QUẢN TRỊ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

 

Hầu hết các lãnh đạo đều cho rằng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của tổ chức, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và nhiều biến động như hiện nay. Các thành viên trong công ty có thể nhận thức văn hóa doanh nghiệp, cảm nhận văn hóa song để định nghĩa chính xác văn hóa doanh nghiệp là gì thì còn nhiều tranh cãi. Hiểu một cách đơn giản, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các đặc điểm “tính cách” của doanh nghiệp để phân biệt với các doanh nghiệp khác. Văn hóa hình thành từ những giá trị cốt lõi, quan niệm, tập quán hình thành và ăn sâu vào các thành viên công ty trong lối nghĩ và phong cách làm việc.

 

CẤU TRÚC VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Trước đây, văn hóa doanh nghiệp được cho là có 2 tầng: trực quan và phi trực quan. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Edgar H. Schein, ông cho rằng văn hóa doanh nghiệp có cấu trúc 3 tầng: tầng bề mặt, tầng giữa và tầng lõi.

Tầng bề mặt là những biểu hiện có thể nghìn, nghe, thấy, biểu lộ ra bên ngoài. Tầng 1 thể hiện bề nổi của văn hóa doanh nghiệp thông qua logo, biển hiệu, khẩu hiệu, không gian làm việc, ấn phẩm, đồng phục, lễ nghi, giai thoại,… Các biểu hiện ở tầng bề mặt dễ thay đổi và tác động nhất.

Tầng giữa: những giá trị được thể hiện của công ty. Các giá trị này bao gồm: sứ mệnh, tầm nhìn, tổ chức, hệ thống các quy tắc ứng xử, nội quy. Các biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp ở tầng giữa định hình những thói quen làm việc, ứng xử của dội ngũ hiện tại trong công ty, cũng như lan truyền tới các thành viên mới.

Tầng lõi của văn hóa doanh nghiệp là những giá trị ngầm định trong nhận thức, được mặc nhiên công nhận tại doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi cũng thuộc tầng lõi của văn hóa doanh nghiệp. Đây là những giá trị gần định hình trong thời gian dài và gần như bất biến đối với doanh nghiệp.

 

ĐÁNH GIÁ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Cameron và Quinn (2001) dựa trên lý thuyết về khung giá trị cạnh tranh chia văn hóa doanh nghiệp thành 4 loại: văn hóa gia đình, văn hóa thứ bậc, văn hóa cạnh tranh và văn hóa sáng tạo. Các loại hình văn hóa này dựa trên mức độ linh hoạt và tập trung nội bộ hay bên ngoài của doanh nghiệp.

Văn hóa gia đình: Môi trường thân thiện giữa lãnh đạo và nhân viên, gắn kết, trung thành song có nhược điểm là lãnh đạo dễ đưa ra các quyết định cảm tính. Loại hình này phù hợp với loại hình cần nhiều tương tác nội bộ, đồng thời phải linh hoạt, sáng tạo.

Văn hóa cấp bậc: Văn hóa làm việc kiểm soát cao dựa trên quy tắc, vận hành theo chỉ đạo từ trên xuống dưới, ít linh hoạt. Văn hóa này phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi theo đúng quy chuẩn, kỹ thuật, tính hệ thống cao.

Văn hóa thị trường: Loại hình văn hóa này hướng tới mục tiêu cao nhất là kết quả kinh doanh cuối cùng, phù hợp với bán lẻ, thương mại hay truyền thông.

Văn hóa sáng tạo: Văn hóa sáng tạo đề cao tính hướng ngoại và linh hoạt của các thành viên, tính ủy quyền cao nhằm mục tiêu thích ứng với thị trường. Văn hóa sáng tạo phù hợp với các doanh nghiệp công nghệ cao.

Bộ công cụ chẩn đoán văn hóa doanh nghiệp OCAI

Năm 2011, hai Quinn và Cameron đã xây dựng bộ công cụ chẩn đoán văn hóa doanh nghiệp OCAI. Bộ công cụ này đánh giá 6 yếu tố định hình văn hóa là: Đặc tính nổi bật của doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo, đặc điểm nhân viên, chất keo gắn kết tổ chức, chiến lược phát triển và tiêu chuẩn xác định thành công. Từ kết quả phân tích, nhà lãnh đạo có thể nhận biết được văn hóa doanh nghiệp đang là loại hình nào, từ đó điều chỉnh phù hợp để phát triển bền vững.

 

ĐIỀU CHỈNH VĂN HÓA PHÙ HỢP TRONG THẾ GIỚI PHẲNG

Trong môi trường giao thoa giữa nhiều nền kinh tế, một công ty có sự tham gia của nhân sự nhiều nước, mô hình chiến thuật các chiều văn hóa của Hofstede trợ giúp đắc lực cho sự hợp tác hiệu quả giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau.

Theo mô hình này, có 5 chiều của văn hóa, bao gồm:

  • Khoảng cách quyền lực
  • Tâm lý né tránh
  • Chủ nghĩa cá nhân/chủ nghĩa tập thể
  • Nam tính/Nữ tính
  • Định hướng dài hạn

Thấu hiểu sự khác biệt giữa văn hóa, tư duy các quốc gia giúp lãnh đạo và các cá nhân có phương pháp làm việc với những người ở các quốc gia khác khau linh hoạt, hợp lý hơn, tránh các xung đột văn hóa trong tổ chức.

 

VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO TRONG XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng không phải để vui, văn hóa được xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu của tổ chức, ý chí của lãnh đạo. Người lãnh đạo có vai trò tích cực, quan trọng trong xây dựng và duy trì văn hóa. Họ vừa thúc đẩy, truyền  cảm hứng cho nhân viên, vừa là tấm gương để cấp dưới làm theo. Nếu lãnh đạo không rõ giá trị văn hóa của doanh nghiệp là gì, không thể hiện qua các hoạt động của chính mình thì doanh nghiệp không thể hình thành nân văn hóa, càng không thể duy trì văn hóa đó.

Vai trò then chốt của lãnh đạo trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp được thể hiện:

  • Lãnh đạo tạo dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp
  • Lãnh đạo hình thành , nuôi dưỡng môi trường và chuẩn mực văn hóa
  • Tuyển chọn những người phù hợp với hệ giá trị văn hóa
  • Lãnh đạo là tấm gương và động lực cho nhân viên
  • Lãnh đạo là người thay đổi văn hóa Doanh nghiệp

Một số công ty trải qua thời gian dài hoạt động chưa định hình được văn hóa, mời các công ty, các chuyên gia tư vấn bên ngoài xây dựng văn hóa doanh nghiệp mình. Khi đó, họ càng không thể làm gương, truyền động lực cho nhân viên. Vì vậy, yếu tố tạo thành công của xây dựng văn hóa chính là bản thân người lãnh đạo hiểu rõ doanh nghiệp, hiểu rõ định hướng và đóng vai trò chủ động, không những nuôi dưỡng văn hóa trong tổ chức mà còn tuyển dụng những người phù hợp với văn hóa đó để văn hóa doanh nghiệp không bị pha loãng.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!