Ngành điện là một trong số ít những ngành công nghiệp hiện đại xuất hiện sớm tại Việt Nam. Trước đây hầu hết các công ty ngành điện độc quyền, chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ. Song, trước nhu cầu về điện ngày càng cao, Chính phủ khuyến khích xã hội hóa, cho phép sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp FDI tham gia vào ngành. Điều này giúp tăng khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu cao về điện năng, và tạo ra môi trường cạnh tranh để các doanh nghiệp trong ngành phát triển.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ về công nghệ cùng với những xu thế mới về năng lượng điện tái tạo thay vì khai thác nguồn tài nguyên có hạn tạo ra áp lực các công ty ngành điện. Điều này đòi hỏi các công ty ngành điện có sự chuẩn bị chiến lược để có sự thích nghi tốt nhất. 

Trong bối cảnh cạnh tranh và sự bùng nổ công nghệ, các công ty ngành điện cần xây dựng chiến lược hướng đến sự phát triển thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến chất lượng dịch vụ cũng như chủ động phát triển thị trường. Trong bài viết này, OD CLICK đi sâu vào phân tích bối cảnh ngành điện, đặc điểm ngành điện, những áp lực chiến lược và đưa ra giải pháp cho các công ty ngành điện.

XU THẾ HỘI NHẬP CỦA NGÀNH ĐIỆN

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là quy luật tất yếu trong thời đại hiện nay. Ngành Điện Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều sự phát triển, hội nhập quốc tế như đứng thứ thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Xu thế chung của các công ty ngành Điện là  phát triển ngành điện theo hướng hiện đại và minh bạch, tạo tiền đề quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế. 

Xu thế chung 

Hợp tác kinh tế

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập như hiện nay cũng như những yêu cầu bức thiết về hợp tác quốc tế được đặt ra là: Chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 4; chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 3 (thời gian giải quyết thủ tục của đơn vị Điện lực); Phát triển lĩnh vực tư vấn xây dựng điện của EVN có đủ năng lực thực hiện và đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với tất cả các loại hình dự án điện, đặc biệt là các dự án năng lượng mới và tái tạo, trong tất cả các khâu tư vấn. Từng bước triển khai các hoạt động tư vấn xây dựng điện ra thị trường nước ngoài để mở rộng phạm vi và thị trường hoạt động. 

Với xu thế phát triển ngành điện là ngành kinh tế ổn định, sớm thống nhất được mô hình hoạt động cũng như khẳng định được vai trò là ngành kinh tế năng lượng đầu tiên lập các quy hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường

Phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ít gây ô nhiễm là xu thế mà các công ty ngành Điện đều hướng tới. Bảo đảm phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; đa dang hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý đang là những yêu cầu bức thiết đặt ra.

Năng lượng tái tạo

Nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện, đặc biệt là doanh nghiệp năng lượng tái tạo.  Có thể thấy nhu cầu điện cho tiêu dùng có thể tăng trưởng bền vững, đặc biệt nhu cầu điện của khối sản xuất công nghiệp sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các dự án nguồn điện mang tính ổn định. Nắm bắt được những cơ hội kể trên, trong thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo như:

Doanh nghiệp nội: Công ty Trung Nam với các dự án khắp các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và đồng bằng sông Cửu Long. Hay Công ty CP Điện Gia Lai (GEG) hiện đang sở hữu 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 290 MWp cùng với 3 dự án điện gió 130 MW dự kiến đóng điện vào cuối năm 2021. 

Với doanh nghiệp ngoại: Tập đoàn Super Enegry Corpration Public Company (Super Energy) đến từ Thái Lan đã quyết định chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam bao gồm dự án gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Trước đó, Super Energy đã trình Ủy ban Chứng khoán Thái Lan kế hoạch đầu tư vào 3 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất 136,72 MW. Đó là các dự án điện mặt trời Phan Lâm, Bình An và Sinenergy Ninh Thuận. Ngoài ra, Super Enegry còn đầu tư vốn vào dự án điện mặt trời Văn Giáo 1 (50 MW), Văn Giáo 2 (50 MW) tại tỉnh An Giang và Dự án Điện mặt trời Thịnh Long (50 MW) tại Phú Yên. 

