Thế giới đã chứng kiến sự lụi tàn của nhiều “gã khổng lồ” như Kodak, Yahoo khi không kịp thích ứng với xu hướng chuyển đổi số và nhường chỗ cho những “startup kỳ lân” như Grab, Uber, Airbnb, Netflix. Grab/Uber là các công ty taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu một chiếc xe nào. Airbnb hiện tại là khách sạn lớn nhất thế giới, dù họ chẳng sở hữu bất kỳ khách sạn hữu hình nào. Còn với Netflix, chuyển đổi số đã giúp ứng dụng này không đơn thuần chỉ là một kênh truyền phát nội dung video trực tiếp đến khách hàng mà còn có được cái nhìn sâu sắc chưa từng thấy về thói quen và sở thích xem của người dùng. Nó sử dụng dữ liệu đó để thông báo mọi thứ, từ thiết kế trải nghiệm người dùng đến phát triển các chương trình và phim chiếu đầu tiên tại các hãng phim trong nhà. Sự sụp đổ của những đế chế “vang bóng một thời” khi xưa và sự trỗi dậy mạnh mẽ của những doanh nghiệp công nghệ mới đã cho thấy sức mạnh của chuyển đổi số trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay đang đặt dưới một sức ép: “chuyển đổi số để sống sót hay là chết?”

Hàng chục triệu USD là con số mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới sẵn sàng chi ra cho chuyển đổi số. Theo một khảo sát của Deloitte năm 2019, các lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp lớn (ở 123 nước và 28 ngành lĩnh vực) cho biết họ dự định đầu tư 20 triệu USD (khoảng 463 tỷ VNĐ) trở lên cho chuyển đổi số. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, McKinsey công bố rằng thế giới chỉ mất 8 tuần để thực hiện một bước tiến tương đương 5 năm của tiến trình chuyển đổi số nếu trong bối cảnh bình thường.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã tăng gần gấp đôi trong năm qua. Theo dự báo của IDC, đến năm 2022, quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD (khoảng 46 nghìn tỷ VNĐ) và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT.

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích năm 2016 của Forrester, trong số những doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 11% thành công trong quá trình chuyển đổi số. Con số 11% là một thống kê giật mình nhưng cũng không đáng ngạc nhiên. Người ta nhắc đến chuyển đổi số rất nhiều, các doanh nghiệp hiện nay cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và có những bước đi táo bạo nhất định. Chuyển đổi số là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai, nhưng phần trăm các doanh nghiệp thất bại lại chiếm đa số. Và bản chất của sự thất bại đó chính là không hiểu rõ chuyển đổi số thực sự là gì. Nói cách khác, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều chỉ đang dừng lại ở việc áp dụng công nghệ để hoàn thành công việc nhưng lại cho rằng tổ chức của mình đã hoàn tất quá trình chuyển đổi số.

Thông qua bài viết này, OD CLICK sẽ đề cập một cách tổng quan nhưng rõ ràng về bản chất của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược nhằm xác định chính xác vai trò của chuyển đổi số gắn với các khía cạnh của tổ chức. Qua đó, giúp doanh nghiệp tránh được những hiểu lầm về chuyển đổi số, cũng như chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện.

BẢN CHẤT CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo Gartner – công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”. Còn Microsoft thì cho rằng “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”.

Về cơ bản, Chuyển đổi số (Digital transformation) mô tả quá trình ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải đơn giản là về những công nghệ mà doanh nghiệp áp dụng để hoàn thành công việc, nó là sự kết hợp của Công nghệ và Con người tri thức, tạo ra trải nghiệm tích cực vượt trội cho Khách hàng và Kinh doanh. Trọng tâm của chuyển đổi số là vấn đề chuyển đổi tổ chức, nâng tầm con người, để tối ưu hóa công nghệ và theo kịp cạnh tranh. Quá trình này sẽ tạo nên đột phá về hiệu quả, tốc độ thích ứng với VUCA, và trải nghiệm khách hàng, bỏ lại đằng sau những tổ chức và con người, muốn duy trì tư duy cũ. 

Nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ thành công ngay khi hoàn tất quá trình áp dụng công nghệ là suy nghĩ của doanh nghiệp không hiểu bản chất của chuyển đổi số. Nói cách khác, công nghệ không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của chuyển đổi số. Yếu tố nền tảng và trọng tâm của chuyển đổi số phải là năng lực tổ chức, chiến lược tổ chức, nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức linh hoạt và thích ứng nhanh trước những thay đổi không lường trước của môi trường kinh doanh.

ÁP LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠO RA SỰ ĐỘT BIẾN TRONG PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC

Các doanh nghiệp lớn và truyền thống bị giới hạn bởi sức ì do chính hệ thống cơ chế, quy trình và bộ máy, vì thế họ dần mất đi khả năng thích ứng linh hoạt và sự đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp nhỏ lại sợ mình không đủ tài chính và năng lực để tham gia cuộc chơi này. Tuy nhiên, như Charles Darwin đã nói: “Những loài mạnh nhất không phải là những kẻ tồn tại còn sót lại mà là những loài thích nghi tốt nhất với môi trường thay đổi để tìm thấy chính bản thân mình”. 

Thật vậy, trong thế giới ngày hôm nay, khi quy luật “the winner takes it all” ngày càng đúng, thì doanh nghiệp nào không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược sẽ nhanh chóng bị đào thải. Ngược lại, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, kinh doanh, đồng thời có sự cải thiện về mô hình, chiến lược và con người nhằm đáp ứng các nhu cầu mới trên thị trường, sẽ dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Không chỉ đem lại hiệu quả cao trong triển khai và vận hành tổ chức, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí hiệu quả nhờ đo lường được các thông số vận hành kinh doanh của doanh nghiệp, tăng doanh thu nhờ tiếp cận được thị trường lớn và tăng hiệu quả marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng.

Việc ứng dụng chuyển đổi số lại giúp doanh nghiệp phá bỏ bức rào ngăn cách giữa các phòng ban nhờ nền tảng kết nối số hóa đa chiều, đa chức năng giữa các bộ phận; giảm việc phụ thuộc vào nguồn nhân lực do hầu hết công việc đã được tự động hóa hoặc bán tự động. Với chuyển đổi số, nhà lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào mà không cần đợi nhân viên ngồi làm báo cáo qua email hay thống kê số liệu qua bản cứng. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hoạt động 24/7 và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế lỗi nhờ dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhân viên cũng có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chuyên môn và nghiên cứu cải thiện và tối ưu hơn giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp “mạnh”

Chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa tổ chức của mình để thích nghi. Quá trình thay đổi này phụ thuộc vào cách doanh nghiệp điều chỉnh các đặc tính của văn hóa.

Thứ nhất, nếu chuyển đổi số đòi hỏi thích ứng với công nghệ mới trong thời gian ngắn, thì nhờ tập trung vào cải tiến liên tục, văn hóa Agile sẽ dần được hình thành. Agile giúp doanh nghiệp linh hoạt trước công nghệ và thị trường. Với Agile, doanh nghiệp chủ động trước sự thay đổi để nhận được phản hồi sớm nhất từ thị trường, qua đó cải tiến thay vì chờ đợi rủi ro và thất bại. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi Agile cũng đi đầu trong chuyển đổi số. Khi Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft hay Airbnb, Samsung, Spotify, Tesla, Uber vươn lên cùng Agile thì không ít công ty đã tụt dốc vì cồng kềnh và chậm thay đổi. 

