Trong kỷ nguyên số hóa, các doanh nghiệp đối mặt với thách thức để tồn tại và phát triển. Công nghệ và nền kinh tế phẳng đã thay đổi tư duy, cách thức các doanh nghiệp cạnh tranh. Không còn tư duy trong nền kinh tế ổn định với thị phần được xác định rõ ràng mà tư duy cạnh tranh, người chiến thắng có vị thế vững vàng, dẫn dắt thị trường. Do vậy, để không bị bỏ lại phía sau, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ gắn chặt với xu thế chuyển đổi số.

Trọng tâm của chuyển đổi số thành công không chỉ là vấn đề về công nghệ mà là quản trị tri thức trong tổ chức. Công nghệ đóng vai trò là công cụ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và khách hàng, song để áp dụng công nghệ hiệu quả cần năng lực, tri thức của con người. Doanh nghiệp bỏ ra chi phí lớn cho công nghệ hiện đại nhưng năng lực của con người trong tổ chức không theo kịp dẫn đến thất bại.

Bài viết này tập trung vào mối quan hệ không tách rời giữa chuyển đổi số và quản trị tri thức. Đồng thời có sự phân tích giúp doanh nghiệp xác định những trọng tâm để quản trị tri thức hiệu quả trong tổ chức. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tham khảo để áp dụng phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp để tăng cơ hội thành công trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.

CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG TÁCH RỜI QUẢN TRỊ TRI THỨC

Chuyển đổi số

Chuyển đổi số đề cập đến thay đổi các cách làm cũ, thử nghiệm nhiều hơn và trở nên nhanh nhẹn hơn trong việc phản ứng với khách hàng và đối thủ. Nó kéo theo một sự thay đổi văn hóa, theo đó các tổ chức liên tục có sự thay đổi, thử nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại. Mục đích để cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hướng đến nâng cao trải nghiệm, giá trị mang đến cho khách hàng

Chuyển đổi số thu hẹp khoảng cách giữa những gì khách hàng đã mong đợi và những gì các doanh nghiệp hiện tại thực sự có thể cung cấp. Để làm được điều đó các tổ chức tìm cách liên tục học hỏi, làm giàu vốn tri thức để tinh chỉnh và sắp xếp lại các quy trình kinh doanh của họ

Dựa trên những điều trên, có ba yêu cầu chính để chuyển đổi kỹ thuật số thành công. Đầu tiên là thông tin cần số hóa phải đầy đủ, phù hợp và chính xác. Thứ hai là quy trình kinh doanh được chọn để số hóa có tiềm năng tối đa hóa lợi tức đầu tư. Thứ ba là việc học hỏi và phân tích lại các nhu cầu và thực tiễn của khách hàng được thể chế hóa trong toàn bộ tổ chức. Ba yêu cầu này phụ thuộc vào khả năng tổ chức tích lũy tri thức, lan tỏa,áp dụng và tạo ra tri thức mới. Đó là quá trình quản lý kiến ​​thức hiệu quả.

Quản trị tri thức

Quản lý tri thức đề cập đến nghệ thuật và khoa học của việc tối ưu hóa luồng kiến ​​thức trong một tổ chức. Nó liên quan đến việc xử lý hiệu quả thông tin và tài nguyên trong một tổ chức, là một phần không thể thiếu của chuyển đổi số. Quản trị tri thức cung cấp sự rõ ràng về các phương tiện tốt nhất để tiếp thu kiến ​​thức, các cơ chế tạo ra kiến ​​thức mới và cách thức học tập trong tổ chức. Điều này là quan trọng khi trong thời đại mà giao dịch với những khách hàng có kiến thức, đội ngũ nhân sự có nền tảng tri thức tốt sẽ tạo niềm tin cho họ. Qua đó nâng cao trải nghiệm và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

Quản lý tri thức được thực hiện thông qua các phương pháp và kỹ thuật khác nhau như dữ liệu hóa kiến thức, tổ chức quán cà phê tri thức, áp dụng phương pháp học tập mới. Đồng thời các doanh nghiệp cần tạo cuộc nói chuyện cởi mở và các cộng đồng thực hành để nâng cao năng lực nhân sự sẵn để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.

