Tri thức là chìa khóa phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa. Con người sẽ tạo ra sự khác biệt khi công nghệ ngày càng đột phá. Tri thức của các cá nhân sẽ tạo ra lợi nhuận và sức sáng tạo hình thành ưu thế vượt trội cho doanh nghiệp. Đọc là phương pháp tiếp thu và phát triển vốn kiến thức, năng lực bản thân hiệu quả cho các cá nhân. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tế, văn hóa đọc trong doanh nghiệp Việt hiện nay chưa được phát triển. Đa phần hoạt động xuất phát từ thói quen, sở thích, ý thức của cá nhân. Do vậy, sự phát triển chưa được đồng đều, văn hóa đọc chưa được lan tỏa đến toàn bộ tổ chức.
Chính phủ đã có Quyết định số 329/QĐ-TTg trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đọc với sự phát triển tri thức và kinh tế đất nước. Đặt trong môi trường doanh nghiệp, đã đến lúc lãnh đạo doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào phát triển năng lực, kiến thức nhân sự thông qua việc đào tạo và hình thành văn hóa đọc trong tổ chức. Đây là vấn đề thách thức đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có kế hoạch và cơ chế xây dựng. Trong đó vai trò đến từ hai phía doanh nghiệp và đội ngũ.
VĂN HÓA ĐỌC GẮN VỚI QUẢN TRỊ TRI THỨC
Văn hóa đọc thúc đẩy phát triển năng lực tổ chức
Ruterana, P. C. (2012) đề cập định nghĩa văn hóa đọc là “một mô hình tích hợp của các hành vi đọc, thực hành, niềm tin, nhận thức và kiến thức.” Nhìn chung, Văn hóa đọc là một trong những tài sản quý giá, thúc đẩy sức mạnh tư duy của con người nhằm tạo ra những sáng tạo mới, phát triển tài năng cá nhân.
Văn hóa đọc tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp dựa trên nền tảng năng lực của đội ngũ và các nhà lãnh đạo. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp, để trở thành một nhà lãnh đạo, quản trị giỏi ngoài những yếu tố như tài năng, ý chí, sự nhạy bén, bản lĩnh thì bồi đắp kiến thức thông qua đọc sách và nhiều hình thức khác. Đối với nhân sự, đọc tài liệu và sách là hình thức nâng cao vốn hiểu biết, hoàn thiện năng lực áp dụng vào công việc hiệu quả.
Fullan (2001) cho rằng văn hóa không thể bị kiểm soát nhưng nó có thể được hiểu và dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo. Lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong xây dựng văn hóa học hỏi, vừa là hình mẫu học tập cho nhân sự, vừa tạo ra động lực, hình thành chính sách thúc đẩy văn hóa này trong tổ chức.
Văn hóa đọc gắn với quản trị tri thức
Quản trị tri thức là vấn đề lớn trong doanh nghiệp, quyết định năng lực tổ chức. Quản trị tri thức là quá trình nắm bắt, lưu trữ, chia sẻ và quản lý hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức tổng thể của đội ngũ nhân sự.
Văn hóa đọc là một mắt xích quan trọng trong quản trị tri thức. Bởi điểm then chốt trong quản trị tri thức là các cá nhân tự trau dồi và hình thành những vốn kiến thức riêng. Vốn kiến thức làm giàu thông qua đọc các sách kiến thức chuyên môn, đọc tài liệu nước ngoài. Việc đọc không chỉ giúp tiếp nhận thông tin mới mà còn giúp rèn luyện tư duy phản biện, chắt lọc những kiến thức hữu ích, có khả năng áp dụng. Đồng thời giúp tăng khả năng liên tưởng và tổng hợp.
Mô hình SECI (Nonaka, 1994) là khung khái niệm nổi tiếng nhất để hiểu các quá trình tạo ra tri thức trong các tổ chức. Mô hình này đề cập đến tiến trình hình thành vốn tri thức của tổ chức thông qua việc biến tri thức ẩn của các cá nhân thành tri thức hiện. Văn hóa đọc là cách thức giúp các thành viên làm giàu tri thức ẩn của riêng mình. Một doanh nghiệp nuôi dưỡng văn hóa ở đó các cá nhân đều có khả năng đọc, bổ sung kiến thức sẽ tạo ra vốn tri thức lớn. Những tri thức này sẽ được cụ thể hóa thành kết quả là các sáng kiến, giải pháp, kết quả công việc.
THÁCH THỨC XÂY DỰNG VĂN HÓA ĐỌC
Văn hóa đọc là cần thiết với sự phát triển đất nước nói chung, và trong bối cảnh doanh nghiệp nói riêng. Những lợi ích từ việc đọc và học là rõ ràng trong tăng trưởng của doanh nghiệp, song vẫn có những rào cản, thách thức mà các nhà lãnh đạo cần giải quyết để hình thành văn hóa đọc trong doanh nghiệp.