Định hướng chính phủ

Ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội nên những năm qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao để đảm bảo phát triển theo định hướng chính sách. Điều này thể hiện rõ thông qua những chính sách được ban hành dưới đây:

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra quan điểm mạnh mẽ hơn, cụ thể và toàn diện hơn về việc thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kể cả trong xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Trước đây mới đề cập việc tiến tới xóa bao cấp, độc quyền, thì nay khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia. Điều này vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với các công ty trong ngành điện.

Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những nội dung chính về thị trường điện như: giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh; triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo tiến độ quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam….

Chiến lược ngành điện

Ngành điện là một trong những ngành kinh tế ổn định, cũng là ngành kinh tế năng lượng đầu tiên lập các quy hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược. Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam và đã được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (sau đây gọi chung là Luật Điện lực), Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định lộ trình và các điều kiện hình thành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam. Những định hướng phát triển chiến lược của các công ty trọng tâm cũng phải bám sát theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, các công ty ngành điện cũng cần xây dựng cho mình những chiến lược hiệu quả để có thể đáp ứng xu thế trong quá trình hội nhập và phát triển cũng như thích ứng được với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. 

ĐẶC ĐIỂM CÁC CÔNG TY NGÀNH ĐIỆN

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức các công ty ngành điện hiện nay, có 4 thành phần công ty tham gia vào khu vực sản xuất điện: EVN và các công ty chi nhánh, các nhà cung cấp điện độc lập (IPP), các công ty tư nhân, các công ty nước ngoài đầu tư dưới hình thức BOT. EVN cùng với các tập đoàn nhà nước như PetroVietnam và VinaComin chiếm tỉ trọng lớn – 58% trong khu vực sản xuất. 

Theo báo cáo ngành điện của VietinBank Securities, năm 2017, tỷ trọng nguồn điện theo chủ sở hữu cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 9%, tư nhân và cổ phần chiếm 14%, EVN chiếm 18%, PV Power chiếm 9% và Vinacomin 4%, Genco1 chiếm 15%, Genco2 chiếm 11% và Genco3 chiếm 17%.

(Theo báo cáo ngành điện của VietinBank Securities năm 2018)

Từ đó có thể thấy, vào năm 2017 ghi nhận những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty cổ phần vào sản xuất và tạo ra nguồn điện. Tuy nhiên, phần lớn EVN và các công ty chi nhánh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. 

Từ ngày 1/1/2019, thị trường chuyển từ phát điện cạnh tranh sang cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh với việc 05 tổng công ty phát điện quốc gia (GENCO), gồm tổng công ty phát điện 1,2,3 (GENCO 1,2,3) của EVN, PVN và Vinacomin PV Power được quyền bán buôn điện cạnh tranh. Nhà nước có chính sách thu hút thêm doanh nghiệp FDI gia nhập vào ngày. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của EVN lên toàn ngành vẫn rất lớn khi chiếm tới 60% nguồn phát điện, độc quyền truyền tải và bán lẻ.

Cơ cấu sản lượng điện

Sản lượng điện hàng năm đã tăng hơn 20 lần, từ 8,6 TWh vào năm 1990 đến 240,1 TWh vào năm 2019. Tỷ lệ tăng hàng năm trong giai đoạn này rơi vào khoảng 12-15%, gần như gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. 

Trong cơ cấu sản lượng điện Việt Nam hiện nay, tỉ trọng lớn nhất thuộc về nhiêt điện than (58,4%), theo sau là thủy điện (18%) và nhiệt điện khí (16,1%) còn năng lượng tái tạo (4,5%), nhập khẩu (2%) và nhiệt điện dầu (0,9%) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Điều đó cho thấy việc tăng cường phát triển điện của Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết, đi đôi với phát triển điện từ các nguồn tài nguyên năng lượng khác, nhất là điện từ các nguồn năng lượng tái tạo thì việc phát triển nhiệt điện than cũng cần phải đẩy mạnh xét trên các phương diện: tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế, tiềm năng nguồn tài nguyên than trong nước, khả năng nhập khẩu than, mức độ phát thải khí nhà kính. 