Chuyển đổi số gắn với quản trị tri thức

Nhìn chung, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình liên tục khám phá những cách thức mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của khách hàng. Quản trị tri thức là trọng tâm quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Quản lý kiến thức hỗ trợ trong việc xác định những gì cần số hóa và cách số hóa một cách tối ưu. Điều này làm giảm chi phí liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số. Nói rõ hơn, thông qua việc tập trung liên tục và không ngừng vào việc xây dựng sự trưởng thành về quản lý tri thức, quá trình thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của khách hàng kỹ thuật số và những gì được cung cấp sẽ trở nên dễ dàng hơn theo thời gian.

Đồng thời, chuyển đổi số tạo sự thay đổi quá nhanh như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm hiện đại. Đây là những kiến thức khó với đội ngũ nhân sự nếu không được chuẩn bị kĩ về kiến thức. Điều này có thể tác động xấu khi dẫn đến việc nhân sự không thích ứng nhanh, dễ xu hướng từ bỏ công việc, tổ chức. Do vậy, việc đầu tư vào quản trị tri thức, xây dựng vốn tri thức vững là chìa khóa giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

QUẢN TRỊ TRI THỨC TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trước vai trò ngày càng quan trọng của quản trị tri thức, các doanh nghiệp cần nắm được trọng tâm để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu phát triển của tổ chức. Quản trị tri thức hiệu quả là sự tổng hòa của 4 yếu tố chiến lược, quy trình, con người và công nghệ.

Chiến lược

Chiến lược quản trị tri thức đề cập đến một kế hoạch giúp doanh nghiệp quản lý thông tin, dữ liệu và kiến ​​thức. Các hoạt động cụ thể sẽ được thực hiện trong ba lĩnh vực lớn: tạo tri thức, sử dụng tri thức và xây dựng môi trường thể chế thuận lợi cho việc học tập và chia sẻ tri thức. 

Một chiến lược quản trị tri thức hiệu quả cần gắn với mục tiêu chung của tổ chức để đảm bảo sự đồng bộ, tránh lãng phí nguồn lực. Ví dụ điển hình thấy mục tiêu của tổ chức là tăng doanh thu thông qua thu hút thêm khách hàng với sản phẩm vượt trội. Chiến lược quản trị tri thức sẽ hỗ trợ đạt mục tiêu đó thông qua kế hoạch xây dựng, chia sẻ và cải tiến tri thức để áp dụng nâng cao có chất lượng sản phẩm. Đồng thời cần có sự cân bằng về con người, quy trình, công nghệ. Điều này có nghĩa, con người trong tổ chức cần có sự sẵn sàng, cởi mở trong chia sẻ, tiếp thu kiến thức. Quy trình quản trị tri thức phải rõ ràng, khoa học cùng với sự hỗ trợ của công nghệ để lưu trữ và chia sẻ tri thức.

Bên cạnh đó, chiến lược quản trị tri thức cần có mục tiêu rõ ràng, xác định các nguồn lực và ngân sách cũng như phân công vai trò và trách nhiệm. Đồng thời cũng cần có thước đo để đo lường hiệu quả. Quản trị tri thức là quá trình tích lũy và cải tiến liên tục qua thời gian để hình thành vốn tri thức vững vàng trong tổ chức. Do vậy, chiến lược quản trị tri thức cũng cần được hoạch định rõ ràng, không chỉ mang tính thời điểm.

Quy trình

Quản trị tri thức hiệu quả đòi hỏi quy trình khoa học, có sự đúc kết từ những chuyên gia hàng đầu trên thế giới với đặc thù thực tiễn của doanh nghiệp. Mô hình quy trình quản trị tri thức của  Evans, Dalkir, và Bidian (2014) là mô hình hiệu quả, rõ ràng về cách thức giúp doanh nghiệp dễ dàng trong ứng dụng, phù hợp với nhiều đặc thù doanh nghiệp. Mô hình bao gồm các giai đoạn được mô hình hóa như sau:

Xác định/tạo dựng kiến thức

Quá trình quản trị tri thức bắt đầu một cách tự nhiên xuất phát từ yêu cầu về tri thức. Yêu cầu về tri thức có thể đến từ yếu tố bên ngoài như khách hàng, thị trường, lỗ hổng trong kiến thức của tổ chức. Ví dụ điển hình như việc, khách hàng có yêu cầu giải thích chi tiết về kết cấu, thành phần của sản phẩm, nhưng nhân sự kinh doanh chưa nắm rõ. Từ yêu cầu về tri thức, sẽ xuất hiện hai hành động xác định hoặc tạo dựng tri thức. Nhận định mô tả sự  để tìm ra tài liệu tri thức có sẵn trong tổ chức. Ví dụ, tài liệu ở định dạng điện tử và in được lưu trữ trong kho tri thức.

Với tổ chức chưa có nền tảng tri thức đủ vững vàng cần phải có sự xây dựng mới. Việc hình thành kiến thức diễn ra, bắt đầu từ sự tích lũy kiến thức các cá nhân. Nhân sự có thể tích lũy qua những kinh nghiệm làm việc của bản thân, được đào tạo bài bản thông qua trường lớp, tài liệu có sẵn như sách, báo. Đồng thời, các cá nhân có thể học tập chính đồng nghiệp, cấp trên của mình để hình thành vốn kiến thức nền tảng cho bản thân.

Lưu trữ kiến thức

Quá trình lưu trữ kiến thức diễn ra trên nền tảng dữ liệu của doanh nghiệp. Việc lưu trữ có thể theo hai dạng trên nền tảng dữ liệu công nghệ và tài liệu trên giấy. Các doanh nghiệp cũng có thể xây dựng và lưu kiến thức qua video, tài liệu trên các định dạng. Điều này giúp chia sẻ và tổng hợp kiến thức trở nên dễ dàng. Đồng thời tính bảo mật được nâng cao khi những tài liệu nội bộ sẽ chỉ cấp phép cho những người có trách nhiệm. Điều này tránh tình trạng bị mất tài liệu, kiến thức quan trọng. 

Chia sẻ kiến thức

Quá trình này mô tả việc kiến thức chia sẻ trong toàn bộ tổ chức. Các thành viên có thể truy xuất dữ liệu dễ dàng trên nền tảng lưu trữ nội bộ. Những kiến thức qua đó sẽ được chuyển giao đến bên trong tổ chức, ngay cả khi nhân sự chủ chốt ra đi thì những tri thức này cũng vẫn được lưu trữ lại.Đồng thời, các doanh nghiệp định kỳ có những buổi huấn luyện nội bộ được tổ chức theo các phòng ban. Qua đó, nhân sự sẽ được đào tạo nâng cao kiến thức từ những người có kiến thức và kinh nghiệm trong tổ chức. Đây cũng là quá trình chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao năng lực nhân sự. Ngoài ra, kiến thức còn được lan tỏa ngầm thông qua việc trao đổi, thảo luận các công việc hành ngày giữa các cá nhân. Ví dụ, có những kinh nghiệm trong làm việc với khách hàng sẽ chia sẻ giữa cá nhân.

Áp dụng kiến thức

Sau khi được chia sẻ, những tri thức sẽ được áp dụng vào các trường hợp thực tế. Giá trị của chúng được thể hiện trong giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định, cải thiện hiệu quả hoặc thúc đẩy tư duy đổi mới. Ví dụ khi làm việc với khách hàng, các nhân sự có thể áp dụng những kinh nghiệm và quy trình đã được chuẩn hóa. Song, chu kì được lặp lại khi trải qua quá trình tương tác và làm việc, những quy trình, chính sách cũ có thể được thay đổi, sáng tạo và ngày càng hoàn thiện hơn.

