Thế nào là chuyển đổi số?

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành một tầm nhìn dài hạn và chiến lược sống còn tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo. 

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh biến từ thu thập, xử lý và quản lý thông tin một cách thủ công sang quản lý dựa trên các thành tựu công nghệ, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Những thách thức ngành dệt may đang phải đối diện hiện nay

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sức ép lớn về chi phí từ các nước như Bangladesh, Campuchia nơi có nhân công giá rẻ. Hơn nữa, xu hướng fast fashion (thời trang ăn liền hay thời trang nhanh) sản xuất trong thời gian cực ngắn cũng đang thách thức các DN dệt may vì nếu như trước đây các doanh nghiệp, trong một mùa mới đưa ra mẫu mới thì bây giờ là hàng tuần. Đặc biệt gần đây các hãng thời trang ngoại như Zara, H&M, Topshop đã đổ bộ vào Việt Nam với giá rất bình dân, không những gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước về tiến độ sản xuất mà là cạnh tranh giá cả, điều mà trước giờ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tự tin đem ra làm lợi thế so sánh. 

Trước những thách thức trên, chuyển đổi số chính là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng vượt qua cơn bão cạnh tranh khốc liệt. Bởi lẽ, Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Tuy vậy, với quy mô trên 40 tỷ USD và số lượng lao động tham gia lớn, ngành dệt may Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bước đầu chuyển đổi số đặc biệt là ở lĩnh vực quản trị nhân sự.

Thực trạng nguồn nhân lực ngành dệt may

1.Về trình độ 

Về trình độ học vấn Hình 1 cho thấy tỷ lệ lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm 83%, điều này đồng nghĩa với việc đa số lao động thiếu cả kỹ năng cứng và cả kỹ năng mềm cần thiết không những cho công việc hiện tại mà còn cho những công việc đòi hỏi kỹ năng cao của chuyển đổi số. Đối với các công việc như khả năng vận hành máy kỹ thuật số phức hợp, kỹ thuật lập trình, điều khiển robot, giao tiếp người-máy, phân tích dữ liệu, v.v, cần phải có nền tảng tư duy tốt, được rèn luyện bài bản qua nhiều năm, do đó lao động phổ thông chưa qua đào tạo khó có thể đảm nhận được.

Hình 1: Thống kê về trình độ lao động toàn ngành dệt may 2019

Sự phân bổ về trình độ có độ lệch rất lớn trong cả 4 nhóm ngành, trong đó trình độ lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm ít nhất 81%. Rõ ràng nếu so với tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên thì con số này cao gấp 20 lần, điều này được thể hiện rõ trong Hình 2 bên dưới. Hình 2 cũng cho thấy nhóm ngành may, mặc dù có giá trị xuất khẩu cao nhất trong toàn bộ các nhóm ngành, nhưng tỷ lệ lao động phổ thông chưa qua đào tạo lại chiếm đa số, trong khi các chỉ số về tỷ lệ trình độ như trung cấp, cao đẳng và đại học lại thấp hơn các nhóm ngành khác. Do đó đây sẽ là một rào cản rất lớn cho mục đích chuyển đổi hình thức gia công từ cắt may theo đơn hàng (Cut-MakeTrim- CMT) sang hình thức có lợi nhuận cao hơn như tự thiết kế và gia công sản phẩm (Original Designed Manufacturer-ODM) hay cao hơn nữa là tự thiết kế, gia công và xây dựng thương hiệu gốc (Original Brand Manufacturer- OBM). Bởi để làm được những vấn đề này đòi hỏi lực lượng lao động phải có tố chất, có khả năng sáng tạo dựa trên nền tảng kiến thức đã được đào tạo, sự uyển chuyển trong từng loại mặt hàng sản xuất.

Với những phân tích trên, ngành dệt may Việt Nam đang bị mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu trình độ lao động, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm quá lớn (chiếm 4/5 lực lượng lao động) dẫn đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng năng suất gặp rất nhiều hạn chế, điều này cũng giải thích tại sao năng suất lao động của người Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có năng suất thấp theo tổ chức lao động quốc tế (ILO). 