Thứ hai, để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa và tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, các tổ chức dần phát triển cơ sở hạ tầng và tiềm lực nhằm xây dựng văn hóa thích nghi với môi trường thay đổi. Theo Kotter và Heskett, các nhà quản trị trong tổ chức với văn hoá thích ứng có thể tạo ra những thay đổi về cách thức hoạt động của tổ chức, bao gồm thay đổi về chiến lược và cơ cấu, để cho tổ chức thích ứng với các thay đổi phát sinh từ môi trường bên ngoài. Điều này thường không thấy trong các tổ chức có văn hoá trì trệ. Do đó, các tổ chức với nền văn hoá thích ứng dễ tồn tại hơn trong các môi trường thay đổi, và cũng vì thế, nó có hiệu suất cao hơn các tổ chức có văn hoá trì trệ, nhất là trong cuộc đua chuyển đổi số. 

Cuối cùng, hành trình chuyển đổi số sẽ không bao giờ kết thúc, khi thị trường sẽ luôn có sự cạnh tranh mới, công cụ mới và xu hướng mới. Và với mỗi lần thay đổi, khách hàng sẽ đòi hỏi nhiều hơn, mong muốn được phục vụ nhanh hơn và tốt hơn trước. Trước yêu cầu đó, duy trì năng lực, tư duy đổi mới sẽ là điều tất yếu các doanh nghiệp phải nắm bắt. Andy Grove – CEO của Intel đã từng nói: “Sẽ tới một lúc nào đó tổ chức của bạn buộc phải đối mặt với sự thay đổi toàn diện mới có thể đạt được nấc tăng trưởng tiếp theo. Nếu bạn bỏ qua thời điểm đó, sự thất bại là không thể tránh khỏi.”

Phát triển con người

Khi chuyển đổi số không còn là một lựa chọn cho các doanh nghiệp ngày nay, thì yêu cầu đặt ra là có con người với những kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục.

Cụ thể, tư duy lãnh đạo trong chuyển đổi số sẽ thúc đẩy sự số hóa nhanh của doanh nghiệp. Xu hướng chuyển đổi số buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải nhanh nhạy với thay đổi. Khi thế giới kinh doanh chuyển mình không ngừng thì họ cũng phải có khả năng thay đổi nhanh chóng và biến đổi linh hoạt. Sở hữu khả năng lãnh đạo có tính đột biến tức là phải dẫn dắt mọi người đi trên một hành trình mới, một chặng đường với những thông lệ, rủi ro, cơ hội chưa từng được khám phá. 

Bên cạnh đó, do chuyển đổi số được thúc đẩy bởi các hệ thống nên trong thời đại số, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp cần phải có năng lực đa ngành, thông thạo công nghệ số và cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để áp dụng chúng một cách hiệu quả cho tổ chức.

Chuyển đổi số là sân chơi công bằng cho tất cả mọi doanh nghiệp, mà ở đó, ai đủ nhanh nhạy mới có thể tìm được phần thưởng cho riêng mình. Để thành công trong hành trình chuyển đổi số, doanh nghiệp dần hình thành và chiêu mộ cho mình thế hệ tài năng đa ngành mới: từ những lãnh đạo có tầm nhìn và kinh nghiệm, hiểu về sức mạnh của công nghệ để có thể tạo ra giá trị doanh nghiệp mới, cho đến đội ngũ nhân sự kỹ năng chuyên môn khác nhau để khai thác sức mạnh của công nghệ số mới, với sự hoàn thiện cao về thái độ và tính kỷ luật tổ chức để có thể xử lý sự gián đoạn cố hữu ở mọi sự chuyển đổi. 

Sức ép của chuyển đổi số đang đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua sinh tử. Cuộc đua này khốc liệt đến mức, theo kết quả một cuộc khảo sát, vòng đời của một công ty được sử dụng để tính toán ra Chỉ số S&P 500 cũng đã rút ngắn từ hơn 50 năm trong thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại. Và sẽ có 4/10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.