Công nghệ

Sự bùng nổ về công nghệ đang làm thay đổi mạnh mẽ quá trình sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của mọi ngành. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung, ngành điện cũng tăng tốc trong việc tiếp cận và ứng dụng những vấn đề mới nhằm tối ưu hóa hoạt động truyền tải, kinh doanh, quản lý, chăm sóc khách hàng.

Trong kỷ nguyên của đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực, ngành điện sẽ chứng kiến sự ứng dụng của các kỹ thuật – công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng điện năng tới khách hàng nhờ các tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, vận hành lưới điện thông minh, quản lý nhu cầu trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông.

Nguồn nhân lực

Theo báo cáo tổng kết công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ EVN 2018, nguồn nhân lực ngành Điện lực Việt Nam có trình độ trên Đại học là 836 người, chiếm khoảng 19,63%; Đại học là 11.650 người, chiếm 26,98%; Cao đẳng là 1.295 người, chiếm 20,51%; Trung cấp và công nhân là 6.201 người, chiếm 16,62%; Còn lại là trình độ khác chiếm 16,26%.

(Theo báo cáo tổng kết công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ EVN, 2018)

Cũng trong báo cáo này, Nguồn nhân lực ngành điện lực Việt Nam ở độ tuổi dưới 30 là 2.618 người, chiếm 12,5%; Từ  31 – 39 tuổi: 10.476 người, chiếm 50,04%; Từ 40 – 50 tuổi: 6.065 người, chiếm 29% và Trên 50 tuổi: 1.770 người, chiếm 8,46%.

Có thể thấy trình độ đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn so với các ngành khác, như dệt may, da giày. Song đứng trước bối cảnh cạnh tranh và chuyển đổi số, việc tăng cường đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, thích ứng với yêu cầu thị trường là nhiệm vụ trọng tâm của các công ty ngành điện.

Đánh giá khái quát

Từ việc phân tích đặc điểm các công ty ngành điện dựa trên khía cạnh kể trên, bài viết sẽ đi đến đánh giá ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm

Chính phủ vẫn nắm quyền kiểm soát đối với ngành trong việc hoạch định hướng đi và các công ty ngành điện có chiến lược riêng của mình theo định hướng đó. Do vậy, định hướng phát triển chung đã được vạch ra rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phú đã khuyến khích sự tham gia của tư nhân và FDI tham gia vào ngành, tạo sự cạnh tranh sôi động hơn, kích thích sự phát triển chung của các công ty.

Các doanh nghiệp ngành điện đã ý thức được vai trò của chuyển đổi số trong sự phát triển của ngành. Điển hình như EVN đã bắt đầu từng bước thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất.

Chất lượng nguồn nhân lực tại các công ty ngành điện nhìn chung là cao so các ngành khác như dệt may. Cùng với đó nền tảng tổ chức đã được hình thành trong thời gian dài và định hướng phát triển rõ ràng.

Hạn chế tồn tại

Mặc dù công suất lắp đặt điện của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần nhưng tình trạng thiếu điện vẫn còn tiếp tục diễn ra. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng tăng cao trong mùa khô, cho dù sản lượng nhập chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực.

