Chuyển đổi số hiện nay không còn là lựa chọn mà là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn phát triển bền vững. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang bắt đầu chú trọng. Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Song việc chuyển đổi vẫn là thách thức đối doanh nghiệp. 

Thực chất, chuyển đổi số không phải chỉ là quá trình áp dụng công nghệ, phần mềm nâng cao hiệu quả hoạt động, mà là sự chuyển đổi về năng lực tổ chức, bao gồm: lãnh đạo, nhân lực, văn hóa và chiến lược. Bởi, khi áp dụng công nghệ mà nền tảng chưa vững, con người trong tổ chức chưa đủ năng lực, văn hóa thiếu sự thích ứng cũng không thể vận hành hiệu quả.

Theo MIT Sloan Management Review đã khảo sát 4.394 nhà lãnh đạo toàn cầu từ hơn 120 quốc gia. Chỉ 48% đồng ý rằng các tổ chức của họ đã sẵn sàng để cạnh tranh trong các thị trường và nền kinh tế được định hướng kỹ thuật số. Có thể thấy, doanh nghiệp đứng trước nhiều áp lực từ thị trường để không bị bỏ lại phía sau, phát triển trong nền kinh tế số. Bài viết này hướng đến chìa khóa giúp doanh nghiệp thích nghi, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi số. Đó là vấn đề xây dựng năng lực tổ chức, với hai yếu tố cốt lõi là con người và văn hóa.

XÂY DỰNG VĂN HÓA TỔ CHỨC TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong kỷ nguyên số hóa, hành vi của khách hàng có sự chuyển đổi dẫn đến doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong văn hóa, chiến lược, mô hình kinh doanh hướng đến sự thích ứng nhanh. Peter Drucker có nhân định nổi tiếng “Culture eats strategy for breakfast” để lý giải tầm quan trọng của văn hóa trong tổ chức. Để phát triển tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số, yếu tố cốt lõi là lãnh đạo cần bắt đầu từ xây dựng và phát triển văn hóa tổ chức.

Văn hóa trong doanh nghiệp cần có sự phát triển để phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Trong môi trường ổn định, văn hóa tuân thủ với sự theo chỉ đạo của cấp trên, theo quy trình có sẵn hay văn hóa đề cao tính an toàn có thể đem lại sự thành công cho tổ chức. Nhưng trong bối cảnh chuyển đổi số, những văn hóa như vậy không còn là nền móng để giúp doanh nghiệp phát triển. Dưới đây là năm yếu tố văn hóa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trong kỷ nguyên số.

Đặt khách hàng làm trung tâm

Trong kỷ nguyên số, trải nghiệm khách hàng tích cực là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển. Do vậy, doanh nghiệp cần nuôi dưỡng văn hóa định hướng khách hàng. Ở đó, nhân sự được khuyến khích hướng ngoại và tương tác với khách hàng và đối tác để tạo ra các giải pháp mới. Một ví dụ điển hình là tập trung vào hành trình của khách hàng; nhân viên định hình sự phát triển sản phẩm và cải thiện trải nghiệm của khách hàng bằng cách đặt mình vào vị trí của khách hàng.   

Với sự biến động của thị trường, sự thay đổi sẽ liên tục diễn ra đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thích ứng nhanh. Những thay đổi của thị trường xuất phát từ sự chuyển đổi trong nhu cầu, hành vi của khách khách hàng. Những tổ chức này với văn hóa gắn chặt với khách hàng của họ vì vậy những thay đổi dù nhỏ nhất cũng được nhận ra nhanh chóng và các chiến lược sẽ cập nhật kịp thời. Ví dụ, trong thời điểm dịch bệnh, hành vi của người tiêu dùng sẽ dịch chuyển từ mua trực tiếp tại cửa hàng sang dịch vụ giao hàng tận nhà. Những doanh nghiệp theo định hướng khách hàng có thể nhận ra xu hướng này sớm và nâng cấp chất lượng nền tảng website, dịch vụ vận chuyển sẽ có được ưu thế lớn so với đối thủ.

Để hình thành văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có kế hoạch chiến lược với hành động cụ thể. Một số cách thức hiệu quả như tuyển dụng nhân sự theo định hướng khách hàng, chia sẻ thông tin về khách hàng đến toàn bộ tổ chức để nhân sự nắm được chân dung khách hàng là ai. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động gắn với khách hàng với ngay cả các bộ phận.

Khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới

Bản chất của chuyển đổi số là sự đổi mới hiệu quả hướng đến sự hoàn thiện hơn về năng lực tổ chức để mang đến giá trị tốt hơn cho khách hàng. Do vậy, văn hóa khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới là nền tảng trong việc nâng cao năng lực tổ chức trong kỷ nguyên số. Các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng văn hóa đặc trưng bởi sự tò mò, sẵn sàng tham gia vào công việc đầy thử thách. Nhân sự được trao quyền đóng góp suy nghĩ và các quan điểm độc lập. Khi những ý kiến được đưa ra và phân tích, ý tưởng mới sẽ xuất hiện.

