PHẦN 1

Trong thời gian sắp tới, Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận làn sóng đầu tư rất lớn từ nước ngoài. Riêng với Apple, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng của Apple là Rory Sexton cho biết ông có mong muốn Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple. Một cái tên đáng chú ý nữa chính là Samsung với tham vọng vào năm 2020 này sẽ đầu tư 300 triệu đô vào R&D tại Hà Nội và có nhu cầu 4000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ (theo báo cáo của TOPDev). Chỉ qua hai cái tên lớn trên có thể thấy làn sóng đầu tư vào công nghệ thông tin tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Qua đó dễ thấy nhu cầu về tuyển dụng, đào tạo cũng như giữ chân nhân viên đang ngày càng lớn dần và sẽ sớm bùng nổ theo làn sóng đầu tư từ nước ngoài.

Tổng quan ngành 

Theo báo cáo tổng kết năm 2019 và định hướng năm 2020 của Bộ TT&TT, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT 2019 ước đạt 112,350 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ICT chiếm 81,5%. Cũng theo đó, Bộ TT&TT cũng công bố rằng, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2018. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước từ công nghiệp ICT năm 2019 là 54.000 tỷ đồng, tăng 2000 tỷ so với năm 2018. Tuy nhiên, với ngành công nghiệp nội dung số, hiện doanh thu của nó chỉ đang chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu ngành CNTT (chiếm 0,76% doanh thu ngành CNTT). Riêng ngành viễn thông tăng trưởng gần 19%, với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ. Công nghiệp CNTT duy trì tăng trưởng 10% (theo ictnews). Dưới đây là 12 dịch vụ IT chính nổi bật tại Việt Nam:

(theo TOPDev)

Với 400.000 nhân lực trong ngành IT, thứ hạng lập trình luôn đứng trong top cao của thế giới cùng việc đẩy mạnh giáo dục S.T.E.M trong học đường (50.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm từ hơn 153 trường đào tạo IT) thì Việt Nam luôn được đánh giá là có nguồn nhân lực ổn định để đáp ứng cho thị trường. Khi được khảo sát tại sao lại chọn ngành lập trình thì thu được các kết quả như sau:

(theo TOPDev)

Có thể thấy rằng sự yêu thích và đam mê là yếu tố chính giúp các nhân sự ngành IT chọn lựa. Được đào tạo bài bản và phát triển kỹ năng là kỳ vọng lớn nhất của các nhân sự. Bên cạnh đó, lộ trình phát triển sự nghiệp và mức lương cũng là 2 yếu tố quan trọng giúp ứng viên vào IT cảm thấy hài lòng khi chọn công việc cho mình. Cũng theo các nghiên cứu của TOPDev quá trình tìm kiếm việc làm và tỷ lệ nghỉ việc như sau:

(theo TOPDev)

Có thể thấy rằng tỷ lệ nghỉ việc của ngành IT là rất lớn (lên tới 24%), trong số đó hầu hết sẽ luôn là tìm đến những công việc khác có mức lương tốt hơn và nhận lại được nhiều giá trị hơn. Việc tìm kiếm việc làm cũng đa số là rất thụ động phụ thuộc vào các tác động bên ngoài. Nhìn chung nhân sự ngành IT dễ bị thay đổi bởi các điều tác động bên ngoài và rất quan tâm đến các giá trị mà doanh nghiệp đem lại cho họ, nếu họ cảm thấy không thoải mái hoặc không được đối xử xứng đáng thì rất dễ nhảy sang một môi trường mới mà theo họ nghĩ sẽ phù hợp hơn. 

Từ những vấn đề nêu trên đã nảy sinh ra tầm quan trọng của việc quản trị nguồn nhân lực trong thời kỳ CN 4.0. Khi mà tất cả mọi điều kiện cạnh tranh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết thì việc chuẩn bị từ tuyển dụng, đào tạo đến giữ chân nhân tài lại thành những bước đi quan trọng cho sự phát triển và cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp mà thiếu đi việc quản trị nhân lực chắc chắn sẽ khó lòng tồn tại được trong thời kỳ cạnh tranh ngày nay.

