ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

1. Tại sao phải đổi mới doanh nghiệp nhà nước?

Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Trong nhiều văn kiện của Đảng xác định, DNNN phải không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Tuy có nhiệm vụ quan trọng như vậy, nhưng nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, cụ thể như sau:

  • Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, dẫn đến nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Thêm vào đó, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước còn chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp nhà nước được coi là còn hạn chế.
  • Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước triển khai chậm, quá trình cổ phần hóa còn nhiều yếu kém, tiêu cực. Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế lâu được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước còn chưa rõ ràng. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm. Hơn nữa, cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp.
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Bằng chứng cho những nhận định trên là tình hình kinh doanh ngày càng thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Cơ khí xây dựng….

Đáng lo ngại hơn, Bộ Công Thương có 12 dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, điển hình là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình… Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 57.600 tỷ đồng, thì tổng nợ phải trả là hơn 55.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Với khu vực DNNN, ngành thuế lo ngại những khoản lỗ nghìn tỷ đồng ở các dự án lớn có thể làm nguồn thu từ khu vực này vẫn suy giảm. Trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng.

Những hạn chế và yếu kém như trên đòi hỏi các doạnh nghiệp nhà nước phải đổi mới cho phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó mới có thể tồn tại và phát triển, đáp ứng được kỳ vọng là cánh chim đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế quốc gia.

2. Yêu cầu đổi mới và mục tiêu tổng quát cần đạt được

Nghị quyết TW5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã đề ra các mục tiêu như sau:

Mục tiêu tổng quát

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Mục tiêu đến năm 2020

  • Cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn.
  • Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
  • Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2030

  • Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần.
  • Trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
  • Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

3. Nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện

  • Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
  • Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường.
  • Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.
  • Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.
  • Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp tại doanh nghiệp nhà nước.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!