Sau khi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát của dịch COVID-19 là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp trên toàn thế giới, điều này ảnh hưởng đến toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Diễn biến dịch ngày càng phức tạp, doanh nghiệp ngày càng phải chịu nhiều ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng “ngủ đông”, “đóng băng” hay “nghe ngóng tình hình”. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đó, đặc biệt cần có những sự chuẩn bị khi trả lời cho câu hỏi: “Đứng trước khó khăn đó phải làm như thế nào?”

Xuất phát từ tình hình đó, đã có một số tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam cũng như dự đoán các xu hướng ảnh hưởng của đại dịch đến các doanh nghiệp (các dự báo này đều dựa trên tình hình dịch từ đầu tháng 03 trở về trước khi mà Châu Âu và Mỹ chưa chịu tác động nặng nề như hiện nay):

  • Bloomberg dự báo tăng trưởng của Việt Nam giảm 0,4 % (số liệu đến tháng 02), ADB cho rằng tăng trưởng giảm 0,5 – 1% và kịch bản xấu có thể giảm đến 1,5% (Báo cáo ngày 10/03).
  • Bộ KH & ĐT dự báo tăng trưởng có thể giảm từ 0,67 đến 0,96%, lạm phát trong khoảng 3,96% – 4,86%, xuất khẩu giảm 21%, nhập khẩu giảm 16%, ngành nông nghiệp giảm 0,11%; ngành công nghiệp giảm 0,24%; ngành dịch vụ giảm 0,32% (Báo cáo ngày 04/02 và 10/02).
  • Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát của Việt Nam thay đổi trong khoảng 4,5% +/- 0,4% (Báo cáo ngày 12/03).
  • Nhóm nghiên cứu thực hiện Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 của Đại học Kinh tế Quốc Dân (ĐHKTQD) dự báo tăng trưởng giảm từ 0,6 đến 0,8% (số liệu đến ngày 07/03).
  • Trong báo cáo gần nhất (ngày 31/03/2020), World Bank dự báo rằng kinh tế Việt Nam năm 2020 là khoảng 1,5% đến 4,9% tùy kịch bản. Tuy nhiên tăng trưởng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021
  • Các dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch là tương đối tiêu cực. Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại khoảng 1000-2000 tỷ USD trong năm 2020, tăng trưởng giảm từ 0,5 đến 1,5% tùy kịch bản (UNCTAD, IIF, OECD, IMF, HSBC, Oxford Economics, ADB).
  • Ngày 25/03/2020 công ty McKinsey đưa ra những dự báo về kinh tế toàn cầu dựa trên một số kịch bản của dịch, với giả định phản ứng chính sách của các quốc gia là thành công trong việc xử lý các thiệt hại kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng hệ thống tài chính.

Kịch bản 1: Các quốc gia nhanh chóng và hiệu quả kiểm soát dịch trong khoảng 2-3 tháng:

  • Cả Trung Quốc, Mỹ, EU đều tăng trưởng âm trong năm 2020;
  • Các quốc gia sẽ bắt đầu hồi phục về trạng thái trước khủng hoảng (quý 4 năm 2019) bắt đầu từ quý 3 năm 2020.

Kịch bản 2: Hệ thống y tế ban đầu thành công trong việc chống dịch, nhưng sau đó không đủ hiệu quả để ứng phó với sự bùng phát trở lại của dịch theo khu vực, do đó chính sách giữ khoảng cách xã hội được duy trì trong nhiều tháng:

  • Các quốc gia và khu vực sẽ rơi và suy thoái kinh tế sâu trong năm 2020;
  • Trung Quốc sẽ phục hồi sớm nhất, vào quý 2 năm 2021. Mỹ và EU sẽ chỉ hồi phục về trạng thái trước khủng khoảng từ quý 1 năm 2023.

Ngày 31/03/2020 World Bank đưa ra dự báo rằng tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương khoảng từ 2,1% đến suy thoái -0,5% trong năm 2020 tùy theo các kịch bản khác nhau. Tuy nhiên các nền kinh tế này sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.

Hầu hết các dự báo đều đưa ra nhận định rằng Mỹ và EU sẽ rơi vào trong trạng thái suy thoái kinh tế nặng nề trong năm 2020. Ảnh hưởng của đại dịch tới các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc được đánh giá là ít tiêu cực hơn, do thành công trong việc kiểm soát dịch.

Một số xu hướng ảnh hưởng của COVID-19 đến các doanh nghiệp

Bên cạnh các số liệu thống kê chính thức, để có thể thấy rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, một cuộc khảo sát ý kiến của 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 01/04/2020) đã được tiến hành bởi nhóm nghiên cứu của ĐHKTQD. Mẫu doanh nghiệp này bao gồm 92,6% doanh nghiệp ngoài nhà nước (NN), 6,08% doanh nghiệp FDI và 1,76% (doanh nghiệp nhà nước) DNNN. Trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng 29,8% và nông nghiệp 5,1%. 69,3% các doanh nghiệp tại Hà Nội, 12,2% tại TP. Hồ Chí Minh và 18,5% tại các địa phương khác. Trong số này có 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người và 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người.

Kết quả nghiên cứu số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và kết quả khảo sát doanh nghiệp của ĐHKTQD cho thấy, cho đến thời điểm hiện tại, tác động của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Thứ nhất: Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực lựa chọn); hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% doanh nghiệp lựa chọn).

Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo qui định để phòng chống dịch.

Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp trả lời do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% doanh nghiệp lựa chọn), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp lựa chọn)

Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.

Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%)

Thứ hai: Số lượng, quy mô doanh nghiệp suy giảm, lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng

Trong 2 tháng đầu năm có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ. 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch COVID-19. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị thu hẹp. Tính đến 20/03/2020, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 02/2020 là 10%).

Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người. Thống kê trong tháng 2/2020 đã cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

Các doanh nghiệp dịch vụ gặp khó khăn hiện tại không hoàn toàn do thị trường cũng như các yếu tố quản trị doanh nghiệp, lao động thất nghiệp nhiều. Ví dụ các trường tư phải ngừng hoạt động 100% do yêu cầu của chính quyền nhằm phòng tránh dịch bệnh. Tất cả giáo viên phải nghỉ không lương do không có nguồn thu. Họ gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc khác cùng chuyên môn do tất cả các trường đều phải đóng cửa theo quy định. Tương tự, nhiều lao động ở các doanh nghiệp tư nhân, ngành du lịch, dịch vụ ăn uống cũng mất việc làm.

Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới

Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều hành động nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch bệnh càng kéo dài, khả năng phá sản của các doanh nghiệp càng cao.

Tình hình dịch bệnh phức tạp dẫn đến ảnh hưởng của nó đến kinh tế là không hề nhỏ. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp cách ly xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Vì vậy các doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề cũng cần có những bài toán ứng phó với tình hình này.

Trên đây là những xu thế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020. Đây là một thách thức cho các doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định năng lực của tổ chức mình. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị thấu đáo củng cố và nâng cao năng lực tổ chức trong giai đoạn này.

error: Nội dung đã khóa !!