Trong một nghiên cứu năm 2018, MIT Slogan Management Review đã phỏng vấn hơn 4.300 giám đốc điều hành các công ty toàn cầu rằng liệu tổ chức của họ có cần tìm những nhà lãnh đạo mới để đảm bảo thành công trong thời đại Chuyển đổi số hay không: 68% cho biết thực tế tổ chức của họ cần lãnh đạo mới để cạnh tranh. Đáng chú ý hơn nữa, tỷ lệ này lại lớn hơn ở các công ty “trẻ” thay vì các công ty “trưởng thành”: 77% số người được hỏi đến từ các công ty ở giai đoạn đầu cho rằng họ cần các nhà lãnh đạo mới và 55% số người được hỏi từ các công ty trưởng thành. 

Tuy nhiên, trước nhu cầu cao về lãnh đạo thời Chuyển đổi số thì việc tìm kiếm và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao này lại thực sự khó khăn. Bởi lẽ, trong một môi trường cạnh tranh và liên tục thay đổi, các nhà lãnh đạo thường xuyên phải đối mặt với những thách thức mới và phải thích nghi cả tổ chức và phong cách lãnh đạo của họ với môi trường mới. Đáp ứng thành công những thách thức này đòi hỏi những kỹ năng và khả năng mới từ các nhà lãnh đạo. Lãnh đạo chính là người quyết định quá trình Chuyển đổi số thành công hay thất bại bởi nó đòi hỏi sự thay đổi toàn diện và một chiến lược rõ ràng cả về yếu tố kỹ thuật và con người.

Bài học từ Kodak và Fujifilm: Vai trò của tầm nhìn lãnh đạo

Kodak và Fujifilm là hai cái tên đã rất quen thuộc với người dùng máy ảnh phim. Cả hai đều có được vị trí gần như độc quyền trên thị trường truyền thống của mình: Kodak bán phim ở Mỹ, Fujifilm ở Nhật. Nhưng trong khi Fujifilm vẫn đang vững vàng bước tiếp trên con đường của mình thì cái tên Kodak đã đi vào dĩ vãng.

Sự sụp đổ của Kodak, từ người dẫn đầu thị trường đến kẻ thất bại, là kết quả của việc nhà lãnh đạo công ty thiếu tầm nhìn chiến lược để hiểu được tốc độ thay đổi của cả thị trường và khách hàng. Trong trường hợp của Kodak, thật sai lầm khi nói rằng công ty này không sáng tạo và đổi mới. Bởi vì vào năm 1975, công ty đã phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Điều đáng nói là Kodak đã không hiểu được những thay đổi trong yêu cầu của người tiêu dùng vì sự tự tin thái quá về lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng. Sai lầm của Kodak là việc họ chỉ tập trung phát triển các công nghệ kỹ thuật số mà không thực hiện các thay đổi cần thiết trong mô hình kinh doanh hiện có để áp dụng các công nghệ một cách hiệu quả hoặc chuẩn bị những sự dự phòng để đáp ứng thị trường kỹ thuật số mới nổi và những thay đổi trong yêu cầu của khách hàng. Các yếu tố như con người, kiến ​​thức và cơ sở hạ tầng trở nên lỗi thời khiến Kodak bị hạn chế trong việc đưa ra những quyết định khó khăn một cách kịp thời để thích nghi với sự biến đổi không ngừng trong kinh doanh. Nói cách khác công ty thất bại trong việc áp dụng những thay đổi trong tổ chức.

Fujifilm, đối thủ cạnh tranh của Kodak tại Nhật Bản cũng phải đối mặt với tình huống thách thức tương tự, nhưng các nhà lãnh đạo của Fujifilm đã giúp công ty “vượt khó” thành công bằng cách phát triển khả năng thích ứng với các tiến bộ công nghệ tiềm năng trong lĩnh vực chụp ảnh và đưa ra quyết định kịp thời về việc áp dụng các công nghệ mới này. Công ty không chỉ đầu tư vào công nghệ số mà còn tạo ra những thay đổi căn bản trong mô hình kinh doanh tại thời điểm đó bằng cách thu hẹp lực lượng lao động và tài sản kém hiệu quả, bắt đầu tập trung vào các lĩnh vực đầu tư mới như màn hình LCD, máy chụp ảnh cao cấp và mỹ phẩm, v.v. Chính ý chí chuyển mình quyết liệt và thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường là những gì giúp Fujifilm, công ty Nhật Bản từng là “nhà khổng lồ” trong lĩnh vực phim nhiếp ảnh – sống và phát triển mạnh trong thời đại kỹ thuật số, ngay cả khi đối thủ Kodak đã lùi về quá khứ. 