Thứ nhất, áp lực công việc lớn. Doanh nghiệp đối mặt với thách thức từ thị trường, đối thủ và mục tiêu tăng trưởng. Điều này đặt áp lực lên nhân sự trong việc hoàn thành những chỉ tiêu công việc đặt ra. Khi thể chất và tinh thần đặt trong áp lực, không ở trạng thái tốt thì việc tiếp thu, đọc thêm những kiến thức mới là khó khăn. Doanh nghiệp cần tạo động lực và khoảng trống thời gian để các cá nhân phát triển thói quen đọc sách.
Thứ hai, thói quen và văn hóa đọc của người Việt vẫn còn thấp. Theo thống kê Cục Xuất bản Việt Nam tính đến năm 2019, mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách. Trong một khảo sát khác của Dân Trí, 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua. Có thể thấy thói quen và hành vi đọc sách vẫn còn hạn chế tạo thách thức cho các nhà lãnh đạo khi hình thành văn hóa đọc cho đội ngũ. Điều quan trọng là xây dựng thói quen qua thời gian cho đội ngũ.
Thứ ba, thiếu chính sách phù hợp và lựa chọn tài nguyên sách. Doanh nghiệp đối mặt với truyền thông tạo phong trào và có những chính sách để khuyến khích việc đọc sách cho cán bộ nhân viên. Thêm vào đó, doanh nghiệp vẫn còn trong tình trạng thiếu các đầu sách thật sự phù hợp nhu cầu tìm hiểu của nhân sự. Bởi hiện tại đầu sách trên thị trường là khá lớn, thấu hiểu nhu cầu của các cấp độ nhân sự là chìa khóa lựa chọn đầu sách phù hợp, tạo sự hứng thú cho đội ngũ.
CƠ CHẾ XÂY DỰNG VĂN HÓA ĐỌC TRONG TỔ CHỨC
Thách thức đặt ra là vấn đề doanh nghiệp thường xuyên gặp phải khi tiếp cận hình thành văn hóa học. Giải quyết thách thức và xây dựng văn hóa đọc bền vững trong tổ chức đòi hỏi kế hoạch hệ thống với sự phối hợp chặt chẽ từ hai phía lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự. Trong đó, vai trò các nhà lãnh đạo là trọng tâm trong giai đoạn đầu để khuyến khích và nuôi dưỡng thói quen này cho đội ngũ. Cơ chế xây dựng văn hóa đọc tập trung vào những trọng tâm chính.
Thay đổi nhận thức về học tập và phát triển kiến thức
Một trong những thách thức đã nêu ở trên là áp lực công việc lớn tác động đến tâm lý nhân sự. Nếu không có cách tiếp cận tốt, việc đọc sách sẽ trở thành một áp lực nữa với nhân sự, như là một nhiệm vụ mà họ phải hoàn thành. Điều này sẽ làm suy giảm động lực và ảnh hưởng sự cam kết của nhân sự với tổ chức. Do vậy, điều quan trọng bước đầu là doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức của đội ngũ về học tập và phát triển kiến thức chuyên môn trong tổ chức. Sự thay đổi nhận thức giúp nhìn nhận việc học tập theo nhiều hình thức khác nhau không phải là gia tăng áp lực, thêm công việc mà là hình thức để các cá nhân phát triển. Điều này đòi hỏi có các chính sách và hoạt động truyền thông thúc đẩy tinh thần học tập trong tổ chức.
Truyền thông bắt đầu từ phía lãnh đạo, sẽ có những buổi trao đổi nội bộ, truyền đạt tầm quan trọng, mục đích của văn hóa đọc và phát triển năng lực cá nhân đến nhân sự. Lãnh đạo tạo tinh thần học tập thông qua định kỳ tổ chức chương trình đào tạo phát triển nhân viên. Điều này giúp đội ngũ làm quen với việc học tập và trau dồi bên cạnh hoạt động công việc thường nhật. Đồng thời, các nhà lãnh đạo nên có thêm chính sách về khoảng thời gian cố định để nhân sự sinh hoạt, đọc sách. Về phía nhà quản lý, đội ngũ quản lý định kỳ sẽ có buổi huấn luyện cho đội ngũ, chia sẻ kinh nghiệm và đầu sách hay cho các nhân sự trong nhóm/phòng ban biết đến.
Nhìn chung, nhiệm vụ đầu tiên hướng đến thay đổi nhận thức của ngũ, không xem việc đọc sách như là áp lực, công việc mà doanh nghiệp tăng thêm mà là hình thức đầu tư phát triển bản thân. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tạo ra tinh thần học tập trong tổ chức, giúp các thành viên làm quen với việc học tập và phát triển song song với hoạt động công việc.
Xây dựng không gian tri thức trong tổ chức
Nếu như truyền thông qua các cuộc họp của lãnh đạo sẽ tác động dẫn đến tư tưởng của đội ngũ. Xây dựng không gian tri thức sẽ tác động đến cảm xúc, giúp nhân sự cảm nhận rõ ràng hơn về sự học tập và phát triển. Nhân sự sẽ thấy sự đầu tư của doanh nghiệp để giúp bản thân phát triển, từ đó thúc đẩy động lực chung đến các thành viên. Xây dựng không gian tri thức bao gồm hai trọng tâm chính là lựa chọn không gian và mua những đầu sách phù hợp.