Sự bắt đầu của thời kỳ công nghệ với luật chơi mới đã đặt lại định nghĩa về nhu cầu và thị trường cho mọi ngành nghề. Xưa thì Kodak, nay là Instagram. Xưa là Borders Books, nay là Amazon. Xưa là khách sạn, nay là Airbnb. Bởi vậy, có thể thấy, áp lực mà chuyển đổi số đặt lên các doanh nghiệp đang ngày càng lớn và rõ rệt. Trên thực tế, nó buộc các doanh nghiệp phải tiến hành và tăng tốc quá trình “tái tạo” để “chuyển đổi toàn diện”. Nói cách khác, như một lẽ tự nhiên, chuyển đổi số tạo ra sự “đột biến” trong doanh nghiệp theo hướng tích cực, từ nâng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi các giá trị văn hóa của tổ chức, cho đến thay đổi ý thức con người.

QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là xu thế tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh bùng nổ công nghệ. Với cường độ cạnh tranh lớn như ngày nay, doanh nghiệp có thể bị bỏ lại phía sau và đánh mất vị thế của mình nếu không có sự thay đổi hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động. Quá trình chuyển đổi số là bước chuyển giúp cải thiện và tối ưu hiệu quả hoạt động và dần loại bỏ những cách làm cũ, quy trình cũ và tư tưởng cũ.

Trên thế giới, việc chuyển đổi số đã trải qua thời gian dài nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện mô hình với nhiều doanh nghiệp đã gặt hái được những thành quả rõ rệt như Microsoft, IKEA, Coca-Cola. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, chuyển đổi số mới ở những bước đầu tiên và nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về khái niệm cũng như quy trình chuyển đổi số hiệu quả.

Trong phần này, OD CLICK chỉ ra các giai đoạn trong chuyển đổi số cơ bản với doanh nghiệp bắt nguồn từ mô hình và phương pháp của doanh nghiệp lớn trên thế giới đã thực hiện. Đó là một quy trình trải qua 3 bước là số hóa dữ liệu, áp dụng quy trình công nghệ và tiến hành chuyển đổi số.

Bước 1: Số hóa dữ liệu

Số hóa là nền tảng đầu tiên, được hiểu là doanh nghiệp chuyển đổi những dữ liệu từ “giấy” truyền thống sang lưu trữ trên nền tảng kỹ thuật số. Điều này giúp lưu trữ và truy xuất dữ liệu dễ dàng hơn thay vì truyền thống cần kho để những tài liệu quan trọng. Ví dụ điển hình của quá trình này là chuyển đổi văn bản viết tay hoặc đánh máy sang dạng kỹ thuật số; chuyển từ công nghệ  (thư giấy, cuộc gọi điện thoại) sang công nghệ kỹ thuật số (email, trò chuyện, mạng xã hội).

Số hóa dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp rõ rệt với mục tiêu giảm thiểu những thủ tục rườm rà và cắt giảm đi những chi phí không cần thiết. Dễ thấy, với doanh nghiệp lớn thì những dữ liệu về tài chính, nhân sự, kế toán là rất nhiều và với cách lưu trữ truyền thống sẽ tốn nhiều nguồn lực, chi phí cho nhân lực cũng như diện tích chứa của doanh nghiệp. Bằng cách chuyển đổi sang nền tảng số thì không cần quá nhiều nhân sự chịu trách nhiệm quản lý và không mất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, truy xuất thông tin cần thiết. Đặc biệt là có thể lưu trữ vô thời hạn và hạn chế mất mát những tài liệu quan trọng.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa hiểu thấu đáo và cho rằng việc mình áp dụng và lưu trữ dữ liệu trên nền tảng kỹ thuật số đã là thực hiện được quá trình chuyển đổi số. Song, đây chỉ là một phần ba chặng đường, để thực sự chuyển đổi số thành công thì cần có bước chuyển mạnh mẽ, dám thay đổi, loại bỏ đi chiến lược, quy trình, tư duy không còn hiệu quả để hướng đến sự đổi mới mạnh mẽ thích nghi với biến động của thị trường.