Câu chuyện nổi tiếng của Kodak và Fujifilm cung cấp cho ta một ví dụ điển hình về sự thất bại và thành công trong chuyển đổi kỹ thuật số. Chuyển đổi không chỉ có nghĩa là chấp nhận các thay đổi mà còn là thực hiện các hành động đủ và phù hợp để giảm “độ nhạy cảm” của tổ chức đối với sự gián đoạn do kỹ thuật số gây ra. Vào tháng 7 năm 2016, MIT Sloan Management Review và Deloitte đã thực hiện Nghiên cứu toàn cầu về kinh doanh kỹ thuật số dựa trên 3700 giám đốc điều hành kinh doanh và các nhà phân tích từ các tổ chức của 131 quốc gia và 27 ngành công nghiệp. Báo cáo cho biết gần 90% tất cả các giám đốc điều hành và quản lý được khảo sát trả lời rằng các ngành công nghiệp mà họ đang tham gia về sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng kỹ thuật số ở mức độ “đáng kể” hoặc “mạnh mẽ”. Trong khi đó, chỉ 44% trong số họ cho rằng họ đã chuẩn bị tốt cho những gián đoạn sắp tới. Báo cáo cũng cho biết việc sẵn sàng phát triển cho tương lai kỹ thuật số không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. 

Một bài báo được đăng trên tạp chí Forbes vào 17/1/2016 cho biết trong số 84% các công ty được khảo sát cho rằng việc các doanh nghiệp chống lại sự thay đổi là một trong những lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp này thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số. Bài báo cũng kết luận rằng một trong những lý do thất bại của những sáng kiến ​​hay chiến lược của tổ chức là việc các nhà lãnh đạo chùn bước trong quá trình đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy sự sẵn sàng thay đổi trong của bộ máy tổ chức. Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện bởi Accenture strategy vào năm 2016 đã kết luận rằng để các chương trình thay đổi trong tổ chức thành công, cần có năng lực lãnh đạo nhất quán và mạnh mẽ ở tất cả các cấp tổ chức. Các nhà lãnh đạo không chỉ thiết lập tầm nhìn mà còn cần phát triển môi trường sẵn sàng thay đổi trong toàn bộ tổ chức. Do đó, họ đóng vai trò quan trọng việc xây dựng chiến lược, phát triển tổ chức từ đó nâng cao năng lực tổ chức nhằm tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Phẩm chất cần thiết của lãnh đạo trong chuyển đổi số

Thế giới kinh doanh đang thay đổi bất lường bất định ngay trước mắt chúng ta khi cuộc cách mạng chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra như vũ bão trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo “khủng long”, sẽ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ “tuyệt chủng” nếu họ không thể thích nghi với môi trường luôn thay đổi này. Việc các nhà lãnh đạo phải sẵn sàng chấp nhận thay đổi để duy trì tính cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Các nhà lãnh đạo nhanh nhạy với thay đổi phải là những nhà tư tưởng tiến bộ, là người tin rằng tương lai là quan trọng hơn tất cả. Khi thế giới kinh doanh chuyển mình không ngừng thì họ cũng phải có khả năng thay đổi nhanh chóng và biến đổi linh hoạt, đôi khi sự thay đổi này diễn ra hàng ngày.