Những cơ hội và thách thức trong ngành IT

Thế mạnh lớn nhất của ngành IT là luôn có nguồn vốn cả trong và ngoài nước dồi dào cùng với nhu cầu về nhân sự luôn ở ngưỡng rất cao. Đặc biệt ở Việt Nam, với các chỉ số về IT trong những top đầu trên thế giới càng làm nổi bật những giá trị này. Nhưng đi kèm với đó là những điểm yếu do hạn chế cố hữu từ nhân sự và các doanh nghiệp IT là sự đãi ngộ chưa xứng đáng, nhân sự bị tác động của bên ngoài làm xao nhãng và trải nghiệm nhân viên chưa thực sự được coi trọng.

Cơ hội của ngành IT là rất nhiều tiềm năng, từ những ông lớn như Apple và Samsung cho đến những doanh nghiệp nước ngoài khác luôn muốn “tấn công” vào thị trường có nguồn nhân lực chất lượng mà chi phí lại không cao này. Đi cùng với đó việc tìm kiếm nhân sự sao cho hợp với văn hóa doanh nghiệp, xác định được trải nghiệm của nhân viên để tăng hiệu suất cũng như tránh nhân sự nhảy việc cũng là những thách thức đặt ra cho ngành IT. Nếu như các doanh nghiệp chưa xác định được sự quan trọng của trải nghiệm nhân viên thì rất khó có được đội ngũ bền vững sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác được.

Tại sao cần xây dựng trải nghiệm nhân viên?

Trải nghiệm nhân viên là gì?

Trải nghiệm nhân viên (TNNV) chính là những gì nhân viên gặp phải, quan sát hoặc cảm nhận trong suốt hành trình làm việc tại một tổ chức: Tương tác của họ với sếp, phần mềm, nơi làm việc, nhóm làm việc của họ và hàng trăm thứ khác. Nó có một thuật ngữ xem xét toàn bộ trải nghiệm của một nhân viên trong toàn bộ thời gian làm việc của họ tại một công ty.

Ngày nay, các doanh nghiệp thường ưu tiên hơn đầu tư vào trải nghiệm của khách hàng hơn là TNNV. Và khi các tổ chức ngày càng nhận ra con người người chính là tài sản lớn nhất của họ, họ bắt đầu đầu tư vào TNNV nhiều hơn. Độc giả có thể tìm hiểu kỹ hơn về tầm quan trọng của TNNV tại bài viết sau: 

https://odclick.com/chuyen-san/tu-duy-va-cong-cu/trai-nghiem-nhan-vien-quan-trong-nhu-the-nao/

Trải nghiệm nhân viên mang lại lợi ích gì?

Một TNNV sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh của doanh nghiệp, nếu được áp dụng tốt vào trong thực tế thì TNNV sẽ mang lại những lợi ích như:

1. Giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc

Với các doanh nghiệp, ngoài vấn đề tuyển dụng và đào tạo thì việc giữ chân được nhân tài cũng rất quan trọng. Sẽ rất mất thời gian và nguồn lực nếu như nhân sự được tuyển dụng và đào tạo rồi lại ra đi nhanh chóng. TNNV tốt sẽ giúp doanh nghiệp ngăn ngừa tối đa những trường hợp đó xảy ra.

2. Nhân viên có trải nghiệm tốt sẽ làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn

Một điều dễ hiểu rằng với một tinh thần thoải mái, cảm thấy có sự đãi ngộ và nhân viên cảm thấy bản thân đóng góp nhiều cho tổ chức thì hiệu suất làm việc của nhân viên sẽ được tăng cao, khả năng có được ý tưởng mới cũng từ đó mà phát triển hơn.

3. Trải nghiệm nhân viên tốt tương ứng với trải nghiệm khách hàng tốt

Khi nhân viên hài lòng với công việc của họ, khách hàng sẽ chú ý đến điều đó. Thay vì những câu trả lời nửa vời và cách tiếp cận nỗ lực tối thiểu, những nhân viên tự hào về công việc của họ sẵn sàng đi xa hơn với khách hàng của doanh nghiệp. Cho đi và sẽ được nhận lại.