Mặt khác lao động có trình độ thấp thì nhận thức của họ cũng bị hạn chế, do đó dẫn đến việc tuân thủ kỷ luật lao động, ý thức lao động không được cao, sự biến động lao động lớn gây nên những thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp xét cả về hiệu quả sản xuất và chiến lược đầu tư, phát triển. Với ý thức kỷ luật yếu như hiện nay thì chưa cần cạnh tranh trong cuộc cách mạng Chuyển đổi số thì chúng ta cũng đã gặp rất nhiều khó khăn rồi. Rõ ràng đây là bài toán rất lớn cho các doanh nghiệp về việc làm sao để đào tạo lại và nâng cao ý thức tính kỷ luật của những lao động này mà không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

2. Về kỹ năng

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ đánh giá trình độ lao động mà bỏ qua việc đánh giá kỹ năng của người lao động chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển đổi số. Mười kỹ năng cơ bản về công nghiệp 4.0 được đánh giá tại các doanh nghiệp sợi, dệt nhuộm nhằm xác định thực trạng và mức độ sẵn sàng của lao động chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang công nghệ số, một nền tảng quan trọng của công nghiệp 4.0. Chi tiết các chỉ tiêu về kỹ năng được trình bày trong bảng 1 dưới đây

Tất cả các kỹ năng trên được khảo sát và đánh giá theo 5 cấp độ từ 1: rất kém đến 5: rất tốt. Kết quả như sau 

Đối với ngành sợi, trong 10 kỹ năng được đánh giá, không có kỹ năng nào đạt rất tốt, kỹ năng không đồng đều, các kỹ năng như Internet, sử dụng máy tính, sử dụng các thiết bị thông minh chủ yếu ở mức trung bình hoặc tốt. Mức độ này được các doanh nghiệp khẳng định chỉ có thể có các thao tác đơn giản, không thuần thục thậm chí còn lóng ngóng không biết xử lý các sự cố xảy ra. Các kỹ năng như thiết kế 3D, bảo mật, và bí mật cá nhân được đánh giá còn nhiều yếu kém, rõ ràng đây chính là khoảng trống mà doanh nghiệp cần phải chú tâm đào tạo và phát triển, bởi khi áp dụng các công nghệ 4.0 đồng nghĩa với việc các hệ thống được thông suốt và dữ liệu cá nhân, dữ liệu kinh doanh, bí quyết của doanh nghiệp sẽ là những mục tiêu săn tìm của đối thủ và những hackers. Một điều đáng lưu ý rằng, ngành sợi là ngành mà có khả năng tự động hóa và vi tính hóa cao nhất do có sự lặp lại của công việc nhiều. Theo ước tính thì khoảng 70% công đoạn của ngành sợi có thể được tự động hóa, điều này có nghĩa là các vị trí trên cần những lao động có kỹ năng công nghệ phải từ tốt đến rất tốt chứ không thể chỉ dừng lại ở mức trung bình. Do đó đây là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc đào tạo bồi dưỡng lao động của mình. 

Đối với ngành dệt, các kỹ năng 4.0 của lao động ngành dệt có nhiều điểm yếu tương đồng so với ngành sợi. Cụ thể là các kỹ năng như Internet, sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh. Các kỹ năng như 3D, bảo mật, bí mật cá nhân được đánh giá thấp hơn so với ngành sợi. Từ đây cũng có thể suy rộng ra là khả năng làm chủ công nghệ ngành dệt còn nhiều hạn chế, đây cũng là lý do giải thích một phần tại sao giá trị xuất khẩu ngành dệt nhỏ hơn so với ngành sợi và ngành may. Hơn nữa các doanh nghiệp dệt không đáp ứng đủ cho nhu cầu ngành may, vì vậy các doanh nghiệp may đã phải nhập khẩu trên 60% lượng vải để sản xuất. 

Đối với ngành nhuộm, hầu hết các kỹ năng như sử dụng thiết bị thông minh, bảo mật, kỹ năng 3D, sở hữu trí tuệ đều dưới trung bình, điều này cũng không quá bất ngờ bởi ngành nhuộm chưa được đầu tư nhiều về công nghệ do đó tỷ lệ số doanh nghiệp và người lao động trong ngành này chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong 4 nhóm ngành. Hơn nữa ngành nhuộm chính là đầu vào của ngành may khi mà công nghệ nhuộm không phát triển thì sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của sản xuất may, đây là nút thắt trong chuỗi cung ứng ngành dệt may của Việt Nam. 

Đối với ngành may, đây là nhóm ngành được đánh giá là yếu nhất trong số 4 nhóm ngành, chưa có kỹ năng nào có tỷ lệ được đánh giá tốt đến 30%. Trên 80% các kỹ năng chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Kỹ năng quan trọng như thiết kế 3D, sử dụng máy tính, sử dụng các thiết bị thông minh được đánh giá ở mức yếu kém, điều này có thể hiểu rằng, đa số lao động chưa thể vận hành được công nghệ, chưa kiểm soát và xử lý ở mức có thể chấp nhận được. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa tỷ lệ lao động có trình độ với tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ, khi mà tỷ lệ lao động có trình độ phổ thông của ngành may cao hơn các ngành khác thì kỹ năng công nghệ của họ cũng thấp hơn.

