MÔ HÌNH KINH DOANH – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG
Cái đích mà doanh nghiệp nào cũng theo đuổi đó là sự thành công. Trước kia, khi nền kinh tế mới được khai phá, thị trường chưa bị lấp đầy, tổ chức ít nhiều dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thành công. Nhưng nay, kinh tế đã mang một bộ mặt hoàn toàn khác! Đa dạng, cạnh tranh cao, tốc độ và đổi mới toàn diện! Ra nhập thì dễ, tồn tại thì khó, thành công lại càng khó! Giải pháp nào cho doanh nghiệp? Đâu là chìa khóa giúp doanh nghiệp trở nên nổi trội giữa hàng trăm đối thủ khác trên thị trường và bứt phá thành công?
Nền tảng cạnh tranh trong chuyển đổi số
Nền tảng cạnh tranh đang có sự dịch chuyển rõ ràng. Đơn thuần cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ không tạo ra thành công mà mô hình tổ chức theo đuổi phải hướng tới gia tăng giá trị cảm nhận khách hàng.
Bắt nguồn từ bản chất của quá trình “mua – bán” thì đây rõ ràng không phải là một sự biến đổi về chất mà chỉ là một sự thay đổi do quá trình gia tăng về mặt lượng. Đối thủ gia tăng, thị trường bão hòa và được lấp đầy với đủ loại mặt hàng trên khắp các lĩnh vực, công nghệ phát triển thúc đẩy chất lượng sản phẩm gia tăng với nhiều loại quy chuẩn khu vực và quốc tế. Cải tiến chất lượng sản phẩm đã không còn là câu chuyện của ngày hôm nay.
Quay lại với bản chất tại sao mô hình ở giai đoạn đầu của nền kinh tế lại là hướng về nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ? Đây là vấn đề về chuyển đổi tư duy, từ tư duy tuyến tính tới tư duy hệ thống.
Cung cấp sản phẩm chất lượng là để thỏa mãn nhu cầu, đem lại lợi ích cho khách hàng. Nhưng, mọi thứ không tồn tại đơn lẻ, nó tồn tại trong mối quan hệ ràng buộc với những yếu tố trong hệ sinh thái xung quanh nó. Thứ khách hàng mua, không phải là sản phẩm đơn thuần, mà là cả hệ sinh thái kèm theo nó. Giá trị cảm nhận khách hàng tăng nhanh chóng vì họ nhận được nhiều hơn, còn doanh nghiệp thì không phải bỏ thêm chi phí. Đó chính xác là cách thức thành công được xây dựng bởi mô hình kinh doanh trong quản trị chiến lược.
Mô hình kinh doanh
Trong quản trị chiến lược, mô hình kinh doanh đề cập đến cách thức mà doanh nghiệp tạo ra giá trị. Giá trị thu được càng nhiều, đề xuất giá trị khách hàng càng vượt trội và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp càng cao.
Như đã đề cập ở trên, giá trị không chỉ sinh ra từ bản thân sản phẩm mà còn ở hệ sinh thái xoay quanh nó. Và, nếu doanh nghiệp phải mất chi phí (nhân lực, vật lực, thời gian) cho việc tạo ra sản phẩm (và tạo gia giá trị từ đó) thì việc khai thác từ hệ sinh thái sản phẩm lại “miễn phí”, vì đó là những thứ đã có sẵn. Vấn đề còn lại ở đây chỉ là doanh nghiệp có tìm ra mối liên kết giữa tài nguyên với sản phẩm, có tận dụng được đúng nguồn tài nguyên để gia tăng giá trị khách hàng hay không?
Trong các bài viết về Mô hình nền tảng, cũng là một dạng của mô hình kinh doanh, chúng tôi cũng đề cập tới cách mà những “kẻ thủ lĩnh” cung cấp các lợi ích gia tăng cho khách hàng. Facebook không hề tập trung vào sản phẩm (tạo ấn phẩm truyền thông) mà thu hút khách hàng – các thương hiệu quảng cáo bằng lợi ích từ “môi trường” với hàng triệu người sử dụng trên toàn thế giới mà nó có sẵn.
Hay như, tại sao Now lại là cái tên đi đầu trong thị trường giao đồ ăn trực tuyến? Bởi vì họ đã tận dụng được nguồn tài nguyên (hệ thống dữ liệu các quán ăn, dịch vụ) mà Foody đã xây dựng được trước đó. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn, giúp Now giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến với những bên “đáng gờm” cùng ngành như Grab Food hay GoViet.
Mô hình kinh doanh, với tư duy hệ thống, với việc tận dụng giá trị từ hệ sinh thái sản phẩm chính là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp. Nó hướng đến xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua tối ưu hiệu quả trong tạo ra lợi ích khách hàng. Lãnh đạo, cần nắm rõ sâu sắc các tài nguyên mà doanh nghiệp sẵn có, lựa chọn đúng điểm để tập trung phát triển, hoặc tạo ra giá trị thật nổi trội, hoặc tạo ra giá trị “kép” cho khách hàng.