Trình độ nhân lực vẫn còn hạn chế cho với yêu cầu của thị trường. Để có thể hội nhập quốc tế sâu rộng trong khi các quốc gia hàng đầu khu vực vẫn đang trên đà phát triển, ngành Điện phải có nội lực mạnh, vững vàng thông qua đội ngũ lãnh đạo có năng lực quản lý sắc bén, đội ngũ chuyên gia tinh thông công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc vào đối tác, chuyên gia nước ngoài và đội ngũ công nhân tinh nhuệ với tay nghề thành thục. Không những vậy nguồn nhân lực cần thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng lực bản thân cả về thể chất lẫn trí lực để đáp ứng yêu cầu mới. Chất lượng nguồn nhân lực đa phần được đánh giá qua bằng cấp và chưa phản ánh được hết năng lực thực. Chưa có nhiều cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì tư duy chiến lược của các công ty ngành điện hiện nay ít nhiều vẫn mang tư tưởng truyền thống. Điều đó không hẳn đã sai, tuy nhiên, bối cảnh có nhiều biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ như hiện nay thì để có thể phát triển và thích nghi, ngành điện cần phải thay đổi tư duy rất nhiều như: tư duy tiếp cận an ninh năng lượng, tư duy giải quyết vấn đề về giá điện, tư duy quản trị nguồn nhân lực chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất cho đủ nguồn cung.

MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC TRONG NGÀNH ĐIỆN

Ngành điện là ngành mũi nhọn trong nền kinh tế cả nước. Hiện nay, việc độc quyền trong sản xuất và phân phối điện đã kết thúc từ năm 2019. Do vậy, chiến lược của các doanh nghiệp điện cần có sự thay đổi trước thách thức từ thị trường, đặc biệt vấn đề chuyển đổi số. Trong phần này bài viết phân tích 5 lực lượng cạnh tranh để rút ra vấn đề về chiến lược. Đồng thời cũng chỉ ra xu thế mới trong 5 lực lượng cạnh tranh tác động đến chiến lược trước sự bùng nổ công nghệ, chuyển đổi số. 

Thứ nhất, đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhìn chung nhu cầu điện hiện nay vẫn tăng mạnh, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu điện, do vậy tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp điện đang hoạt động trên thị trường là chưa cao. 

Thứ hai, đối thủ gia nhập thị trường, Bộ tài chính ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW khuyến khích tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng quốc gia, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô, chất lượng. Do vậy, trong thời gian tới, thị trường điện trở nên sôi động với nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh. 

Song, trước xu thế mới của thị trường, các doanh nghiệp có sự dịch chuyển sang vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Do vậy, xét trên khía cạnh tích cực, khi có nhiều đối thủ thì cơ hội hợp tác, các công ty bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Ví dụ có thể thấy khi, Samsung là nhà cung ứng cung cấp màn hình OLED cho Apple.

Thứ ba, sản phẩm thay thế. Hiện tại vẫn chưa có năng lượng nào thay thế điện năng do vậy áp lực từ sản phẩm thay thế là thấp. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của công nghệ, những năng lượng mới trong tương lai có thể được nghiên cứu để thay thế điện năng. Do vậy, các nhà lãnh đạo công ty ngành điện cần có sự chuẩn bị chiến lược trong dài hạn.

Thứ tư, khách hàng. Hiện nay, khách hàng chưa có nhiều lựa chọn nhà cung cấp điện. Tuy nhiên, theo dự thảo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ bắt đầu từ năm 2021. Khi thị trường có sự cạnh tranh, các công ty ngành điện cần có sự chuẩn bị về chiến lược để thu hút khách hàng. Khách hàng có sự thay đổi khi đòi hỏi nhiều hơn ở chất lượng dịch vụ và tính kết nối với công ty cung cấp.

Thứ năm, nhà cung cấp. Hiện nay có sự thay đổi trong xu thế khi biên giới giữa các ngành trở nên “mềm hơn”, cùng với nghiên cứu và sử dụng loại năng lượng tái tạo để tạo ra điện hơn thay vì nguồn tài nguyên có hạn như than. Các doanh nghiệp không cùng trong ngành cũng có thể trở thành nhà cung ứng và hợp tác với nhau. Ví dụ, một nhà máy có thể kết hợp một khu vực để thu năng lượng mặt trời, đồng thời trong khi sản xuất các sản phẩm khác. Khi biên giới các ngành “mềm” hơn và có nguồn nguyên liệu khác thay thế tạo ra điện năng thì lựa chọn nhà cung cấp sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, xu thế cần nhà trung gian cung cấp dần bị xóa bỏ khi các công ty có thể tự tích hợp để cung cấp năng lượng tạo ra điện năng.