4 phẩm chất của nhà lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi số 

Cung cấp tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng

Khi nói về kỹ thuật số, tầm nhìn là một từ mà chúng ta không nên xem nhẹ. Trong thực tế, trong giai đoạn đầu của chuyển đổi kỹ thuật số, tầm nhìn là tất cả. Tầm nhìn rõ ràng như một chiếc la bàn để hướng dẫn nhân viên khi họ làm việc, đặc biệt là trong môi trường phân tán, nơi họ thường có quyền tự quyết, tự đưa ra quyết định lớn hơn. Theo ông West Westerman, nhà khoa học nghiên cứu tại MIT’s Sloan School of Management “Để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, bạn cần có một tầm nhìn rất mạnh mẽ về lĩnh vực mà doanh nghiệp bạn đang tham gia và lĩnh vực này sẽ biến đổi khác biệt như thế nào”. Một nhà lãnh đạo lý tưởng là người đem những thứ đang diễn ra bên ngoài ngành công nghiệp mà doanh nghiệp đang tham gia thành những tầm nhìn mới mẻ, sau đó khuyến khích nhân sự của mình tham gia và làm chủ những tầm nhìn đó. Việc xây dựng tầm nhìn và mục tiêu trong một thế giới kỹ thuật số không đòi hỏi lượng kiến ​​thức kỹ thuật quá chuyên sâu, nhưng nó đòi hỏi phải có kiến ​​thức kỹ thuật số cơ bản để một nhà lãnh đạo có thể hiểu môi trường thực chất đang thay đổi như thế nào để phát triển những tầm nhìn và mục tiêu đó.

Tạo ra môi trường khuyến khích sự thử nghiệm

Nghiên cứu của MIT Sloan Management Review cho biết thách thức lớn nhất mà các tổ chức phải đối mặt là xây dựng môi trường chuyển đổi số. Một giám đốc điều hành tại một công ty sản phẩm tiêu dùng đã áp dụng các giải pháp sau để biến môi trường làm việc của công ty khuyến khích thử nghiệm hơn, công ty của ông (1) đã thuê nhân viên có sự chấp nhận rủi ro cao, (2) tạo ra một môi trường nơi mọi người được khuyến khích – và thậm chí được khen thưởng – vì đã cố gắng áp dụng những sáng kiến mới cho dù thành công hay không, và (3 ) xây dựng các nền tảng ảo hoặc thực để mọi người có thể thử nghiệm các ý tưởng và mô hình kinh doanh mới. Không ai hoàn toàn hiểu môi trường kỹ thuật số sẽ phát triển như thế nào. Để theo kịp các xu hướng kỹ thuật số và tìm ra cách chúng áp dụng cho doanh nghiệp của bạn, thử nghiệm là điều cần thiết.

Thử nghiệm thành công đòi hỏi phải có sự phân tích chuyên sâu dữ liệu khách hàng, khả năng thực hiện các cải tiến chiến lược nhanh chóng phù hợp với những phát kiến mới này. Do vậy, việc thất bại là điều có thể xảy ra. Bằng cách giúp nhân viên của mình tự tin để hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của sự đổi mới, một nhà lãnh đạo kỹ thuật số có thể truyền cảm hứng cho nhân viên giúp họ đưa ra những quyết định táo bạo, sáng tạo. Ví dụ điển hình cho điều này là Google một công ty luôn thúc đẩy sự sáng tạo và coi đây là một phần quan trọng của thành công kỹ thuật số. Bằng cách học hỏi từ những sai lầm của mình, Google đã tinh chỉnh các hoạt động nội bộ của mình, hiểu rằng thay vì giết chết sự sáng tạo, các nhà quản lý luôn giúp duy trì năng lượng sáng tạo

Khuyến khích suy nghĩ khác biệt

Lãnh đạo thời chuyển đổi số cần trao quyền cho nhân sự của mình suy nghĩ vượt ra ngoài những quy chuẩn thông thường. Steve Jobs là một nhà lãnh đạo kỹ thuật số nổi tiếng vì ông đã nhìn thấy tiềm năng ở công nghệ Xerox của PARC và tưởng tượng những gì không ai có thể nghĩ ra. Kết quả là ông đã sử dụng nó để phát triển Giao diện người dùng đồ họa đầu tiên và mở ra kỷ nguyên điện toán cá nhân mới. Dễ hiểu là tại sao slogan của Apple lại là “Think Different”- “Nghĩ khác” vì chính Steve Jobs đã thúc đẩy nhân viên của mình cũng nghĩ theo những cách khác biệt.

Suy nghĩ khác biệt không chỉ liên quan đến những gì nhân viên cảm nhận mà còn cả những gì khách hàng mong đợi và sẵn sàng đáp ứng. James Macaulay, Giám đốc cấp cao về số hóa của Cisco, cho biết công ty của ông cảm nhận được rằng khách hàng muốn tiêu dùng khác nhau; nghĩa là, họ muốn có thêm giá trị, trải nghiệm và giá trị nền tảng. Do đó, các nhà lãnh đạo kỹ thuật số nên cho phép nhân viên của họ đồng cảm hơn với nhu cầu của khách hàng, rằng khách hàng đang tìm kiếm điều gì ở sản phẩm? Trải nghiệm, chi phí, dịch vụ vận chuyển, năng lực sản phẩm mà họ muốn nhận được như thế nào? 

