THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DOANH NGHIỆP

Khi nhắc đến chuyển đổi số, hầu hết các nhà quản lý thường chỉ chú ý phần “số” mà bỏ qua phần “chuyển đổi”. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là việc mua công nghệ rồi áp dụng vào tổ chức là có thể cải thiện ngay được năng suất của doanh nghiệp. Nói cách khác, công nghệ không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của chuyển đổi số. Yếu tố nền tảng và trọng tâm của chuyển đổi số phải là năng lực tổ chức, chiến lược tổ chức, nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức linh hoạt và thích ứng nhanh trước những thay đổi không lường trước của môi trường kinh doanh.

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn tại các doanh nghiệp, tổ chức. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo.

Về cơ bản, Chuyển đổi số (Digital transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ và đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây, mô tả quá trình ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. 

Chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ các hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.

LỢI ÍCH CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp

Việc ứng dụng chuyển đổi số lại giúp doanh nghiệp phá bỏ bức rào ngăn cách giữa các phòng ban nhờ nền tảng kết nối số hóa đa chiều, đa chức năng giữa các bộ phận; giảm việc phụ thuộc vào nguồn nhân lực do hầu hết công việc đã được tự động hóa hoặc bán tự động.

Thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp

Với chuyển đổi số, chủ doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào mà không cần đợi nhân viên ngồi làm báo cáo qua email hay thống kê số liệu qua bản cứng.

Tối ưu năng suất làm việc của nhân viên

Ứng dụng chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp cộng hưởng và tối ưu năng suất làm việc của nhân viên. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Gia tăng chất lượng sản phẩm

Không thể phủ nhận rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hoạt động 24/7 và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế lỗi nhờ dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhân viên cũng có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chuyên môn và nghiên cứu cải thiện và tối ưu hơn giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.

Nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Không chỉ đem lại hiệu quả cao trong triển khai và vận hành tổ chức, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

NGUY CƠ TỪ VIỆC TRÌ HOÃN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đánh mất sự cập nhật

Tốc độ kỹ thuật số nhanh hơn gấp 5 lần so với cách kinh doanh truyền thống. Nếu không có sự hiện diện kỹ thuật số, doanh nghiệp rất dễ bị lạc trong một “biển” chiến lược di chuyển nhanh. 

Bất lợi cạnh tranh

Khi các công ty mới xuất hiện và phá vỡ một ngành công nghiệp, việc theo kịp là cần thiết và khả năng kỹ thuật số là cách tốt nhất để duy trì sự nhanh nhẹn. 

Không có khả năng thu thập số liệu phân tích chính

Dữ liệu người tiêu dùng cho phép các công ty điều chỉnh nội dung, tương tác trên các nền tảng quan trọng và liên tục tìm hiểu những gì hiệu quả và không hiệu quả. Nếu không có hiểu biết sâu sắc này, các công ty có thể mắc những lỗi chiến lược nghiêm trọng.

Rủi ro về thị phần

Các doanh nghiệp không phát triển và mở rộng sẽ khó giữ được thị phần. Ví dụ, Borders – nhà bán lẻ sách, tạp chí và âm nhạc nổi tiếng một thời không thể thích ứng với thị trường kỹ thuật số dẫn đến việc mất thị phần và cuối cùng là dừng hoạt động.

Cạnh tranh khốc liệt để giữ chân (và thuê) những nhân sự chất lượng

Nhân khẩu học lớn nhất trong lực lượng lao động hiện tại là thế hệ millennials, và thế hệ Z sẽ sớm xâm nhập. Cả hai thế hệ này đều lớn lên trong một thế giới kỹ thuật số. Do đó, khi được lựa chọn, các nhóm này sẽ có xu hướng chọn làm việc cho các công ty áp dụng chuyển đổi số hơn.

Cản trở tăng trưởng doanh thu

Thiếu hoạt động kỹ thuật số sẽ khiến tăng trưởng trở thành một thách thức. Ví dụ, sự suy giảm kéo dài hàng thập kỷ trong hoạt động kinh doanh dựa trên phim ảnh của Kodak đã kết thúc bằng việc phá sản do công ty đã không nhanh nhạy với sự thay đổi.

Không đạt được lợi thế học tập

Những người áp dụng công nghệ sớm sẽ có lợi thế học tập trong cạnh tranh. Thông qua thử nghiệm và học hỏi, các tổ chức có thể có được thông tin chi tiết tốt hơn, đồng thời cập nhật các sản phẩm và chính sách nhanh hơn so với những tổ chức không áp dụng phương pháp kỹ thuật số.

Chi phí tăng

Các nhà tiếp thị truyền thống biết rằng rất khó để cạnh tranh với tiềm năng của Internet khi nó giúp doanh nghiệp tiếp cận hàng nghìn người tiêu dùng và có thể theo dõi ROI một cách dễ dàng.

THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Không có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng

Tầm nhìn mơ hồ và không rõ ràng sẽ phát sinh sai lầm và vết nứt trong giai đoạn chuẩn bị , đồng thời khiến nhân viên có thái độ phản kháng với sự chuyển đổi. Tầm nhìn là ngôi sao dẫn đường, nếu ngôi sao không rõ ràng và sáng tỏ thì các rào cản sẽ xuất hiện từ bóng tối. 

Thiếu kinh phí 

Việc thiếu nguồn kinh phí cần thiết sẽ sinh ra lỗ hổng trong bất kỳ thay đổi hoặc chuyển đổi nào. Nó không nhất thiết chỉ là thiếu nguồn kinh phí trong những trường hợp chuyển đổi số theo định hướng dữ liệu, nó đơn giản là thiếu nguồn kinh phí phù hợp. 

Chọn sai người

Không có gì đáng ngạc nhiên khi xuất hiện con người trong các yếu tố cản trở. Những người được cho là cản trở là “những người thay đổi giả tạo”, hoặc những người “cản trở sự thay đổi”. 

Sai kỹ năng

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp theo định hướng dữ liệu sẽ cần những người có kỹ năng. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ cần tìm đúng người có kỹ năng phù hợp.

Không có văn hóa cho sự chuyển đổi hoặc không có văn hóa dữ liệu

Thiếu văn hóa cho sự chuyển đổi và thiếu văn hóa dữ liệu sẽ nhanh chóng trở thành rào cản ngăn chặn sự thành công của quá trình chuyển đổi số theo định hướng dữ liệu. Nếu tổ chức không được thiết lập, do thiếu sự lãnh đạo hoặc bị cản trở ở các cấp trung gian, kế hoạch chuyển đổi sẽ dần bị lãng quên. 

Chuyển đổi là công việc quá khó khăn cho tổ chức

Đầu tiên, tổ chức có thể đang bận rộn để sống sót đến nỗi không có thời gian hay tài nguyên cho việc chuyển đổi. Thứ hai là họ không nhận thức được, hoặc thậm chí không nhìn thấy các cơ hội của chuyển đổi số mang lại cho tổ chức của họ.

5 QUY TẮC XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ

1. Đánh giá tác động của chiến lược chuyển đổi số

Chiến lược kỹ thuật số tốt bắt đầu bằng sự hiểu biết phong phú về môi trường cạnh tranh và khả năng thay đổi của nó. Bởi vì các công nghệ mới có thể định hình lại hoàn toàn nền kinh tế kinh doanh, điều cần thiết là phải suy nghĩ thấu đáo về các tác động đối với tổ chức và hệ sinh thái rộng lớn hơn của khách hàng, nhà cung cấp và đối tác. Kỹ thuật số có thể kích hoạt những dịch vụ mới nào? Nó có thể trao quyền cho những đối thủ mới nào?

Một ví dụ điển hình là Domino’s Pizza. Ứng dụng di động hướng đến người tiêu dùng của Domino’s Pizza đã sắp xếp hợp lý các bước để đặt hàng và nhận một chiếc bánh pizza sao cho thật thuận tiện (và thu thập phản hồi của khách hàng). 

2. Đặt ra tham vọng cao

Các chiến lược kỹ thuật số thường thất bại vì nhà lãnh đạo có quá ít tham vọng. Kodak đã phát minh ra nhiếp ảnh kỹ thuật số và Blockbuster đã phát triển nền tảng phim trực tuyến trước cả Netflix. Tuy nhiên, họ đã ngần ngại trong việc thay đổi và bỏ lỡ các cơ hội để chuyển đổi số.

3. Đặt cược lớn

Trước tiên, hãy lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung vào cả lợi thế cạnh tranh và tạo giá trị. Hãy tự hỏi: Trong số tất cả các khó khăn của khách hàng và các vấn đề mà kỹ thuật số có thể giải quyết, những điểm nào có tiềm năng giá trị lớn nhất?

4. Xây dựng các “nội lực” mới

Một chiến lược kỹ thuật số đầy tham vọng chắc chắn sẽ đòi hỏi những khả năng mới và sự thay đổi văn hóa. Tổ chức cần xây dựng các “nội lực” chiến lược mới để bổ sung cho các điểm mạnh truyền thống của mình — và đảm bảo rằng cái mới và cái cũ làm việc cùng nhau một cách nhanh nhẹn và có sự phối hợp.

5. Quản trị chuyển đổi hiệu quả

Trong các ngành có công nghệ phát triển chậm hơn, các phương pháp phát triển chiến lược truyền thống từ trên xuống có thể vẫn phát huy tác dụng. Nhưng trong những ngành chuyển động nhanh hơn, khó dự đoán hơn, bạn sẽ cần một một phương pháp cân bằng sự liên kết chiến lược từ bên trên với cái nhìn sâu sắc về thị trường từ bên dưới.