Nhìn chung, các công ty điện đang đứng trước những thách thức chiến lược khi đối mặt với những thay đổi lớn trong ngành từ việc chính sách của Chính phủ thúc đẩy xã hội hóa, thu hút FDI, cũng như áp dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Xu thế mới có thể thấy là thị trường mở ra tạo ra sự cạnh tranh, nhưng các công ty có xu hướng vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau để phát triển. Đồng thời, biên giới giữa các ngành trở nên “mềm” hơn, các công ty trong ngành khác hoàn toàn có thể trở thành nhà cung ứng. Hơn nữa, các công ty cần có chiến lược tạo ra trải nghiệm khách hàng tích cực nhất bởi sự lựa chọn của họ sẽ sớm được mở rộng.

ÁP LỰC CHIẾN LƯỢC CÁC CÔNG TY NGÀNH ĐIỆN PHẢI ĐỐI DIỆN

Đứng trước những sự thay đổi nhanh của thị trường điện, với những chính sách của Chính phủ, các công ty trong ngành đang chịu áp lực từ nhiều phía. Bài toán đặt ra là khả năng thích nghi với bối cảnh mới và phát triển doanh nghiệp theo hướng hiệu quả.

Theo chỉ đạo của chính phủ về chiến lược

Ngành điện là ngành mũi nhọn của quốc gia, giữ vai trò quan trọng. Do vậy, chiến lược chung của ngành theo chỉ đạo của Chính phủ. Hệ thống Chính sách của Chính phủ đưa ra sẽ tác động lớn đến các công ty ngành điện. Vì thế, các công ty trong ngành đứng trước bài toán về việc phát triển doanh nghiệp đáp ứng với môi trường cạnh tranh và đi theo đúng những định hướng mà Chính phủ đã đề ra. Để làm được điều này thì chất lượng nguồn nhân lực cần phải được nâng cao, các kế hoạch cần phải được xây dựng dựa trên bối cảnh và nguồn lực của tổ chức.

Hợp tác và cạnh tranh

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW, Chính phủ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có thể tham gia vào ngành. Những doanh nghiệp này đều có nguồn lực và trình độ công nghệ tốt tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp trong ngành. Bởi, trước đây ngành điện có mức độ cạnh tranh thấp với các công ty trực thuộc nhà nước. Đồng thời, xu thế mới hiện nay là vừa hợp tác vừa cạnh tranh, được hiểu các công ty đối thủ có thể là đối tác cung cấp. Do vậy, trước sự thay đổi lớn này, các công ty ngành điện cần có sự chuẩn bị về chiến lược để sẵn sàng trước những thách thức cạnh tranh

Yêu cầu của khách hàng

Khi thị trường mở ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân và FDI có thể gia nhập thì khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Do vậy, các công ty ngành điện cần xây dựng trải nghiệm khách hàng tích cực. Yêu cầu của họ ngày càng cao không chỉ về sản phẩm,chất lượng dịch vụ mà còn khả năng kết nối giữa công ty cung cấp và khách hàng. Đây là sức ép mà các công ty ngành điện phải đối mặt để cạnh tranh trước đối thủ, hướng đến sự phát triển

Chuyển đổi số và phát triển nhân lực

Trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ, chuyển đổi số đang là trọng tâm quốc gia, trong đó ngành điện là mũi nhọn trong việc chuyển đổi. Việc áp dụng công nghệ sẽ gia tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Đồng thời, áp dụng công nghệ giúp tăng khả năng lưu trữ và truy xuất dữ liệu cũng như nâng cao khả năng quản lý. Bài toán chuyển đổi số kéo theo yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực. Bởi việc chuyển đổi số thành công cần có nền tảng tổ chức vững vàng với chiến lược, văn hóa và con người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong ngành hiện nay vẫn thiếu cả về chất và lượng, đặc biệt trong chuyển đổi số năng lực con người là yếu tố quyết định sự thay công. Do vậy, bài toán về đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự tại các doanh nghiệp là trọng tâm chiến lược.