6 trụ cột nhằm tăng mức độ sẵn sàng tiếp nhận Chuyển đổi số của doanh nghiệp dệt, may

Nhìn chung, mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của các doanh nghiệp dệt, may cũng phản ánh tính trạng chung của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam (85%) chưa có sự chuẩn bị tham gia chuyển đổi số và một số nhỏ (13%) ở mức mới bắt đầu. Hơn nữa, theo TS Hoàng Xuân Hiệp, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nếu đối chiếu với nghiên cứu của Hiệp hội chế tạo máy và thiết bị Đức (VDMA) ta có, thang điểm 1 là doanh nghiệp mới chập chững bước chân vào Chuyển đổi số; thang 2-3 là bắt đầu học để Chuyển đổi số; thang 4-5 là những doanh nghiệp đã có xác lập hẳn mục tiêu, chiến lược và tổ chức phát triển đầy đủ các cấu phần của nhà máy thông minh trong cuộc Chuyển đổi số. Như vậy, theo khảo sát trên mức độ thích ứng của các DN Việt Mới chỉ dừng lại ở mức 2-3. Nghĩa là đầu tư cho công nghệ, cho Chuyển đổi số là có nhưng xây dựng chiến lược dài hơi thì chưa. 

Vì vậy, sáu trụ cột sau được hình thành nhằm tăng mức độ sẵn sàng tiếp cận Chuyển đổi số của doanh nghiệp dệt, may bao gồm: Chiến lược và cơ cấu tổ chức; Nhà máy thông minh; Vận hành thông minh; Sản phẩm thông minh; Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; Người lao động

Về trụ cột Chiến lược và tổ chức: Trụ cột này là nền móng cho mọi thay đổi và phát triển của doanh nghiệp trong doanh nghiệp trong Chuyển đổi số. Tái cấu trúc lao động và chuẩn hóa kỹ thuật toàn chuỗi sản xuất sản phẩm hiện đang và sẽ được coi là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp muốn sống sót qua thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão này.

Về trụ cột nhà máy thông minh: Các nhà mày cũng như tổng thể doanh nghiệp cần được kết nối với các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp dệt may nói riêng và doanh nghiệp Việt nói chung đều gặp khó do sự hạn chế của cơ sở hạ tầng cũng như số vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Về trụ cột Vận hành thông minh: Kiểm soát thiết bị, máy móc bằng công nghệ thông tin, chuyển từ vận hành thủ công bằng sức người sang áp dụng các CNTT sẽ tăng hiệu suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, 67% doanh nghiệp dệt và 73% doanh nghiệp may không thể kiểm soát thiết bị bằng CNTT hay kết nối với công nghệ khác và 62% doanh nghiệp dệt và 50% doanh nghiệp may cho biết không thể nâng cấp thiết bị để kết nối được các thiết bị với thiết bị, thiết bị với hệ thống. Đây là trở ngại lớn nhất đối với việc chuẩn bị sẵn sàng cho ngành. 

Về sản phẩm thông minh: Việc sử dụng các mô hình kỹ thuật số hay các mô hình về quản lý nguồn lực ERP và mô hình quản lý chuỗi cung ứng SCM còn hạn chế. Ngành may có 73% doanh nghiệp không sử dụng mô hình kỹ thuật số nào; 7% doanh nghiệp đang sử dụng mô hình quản lý nguồn lực ERP và 1% doanh nghiệp sử dụng mô hình quản lý chuỗi cung ứng SCM. Ngành dệt có 74% doanh nghiệp không sử dụng mô hình kỹ thuật số nào. Có 9% doanh nghiệp đang sử dụng mô hình quản lý nguồn lực ERP và 2% doanh nghiệp sử dụng mô hình quản lý chuỗi cung ứng SCM. 

Về trụ cột Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu: Phần lớn số liệu được thu thập thủ công, 95% doanh nghiệp may và 98% doanh nghiệp dệt không thể cấp dữ liệu sản phẩm theo CNTT, 82% doanh nghiệp may và 85% doanh nghiệp dệt không chia sẻ dữ liệu với khách hàng và đối tác và 80% doanh nghiệp may, 73% doanh nghiệp dệt không có dịch vụ tích hợp dữ liệu sản xuất và sử dụng sản phẩm. Vì vậy, muốn tăng mức sẵn sàng với chuyển đổi số các doanh nghiệp dệt may Việt cần tăng cường áp dụng CNTT vào việc thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin. Hơn nữa việc chia sẻ thông tin cũng cần được chú trọng nhằm tối đa hóa nguồn tài sản quý giá này.

