ỨNG DỤNG BỘ BA TƯ DUY TRONG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã nghe về “Hiệu ứng cánh bướm”, hay nguồn gốc của nó – Chaos Theory. Chaos theory – lý thuyết hỗn loạn, là khoa học của sự ngạc nhiên, của phi tuyến và không thể đoán trước được, thể hiện sự phức tạp vô hạn của tự nhiên. Đó là sự nhiễu loạn, là thời tiết, là thị trường chứng khoán hay não bộ của chúng ta. Việc nhận ra được bản chất của sự hỗn loạn, giúp con người có cái nhìn sâu sắc và giàu trí tuệ hơn đối với mọi thứ.
Bằng cách hiểu sự phức tạp và động lực hỗn loạn của bầu khí quyền, người phi công có thể lái chiếc khinh khí cầu đến một vị trí mong muốn. Bằng cách hiểu rằng các hệ sinh thái, hệ thống kinh tế – xã hội của chúng ta được kết nối với nhau, chúng ta có thể hy vọng tránh được những hành động có thể gây bất lợi cho sức khỏe lâu dài.
Cũng như vậy, dù não bộ con người là một sự phức tạp vô hạn và thành công nằm trong sự ảnh hưởng của vô vàn những yếu tố khác; giống như một cái đập cánh của con bướm có thể gây ra cơn bão cách nó cả nửa vòng trái đất, những sự tác động nhỏ, nhưng có thể gây ra tác động lớn, không thể dự đoán được. Song, con người, dù không thể kiểm soát hoàn toàn não bộ, nhưng có thể tác động vào não bộ, thông qua rèn luyện tư duy, thúc đẩy việc tránh các sai làm và nâng tối đa xác suất thành công của các quyết định.
Chúng tôi cũng đã từng đề cập tới bộ ba tư duy ảnh hưởng tới việc ra quyết định trong các bài viết trước của mình: Tư duy phản biện, tư duy hệ thống và tư duy sáng tạo. Vận dụng chúng như thế nào để có thể đưa ra một quyết định đúng đắn?
Ba phương pháp tư duy gắn liền với các giai đoạn nhận thức của con người khi đứng trước các vấn đề.
Critical thinking – nhận thức lý tính
Tư duy phản biện, là cách nhìn nhận vấn đề theo giác độ có một chút hoài nghi, một chút “khó tính” và một chút sáng tạo. Tư duy phản biện giúp nâng cao tính đúng đắn của các nhận định về vấn đề, nó không chấp nhận những lời nói suông, nó đi tìm những bằng chứng cho điều đó. Bởi trong tư duy phản biện, chỉ có bằng chứng mới tạo nên niềm tin. Người có tư duy phản biện ít khi dễ dàng chấp nhận một điều gì đó chỉ vì nó thường được coi là đúng, họ sẽ thường băn khoăn và không dễ thỏa hiệp với sự không rõ ràng. “Sự sáng tạo” đề cập ở đây là một sự sáng tạo nằm trong khuôn khổ, dựa hoàn toàn vào thực tiễn. Tư duy phản biện hướng con người tìm kiếm các khía cạnh khác chưa được khai thác của vấn đề, để củng cố tính đúng đắn của nó.
Creative thinking – nhận thức cảm tính
Tư duy sáng tạo, thiên nhiều về mặt cảm xúc và trí tưởng tượng. Nó là một sự “bay bổng” không có quy tắc của não bộ. Nó cũng hướng con người tìm ra những cách tiếp cận khác đối với mỗi vấn đề nhưng khác với tư duy phản biện, nó không dựa vào một thực tiễn rõ ràng, mà hoàn toàn dựa vào sự-bất-quy-tắc. Vì vậy mà, trước mỗi vấn đề, tư suy sáng tạp giúp hình thành nên số lượng lớn, mối ý tưởng ẩn chứa những cơ hội và cả thách thức. Nó có thể là đột phá dẫn đến một kết quả thành công rực rỡ, cũng có thể là một ý tưởng hay nhưng nằm ngoài thực tiễn và không thể thực hiện được.
Systematic thinking – nhận thức hệ thống
Tư duy hệ thống, là cách thức tư duy bao quát và kết nối hoàn hảo cho tư duy phản biện và tư duy sáng tạo. Tư duy hệ thống cung cấp cách nhìn nhận phi tuyến, xem xét tổng thể vấn đề. Người có tư duy hệ thống nhìn thấy được các mối tương quan, sự phản hồi và liên tục vận động của các sự vật, hiện tượng, đặt chúng trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Những kết quả dựa trên thực tiễn mà tư duy phân tích đem lại và những ý tưởng sáng tạo được tổ hợp lại với nhau, đặt trong điều kiện hoàn cảnh, nguồn lực cho phép và sự ảnh hưởng đối với các vấn đề khác. Giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề không chỉ đảm bảo rủi ro thấp, có hiệu quả trong giải quyết vấn đề mà còn cắt đứt được các ảnh hưởng tiêu cực có thể có trên toàn “cục diện”.
Điều hoàn hảo nhất trong cuộc sống đó là “Không có gì là hoàn hảo”. Không có một chu trình nào tồn tại để có thể đảm bảo rằng quyết định bạn đưa ra là giải pháp tuyệt vời nhất. Song, bộ ba tư duy có thể giúp bạn rút ngắn khoảng cách, tiềm cận đến quyết định tuyệt với nhất đó.
Nguồn tham khảo:
https://fractalfoundation.org/resources/what-is-chaos-theory/