phải suy nghĩ lại về triết lý doanh nghiệp như là một điều kiện mà cam kết học tập cá nhân đòi hỏi. Ông Kazuno Inamori – chủ tịch công ty Kyocera hàng đầu thế giới trong kỹ thuật gốm sứ đã phát biểu rằng: Cho dù trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, quản lý doanh nghiệp hay bất kỳ lĩnh vực nào khác trong kinh doanh, nguồn lực tích cực là “con người”. Và con người có nguyện vọng của riêng họ, tư duy của riêng họ và cách thức suy nghĩ của riêng họ. Nếu như người lao động không được động viên một cách hiệu quả để thách thức những mục tiêu phát triển và sự phát triển công nghệ… đơn giản sẽ không có sự phát triển, không tăng thêm năng suất sản xuất và không có sự phát triển công nghệ.
Ngoài ra ông cũng có quan điểm cho rằng để kích thích tiềm năng của con người cần phải có sự hiểu biết mới về “trí khôn tiềm thức”, “sức mạnh ý chí”, và “hành động của con tim… khát vọng chân thành để phục vụ thế giới”.
“Hoàn thiện cá nhân” là một cụm từ thể hiện nguyên lý phát triển và học tập cá nhân. Những người có mức độ hoàn thiện cá nhân cao hơn đang tiếp tục mở rộng khả năng của họ để tạo ra những kết quả trong cuộc sống mà họ thật sự theo đuổi. Từ sự theo đuổi học tập không ngừng của họ làm phát sinh tinh thần của tổ chức học tập.
Khi hoàn thiện cá nhân trở thành một nguyên lý – một hoạt động chúng ta đưa vào trong cuộc sống của mình – có hai dạng vận động nền tảng:
Sự vận động thứ nhất là liên tục tìm hiểu và làm rõ: Điều gì quan trọng với chúng ta? Chúng ta thường dùng nhiều thời gian đương đầu với khó khăn trên con đường của mình đến nỗi quên mất lý do tại sao ban đầu chúng ta lại chọn con đường đó. Kết quả là chúng ta chỉ có một nhận thức lờ mờ hay thậm chí là không chính xác về điều thực sự quan trọng đối với mình.
Sự vận động thứ hai là liên tục học tập cách xem xét thực tại rõ ràng hơn. Nhiều khi chúng ta sẽ bị vướng vào những mối quan hệ phản tác dụng và không thoát ra được bởi vì họ tiếp tục cho rằng mọi việc vẫn hoạt động tốt bởi ta luôn cho rằng tất cả những gì cố gắng làm thì có thể có kết quả tốt. Vì vậy, để đạt được những thành công quan trọng thì bạn nên biết bản thân mình đang ở đâu, năng lực như thế nào?
Sự kề cận giữa tầm nhìn (điều chúng ta muốn) và một bức tranh rõ ràng về thực tại (nơi chúng ta đang đứng) tạo ra khái niệm được gọi là sự căng thẳng sáng tạo – một áp lực để liên kết chúng với nhau, được tạo ra từ khuynh hướng căng thẳng tự nhiên để tìm ra giải pháp. Bản chất của hoàn thiện cá nhân là học cách tạo ra và duy trì sự căng thẳng sáng tạo trong cuộc sống của chúng ta.
“Học tập” trong nguyên lý cá nhân không có nghĩa là tiếp nhận thêm thông tin mà là mở rộng khả năng tạo ra những kết quả mà chúng ta thực sự mong muốn trong đời sống. Đó là sự học tập sáng tạo cả đời. Và tổ chức học tập không thể hình thành nếu như không có những người tham gia học tập ở mọi cấp độ trong tổ chức đó.
Thực ra hoàn thiện cá nhân không phải là một kỹ năng bạn sở hữu mà là một tiến trình, một nguyên lý suốt đời. Những người có khả năng hoàn thiện cá nhân sẽ có những điểm tích cực sau:
- Họ có ý thức đặc biệt về mục đích nằm sau những tầm nhìn và mục tiêu của họ. đối với một người như vậy, tầm nhìn là một thiên hướng, hơn là một ý tưởng tốt.
- Họ nhìn nhận “thực tại” như một đồng minh, chứ không phải kẻ thù.
- Họ học cách chấp nhận và làm việc với nguồn lực thay đổi hơn là chống cự lại các nguồn lực đó.