Khuyến khích sự cộng tác

Trong thời đại ngày nay, sự hợp tác kỹ thuật số là bản chất cho sự thành công của hầu hết các phòng ban trong một tổ chức và một nhà lãnh đạo thành công trong chuyển đổi số sẽ hiểu làm thế nào để thực hiện nó. Ví dụ: bộ phận công nghệ thông tin phải hợp tác chặt chẽ với các nhóm tiếp thị kỹ thuật số để triển khai các chiến dịch quảng cáo hiệu quả, cải thiện giao diện người dùng và thu thập dữ liệu quan trọng. 

Theo một nghiên cứu gần đây, các công ty Fortune 500 mất đi khoảng 31,5 tỷ đô-la mỗi năm do không chia sẻ kiến ​​thức. Một nhà lãnh đạo kỹ thuật số có ảnh hưởng sẽ biết cách khuyến khích các quy trình truyền thông nội bộ khuyến khích chia sẻ thông tin, kiến thức và ý tưởng giữa các bộ phận để thúc đẩy một môi trường hợp tác và cởi mở.

Mạng nội bộ của Dex Media là một ví dụ tuyệt vời về điều này. Suzanne Keen, Phó Giám đốc Truyền thông Doanh nghiệp của Dex Media cho biết: “Bây giờ, nhân viên trên toàn doanh nghiệp đã có nơi giúp họ chia sẻ ý tưởng và tiếng nói ​​của mình. Họ có thể đăng, nhận xét và đặt câu hỏi trên mạng nội bộ của The Buzz (Dex Media) mà không cần xin phép ai, điều này tạo ra sự cởi mở và sự tin tưởng giữa các nhà quản lý và đội nhóm của họ. Mọi người có thể thiết lập các đội nhóm và các trang dự án, từ đó họ có thể bình luận và đặt câu hỏi vào các bài đăng, và chúng tôi – Dex Media đang phát triển một văn hóa kinh doanh hiện đại hơn, mang tính kinh doanh, hướng tới tương lai”.

Tóm lại, một nhà lãnh đạo thành công trong thời kỳ chuyển đổi kỹ thuật số là người có tư duy tiến bộ và có khả năng duy trì sự phù hợp của năng lực tổ chức trong bối cảnh luôn thay đổi. Trở thành một nhà lãnh đạo kỹ thuật số có nghĩa là được trang bị một bộ phẩm chất đặc biệt, tất cả đều bắt đầu với kiến thức vững chắc về thực hành tiếp thị kỹ thuật số và các công nghệ mới nổi.

Lãnh đạo thời chuyển đổi số tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra tại Việt Nam, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch… Tuy nhiên,  ngoài các doanh nghiệp startup, nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn chưa nhận thức được đúng vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0 và chưa có những hành động chuyển đổi hiệu quả. Các nguyên nhân có thể kể đến bao gồm: gánh nặng chi phí, thiếu nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số, thiếu tư duy kỹ thuật số. Ngoài ra, việc số hóa có thể gây ra sự xáo trộn lớn về nhân sự, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số trong các doanh nghiệp chính là sự thay đổi tư duy hay nhận thức của người đứng đầu. “Chuyển đổi số là một cách nói khác của việc thay đổi chiến lược kinh doanh, bởi vậy nhà lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số”.

Trong thời kỳ chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi cách xây dựng chiến lược tổ chức, tái cấu trúc năng lực của nhân sự để tương thích với những kỹ năng số, cũng như thay đổi cách quản trị dữ liệu để vận hành nội bộ và tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất. Do đó, các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với việc mọi khía cạnh của công ty thay vì kết nối theo chuỗi tuyến tính như trước kia, họ sẽ trở thành các điểm nút trong một loạt mạng lưới phức tạp phải liên kết với nhiều bên trong cùng một lúc. Giờ đây họ không chỉ là người xây dựng chiến lược mục tiêu mà còn là người truyền cảm hứng và xây dựng văn hoá chuyển đổi số trong tổ chức. 