Trong môi trường ổn định, văn hóa điển hình là sự ổn định, thận trọng và tuân theo những quy trình, quy định. Song, trong bối cảnh hiện nay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong tư duy, khuyên kích và sẵn sàng đón nhận sự đổi mới. Sự đổi mới cũng sẽ đi cùng với sự mạo hiểm khi thay đổi đi những cái cũ đã tồn tại trong thời gian dài. Nhưng là cần thiết với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp bởi những lối mòn từ môi trường cũ với sự ổn định cao không còn hiệu quả khi thị trường thay đổi quá nhanh.

Để khuyến khích sự sáng tạo trong tổ chức, các nhà lãnh đạo cần thay đổi tư duy của nhân sự và có những chính sách phù hợp như giao công việc thách thức và trao quyền nhiều hơn cho nhân sự; thúc đẩy sự trao đổi toàn bộ tổ chức; có sự công nhận và khen thưởng đến các cá nhân, đội nhóm có ý tưởng đột phá.

Chú trọng sự hợp tác đội nhóm

Thành công trong bối cảnh bùng nổ công nghệ hiện nay đến nhờ năng lực làm việc tập thể và chia sẻ thông tin giữa các bộ phận, đơn vị và chức năng. Tốc độ lặp đi lặp lại và nhanh chóng của công việc kỹ thuật số đòi hỏi mức độ minh bạch và tương tác cao hơn nhiều so với mức độ tương tác trong tổ chức truyền thống.

Với tổ chức truyền thống, các cá nhân có tính chuyên trách trong công việc cao. Mỗi người đảm nhận vai trò và nhiệm vụ cụ thể, việc tương tác cũng như phối hợp giữa nhân sự chưa cao. Những doanh nghiệp lớn với mức độ chuyên trách lớn, các phòng ban ít có mối liên hệ và trao đổi với nhau thường xuyên. Mô hình như vậy lại thành công trong quá khứ bởi trong môi trường ổn định, mỗi mắt xích trong tổ chức làm tốt vai trò của mình thì cả hệ thống sẽ chạy hiệu quả. Song, trong môi trường thách thức như hiện nay, với sự thay đổi nhanh của thị trường đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các mắt xích trong tổ chức để đảm bảo tính liên tục trong thông tin, hình thành những giải pháp hiệu quả, cũng như hoàn thiện năng lực giữa các cá nhân.

Tập trung hành động

Trong thế giới kỹ thuật số thay đổi nhanh chóng, việc lập kế hoạch và ra quyết định phải chuyển từ tập trung dài hạn sang tập trung ngắn hạn. Do vậy, các doanh nghiệp hình thành văn hóa tập trung vào hành động và tốc độ thích ứng với bối cảnh. Trong môi trường ổn định, việc lập kế hoạch và thực thi hiệu quả đem đến thành công. Song với bối cảnh của sự bất định chìa khóa của sự thành công chính là hành động và tốc độ. Ví dụ mình hòa là các công ty công nghệ cần liên tục lắng nghe người dùng và điều chỉnh liên tục. Ngay cả khi những tính năng được lên kế hoạch và có sự thiết kế nhưng không mang lại lợi ích cho khách hàng cũng cần loại bỏ.

Với các mức độ của sự không chắc chắn trên thị trường, kế hoạch xây dựng cho doanh nghiệp thấy bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên, những gì diễn ra có thể không theo kế hoạch đã xác định. Vì vậy, nếu duy trình văn hóa tập trung quá nhiều vào hoạch định kế hoạch và thiếu đi bước hành động cụ thể, tốc độ sẽ không phát huy hiệu quả trong môi trường hiện nay. Việc tập trung vào hành động giúp doanh nghiệp có sự phản ứng tốt với thị trường và nắm bắt cơ hội nhanh hơn đối thủ.

Nâng cao sự tự chủ của nhân sự

Để cạnh tranh trong kỷ nguyên số hóa, sự tự chủ của nhân sự cần đề cao. Thay vì chỉ nghe theo những chỉ đạo từ cấp trên, nhân sự được ủy quyền nhiều hơn trong phạm vi trách nhiệm của họ. Mục tiêu hướng đến nâng cao khả năng thích nghi, tốc độ phản ứng của thị trường cũng như phát triển năng lực của nhân sự. Điều này giảm tải áp lực quản lý cho nhà lãnh đạo để có thời gian cho những quyết sách đúng đắn cho doanh nghiệp.