Về trụ cột người lao động: Trang bị kiến thức và kỹ năng cho lao động để họ sẵn sàng cho chuyển đổi số là vô cung quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt chưa trang bị đầy đủ trong phần lớn 7 lĩnh vực khảo sát như: kỹ thuật sử dụng phần mềm cộng tác; nền tảng công nghệ thông tin; kỹ thuật bảo mật; công nghệ tự động hóa; kỹ thuật phân tích dữ liệu; kỹ thuật phát triển hệ thống hỗ trợ; tư duy hiểu biết về hệ thống. 

Đề xuất giải pháp: Trong những năm vừa qua, ngành dệt may của chúng ta mới chỉ tham gia vào những phần có giá trị thấp trong chuỗi giá trị như gia công, do vậy nguồn nhân lực của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc lành nghề và giá rẻ. Những để chuẩn bị và tham gia vào cuộc cách mạng chuyển đổi số thì chúng ta cần đòi hỏi nhiều hơn từ nguồn nhân lực. Bởi lẽ, chuyển đổi số sẽ cho phép tự động hóa được kết nối trên nền tảng internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ sản xuất in 3D, phân tích dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo sẽ dần dần thay thế người lao động trong các dây chuyền sản xuất trong nhà máy và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Đồng thời, các nghiên cứu cũng dự đoán mức giảm nhân lực ngành dệt may từ 2,5 triệu lao động hiện nay xuống còn 1,7 triệu vào năm 2030. Do vậy, việc quản trị nguồn nhân lực ngành may mặc cần có định hướng lâu dài, chuyển từ giá rẻ và số lượng lớn sang tinh gọn và chất lượng cao có vậy chúng ta mới có thể chuyển từ gia công đơn thuần sang tự thiết kế và sản xuất. 

Bốn vấn đề chính mà các doanh nghiệp ngành dệt may thường gặp phải trong vấn đề Quản trị nguồn nhân lực đó là: 

  • Chất lượng nguồn lao động thấp và không đồng đều
  • Vì trình độ thấp nên ý thức kỷ luật của đội ngũ nhân viên cúng thấp
  • Kỹ năng công nghệ của nguồn nhân lực đối với công nghệ còn hạn chế
  • Mức độ sẵn sàng của bộ máy quản lý, vận hành với chuyển đổi số còn thấp

Do vậy, muốn tăng chất lượng và kỹ năng nguồn lao động đáp ứng với nhu cầu của chuyển đổi số thì song song với việc nâng cấp kiến thức và kỹ năng của nhân lực ngành dệt may và sợi dệt, cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CMCN 4.0 vào ngành dệt may thông qua việc mở thêm các ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận CMCN 4.0, đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0, nhà máy thông minh… Hơn nữa, đội ngũ quản lý cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất nhằm giúp doanh nghiệp dệt may như ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý điện toán đám mây, công nghệ AI… nhằm tạo nên một hệ thống giá trị cho doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng.

Hiểu được những khó khăn trong Quản trị nguồn nhân lực ngành may mặc trong chuyển đổi số, OD CLICK đã nghiên cứu và xây dựng Chương trình “Tư vấn quản lý” gồm 6 nội dung:
1. Tư vấn thiết kế tổ chức

2. Tư vấn xây dựng chiến lược

3. Tư vấn văn hóa doanh nghiệp

4. Tư vấn quản trị nhân lực

5. Tư vấn tái cơ cấu tổ chức

6. Tư vấn HR Auditing

Có được nền tảng tổ chức vững chắc nói chung cũng như bộ máy quản trị nguồn nhân lực tinh gọn hiệu quả nói riêng sẽ là bước đệm cho các doanh nghiệp dệt may Việt hội nhập và làm chủ được cuộc cách mạng Chuyển đổi số.

OD CLICK tổng hợp và biên tập! 

Nguồn tham khảo: 

https://enternews.vn/https://docs.google.com/document/d/1L_Zz6Cn6FSA5HIiHNIOz_pvb8iW6apmwF9k86sBP7gw/editnganh-det-may-viet-dung-truoc-yeu-cau-chuyen-doi-so-157479.html

https://bnews.vn/nganh-det-may-thay-doi-de-bat-kip-xu-huong-bai-2-giai-phap-song-con/72238.html
https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3351/ung-dung-cmcn-4-0-trong-nganh-det-may–thach-thuc-va-chien-luoc-phat-trien.aspx

https://gass.edu.vn/CMS/Lists/LuanVan_LuanAn/Attachments/18529/LA%20%20tranthivananh.pdf

https://vinatex.com.vn/wp-content/uploads/2019/11/5.-Thach-thuc-nhan-luc-DM-voi-CMCN-4.0.pdf

error: Nội dung đã khóa !!