Theo một khảo sát của KPMG và RMIT Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp Việt đang đi tìm lời giải cho bài toán công nghệ mà quên đi rằng con người mới là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi số. Nhiều CEO đang “khoán trắng” cho bộ phận IT để tìm hiểu và thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số và xem đây là trách nhiệm của bộ phận IT. Ngược lại, nhiều bộ phận IT cũng nghĩ mình có thể tạo ra chuyển đổi cho doanh nghiệp mà không cần quá nhiều can thiệp của lãnh đạo. Do đó, việc chuyển đổi số ở một số doanh nghiệp “như rắn mất đầu”, thực hiện chuyển đổi số rất rầm rộ và tốn kém nhưng lại không đem lại kết quả do thiếu tầm nhìn và tính chiến lược. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc đại đa số các dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt thất bại. TS. Phan Quốc Nguyên, thuộc CLB Techno – Idea Club của ĐH Quốc gia Hà Nội chuyên về đào tạo, kết nối và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, đã từng chia sẻ: “Chúng ta không thể mong doanh nghiệp đổi mới khi mà người làm công đi hội thảo (học hỏi về chuyển đổi số) thay cho lãnh đạo”

Chuyển đổi số ngay từ khái niệm không phải chỉ là một sự thay đổi vụn vặt mà đó là một sự chuyển đổi toàn diện. Vì vậy, chuyển đổi số cần có lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới trong tổ chức, đồng thời cũng cần xây dựng năng lực tổ chức vững chắc nhằm đáp ứng tốt những đổi mới này. Hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo dám thay đổi và đủ năng lực phẩm chất để đối mặt với những thách thức của sự thay đổi, OD CLICK đã nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu QUẢN TRỊ THAY ĐỔI TỔ CHỨC. Qua các chuyên đề đào tạo này, doanh nghiệp nhận được các giá trị chuyển giao sau:

Thứ nhất, chương trình được thiết kế giúp học viên nhận biết rõ vai trò quan trọng mà con người nắm giữ trong quá trình thay đổi tổ chức.

Thứ hai, học viên được cung cấp những kiến thức và kỹ năng về quản trị sự thay đổi trong môi trường đầy biến động. Đặc biệt là kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề.

Thứ ba, chương trình trang bị các công cụ và bài học kinh nghiệm trong quá trình thay đổi, đảm bảo sự thành công  và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Thứ tư, thông qua chương trình đào tạo, đội ngũ lãnh đạo, quản lý công ty nắm được cách thức triển khai các hoạt động thay đổi trong tổ chức nhằm thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới, nhất là trong thời kỳ VUCA và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Thứ năm, OD CLICK giám sát chặt chẽ hiệu quả của từng chương trình đào tạo theo quy chuẩn khảo sát, triển khai, đánh giá, trước – trong – và sau đào tạo, mang đến hiệu quả bền vững cho sự đầu tư của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN

Lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số không chỉ là người vạch ra chiến lược tầm nhìn cho những thay đổi trong toàn bộ tổ chức, họ còn là người xây dựng văn hoá chuyển đổi số giúp tạo ra môi trường khuyến khích thử nghiệm, thúc đẩy nhân viên suy nghĩ khác biệt và tăng cường công tác, trao đổi giữa các bộ phận trong tổ chức. Khi nói về Chuyển đổi số, chúng ta hay nói về vấn đề về công nghệ, vốn hay cơ sở hạ tầng nhưng thực chất vấn đề con người, cụ thể là tư duy và sự sẵn sàng thay đổi của nhà lãnh đạo mới là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tổ chức muốn thay đổi và đáp ứng nhanh các nhu cầu của Chuyển đổi số thì trước tiên người lãnh đạo phải là người đi tiên phong trong việc tái nhận thức bản thân để có thể vạch ra những chiến lược cụ thể nhằm “lèo lái” tổ chức một cách toàn diện và hiệu quả.

NGUỒN THAM KHẢO

  1. https://www.academia.edu/40429821/Leadership_in_Digital_Age_A_Study_on_the_Role_of_Leader_in_this_Era_of_Digital_Transformation 
  2. https://digitalmarketinginstitute.com/blog/5-traits-of-a-successful-digital-leader
  3. https://sloanreview.mit.edu/article/common-traits-of-the-best-digital-leaders/
  4. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/nhieu-doanh-nghiep-chua-chuyen-doi-so-do-lanh-dao-ngan-ngai/20200703095735678p1c785.htm
  5. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3454/lanh-dao-va-quan-ly-trong-thoi-dai-chuyen-doi-so.aspx
error: Nội dung đã khóa !!