Để hình thành sự tự chủ cho cá nhân là quá trình với sự nỗ lực từ hai phía doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự. Chìa khóa là dựa trên cùng nền tảng hệ giá trị, nhân sự hiểu vai trò của mình trong tổ chức và với khách hàng. Doanh nghiệp hiểu mong muốn và khó khăn của đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân sự để đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bởi, để có sự tự chủ, họ là người tự tin về năng lực chuyên môn, làm chủ công việc và có trách nhiệm với tổ chức.

XÂY DỰNG NĂNG LỰC CON NGƯỜI TRONG TỔ CHỨC

Xây dựng năng lực tổ chức cần dựa trên nguồn lực con người trong tổ chức. Họ đại diện cho giá trị của doanh nghiệp với khách hàng, đại diện cho khả năng cạnh tranh trước đối thủ. Do vậy, trong kỷ nguyên số hóa, năng lực của đội ngũ lãnh đạo và nhân lực trong doanh nghiệp cần được phát triển đến đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt khi bước vào thị trường với sự bùng nổ về công nghệ, sự thay đổi là điều bắt buộc khi doanh nghiệp trước đây đã quen với môi trường ổn định với cung cách quản lý cũ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo

Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng đến sự thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số. Họ không chỉ là người vạch ra chiến lược tầm nhìn cho những thay đổi trong toàn bộ tổ chức, mà còn là người xây dựng văn hoá thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra môi trường khuyến khích thử nghiệm, khuyến khích nhân viên suy nghĩ khác biệt, tăng cường trao đổi trong nội bộ tổ chức. Với vai trò như vậy, đứng trước nền kinh tế số, năng lực của nhà lãnh đạo cần có sự trau dồi và phát triển để dẫn dắt tổ chức.

Phát triển khả năng giao tiếp và tạo ảnh hưởng

Trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp hướng tới loại bỏ cấu trúc phân cấp làm giảm tác động của mối quan hệ giữa người quản lý và nhân sự, cũng như khuyến khích sự tự chủ, làm việc theo nhóm. Điều này khiến các nhà lãnh đạo cần có khả năng giao tiếp và ảnh hưởng đến mọi người trong tổ chức để giữ tổ chức hoạt động hiệu quả. Theo nghiên cứu EY cũng phát hiện ra rằng 9 trong số 10 lãnh đạo cho rằng sự giao tiếp và khả năng ảnh hưởng mọi người, đặc biệt quan trọng trong vai trò của họ.

Sự giao tiếp ở đây là giúp đội ngũ nhân sự hiểu được tầm nhìn, giá trị mà tổ chức đang hướng đến để giúp cả hai cùng nhìn về một hướng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cần lắng nghe và đưa ra phản hồi kịp thời. Khả năng tạo ảnh hưởng được nâng cao khi họ lan tỏa được động lực và cảm hứng đến đội ngũ. Với trau dồi năng lực này có thể thông qua sự tự nghiên cứu, nỗ lực hoàn thiện cũng như có thể dựa vào đơn vị đào tạo chuyên nghiệp.

Trau dồi tư duy phát triển

Tư duy phát triển sẽ dẫn dắt và tạo động lực cho nhà lãnh đạo hoàn thiện bản thân. Bởi thị trường thay đổi nhanh đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải làm mới mình liên tục để có sự thích nghi và đưa ra giải pháp hiệu quả. Một bộ phận lãnh đạo giữ tư duy cũ, coi trọng sự ổn định và giữ vị trí của mình. Như vậy ảnh hưởng sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Lãnh đạo có tư duy phát triển sẽ xây dựng tổ chức với văn hóa của sự học hỏi và trau dồi liên tục. Điều này giúp nâng cao năng lực của tổ chức khi nguồn nhân lực được tạo điều kiện là hoàn thiện và phát triển năng lực chuyên môn. Họ là người biết cách đầu tư cho nguồn nhân lực để mang lại lợi ích dài hạn cho tổ chức.

Trau dồi phát triển tư duy này cần có sự tự nhận thức về bản thân trong tương quan của môi trường kinh doanh, đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích cá nhân. Điều quan trọng là cần quyết liệt từ bỏ hào quang quá khứ và có nhận định đúng đắn về thách thức kinh doanh hiện tại.

Xây dựng năng lực cho nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số

Công nghệ phát triển nhanh chóng và thay đổi liên tục đã tạo ra các thách thức lớn cho cả tổ chức và năng lực của nhân lực trong việc thích ứng và vận dụng chúng vào trong hoạt động chuyển đổi số.

Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đặc biệt là năng lực số. Đồng thời, việc xây dựng và thiết lập các nhóm làm việc đa chức năng giúp doanh nghiệp nâng cao tính linh hoạt, tăng sự gắn kết và hiệu quả công việc của nhân viên, đồng thời, tạo điều kiện đáp ứng nhanh chóng những thay đổi của môi trường kinh doanh.

