Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp được cho rằng sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Sự phát triển của CNTT đã giúp chúng ta hoàn thành một lượng lớn công việc mỗi ngày, từ những việc đơn giản đến phức tạp. Nó có tác động to lớn đến đời sống của con người. Chúng ta được trải nghiệm những tiện ích mới mẻ trong cuộc sống thông qua những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc máy tính hiện đại và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác.

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa các doanh nghiệp Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.  Chuyển đổi số, Big Data và AR/VR là 3 mảng công nghệ tiềm năng trong phát triển công nghệ tại Việt Nam và là cơ sở hợp tác giữa CNTT Việt Nam và các nước trên thế giới.

Sự tăng trưởng của ngành CNTT

Trong vài năm trở lại đây, CNTT luôn là ngành có tốc độ phát triển nhanh và ấn tượng nhất tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. CNTT cũng được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 1.026.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16,15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu phần cứng ước đạt 912.800 tỷ đồng. Lĩnh vực CNTT ước nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, xuất khẩu CNTT ước đạt 918.384 tỷ đồng, tăng 16,21% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, phần cứng 884.184 tỷ đồng, phần mềm 34.200 tỷ đồng. Hiện, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp (DN) CNTT và 4 khu CNTT đã hoạt động.   

Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp

Hiện nay, CNTT đang ngày càng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phát triển và ứng dụng của Interner đã làm thay đổi mô hình và cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sự chuyển dần các giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và cả nhu cầu các bên hữu quan của doanh nghiệp như: Khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư, nhà phân phối.

Một số ứng dụng của CNTT vào hoạt động doanh nghiệp như sau:

  • Ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích định lượng doanh nghiệp;
  • Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát hoạt động doanh nghiệp;
  • Ứng dụng truyền thông xã hội và công nghệ website;
  • Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác tài nguyên, môi trường và địa lý.

Chuyển đổi số và CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Những doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội và đổi mới kịp thời sẽ phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thì ngại thay đổi hoặc không dám thay đổi sẽ đối mặt với những thách thức, đồng nghĩa với sự tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.

Chuyển đổi số trong mỗi doanh nghiệp không chỉ là hình thức chuyển đổi công nghệ mà nó liên quan đến 3 yếu tố: công nghệ, kinh doanh và con người trong tổ chức. Để chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp thì cần chú ý đến 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo đảm nhận việc chuyển đổi số: Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công thì cần bắt đầu từ phía lãnh đạo, giám đốc công ty. Bởi lãnh đạo luôn là người tạo ra nguồn cảm hứng và gương soi chiếu cho đội ngũ quản lý và nhân viên thực hiện việc chuyển đổi số.  Một thực tế tại nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn xem chuyển đổi số là nhiệm vụ của bộ phận công nghệ thông tin, marketing hoặc nhân sự đảm nhiệm. Đó là suy nghĩ sai lầm khiến cho việc chuyển đối số và tái cơ cấu trong tổ chức không đạt được hiệu quả.

Thứ hai, sử dụng công nghệ như một loại dịch vụ dựa trên nhu cầu: Sự chuyển đổi số là tất yếu, trong đó việc sử dụng công nghệ sẽ giúp thúc đẩy quá trình, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ không nên miễn cưỡng. Nó căn cứ vào mô hình hoạt động, quy mô doanh nghiệp hay trình độ của đội ngũ nhân sự. Ví dụ, việc áp dụng phần mềm quản lý có thể thành công trong doanh nghiệp này nhưng có thể thất bại trong trong nghiệp khác cùng ngành. Khi áp dụng CNTT vào chuyển đổi doanh nghiệp thì phải có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nghiên cứu và xây dựng phần mềm, quy trình riêng cho phù hợp. Đồng thời, cần đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng đội ngũ nhân sự để thích ứng và vận hành tốt hệ thống công nghệ mới trong tổ chức.

Thứ ba, sự hội tụ của mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và điện toán biên: Theo các chuyên gia về CNTT từng dự báo IOT, AI, máy học và điện toán biên sẽ trở thành bốn xu hướng công nghệ chính. Nhưng hiện nay, bốn xu hướng này đã trở thành một vì chúng gắn kết nhau. Khi IOT phát triển kéo theo lượng thiết bị kết nối cũng gia tăng nhanh chóng. Đồng thời, điện toán biên sẽ ngày càng được chú trọng hơn trong xu hướng chuyển đổi số. Công nghệ điện toán biên và công nghệ đám mây phụ thuộc vào nhau chứ không loại trừ lẫn nhau, vì tương tác dữ liệu giữa điện toán biên và điện toán đám mây giúp tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu. Doanh nghiệp cần hiểu rõ bốn yếu tố quan trọng về CNTT và mối quan hệ giữa chúng để vận dụng và khai thác hiệu quả trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, biến dữ liệu thành hiệu quả kinh doanh: Với sự phát triển của CNTT hiện nay, dữ liệu gần như mở với tất cả doanh nghiệp. Nhưng việc khai thác, phân tích và sử dụng dữ liệu lại khác nhau trong mỗi doanh nghiệp. Dữ liệu là chìa khóa để các doanh nghiệp đưa ra các quyết định về định hướng hoạt động kinh doanh, về sản phẩm/ dịch vụ trước khi sản xuất. Danh nghiệp có phân tích dữ liệu chính xác hay không còn phụ thuộc vào trình độ và kỹ năng của đội ngũ nhân sự khai thác dữ liệu. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thông qua việc phân tích dữ liệu đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường và dẫn dắt thị trường như Microsoft, Samsung, Apple.

 Kết luận: Sự phát triển của ngành CNTT mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải chủ động làm chủ công nghệ, tích cực chuyển đổi số nhằm nắm bắt được các cơ hội do thị trường tạo ra. Thông qua các chương trình đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp tự tin vượt qua những rào cản, thách thức trong môi trường luôn biến động và cạnh tranh gay gắt. Yếu tố con người vẫn là then chốt quyết định đến hiệu quả hoạt động và chiến lược lâu dài của tổ chức. Yếu tố công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh trên nền tảng đội ngũ nhân sự xuất sắc. Chuyển đổi số, tái cơ cấu tổ chức là nhiệm vụ luôn song hành cùng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Nguồn tham khảo:

  1. http://kinhtevn.com.vn/cong-nghe-thong-tin-tiep-tuc-da-tang-truong-34179.html
  2. http://aum.edu.vn/tin-tuc/nganh-cong-nghe-thong-tin-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-trong-tuong-lai.html
  3. https://www.acari-web.com/2018/08/14/su-phat-trien-manh-me-cua-nganh-cong-nghe-thong-tin-va-cach-thuc-ma-no-da-thay-doi-cong-viec-cua-chung-ta/
  4. http://vneconomy.vn/ict-la-nen-tang-cua-chuyen-doi-so-20190707231427063.htm
  5. https://tuyensinh.uit.edu.vn/tong-quan-nganh-cong-nghe-thong-tin
  6. https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-big-data-va-arvr-la-3-mang-cong-nghe-tiem-nang-trong-hop-tac-cntt-viet-nhat-126967.html
  7. http://vn.globe3.com/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-doanh-nghiep/
  8. https://www.pace.edu.vn/so-tay-doanh-tri/ChiTiet/1318/cong-nghe-chuyen-doi-so-trong-san-xuat?term_taxonomy_id=31
error: Nội dung đã khóa !!