Bước 2: Áp dụng công nghệ, phần mềm

Sau khi thực hiện số hóa dữ liệu, các doanh nghiệp tiến thêm một bước quan trọng tiếp theo trong chuyển đổi số. Đó là việc ứng dụng công nghệ, phần mềm, trí tuệ nhân tạo hay tự động hóa với mục đích tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động. Ví dụ có thể kể đến là trường hợp của Best Buy – một trang thương mại điện tử nổi tiếng của Mỹ, công ty đã ứng dụng công nghệ Robot tự động hóa trong các nhà máy để tối ưu hóa thời gian đóng gói và kiểm hàng từ đó cải thiện thời gian giao hàng. Một trường hợp khác là công ty đồ chơi nổi tiếng Hasbro, đã tận dụng công nghệ trong việc phân tích dữ liệu để tìm ra chiến lược phù hợp. Hasbro nhận ra rằng thay vì tập trung vào trẻ em, điều thực sự nên tiếp thị cho cha mẹ của chúng, những người thực sự mua hàng. Dữ liệu đã giúp công ty hiểu rõ hơn về khách hàng để giới thiệu đồ chơi và trò chơi có liên quan.

Những cách thức này là ví dụ về cách ứng dụng công nghệ của các công ty trên thế giới và đã mang lại những kết quả cụ thể. Đối với Việt Nam, phần lớn đang tiếp cận đến quá trình số hóa dữ liệu và chỉ một số doanh nghiệp có tiềm lực tiếp cận đến bước này. Ví dụ có thể kể đến như trường hợp của Vinamilk, công ty đã áp dụng tự động hóa trong quy trình sản xuất để tối ưu chất lượng sản phẩm và giảm thiểu chi phí khi vận hành hệ thống như vậy không cần quá nhiều nhân sự như sản xuất truyền thống. 

Tại bước này, doanh nghiệp phải đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, doanh nghiệp cần lựa chọn công nghệ phù hợp cùng với những lĩnh vực cốt lõi để đầu tư. Chuyển đổi số là quá trình dài và đòi hỏi ngân sách không nhỏ vì vậy việc lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để đầu tư là rất quan trọng để tránh tiêu tốn quá nhiều nguồn lực mà không mang lại kết quả như mong đợi. Thông thường, các doanh nghiệp đều chú trọng đầu tư công nghệ vào kinh doanh hay sản xuất để tối ưu hóa chất lượng sản phẩm, tiếp cận tốt hơn nhu cầu khách hàng cũng như nâng cao trải nghiệm cho họ. Thứ hai, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho nhân sự của mình từ kỹ năng đến tâm thế để sẵn sàng đón nhận sự thay đổi lớn. Điều này là rất quan trọng bởi công nghệ, phần mềm có hiện đại tới đâu mà con người không thể áp dụng hiệu quả cũng không thể mang lại thành công.

Bước 3: Chuyển đổi số

Hai bước trên chỉ là bước đi nền tảng trong quá trình chuyển đổi số. Để thực sự áp dụng thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có sự thay đổi về chiến lược, mô hình kinh doanh, văn hóa và nhân thức hướng đến nâng cao giá trị chuyển đến khách hàng cũng như thích nghi với sự thay đổi trong nhu cầu, hành vị của họ. Những doanh nghiệp nào thực hiện được những điều này mới thực sự hoàn thành quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Bởi bản chất, đây là quá trình “bắt đầu và kết thúc từ giá trị cho khách hàng”.