Hệ thống quản trị hiện đại

Quản trị hiệu suất sẽ tác động đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đội ngũ nhân sự cần được đánh giá, quản lý và phát triển dựa trên hệ thống chặt chẽ, chuẩn mực. Các công cụ quản trị hiệu suất có thể kể tới là KPIs, BSC, OKRs. Việc áp dụng những công cụ này thế nào để có được sự hiệu quả là thách thức lớn cho các công ty ngành điện. Bởi để áp dụng công cụ này, không chỉ cần có kế hoạch xây dựng mà cần hệ thống tổ chức chuẩn mực. Nhiều doanh nghiệp áp dụng KPIs không mạng lại kết quả, khi năng lực tổ chức chưa đủ mạnh, bộ máy chưa có sự gắn kết. Nhìn chung, đứng trước thách thức mới trong ngành điện, các doanh nghiệp cần giải bài toán quản trị hiệu suất hiệu quả để hướng đến sự phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh doanh

Chính phủ hướng đến việc bảo vệ môi trường khi khai thác và sản xuất điện. Các công ty trong ngành đứng trước trách nhiệm này để tìm ra những giải pháp tối ưu để giảm thiểu tác động đến môi trường. Vấn đề này tạo ra sức ép cho doanh nghiệp cần cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh với bảo vệ môi trường. Bởi hiện nay, tình trạng bụi mịn đang xảy ra ở Hà Nội, cũng là tác động của nhiệt điện. Điều này đòi hỏi kế hoạch hành động từ các công ty ngành điện, có thể kể đến như lắp đặt bổ sung thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, che chắn bụi trên các dây chuyền tải than, phun tưới tại kho than.

Đặc thù địa bàn

Các công ty ngành điện địa bàn hoạt động trên diện rộng, hệ thống mạng lưới trải đều tại các địa phương trên cả nước. Áp lực đối với các công ty ngành này có thể kể đến như việc với mỗi đặc thù địa phương, họ sẽ có những yêu cầu và chính sách riêng. Do vậy, các công ty cần có khả năng thích ứng với từng địa bàn mình khai thác. Thách thức từ địa bàn có thể kể đến như chính sách, đặc điểm nguồn nhân lực địa phương, địa chất môi trường.

GIẢI PHÁP XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Trong điều kiện môi trường kinh doanh luôn phải đối mặt với nhiều biến động như hiện nay mà thường được biểu hiện thông qua 4 chữ “VUCA”: (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Có thể thấy ngành Điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo cung ứng đủ nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội nếu như các công ty trong ngành điện không xây dựng cho mình những chiến lược phát triển phù hợp. Dưới đây, OD CLICK đều xuất giải pháp giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển thích ứng với bối cảnh 

Chủ động trong tư duy chiến lược

Những chiến lược thận trọng và linh hoạt hơn để sẵn sàng thích nghi với sự biến động của thị trường, cơ chế chính sách hay phản ứng nhanh với tình trạng dịch covid tác động như hiện nay là điều mà lãnh đạo các công ty ngành điện cần trang bị. Không những vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải đổi mới tư duy và sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi trong việc xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số. Tư duy cạnh tranh cũng là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy chiến lược đối với các doanh nghiệp cung cấp điện, việc mở ra thị trường bán buôn điện cạnh tranh làm tăng cơ hội cạnh tranh bình đẳng.

Áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, chất lượng

Trước bối cảnh cạnh tranh và sự bùng nổ về công nghệ, áp dụng hệ thống quản trị giúp đạt được mục tiêu đã đặt ra của tổ chức là nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, các công cụ quản trị hiệu suất phổ biến có thể kể đến là BSC, KPIs, OKRs. Song bài toán đặt ra là các công ty ngành điện cần áp dụng công cụ phù hợp với đặc thù tổ chức, để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nhân sự, đồng thời tạo động lực và phát triển năng lực của nhân sự. Điều này đòi hỏi các công ty ngành điện cần đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức để đạt được mục tiêu đề ra, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Với các công ty gặp khó khăn trong xây dựng và chưa có kinh nghiệm có thể cần công ty tư vấn.