- Họ rất ham học hỏi, ham muốn liên tục nhìn nhận thực tại một cách chính xác và chính xác hơn nữa.
- Họ có sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc với những lĩnh vực họ cần phát triển.
- Họ rất tự tin, họ luôn cảm thấy được liên kết với những người khác và với chính cuộc sống.
Tuy vậy, họ có hạn chế đó là:
- Không từ bỏ bất kỳ tính cách riêng nào của mình.
- Họ không bao giờ thỏa mãn.
- Họ cảm thấy họ như là một phần của tiến trình sáng tạo lớn hơn, họ có thể tác động nhưng không thể đơn phương kiểm soát.
Sự hoàn thiện cá nhân ví như khi một họa sĩ lão luyện tinh thông nhờ thực hành liên tục, năm nguyên tắc sau đây là nền tảng của việc liên tục phát triển nguyên lý hoàn thiện cá nhân:
Thứ nhất: Tầm nhìn cá nhân
Tầm nhìn đến từ bên trong và đa phần những người trưởng thành hầu như không có ý thức về một tầm nhìn thật sự. Chúng ta có những mục tiêu, mục đích nhưng chưa thật sự có tầm nhìn.Tầm nhìn thật sự không thể được hiểu tách rời ý tưởng về mục đích, tuy nhiên tầm nhìn không phải mục đích. Mục đích giống như định hướng chung chung, còn tầm nhìn là một cái đích cụ thể, một bức tranh về tương lai theo mong muốn của bạn. Mục đích rất trừu tượng còn tầm nhìn là cụ thể. Tầm nhìn có tính tuyệt đối chứ không tương đối.
Đó chính là những gì bạn khao khát vì giá trị thực của nó, không phải vì nó cho bạn nhiều thứ hơn trong so sánh tương đối với những tầm nhìn khác. Những tầm nhìn tương đối có thể thích hợp tạm thời nhưng hiếm khi dẫn đến những thành quả to lớn. Đây là lý do tại sao hoàn thiện cá nhân là một nguyên lý. Đó là một tiến trình tập trung liên tục vào điều chúng ta muốn và vào tầm nhìn của chúng ta.
Thứ hai: Duy trì sự căng thẳng sáng tạo
Nguyên tắc căng thẳng sáng tạo là nguyên tắc trung tâm của hoàn thiện cá nhân, kết hợp tất cả các yếu tố khác nhau của nguyên lý này. Tuy nhiên nó thường dễ bị hiểu sai. Chẳng hạn, “khái niệm căng thẳng”thường gợi lên nghĩa lo lắng hoặc áp lực, trong trường hợp này căng thẳng nghĩa là một nguồn lực phát huy tác dụng vào lúc chúng ta ý thức được một tầm nhìn chênh lệch với thực tại. Thấu hiểu sự căng thẳng sáng tạo sẽ chuyển hóa cách nhìn nhận thất bại và dẫn đến một sự chuyển đổi triệt để về thái độ của chúng ta với thực tại. Một sự đánh giá sâu sắc và đúng đắn về thực tại cũng quan trọng như một tầm nhìn rõ ràng.
Thứ ba: Mâu thuẫn cấu trúc – sức mạnh của sự bất lực
Hầu hết chúng ta có một hoặc hai niềm tin mâu thuẫn, hạn chế khả năng sáng tạo ra điều chúng ta thực sự muốn. Phổ biến là niềm tin về sự bất lực – tức là chúng ta không có khả năng biến thành hiện thực tất cả những điều mình thật sự quan tâm. Một niềm tin khác tập trung vào sự thiếu tư cách – rằng chúng ta không xứng đáng có điều mình khao khát. Những niềm tin thay đổi dần dần khi chúng ta tích lũy được những kinh nghiệm – khi chúng ta phát triển hoàn thiện cá nhân mình. Nhưng nếu hoàn thiện cá nhân không thể phát triển khi chúng ta còn giữ những niềm tin bất lực và những niềm tin này chỉ thay đổi khi chúng ta trải qua hoàn thiện cá nhân.