Học hỏi

Qua quá trình áp dụng, việc hỏi hỏi được diễn ra là nền tảng để tạo mới và tinh chỉnh để tăng sự hiệu quả. Những tri thức trước đó có thể không còn đúng trong tình huống hiện tại. Do vậy, quả trình này thể hiện sự đánh giá tính hiệu quả của tri thức để nhận định cái nào hiệu quả và cái nào không còn đúng với hiện tại. Ví dụ, bản đề xuất mẫu sản phẩm cho khách hàng trong quá khứ rất thành công, song hiện tại không còn đủ khả năng thuyết phục khách hàng thì cần có sự điều chỉnh

Cải tiến

Quá trình mô tả việc thông qua áp dụng và học hỏi, doanh nghiệp có sự điều chỉnh những quy trình, chính sách cũ để hướng đến sự hoàn thiện hơn, đề cao tính cập nhật. Sau khi cập nhật sẽ cần lưu trữ lại trên dữ liệu nội bộ. Một trường hợp khác khi những kiến thức quá cũ và không thể cập nhật thì cần phải xây dựng lại.Trên thực tế, đây là quá trình diễn ra liên tục trong tổ chức, như là một phần của sự phát triển. Trải qua thời gian tích lũy như vậy, doanh nghiệp sẽ có nền tảng tri thức vững vàng.

Con người

Con người là thành phần quan trọng của quản lý tri thức và là nền tảng để xây dựng một tổ chức thành công. Bản chất quá trình quản trị tri thức là sự trau dồi và chia sẻ kiến thức giữa các thành viên trong tổ chức, được lưu trữ lại. Thông qua thời gian áp dụng sẽ có sự cập nhật để nâng cao hiệu quả làm việc của tổ chức. Do vậy, để quản trị tri thức thành công, các nhà lãnh đạo cần cho nhân sự thấy nội hàm và ý nghĩa của vấn đề này. Qua đó thu hút sự tham gia của các thành viên.

Điều quan trọng là doanh nghiệp cần tạo môi trường thúc đẩy các thành viên học tập kiến thức và chia sẻ đến các thành viên khác. Các nhà lãnh đạo giao công việc thách thức theo nhóm, buộc các thành viên phải có sự tìm hiểu và thảo luận với nhau. Tri thức được xây dựng và trao đổi một cách tự nhiên. Đồng thời, các doanh nghiệp có chính sách đào tạo nội bộ liên tục, có thể sử dụng giảng viên nội bộ, các phòng ban có huấn luyện cho nhân sự của mình cũng như sử dụng giảng viên bên ngoài từ công ty tư vấn. Bên cạnh đó, áp dụng những phương pháp học tập mới tạo động lực và sự hứng thú cho đội ngũ nhân sự được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng.

Nhìn chung, quản trị tri thức thành công dựa trên nền tảng con người cam kết, thấu hiểu giá trị của tổ chức. Sự cởi mở đón nhận và truyền đi kiến thức là chìa khóa mà doanh nghiệp cần có được. Điều này được tạo nên từ nền tảng văn hóa tổ chức.

Công nghệ

Công nghệ là yếu tố thúc đẩy sự học hỏi và đẩy nhanh tốc độ chuyển giao kiến ​​thức. Chính công nghệ cung cấp cho quản trị tri thức nhiều công cụ hỗ trợ mạnh để thực hiện các khâu trong chu trình quản trị tri thức.

Công nghệ được sử dụng trước tiên để tạo điều kiện giao tiếp, hợp tác và quản lý nội dung sao cho có thể nắm bắt, chia sẻ, phổ biến và ứng dụng tri thức tốt hơn. Một công ty triển khai công tác quản trị tri thức từ khá sớm đó là Công ty Kiểm toán và Tư vấn Ernst & Young. Năm 1993, họ thành lập Trung tâm Tri thức Kinh doanh nhằm chính thức hóa các quy trình và thông lệ về quản trị tri thức tại công ty, cũng như tạo điều kiện cho việc kiến tạo và chia sẻ nguồn vốn trí tuệ trong công ty trên quy mô toàn cầu.Cơ sở hạ tầng cho quản trị tri thức của Ernst & Young là mạng Knowledge Web, bao gồm hơn 2.400 cơ sở dữ liệu, địa chỉ web và 1,2 triệu các loại tài liệu lưu trữ. Mạng nội bộ này cho phép nhân viên trong công ty truy cập vào các nguồn dữ liệu nội bộ và bên ngoài, như tri thức về các ngành nghề kinh doanh, về các công ty, các loại tin tức và thông tin toàn cầu, tất cả đều nhằm một mục đích là phục vụ khách hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Việc ứng dụng công nghệ dần trở thành yêu cầu cấp thiết của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, sự thành công của một công ty cũng tỷ lệ thuận với việc triển khai thành công các công nghệ hiện đại và tân tiến. Bằng cách kết hợp công nghệ với quản trị tri thức một cách hiệu quả, doanh nghiệp có thể tạo ra các yếu tố cạnh tranh mới, nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của mình. 