Chủ động phát triển thị trường trong phạm vi cho phép

Đứng trước sự cạnh tranh trong nước với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, chiến lược có thể kể đến để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh là mở rộng thị trường. Mở rộng thị trường có thể hiểu theo hai khía cạnh, ra thị trường quốc tế và mở rộng sang khu vực khác trong nước. Việc mở rộng ra quốc tế giúp các công ty ngành điện mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả về doanh thu với những thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia. Tuy nhiên, việc mở rộng cần có kế hoạch và chiến lược xem xét dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp và bối cảnh thị trường của các nước. Với những quốc gia hệ thống điện chưa phát triển như Lào, Campuchia thì cơ hội thị trường là lớn mang lại khả năng phát triển cho các công ty ngành điện Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cần có sự phân bổ nguồn lực đề để đảm bảo sự cạnh tranh trong thị trường trong nước. Ngoài ra, việc mở rộng ra khu vực khác trong nước mang đến tiềm năng phát triển cho công ty ngành điện, với nơi mà nguồn điện vẫn hạn chế, vị trí địa lý thuận lợi. 

Phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển mỗi doanh nghiệp và ngành Điện cũng không ngoại lệ. Trước những yêu cầu cấp thiết về trình độ, năng lực chuyên môn cũng như khả năng thích ứng để đáp ứng yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số đòi hỏi các công ty ngành điện cần có những chiến lược phù hợp để thu hút nhân tài cũng như giữ chân nhân sự có năng lực. Bên cạnh xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh cần gắn với mục tiêu là phát triển con người, xây dựng lực lượng lao động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn và kỹ năng cao, có tinh thần trách nhiệm và kỷ luật lao động; đảm bảo đời sống và quyền lợi người lao động. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động phát triển kiến thức, kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo và đề xuất và các cải tiến sáng tạo trong công việc. Phát triển tổ chức, xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng vững chắc và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Nhìn chung, ngành điện đang đứng trước sự chuyển biến lớn khi Chính phủ thu hút doanh nghiệp tư nhân và FDI gia nhập thị trường. Bên cạnh đó là những xu thế trên thế giới như chuyển đổi số, sự thay đổi trong 5 lực lượng cạnh tranh. Những vấn đề trên đang đặt các công ty ngành điện trước những thách thức chiến lược hướng đến sự phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các công ty chủ động tư duy về chiến lược, áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực.

Với cương vị là các công ty tư vấn quản lý, OD CLICK đồng hành mang đến giải pháp phát triển cho các doanh nghiệp, với phát triển tư duy chiến lược cho các nhà lãnh đạo. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất giúp tăng hiệu quả làm việc và thu hút nhân tài cho tổ chức. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo phát triển nhân lực là nhiệm vụ mũi nhọn, nhằm đáp ứng xu thế chuyển đổi số, cũng như xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. OD CLICK đã có kinh nghiệm hợp tác với các đơn vị trực thuộc ngành Điện lực như: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC); Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVNFINANCE) trong hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, phát triển tổ chức. 

OD CLICK biên tập!

Nguồn tham khảo:

  1. Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  2. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  3. Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  4. Báo cáo ngành điện cập nhật 10-2019, VietinBank Securities
  5. Báo cáo ngành điện 2020, PSI (Petrovietnam Securities)
  6. https://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/evn-nghiem-tuc-thuc-hien-cac-yeu-cau-ve-bao-ve-moi-truong-tai-cac-nha-may-nhiet-%C4%91ien-21772-129.html
  7. https://effectivesales.vn/dien-mat-troi/nganh-dien-nam-2021-nang-luong-tai-tao-chiem-xu-the/
  8. https://www.thesaigontimes.vn/305679/thi-truong-ban-le-dien-canh-tranh-van-xa-tit.html
  9. https://www.evn.com.vn

 

error: Nội dung đã khóa !!