THÁCH THỨC NHÂN LỰC NGÀNH DƯỢC TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH

Vài năm trở lại đây, khi nhu cầu sử dụng thuốc điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe, nhu cầu về các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc bổ…của con người ngày càng tăng lên thì ngành Dược càng có nhiều cơ hội khẳng định tầm quan trọng của mình hơn nữa. Ngành dược vì thế có vai trò và vị thế không thể phủ nhận; tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Quản lý Dược, tỉ lệ dược sĩ của nước ta chỉ đạt khoảng 1.19/10.000 dân. Đây thực sự là một sự thiếu hụt đặc biệt nghiêm trọng tại các bệnh viện địa phương, dẫn đến tình trạng người dân tự ý dùng thuốc, dùng thuốc không đúng công dụng, dùng thuốc theo thói quen thường xuyên diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi số lượng dược sĩ trong khoảng 10 năm tới đây, đạt tỷ lệ 2.5 dược sĩ/10.000 dân; đồng thời hơn 50% các bệnh viện phải có bộ phận dược lâm sàng chuyên biệt để kịp thời đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

 

1. Các loại hình nhân lực dược

Nguồn nhân lực dược là đội ngũ làm việc cho lĩnh vực y dược học bao gồm các cán bộ chuyên môn dược đang tham gia phục vụ tại các cơ sở y tế từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở.

Ở Việt Nam, nhân lực  dược đa dạng về loại hình bao gồm: Tiến sĩ Dược, Thạc sĩ  Dược, Dược sĩ  chuyên khoa, Dược sĩ đại học, Dược sĩ cao đẳng, Dược sĩ trung cấp, Dược tá, Công nhân kĩ thuật dược, Kỹ thuật viên dược.

Ngành Dược là ngành kinh tế – kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực dược hiện nay là thiếu ở hầu hết các loại hình, đặc biệt là trình độ đại học, sau đại học. Phân bố nhân lực dược không đồng đều giữa các vùng miền và các lĩnh vực, tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh, phân phối. 

2. Nhu cầu nhân lực Dược sĩ trình độ cao

Theo báo cáo của sở y tế các tỉnh, thành phố, đến năm 2020 toàn ngành Dược Việt Nam sẽ có nhu cầu cần hơn 25 nghìn cán bộ dược có trình độ từ Cao đẳng, đại học trở lên. Số lượng cán bộ dược tham gia vào quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối thuốc dự kiến lên tới hơn 16.000 người, chiếm gần hai phần tổng số nhu cầu của toàn ngành. Ngoài ra, hệ thống phân phối thuốc ngày càng được mở rộng cũng sẽ thu hút hơn 7.000 dược sĩ tham gia trực tiếp vào công tác cung ứng thuốc tại các nhà thuốc đạt chuẩn Thực hành tốt phân phối thuốc (GPP).

Để đáp ứng điều kiện phát triển của ngành Dược, Bộ Y tế đề xuất cần phải tăng tốc về chất lượng cũng như số lượng đào tạo nguồn nhân lực tại nước nhà. Trong đó, riêng nhu cầu đối với dược sĩ đại học, dược sĩ cao đẳng chiếm 85,63%, còn lại là nhu cầu đối với các nhân lực trình độ cao hơn như tiến sĩ, thạc sĩ, dược sĩ chuyên khoa I và dược sĩ chuyên khoa II chiếm 14,3%.

Xét theo khía cạnh phân bố nguồn nhân lực dược, có thể thấy khối các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược tiếp tục thu hút nhiều dược sĩ hơn so với khối cơ quan hành chính, sự nghiệp như các sở y tế, trung tâm y tế, bệnh viện hay viện nghiên cứu. Hiện tại nước ta còn thiếu rất nhiều nhân lực dược có trình độ cao. Nhân lực dược có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 19% trong đó tiến sĩ dược học 1,21%, thạc sĩ 1,73%. Cùng với sự mất cân đối giữa các tuyến quản lý, chỉ có hơn 2% số tiến sĩ dược làm việc ở tuyến tỉnh, 2,92% số thạc sĩ dược làm việc ở tuyến huyện.

3. Nhu cầu nhân lực Dược tại doanh nghiệp

Ngoài việc sự tăng trưởng của các doanh nghiệp dược nội địa lớn như Hậu Giang, Traphaco hay OTC thì mới đây các thương vụ đình đám trong ngành Dược với việc xác lập của Abbott khi nắm trong tay gần 2000 nhân viên của hãng dược nội địa Glomed với bề dày thành tích kinh doanh. Đây là một trong những doanh nghiệp đã tạo nên thương hiệu với hơn 150 năm khi dấn thân vào thị trường Việt Nam hơn 20 năm nay.

Ngay khi vào Công ty của Mỹ này đã tiến hành tuyển dụng hàng ngàn nhân viên Dược sĩ và các trình dược viên để triển khai kế hoạch cạnh tranh với những ông lớn đại gia của ngành Dược nội địa khi biết được Việt Nam đang là thị trường tiềm năng.

Sự cạnh tranh đấy cũng đang đẩy các hãng dược nội địa như Hậu Giang phải chuyển mình, công ty này đã liên kết với các hãng dược của Nhật để tiện làm ăn và học hỏi kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra còn có Traphaco, Huphuco … những ông lớn trong việc sản xuất Đông dược cũng đang mở rộng quy mô nên cần một lực lượng nguồn nhân lực lớn.

4. Kết luận

Đứng trước nhu cầu rất lớn về nhân lực ngành dược từ thị trường và xã hội, doanh nghiệp cần phải có những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực nhân sự của doanh nghiệp. Thông qua các chương trình tư vấn và đào tạo nhân lực tại doanh nghiệp sẽ là giải pháp hiệu quả, mang lại những giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Việc xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài, cơ cấu tổ chức vận hành trơn tru, các bộ phận trong doanh nghiệp phối hợp nhịp nhàng và từng cá nhân trong tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chuyên nghiệp sẽ tạo nên một tổ chức mạnh. Doanh nghiệp sẽ nâng cao thương hiệu và phát triển bền vững trên thị trường đầy tính cạnh tranh.

 

Nguồn tham khảo:

  1. Thiếu hụt nhân lực trình độ cao ngành Dược sĩ trong 5 năm tới – http://aum.edu.vn/tin-tuc/thieu-hut-nhan-luc-trinh-do-cao-nganh-duoc-si-trong-5-nam-toi.html
  2. Ngành Dược: Thách thức nhân lực trước thời cơ phát triển – http://aum.edu.vn/tin-tuc/nganh-duoc-thach-thuc-nhan-luc-truoc-thoi-co-phat-trien.html
  3. http://pharmace.asia/chi-tiet/vai-net-ve-cong-nghiep-duoc-va-nhan-luc-duoc-viet-nam.html
  4. Ngành dược nội địa khan hiếm nhu cầu nhân lực để phát triển – http://giaoductuyensinh.com/nganh-duoc-noi-dia-khan-hiem-nhu-cau-nhan-luc-de-phat-trien
error: Nội dung đã khóa !!