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ QUẢN TRỊ TRI THỨC

Bối cảnh VUCA với sự bùng nổ của công nghệ đánh dấu bước thay đổi lớn của doanh nghiệp để hướng đến sự thích nghi và phát triển bền vững. Mô hình tổ chức cũ mang nặng tính phân cấp quyền lực và tập trung vào quản lý không còn phù hợp với hiện tại. Các doanh nghiệp hướng đến mô hình tổ chức mới, với cách tư duy tập trung vào nền tảng tri thức, văn hóa thích ứng, năng lực cạnh tranh.

Tổ chức dựa trên tri thức

Trong bối cảnh mà mọi thứ đều thay đổi nhanh, các doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng tri thức vững vàng, nâng cao năng lực tổ chức để tạo ra lợi thế cạnh tranh trước đối thủ. Tri thức cần trau dồi liên tục với đội ngũ nhân sự và ngay cả các nhà lãnh đạo bởi kiến thức, kinh nghiệm đã được học có thể không còn đúng trong thế giới hiện tại.

Trong môi trường ổn định, sự tuân thủ của cá nhân với quy trình, kế hoạch của tổ chức là yếu tố mang đến thành công. Nhưng trong kỷ nguyên số hóa, con người trong tổ chức đề cao tính tự chủ trong công việc và sự tự nhân thức trau dồi năng lực bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng thách thức của công việc. Đó là chìa khóa doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh và phát triển trong dài hạn. Để làm được điều đó đòi hỏi sự thay đổi tư duy của lãnh đạo, trao quyền và tạo môi trường học tập, chia sẻ kiến thức.

Tri thức giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất. Khi đội ngũ nhân sự trau dồi, nâng cao kiến thức bản thân thì họ xử lý công việc tốt hơn. Đồng thời, khi tri thức lan tỏa và chia sẻ giữa các thành viên thì chất lượng công việc chung sẽ nâng cao. Nền tảng tri thức vững vàng cùng với quản trị tri thức bài bản góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Ví dụ điển hình là các công ty dịch vụ tài chính hiện cung cấp các giao dịch dịch vụ qua Internet, và để giải quyết các vấn đề chung của khách hàng, họ tạo ra một nền tảng kiến ​​thức; một kho lưu trữ trung tâm chứa các câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp của người dùng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Quan trọng hơn khi công nghệ bùng nổ để áp dụng thành công vào doanh nghiệp cần có nền tảng tri thức của con người. Bởi, công nghệ chỉ là công cụ giúp gia tăng giá trị và con người mới là người làm chủ. Nếu tri thức và năng lực của đội ngũ nhân sự trong tổ chức không đáp ứng với yêu cầu công nghệ thì doanh nghiệp không thể có được sự thành công.

Quản trị tri thức gắn với sức cạnh tranh

Tư duy “người chiến thắng giành được tất cả” là cách mà doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Các doanh nghiệp đã quen với tư duy cạnh tranh trong môi trường ổn định khi thị phần đều được phân chia. Nhưng trong nền kinh tế mở, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn khi sự cân bằng được phá vỡ, nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường với chiến lược riêng biệt. Do vậy, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp thay đổi từ tư duy ổn định sang cạnh tranh. 

Theo khảo sát của McKinsey, những doanh nghiệp hàng đầu trong nhóm ngành thu được không dưới 90% lợi nhuận kinh tế, tạo khoảng cách lớn với doanh nghiệp khác. Thị trường có giới hạn, nếu doanh nghiệp không có sự thay đổi kip thời về tư duy, chiến lược thì khả năng mất vị thế, thị phần vào tay đối thủ. 