4. Trải nghiệm nhân viên tốt sẽ tạo ra lợi nhuận tốt

Cuối cùng, trải nghiệm nhân viên tốt sẽ trở thành lợi nhuận cho doanh nghiệp. Khi các yếu tố năng suất được cải thiện, dịch vụ khách hàng, chăm sóc tốt hơn, ít gián đoạn hơn thì không khó để thấy cách đầu tư vào trải nghiệm của nhân viên sẽ tạo ra lợi nhuận cao. Khi nhân viên nhận ra được giá trị của họ thì cũng sẽ sẵn sàng trao đi tiềm năng của họ.

Nhìn lại tiến trình

Kỷ nguyên của CN 4.0 là kỷ nguyên của trải nghiệm, từ trải nghiệm khách hàng đến trải nghiệm nhân viên. Nếu như không bắt kịp được các xu thế mới thì việc bị sự cạnh tranh bỏ xa là điều có thể xảy đến. Đã không còn thời nhân viên đơn thuần chỉ là người làm công ăn lương, giờ đây, nhân viên cũng chính là một đối tác của doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên mới, các doanh nghiệp đang chú trọng nâng cao trải nghiệm của nhân viên, ngay từ lúc tiếp xúc lần đầu giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, cho đến những hoạt động nội bộ phong phú, chính sách phúc lợi, thậm chí áp dụng chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng (NPS – Net Promoter Score) cho nhân viên của mình.

Khi nhân viên có trải nghiệm tốt, họ sẽ cống hiến nhiều hơn và gắn kết với doanh nghiệp nhiều hơn rất nhiều lần. Nhờ đó tạo ra kết quả cao trong sản xuất kinh doanh. Để có được những điều đó yêu cầu doanh nghiệp cần lưu ý một số yêu cầu sau:

  1. Có kiến thức về văn hóa doanh nghiệp: một môi trường tốt đồng nghĩa với việc tạo ra trải nghiệm tốt và lan tỏa điều đó. Bất kỳ sự đầu tư nào vào văn hóa của một doanh nghiệp luôn luôn là sự đầu tư đứng đắn và có lợi ích trong dài hạn.
  2. Quản trị nhân lực hiệu quả và nhân sự cần được trang bị những kỹ năng thiết yếu như kỹ năng truyền thông nội bộ, teamwork, quản trị sự thay đổi, .v.v. Công nghệ phát triển cũng đồng nghĩa với việc kỹ năng cũng như tư duy của nhân sự phải tiến bộ theo. Nếu những kỹ năng và tư duy nêu trên không được đào tạo và trau dồi thì sẽ khiến cho việc muốn thay đổi trải nghiệm của nhân viên càng thêm khó khăn.

Trải nghiệm nhân viên rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để cải thiện nhân viên lại là một bài toán khó hơn; thậm chí khi đã biết cách cải thiện thì làm sao để chuẩn xác và hiệu quả nhất cũng là điều doanh nghiệp IT cần lưu ý. Mời quý độc giả cùng đồng hành với OD CLICK trong những bài phân tích sau để tìm hiểu cũng như áp dụng được vào doanh nghiệp cách tư duy và quản lý phù hợp với cải thiện trải nghiệm nhân viên. Để cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự phát triển bền vững trong thời đại 4.0 đầy cạnh tranh ngày nay.

CÒN TIẾP…..! 

OD CLICK biên tập. 

Nguồn tham khảo:

  1. https://topdev.vn/page/bao-cao-it-viet-nam
  2. https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/doanh-thu-cong-nghiep-ict-nam-2019-uoc-dat-hon-112-ty-usd-tang-gan-10-ty-usd-so-voi-nam-2018-39548.html
  3. https://www.unily.com/insights/blogs/5-reasons-employee-experience-should-be-the-focus-of-your-enterprise-right-now

 

error: Nội dung đã khóa !!