Trên thực tế đây là quá trình khó khăn nhất đòi hỏi sự quyết tâm, dứt khoát của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thay đổi loại bỏ đi những tư duy cũ, chiến lược cũ, mô hình kinh doanh cũ để hướng đến tư tưởng mới hiệu quả hơn, thích nghi với biến động của thị trường cũng như mang lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Trên thế giới đã có doanh nghiệp quyết tâm cải tổ toàn diện, áp dụng chuyển đổi số hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường lợi thế cạnh tranh và khẳng định vững chắc vị thế của mình. Điển hình có thể kể đến trường hợp của Lego, công ty sản xuất đồ chơi lớn trên thế giới tiến hành tái cơ cấu chuyển đổi kỹ thuật số tập trung vào các nguồn doanh thu mới đến từ phim ảnh, trò chơi di động và ứng dụng di động. Đồng thời, công ty cũng thay đổi, hướng đến triết lý mới là “lấy khách hàng làm trung tâm”, toàn bộ hệ thống lương thưởng dựa trên sự hài lòng của khách hàng. 

Tựu chung lại, số hóa dữ liệu, áp dụng công nghệ hiện đại giữ vai trò tạo nâng cao hiệu quả của một doanh nghiệp. Mỗi cái đều cần nhưng chưa đủ để làm nên chuyển đổi số thành công. Và quan trọng nhất, số hóa và tự động hóa các quy trình thực chất là về công nghệ, còn chuyển đổi số thì không chỉ như vậy. Chuyển đổi kỹ thuật số là câu chuyện về kết hợp công nghệ, với con người có tri thức đổi mới, văn hóa thích ứng nhanh, và lãnh đạo chiến lược.

MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ OD CLICK TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM

Ở phần trước, OD CLICK đã chỉ ra quy trình chuyển đổi số doanh nghiệp cơ bản với 3 giai đoạn: Số hóa dữ liệu, Áp dụng công nghệ và Tiến hành chuyển đổi số. Tuy nhiên, quy trình này được nghiên cứu và dựa trên những kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp nước ngoài. Sự khác biệt về mô hình tổ chức, văn hóa, cũng như tốc độ phát triển xã hội có khoảng cách rất lớn đối với Việt Nam, cụ thể hơn là doanh nghiệp Việt. Với đặc thù nước ngoài, chuyển đổi số đã được hình thành, trải qua thời gian dài hoàn thiện còn trong bối cảnh trong nước thì vẫn còn sơ khai và đang định hình nên bước đi đầu tiên.

Đặc trưng của Việt Nam đi lên từ sản xuất nông nghiệp do vậy tư tưởng vẫn còn đâu đó theo thuần nông. Điều này tác động đến doanh nghiệp Việt về nền tảng tổ chức với tâm lý thụ động, văn hóa trơ ì, tập trung khai thác tài nguyên sẵn có. Do vậy khi chuyển sang số hóa hay tự động hóa thì khả năng tắc là cao. Lý do lớn nhất là bởi con người, tổ chức, mô hình hiện tại không sẵn sàng với sự thay đổi và gặp khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ, cũng như những cái mới. 

Do vậy, với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, OD CLICK nghiên cứu và hình thành mô hình chuyển đổi số hiệu quả bắt đầu từ xây dựng nền tảng tổ chức về con người, mô hình kinh doanh cũng như tư duy lãnh đạo.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp lớn trên thế giới với lịch sử trăm năm nhưng để chuyển đổi số thành công họ vẫn cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tổ chức. Với doanh nghiệp Việt, nền tảng vẫn còn chưa vững thì việc chuyển đổi vấp phải những khó khăn và vấn đề cấp thiết là xây dựng bắt đầu từ lãnh đạo, đến chiến lược, mô hình kinh doanh, nhân lực, văn hóa. Có như vậy mới có thể tạo môi trường thuận lợi cho công nghệ phát huy.

Với mô hình chuyển đổi số này, OD CLICK muốn nhấn mạnh vào xây nhà từ gốc, củng cố và phát triển nền tảng trước khi muốn áp dụng công nghệ vào nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực chất đây là quá trình song song về công nghệ và phát triển tổ chức. Để làm được như vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào các khía cạnh chính. 

Thứ nhất, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức từ đội ngũ lãnh đạo đến nhân sự về phát triển tổ chức hướng đến nâng cao khả năng thích nghi, sẵn sàng trước sự thay đổi. Bởi công nghệ dù có tốt thế nào, hữu dụng đến đâu mà con người vẫn bảo thủ, chưa sẵn sàng thay đổi thì cũng sẽ chỉ làm xáo trộn trong tổ chức. 