Nền tảng tri thức là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi năng lực và chất lượng con người trong tổ chức được nâng cao. Một tổ chức tồn tại sự tích lũy và chia sẻ kiến thức tạo sức hút và giữ chân nhân tài, cho họ môi trường để phát triển. Khi đội ngũ nhân sự có chuyên môn vững vàng và nền tảng kiến thức cập nhật, giá trị họ tạo ra cho tổ chức và cho khách hàng là lợi thế cạnh tranh với đối thủ.

Quản trị tri thức gắn với văn hóa

Trong các công ty thành công nhất, văn hóa tạo thành xương sống của sức khỏe tổ chức và thúc đẩy hoạt động bền vững theo thời gian. Văn hóa trong bối cảnh hiện nay là đặc trưng của sự thích ứng và thu hút. Sự thích ứng với thị trường đến từ việc thúc đẩy sự học hỏi trong tổ chức, qua đó hình thành vốn tri thức vững chắc cho doanh nghiệp. Sự thu hút thể hiện cách công ty thu hút và giữ chân nhân tài với những đặc trưng về bản sắc.

Văn hóa thích ứng đề cao cấu trúc tổ chức phẳng hơn, tập trung vào các nhóm với chức năng linh hoạt. Nhân sự tạo cơ hội để đưa ra ý tưởng hỗ trợ lãnh đạo và được trau dồi tri thức mới. Qua đó, kiến thức được xây dựng, lưu trữ và chia sẻ giữa các thành viên để hoàn thiện năng lực. Khi các cá nhân có nền tảng kiến thức, họ có sự tự tin trong công việc, khả năng phản ứng với thị trường nhạy bén hơn và những giá trị mang đến cho khách hàng nhiều hơn.

Quản trị tri thức tốt trong tổ chức tạo ra sự thu hút với nhân tài khi họ thấy cơ hội phát triển bản thân. Các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tri thức luôn chú trọng đào tạo nhân sự với các phương pháp học tập mới. Đó là giá trị văn hóa khác biệt tạo ra sức hút với nhân tài và tạo nên thương hiệu nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, văn hóa thu hút bao gồm các nhà lãnh đạo luôn thực hiện và xây dựng các phương pháp làm việc nổi bật và tạo cảm giác mới mẻ đối với nhân sự. Ví dụ như cách tiếp cận của Amazon. Có quy tắc mang phong cách riêng của công ty đối với các cuộc họp: giữ ở quy mô nhỏ, không sử dụng PowerPoint và bắt đầu bằng sự im lặng để người tham gia có thời gian đọc lại bản thảo quan trọng. 

Nhìn chung, quản trị tri thức đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tổ chức. Những doanh nghiệp lớn trên thế giới thành công đều có hệ thống quản trị tri thức vững vàng. Trong chuyển đổi số, vai trò của quản trị tri thức được nhìn nhận rõ ràng hơn khi doanh nghiệp nhận ra khoảng trống trong áp dụng công nghệ và năng lực nhân sự. Rõ ràng, để làm chủ công nghệ đòi hỏi nền tảng tri thức và năng lực của đội ngũ nhân sự để vận hành.

Để quản trị năng lực hiệu quả gắn với xây dựng khung năng lực để xác định khoảng trống trong kỹ năng của nhân sự so với yêu cầu của vị trí công tác. Đồng thời, các doanh nghiệp cần hình thành văn hóa học tập thể thúc đẩy sự trau dồi và chia sẻ tri thức trong doanh nghiệp. Bởi không phải nhân sự nào cũng thoải mái trong việc chia sẻ và đón nhận kiến thức từ người khác.

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.linkedin.com/pulse/role-knowledge-management-digital-transformation-dr-rumesh-kumar/
  2. https://www.mckinsey.com/business-functions/organization/our-insights/organizing-for-the-future-nine-keys-to-becoming-a-future-ready-company
  3. https://www.knowah.com/kmcfbclid=IwAR3mWZaf2h08buSb1lZdos3yRzHbA0DwNhsIauscyFe4j6yiKkuUdPPHy9E
  4. https://todayfounder.com/components-of-knowledge-management-best-guide/
  5. https://www.gsb.stanford.edu/faculty-research/case-studies/knowledge-management-ernst-young

 

 

error: Nội dung đã khóa !!