QUY TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin, khoảng 15% doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số, 30% đã tìm hiểu và sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình chuyển đổi số này đi đúng hướng thì doanh nghiệp Việt cần xây dựng một chiến lược rõ ràng. Dưới đây là các bước gợi ý của OD CLICK nhằm giúp nhà lãnh đạo thực hiện quá trình số hóa hiệu quả nhất.

1. Thành lập Ban lãnh đạo chuyển đổi số

Điều đầu tiên phải làm trong quá trình chuyển đổi số là thành lập Ban lãnh đạo chuyển đổi số. Ban này có thể gồm một số giám đốc điều hành cấp cao hoặc thậm chí là thành viên của C-suite. Tố chất cần thiết của lực lượng này là phải hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số và sẵn sàng thay đổi.

2. Xác định mục tiêu

Doanh nghiệp cần có một chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số mạnh mẽ và có mục tiêu cụ thể. Mục tiêu, chiến lược rõ ràng sẽ là “ngôi sao Bắc Đẩu” soi chiếu quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

3. Lựa chọn công nghệ

Bước tiếp theo là tìm ra những công nghệ sẽ được sử dụng để đạt được các mục tiêu chuyển đổi số. Ví dụ, nếu công ty của bạn vẫn đang hoạt động bằng các quy trình dựa trên giấy tờ thì việc số hóa các quy trình đó sẽ giúp doanh nghiệp bạn tiết kiệm tiền, giảm thiểu sai sót, tăng năng suất và giúp quá trình của nhân viên dễ dàng hơn.

4. Thiết lập Quy trình kinh doanh mới

Sau khi đã lựa chọn được các công nghệ sẽ sử dụng, đã đến lúc tạo các quy trình kinh doanh mới mà nhân viên có thể sử dụng để làm việc hiệu quả hơn. Chuyển đổi nên diễn ra có kế hoạch với việc thử nghiệm ở một số quy trình nhỏ trong hoạt động kinh doanh công ty. Mục tiêu là để xem tác động của sự thay đổi ảnh hưởng thế nào đến hoạt động và văn hóa của công ty, từ đó có thể điều chỉnh trước khi áp dụng cho toàn bộ tổ chức.

5. Đào tạo đội nhóm

Trong một tổ chức, các nhân viên khác nhau sẽ có các cấp độ kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, việc đào tạo đội nhóm là điều cần thiết giúp toàn bộ nhân viên thích nghi với cách làm việc mới. 

6. Yêu cầu phản hồi

Quá trình chuyển đổi số yêu cầu tư duy nhanh nhẹn, phi tuyến tính và sẵn sàng lặp lại. Việc yêu cầu nhân viên phản hồi và đưa những ý tưởng để áp dụng vào thực tế là rất cần thiết. Ít nhất, đó là cách dễ dàng nhất để khuyến khích họ tham gia sâu hơn vào chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

KẾT LUẬN

Nói về chuyển đổi số, nhiều người thường cho rằng yếu tổ công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công và bộ phận phụ trách về công nghệ thông tin sẽ chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình này. Tuy nhiên, yếu tố con người mới chính là yếu tố quyết định sự thành bại của chuyển đổi số. Đội ngũ lãnh đạo chính là những người thúc đẩy nền văn hóa chuyển đổi số, văn hóa thay đổi và phát minh ra cái mới. Bên cạnh một chiến lược rõ ràng, việc truyền đạt thông tin hiệu quả tới từng bộ phận, từng nhân viên cũng rất quan trọng. Với sự ra đời của nhiều mô hình kinh doanh mới, chứa đựng nhiều cơ hội và rủi ro, các chiến lược cần được cập nhật liên tục và phát triển theo một cách phi tuyến tính để có thể bắt kịp được những thay đổi của các mô hình kinh doanh này. 

Hiểu được những thách thức mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, OD CLICK luôn nỗ lực hết mình để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên con đường tiếp cận và chinh phục chuyển đổi số. Là một doanh nghiệp tri thức, OD CLICK theo đuổi triết lý riêng về xây dựng tư duy chiến lược, hệ thống, sự đổi mới trong doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, bằng sự kết hợp hài hòa giữa tri thức quản trị hiện đại và tinh hoa văn hóa của người Việt Nam. OD CLICK đi tiên phong trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Chuyển đổi số thành công với ưu thế về về xây dựng chiến lược, văn hóa doanh nghiệp, phát triển tổ chức và tư duy lãnh đạo. Hơn nữa, bắt kịp với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, OD CLICK cũng tăng cường hợp tác với các công ty về công nghệ hàng đầu như MISA, Hyperlogy hứa hẹn sẽ đồng hành và thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số thành công trong các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh và thích ứng nhanh với những biến động từ môi trường kinh doanh đầy biến động.