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải thay đổi về văn hóa hướng đến sự sáng tạo, đổi mới để nâng cao khả năng thích nghi với những cái mới trong tổ chức cũng chủ động trước những biến động của môi trường. Điều này là cần thiết bởi với nền văn hóa cũ đề cao sự ổn định đã không còn phù hợp trong thời điểm này và là rào cản lớn cho sự thay đổi.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chuyển đổi về chiến lược, đặc biệt là chiến lược kinh doanh. Một chiến lược đúng đắn và mô hình kinh doanh hiệu quả gắn với chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và hơn nữa là tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho riêng mình, dựa trên xu thế số hóa và công nghệ trên thị trường hiện nay.

Thứ tư, doanh nghiệp đầu tư thu hút, phát triển và giữ chân nguồn nhân lực tài năng. Trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng nhân sự năng động, có khả năng thích ứng cao là quan trọng. Đồng thời, việc phát triển nền tảng kỹ năng mới cho nhân sự sẽ giúp họ tự tin, hào hứng trong sử dụng công nghệ mới. Hơn nữa, điều này cũng góp phần tăng sự cam kết của nhân sự với công ty. 

Tóm lại, quy trình chuyển đổi số dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài với nền tảng tổ chức vững vàng, một nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh Việt Nam, nếu áp dụng nguyên mẫu quy trình đó thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và có thể đi vào ngõ cụt bởi khoảng cách lớn về trình độ xã hội. Với kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp Việt, thấu hiểu bối cảnh chung của Việt Nam, vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số là nền tảng tổ chức. OD CLICK đã xây dựng mô hình chuyển đổi số vừa dựa trên kinh nghiệm từ quốc tế vừa có sự dung hòa trong bối cảnh Việt Nam với mục tiêu đem đến hiệu quả tối ưu nhất đến doanh nghiệp Việt. Bản chất chuyển đổi số là quá trình song song vừa phát triển tổ chức và vừa ứng dụng những công nghệ hiện đại. Suy cho cùng, công nghệ 4.0 thì cần năng lực con người ở mức 5.0 để có thể tối ưu hóa công nghệ.

Với nhiều năm nghiên cứu về chuyển đổi số và có sự chuẩn bị kỹ càng, OD CLICK sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt trên khía cạnh phát triển tổ chức và tư vấn áp dụng công nghệ phù hợp với thế mạnh về về xây dựng chiến lược, văn hóa doanh nghiệp, phát triển tổ chức và tư duy lãnh đạo. Đồng thời, OD CLICK cũng tăng cường hợp tác với các công ty về công nghệ hàng đầu như MISA, Hyperlogy hứa hẹn sẽ đồng hành và thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số thành công trong các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh và thích ứng nhanh với những biến động từ môi trường kinh doanh đầy biến động.

OD CLICK biên tập!

Nguồn tham khảo

  1. https://www.gartner.com/en/information-technology/glossary/digital-transformation
  2. https://www.mckinsey.com/business-functions/organization/our-insights/unlocking-success-in-digital-transformations
  3. https://www.forbes.com/sites/stevedenning/2020/05/27/how-big-tech-was-built-on-agile-principles/?sh=764a66fe2f69https://www.idc.com/getdoc.jsp?containerId=prUS46377220
  4. https://hbr.org/sponsored/2017/07/digital-transformation-is-racing-ahead-and-no-industry-is-immune-2
  5. https://www.growthengineering.co.uk/corporate-culture-and-performance-whats-the-link/#:~:text=In%20a%201992%20research%20project,the%20companies%20lacking%20in%20culturehttps://enternews.vn/doanh-nghiep-viet-dan-than-chuyen-doi-so-143119.html

 

error: Nội dung đã khóa !!