Thứ tư: Cam kết với sự thật
Chúng ta có thể bắt đầu bằng một chiến lược đơn giản nhưng sâu sắc trong việc giải quyết mâu thuẫn cấu trúc: Đó là nói ra sự thật. Cam kết với sự thật không có nghxia là tìm kiếm sự thật. Nó có nghĩa là không ngừng từ bỏ việc hạn chế hoặc tự dối gạt mình trong việc nhìn ra mọi việc; không ngừng mở rộng kiến thức giải thích lý do mọi việc tồn tại; là không ngừng mở rộng nhận thức, liên tục đào sâu hiểu biết của mình về những cấu trúc bên dưới các sự kiện thực tế. Đặc biệt, người có hoàn thiện cá nhân cao có thể nhận ra nhiều mâu thuẫn cấu trúc hơn so với hành vi của họ.
Thứ năm: Sử dụng năng lực tiềm thức
Đây là một trong những khía cạnh thú vị nhất của sự hoàn thiện cá nhân, đó là khả năng thực hiện những việc phức tạp khác thường một cách dễ dàng, thoải mái. Bên trong việc rèn luyện hoàn thiện cá nhân là một khía cạnh khác của trí tuệ, đó là tiềm thức, nhờ đó tất cả chúng ta thích nghi với sự phức tạp. Ở nhiều góc độ, bí quyết để phát triển hoàn thiện cá nhân qua sự hòa hợp với tiềm thức chính là nguyên lý phát triển tầm nhìn cá nhân.
Có thể thấy sử dụng nguyên thứ hoàn thiện cá nhân sẽ đem lại những thay đổi đột phá, bạn sẽ đồng cảm và linh hoạt hơn rất nhiều.
Nuôi dưỡng sự hoàn thiện cá nhân trong một tổ chức
Dấn thân vào con đường phát triển cá nhân là một lựa chọn tự nguyện, không ai có thể bắt buộc sự hoàn thiện cá nhân của mỗi người. Việc bắt buộc chắc chắn sẽ phản tác dụng. Những tổ chức nếu quá áp đặt có thể gặp rắc rối lớn nếu áp đặt việc hoàn thiện cá nhân cho những thành viên của họ.
Nhiều công ty vẫn cố gắng làm điều này bằng cách xây dựng các chương trình huấn luyện bắt buộc. Khi ai đó bị bắt buộc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự cam kết hoàn thiện cá nhân của họ trong tổ chức.
Lãnh đạo cần làm gì để tăng cường sự hoàn thiện cá nhân?
- Xây dựng một tổ chức an toàn cho mọi người tự do đề ra tầm nhìn. Các cá nhân có thể thực hành nguyên lý này trong đời sống hành ngày.
- Có nhiều hoạt động giúp ích cho sự hoàn thiện cá nhân: Phát triển một thế giới quan có tính hệ thống, học cách phản hồi trên những giả định ngầm, bày tỏ tầm nhìn của mình và lắng nghe tầm nhìn của người khác. Cùng chia sẻ quan điểm của người khác về thực tại – gắn chặt với nguyên lý tổ chức học tập.
- Lãnh đạo là một tấm gương: Hãy tự cam kết với sự hoàn thiện cá nhân của bạn. Hãy hành động và nghiêm túc với nỗ lực của chính bạn.
Phát triển hoàn thiện cá nhân phải trở thành một quá trình lên tục không ngừng. Một tổ chức cam kết với sự hoàn thiện cá nhân có thể tạo ra môi trường đó bằng cách liên tục khuyến khích tầm nhìn cá nhân, cam kết với sự thật. Nguyên lý hoàn thiện cá nhân là nguyên lý có sự mật thiết với các nguyên lý khác trong tổ chức học tâp. Đặc biệt là nguyên lý thứ năm – tư duy hệ thống. Khi từng cá nhân thực hành hoàn thiện cá nhân, nhiều thay đổi sẽ dần xảy ra trong họ. Nhiều thay đổi sẽ rất tinh vi và không dễ dàng nhận thấy. Tầm nhìn hệ thống cũng thắp sáng những mặt tinh tế hơn của hoàn thiện cá nhân: kết hợp lý trí với trực giác, liên tục nhận ra nhiều hơn sự kết nối của chúng ta với thế giới, sự đồng cảm và cam kết tổng thể. Những người hoàn thiện cá nhân cao hơn đang mở rộng khả năng của họ để tạo ra những kết quả trong cuộc sống mà họ thật sự theo đuổi. Từ đó làm phát sinh tinh thần của tổ chức học tập.
OD CLICK biên tập!
Nguồn tham khảo
- THE FIFTH DISCIPLINE – PETER M.SENGE