Không gian lựa chọn những vị trí yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ tạo cảm giác thư giãn cho nhân sự. Không gian này có thể có ở mỗi phòng ban khác nhau nếu quy mô doanh nghiệp lớn. Điều này là quan trọng tác động đến tâm lý của cá nhân, không gian này không chỉ là nơi đọc sách mà là nơi để thư giãn, trao đổi ý kiến và kiến thức. Thêm vào đó, doanh nghiệp lựa chọn tài nguyên sách đa dạng, dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu kiến thức của các cấp độ nhân sự trong tổ chức. Ví dụ với nhân sự quản lý họ có nhu cầu kiến thức về quản trị, đầu sách lãnh đạo, quản lý nhân viên, tư duy ra quyết định. Các doanh nghiệp có thể khảo sát nhu cầu của nhân sự về các thể loại sách, đầu sách họ mong muốn. Nhân sự cảm thấy được lắng nghe, khơi gợi nhu cầu và cảm nhận tinh thần học tập trong tổ chức.
Tổ chức các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc
Các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc là hình thức truyền thông nội bộ, nếu doanh nghiệp kiên trì với các hoạt động này sẽ hình thành thói quen học tập tốt với đội ngũ. Sau khi có không gian tri thức, doanh nghiệp thúc đẩy phong trào đọc sách thông qua các hoạt động được tổ chức định kỳ. Các hoạt động có thể kể đến như các cá nhân lựa chọn quyển sách tâm đắc và chia sẻ cho các thành viên, sẽ có những phần thưởng khuyến khích; tổ chức cuộc thi về sách, khám phá sách và ứng dụng trong doanh nghiệp. Về phía các nhà lãnh đạo, họ có thể tổ chức các buổi sinh hoạt nội bộ chia sẻ về những gì họ tâm đắc từ các quyển sách đọc gần đây. Điều này có ý nghĩa lớn, truyền cảm hứng đến đội ngũ, như là tấm gương cho nhân sự.
Những hoạt động vừa có tính tạo sự gắn kết và khuyến khích sự chia sẻ giữa các cá nhân, vừa có tính lan tỏa hình thành văn hóa đọc rộng rãi trong tổ chức. Những kiến thức khi chia sẻ cho người khác giúp các cá nhân nắm bắt được sâu hơn và có khả năng ghi nhớ tốt hơn.
Lãnh đạo cung cấp cơ hội áp dụng vào thực tiễn
Một yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng văn hóa đọc trong doanh nghiệp là kiến thức học được, cần có không gian để áp dụng. Điều này thúc đẩy động lực đọc, học tập và trau dồi kiến thức của đội ngũ. Các nhà lãnh đạo trao quyền cho đội ngũ và khuyến khích sự thử nghiệm trong công việc để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ.
Với đặc thù của doanh nghiệp Việt, việc thử nghiệm không được ưu tiên bởi tính rủi ro và có thể gây xáo trộn trong các hoạt động. Để cân bằng việc vừa tạo cơ hội cho nhân sự vừa có sự kiểm soát nhận định là vấn đề thách thức. Các nhà lãnh đạo có thể giới hạn những sự thử nghiệm trong những lĩnh vực và phạm vi nhất định. Ví dụ, trưởng phòng kinh doanh có sáng kiến mới về quy trình chăm sóc khách hàng tốt hơn sau khi có sự tìm hiểu trau dồi kiến thức qua sách, các nhà lãnh đạo có thể trao quyền cho họ triển khai trong khoảng thời gian nhất định, có báo cáo về cách thức và phản hồi kết quả.
Nhìn chung, văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa đọc là mắt xích quan trọng với quản trị tri thức trong tổ chức để hình thành vốn tri thức vững vàng, tạo ra năng lực doanh nghiệp. Các cá nhân có thể trau dồi thêm vốn hiểu biết, kiến thức chuyên môn, phát triển năng lực để đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc. Xây dựng văn hóa đọc đòi hỏi thời gian và kế hoạch rõ ràng tác động từ nhận thức và hình thành thói quen của đội ngũ. Vai trò của người lãnh đạo là dẫn dắt, khơi dậy tinh thần động lực học tập.
Nguồn tham khảo:
- Ruterana, P. C. (2012). The Making of a Reading Society: Developing a Culture of Reading in Rwanda. Linkoping, Linkoping University, 1(1), 63-69.
- Olasehinde, et al (2015). Promoting the Reading Culture towards Human Capital and Global Development
- https://thefutureofworkacademy.com/creating-a-reading-culture/
- https://tphcm.chinhphu.vn/binh-quan-mot-nguoi-viet-doc-1-quyen-sach-moi-nam-10118981.htm
- https://www.weareteachers.com/build-reading-culture/