Trao quyền làm theo những cách mới

Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần khuyến khích nhân sự có cách làm mới để tránh đi theo lối mòn đã không còn hiệu quả. Cụ thể, thay vì giao việc, các nhà lãnh đạo chỉ mang tính định hướng để cho đội ngũ của mình tự đưa ra giải pháp và cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy của nhà lãnh đạo và nhân lực khi tập trung chuyển giao nhiều vai trò và trách nhiệm hơn, kích thích sự tự chủ của các thành viên trong tổ chức.

Trong kỷ nguyên công nghệ, những ý tưởng mới là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển, thậm chí thâu tóm thị trường, điều quan trọng là lãnh đạo cần khuyến khích nhân viên thử nghiệm những sáng kiến mới. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chấp nhận rủi ro có thể thất bại từ những ý tưởng đó. Song, đội ngũ của doanh nghiệp sẽ có sự trưởng thành và năng lực chuyên môn được nâng cao. 

Việc trao quyền cho nhân sự đồng nghĩa với việc lãnh đạo cần thay đổi trong cách thức quản lý. Những cách thức quản lý chặt chẽ sẽ tạo áp lực làm giảm đi không gian phát triển của nhân sự. Bài toán đặt ra là sự cân bằng giữa đảm bảo chất lượng công việc và cung cấp đủ cơ hội cho nhân lực thể hiện năng lực.

Quản trị tri thức trong tổ chức

Tri thức là sức mạnh, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự sẽ được nâng cao khi tổ chức tập trung phát triển hệ thống quản trị tri thức. Thực tế, mỗi nhân sự đều có những kiến thức, vốn hiểu biết khác nhau, được tích lũy qua quá trình làm việc, học tập. Quản trị tri thức tốt giúp chia sẻ và lan tỏa kiến thức đến các thành viên trong tổ chức. Năng lực của mỗi cá nhân sẽ được kiện toàn khi học hỏi từ đồng nghiệp, cấp trên. Doanh nghiệp cần lưu trữ những kiến thức theo các phương pháp khác nhau để xây dựng vốn tài sản tri thức cho tổ chức.

Trong bối cảnh công nghệ, vốn tri thức của tổ chức có thể được lưu trữ và chia sẻ dễ dàng. Nhân sự mới hoàn toàn tiếp cận và nắm được kiến thức phục vụ công việc. Hơn thế nữa, để làm giàu vốn tri thức và năng lực nguồn nhân lực, doanh nghiệp có thể áp dụng đào tạo nội bộ, đào tạo thông qua chuyên gia bên ngoài, cũng như áp dụng phương pháp học tập mới như Gamification learning, Micro learning, Blend learning. Những phương pháp này tác động việc học hỏi phát triển năng lực nhân sự thông qua các cách tiếp cận khác biệt so với đào tạo truyền thống, tạo động lực và sự hứng thú khi học

Nhìn chung, sự bùng nổ công nghệ dù muốn hay không cũng là điều tất yếu, đánh dấu bước phát triển mới của thế giới, các doanh nghiệp cần có sự thích nghi để hướng đến bước đột phá lớn hơn. Để có thể cạnh tranh trong bối cảnh như vậy, yêu cầu tất yếu với mọi doanh nghiệp là xây dựng năng lực tổ chức vững vàng dựa trên nguồn nhân lực và hệ giá trị văn hóa.

Đây là vấn đề lớn có tính thách thức đối với doanh nghiệp đòi hỏi cần có chiến lược và kế hoạch hành động khoa học, có sự ưu tiên rõ ràng. Bối cảnh chuyển đổi số dù muốn hay không doanh nghiệp cần có sự thích nghi và hình thành văn hóa doanh nghiệp mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng thích nghi. Điều là còn bởi nguồn nhân lực trong giai đoạn này cũng đã có sự thay đổi trong đặc tính, hành vi, để thu hút được họ cần có bản sắc văn hóa hấp dẫn. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạonguồn nhân lực cần được nâng cao để đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chìa khóa giúp doanh nghiệp cạnh tranh trong nền kinh tế số là chiến lược kinh doanh với trong tâm là mô hình kinh doanh đột phá tạo giá trị khác biệt.

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.bcg.com/publications/2018/not-digital-transformation-without-digital-culture
  2. https://www.mckinsey.com/business-functions/organization/our-insights/unlocking-success-in-digital-transformations
  3. https://www.russellreynolds.com/en/Insights/thought- leadership/Documents/Culture%20as%20Key%20Factor%20in%20Industrial%20Digital%20Transformation.pdf
  4. https://blog.udemy.com/4-key-leadership-skills-to-drive-your-digital-transformation/
error: Nội dung đã khóa !!